Đau dạ dày khi mang thai: Những điều không thể bỏ qua cho mẹ bầu - Tuthuoc24h
Tra cứu thuốc chuẩn nhất
Trang chủ Cha Mẹ @ Mẹ Bầu

Đau dạ dày khi mang thai: những biểu hiện nhận biết và cách xử lý

Đau dạ dày khi mang thai đang là vấn đề mà rất nhiều bà bầu gặp phải. Vậy bệnh có nguy hiểm không và trong thời gian đặc biệt này thì mẹ bầu cần nên làm gì để xử lý tốt nhất, không gây ảnh hưởng đến thai nhi.

Đau dạ dày khi mang thai thường biểu hiện qua các triệu chứng như buồn nôn và nôn, ợ hơi, đi ngoài ra máu… chúng thường bị nhầm lẫn với các triệu chứng ốm nghén khi mang bầu. Cũng chính vì vậy mà các mẹ bầu thường chủ quan, không thăm khám kịp thời nên dễ gây ra các vấn đề không mong muốn. Vậy dựa vào đâu để có thể nhận biết sớm được bệnh này và cách xử lý ra sao. Cùng tham khảo những thông tin được gợi ý trong bài viết dưới đây các mẹ nhé!

Những biểu hiện của đau dạ dày khi mang thai qua từng giai đoạn của thai kỳ:

Một chu kỳ thai bình thường kéo dài khoảng 40 tuần từ ngày kinh nguyệt cuối cùng đến lúc em bé chào đời. Quá trình này thường được chia thành 3 giai đoạn, gọi là 3 tháng đầu, 3 tháng giữa  và 3 tháng cuối. Trong hầu hết các trường hợp, đau dạ dày là một phần của thai kỳ khi cơ thể thai phụ có nhiều thay đổi.

Tình trạng đau dạ dày khi mang thai theo từng giai đoạn thường bao gồm:

1. Đau dạ dày trong ba tháng đầu của thai kỳ:

Ba tháng đầu của thai kỳ bắt đầu từ lúc thụ thai đến tuần thứ mười hai của thai kỳ. Trong giai đoạn này, sự thay đổi nội tiết tố có thể gây ảnh hưởng đến hầu hết tất cả các cơ quan bên trong cơ thể, bao gồm kích thích dạ dày và gây đau dạ dày.

Các triệu chứng mang thai sớm ở giai đoạn này thường bao gồm:

  • Tăng hoặc giảm cân

  • Ngực sưng mềm, trong một số trường hợp đầu vú có thể bắt đầu nhô ra.

  • Ợ nóng hoặc trào ngược dạ dày thường xuyên.

  • Đau đầu.

  • Tâm trạng lâng lâng.

  • Có nhu cầu đi tiểu thường xuyên hơn.

  • Táo bón.

Trong ba tháng đầu của thai kỳ, đau dạ dày thường không phải là dấu hiệu nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu tình trạng này đi kèm các triệu chứng bổ sung khác như tiêu chảy, đi ngoài ra máu,… người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị chuyên nghiệp.

Trong trường hợp đau dạ dày khi mang thai ba tháng đầu kèm chảy máu nghiêm trọng hoặc rò rỉ máu kéo dài trong một giờ, người bệnh nên đến bệnh viện ngay lập tức. Đây có thể là dấu hiệu mang thai ngoài tử cung.

Mang thai ngoài tử cung có thể là tình trạng thai nhi phát triển bên ngoài tử cung. Tình trạng này thường phổ biến ở tuần thứ 5 đến tuần thứ 10 của thai kỳ. Thông thường, tình trạng này cần điều trị y tế và thai kỳ thường không thể tiếp tục.

đau dạ dày khi mang thai
Buồn nôn, ợ hơi là những triệu chứng của đau dạ dày khi mang thai

2. Đau dạ dày trong ba tháng giữa của thai kỳ:

Trong ba tháng giữa của thai kỳ, thai nhi bắt đầu ổn định và phát triển. Thai phụ có thể ít hoặc hoàn toàn không gặp tình trạng ốm nghén. Tuy nhiên, các cơn đau dạ dày hoặc cơn đau khác trong cơ thể có thể phổ biến hơn và khó chịu hơn.

Trong ba tháng giữa, phần bụng bắt đầu mở rộng và người mẹ có thể cảm thấy thai nhi đang di chuyển ở cuối giai đoạn. Bên cạnh đó, một số thay đổi khác có thể bao gồm:

  • Xuất hiện tình trạng đau dạ dày thường xuyên hơn hoặc đau ở đùi, lưng, háng hoặc bụng.

  • Đau nhói hoặc tê táy.

  • Vùng da xung quanh núm vú trở nên tối màu.

  • Da xung quanh má, môi, miệng và trán sẫm màu hơn xung quanh.

  • Ngứa ở da bụng, lòng bàn chân hoặc lòng bàn tay.

Đau dạ dày khi mang thai ba tháng giữa thường không phải là dấu hiệu nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu tình trạng này đi kèm xuất huyết ở âm đạo, có thể là dấu hiệu sẩy thai muộn.

Sẩy thai muộn (ở ba tháng giữa) thường không phổ biến, tỷ lệ khoảng 1%. Các dấu hiệu nhận biết thường bao gồm đau dạ dày dữ dội hoặc co thắt dạ dày và kèm theo tình trạng chảy máu dữ dội sau tuần thứ 12. Bên cạnh đó, sẩy thai muộn sẽ xảy ra trước tuần thứ 24 của thai kỳ.

3. Đau dạ dày ở ba tháng cuối của thai kỳ:

Ba tháng cuối của thai kỳ có thường dẫn các cơn đau dạ dày liên tục do thai nhi phát triển và gây áp lực lên các cơ quan nội tạng. Người mẹ cũng có thể cảm thấy khó thở hoặc cần đi tiểu thường xuyên hơn.

Các thay đổi vật lý ở cơ thể người mẹ có thể bao gồm:

  • Sưng mặt, má các chân và các ngón tay.

  • Co thắt dạ dày.

  • Bệnh trĩ.

  • Phần rốn có thể nhô ra.

  • Cảm nhận được em bé di chuyển thường xuyên hơn.

đau bao tử khi mang thai
Những cơn đau dạ dày thường xuất hiện liên tục trong 3 tháng cuối của thai kỳ

Đau dạ dày ở phụ nữ mang thai 3 tháng cuối thường là dấu hiệu sinh non hoặc chuyển dạ sớm. Xuất hiện dấu hiệu chuyển dạ không có nghĩa là người mẹ sẽ sinh con trong thời điểm đó. Trong một số trường hợp, dấu hiệu có thể không chính xác, nước ối có thể chưa vỡ và tử cung vẫn chưa mở.

Các dấu hiệu chuyển dạ sớm khác thường bao gồm:

  • Đau ở vùng bụng dưới hoặc đau vùng chậu.

  • Tiêu chảy.

  • Đau lưng.

  • Co thắt bụng nhẹ, thường xuyên.

  • Chuột rút.

  • Tử cung thắt chặt.

  • Vỡ nước ối.

Đau dạ dày dữ dội sau tuần thứ 37 là dấu hiệu thai phụ đang ở trong giai đoạn chuyển dạ. Do đó, nếu gặp các triệu chứng này, thai phụ nên đến bệnh viện ngay lập tức.

Tại sao mẹ bầu dễ bị đau dạ dày khi mang thai:

Tình trạng đau dạ dày ở mẹ bầu phổ biến hơn người bình thường cũng bởi những thay đổi lớn trong quá trình mang thai. Trong đó, một số lý do phải kể đến như sự phát triển của thai nhi ngày càng lớn khiến tử cung bị đẩy lên cao, vị trí của dạ dày theo đó cũng bị dịch chuyển nhẹ lên trên khiến thức ăn xuống dạ dày bị ứ đọng, khó tiêu và tạo áp lực, gây nên những cơn đau dạ dày âm ỉ hay dữ dội.

Bên cạnh nguyên nhân kể trên thì một số mẹ bầu nghén ăn đồ chua, thường xuyên ăn hoa quả hay những đồ ăn chua khiến gia tăng lượng acid, tác động đến dạ dày và gây đau. Những trường hợp này thì triệu chứng biểu hiện ợ hơi, ợ chua là điển hình nhất. Đây cũng là nguyên nhân mà nhiều mẹ bầu mắc phải.

Ngoài ra, tâm lý căng thẳng, lo âu, suy nghĩ quá mức của mẹ bầu cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến những cơn đau. Một số trường hợp đặc biệt, mẹ bầu bị đau dạ dày do sự xuất hiện của vi khuẩn HP nên cần lưu ý.

Đau dạ dày khi mang thai có ảnh hưởng như thế nào đến mẹ bầu?

Không chỉ đối với mẹ bầu mà tất cả mọi người khi mắc bệnh đều chịu những ảnh hưởng tiêu cực. Đau dạ dày cùng triệu chứng bệnh khiến mẹ bầu mệt mỏi, sức khỏe suy giảm, khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống. Đồng thời, khi hệ tiêu hóa và dạ dày gặp vấn đề thì chúng cũng tác động đến sự phát triển của thai nhi.

Bên cạnh đó, một số mẹ bầu đau dạ dày nôn nhiều khiến cơ thể bị mất nước, suy nhược. Một số trường hợp đau dạ dày gây biến chứng chảy máu dạ dày có thể nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi. Chính vì vậy, bị đau bao tử khi mang thai vô cùng nguy hiểm mà bạn nhất định đừng chủ quan.

Mang thai đau dạ dày có nên dùng thuốc hay không?

Theo khuyến cáo từ chuyên gia y tế thì mẹ bầu không tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc nào trong suốt quá trình mang thai mà chưa có sự chỉ dẫn từ bác sĩ. Bên cạnh những tác dụng phụ khi sử dụng thuốc đối với mẹ bầu thì chúng còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành và phát triển của thai nhi, cụ thể:

  • Trong 3 tháng đầu thai kỳ: Tim, cơ quan thần kinh, tay, chân,… của thai nhi bắt đầu hình thành. Chính vì vậy khi bị đau dạ dày khi mang thai 3 tháng đầu thì việc sử dụng thuốc có thể gây nên tác dụng phụ làm dị tật, quái thai hay nguy hiểm hơn là sảy thai nên mẹ bầu cần nhất định lưu ý.

  • Ở 3 tháng giữa thai kỳ: Có thể nói đây là giai đoạn mà thai nhi ít chịu ảnh hưởng bởi thuốc nhưng mẹ bầu cũng nên lưu ý không được chủ quan hay sử dụng bừa bãi các loại thuốc giảm đau dạ dày bởi một số hệ cơ quan như hệ thần kinh, hệ sinh dục ngoài đang có quá trình biệt hóa. Nếu sử dụng thuốc sai cách cũng gây nên những hậu quả khôn lường.

  • Ở 3 tháng cuối thai kỳ: Các cơ quan của thai nhi cơ bản đã hoàn thiện nhưng việc sử dụng thuốc có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi cũng như quá trình sinh nở của mẹ. Đây là lý do mà mẹ bầu đau dạ dày khi mang thai 3 tháng cuối cũng không nên sử dụng thuốc.

bị đau dạ dày khi mang thai
Các mẹ bầu không nên sử dụng thuốc trị đau dạ dày một cách tùy tiện

Các cách xử lý đau dạ dày khi mang thai:

Để chữa đau dạ dày cho bà bầu như thế nào mới hiệu quả mà không làm ảnh hưởng xấu đến mẹ và thai nhi? Đây là câu hỏi chung mà nhiều người tìm kiếm. Trong thời gian nhạy cảm này, thay vì sử dụng thuốc, mẹ bầu có thể làm giảm cơn đau bằng một trong số những cách dưới đây:

1. Điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý:

Đây là một trong những vấn đề quan trọng mà mẹ bầu nào cũng cần lưu ý, đặc biệt là những người thường xuyên gặp cơn đau dạ dày trong quá trình mang thai. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học không chỉ giảm đau dạ dày mà còn bảo vệ sức khỏe và tốt cho sự phát triển của thai nhi.

  • Phụ nữ mang thai bị đau dạ dày nên bổ sung các dưỡng chất đầy đủ và thực phẩm tốt cho dạ dày.

  • Chú ý ăn đồ mềm, ăn chậm, nhai kỹ.

  • Không nên ăn quá no hay quá đói mà nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày.

  • Nên ăn những món luộc, hấp thay vì đồ chiên xào nhiều dầu mỡ.

  • Tránh xa chất kích thích như: rượu, bia, café, …

  • Không ăn đồ cay, nóng hay thực phẩm chứa nhiều acid (điển hình là đồ chua) để không gây tổn thương cho dạ dày.

  • Thường xuyên ăn hải sản, điển hình là loại chứa kẽm để bổ sung dưỡng chất cho thai nhi cũng như giúp làm lành vết loét dạ dày nhanh chóng, tốt nhất.

  • Không vận động mạnh hay nằm ngay sau khi ăn,…

Thực hiện chế độ ăn uống khoa học là cách xử lý tốt nhất khi bị đau dạ dày. Đây là cách an toàn, không những không ảnh hưởng xấu đến thai nhi mà còn mang đến tác dụng tích cực, giúp mẹ bầu khỏe, thai nhi phát triển được tốt nhất.

2. Sinh hoạt, nghỉ ngơi, vận động khoa học:

Bên cạnh chế độ ăn uống thì sinh hoạt khoa học, vận động và nghỉ ngơi điều độ cũng là cách để giảm đau dạ dày cho mẹ bầu. Theo đó, nếu những cơn đau dạ dày thường xuyên xuất hiện, “làm phiền” đến bạn thì hãy thay đổi những thói quen xấu trong sinh hoạt, thay vào đó:

  • Ngủ đủ giấc (8 tiếng/ngày), nên ngủ trước 22 giờ và dậy không sớm hơn 5 giờ sáng.

  • Dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn thông thường.

  • Vận động nhẹ nhàng như yoga, thiền, đi bộ hay tập hít thở hàng ngày,…

  • Không sử dụng thuốc lá hay chất kích thích.

Đây không chỉ là bí quyết để giảm đau dạ dày cho mẹ bầu mà còn tăng cường sức đề kháng, bảo vệ sức khỏe và hỗ trợ mẹ bầu trong quá trình vượt cạn được thuận lợi. Vì vậy hãy chú ý đến thói quen sinh hoạt và điều chỉnh chúng sao cho khoa học nhé.

mang thai bị đau dạ dày
Vận động, nghỉ ngơi điều độ hợp lý giúp giảm đau dạ dày ở mẹ bầu

3. Hạn chế căng thẳng, lo âu:

Tâm trạng của mẹ bầu rất quan trọng, nếu thường xuyên lo âu, stress có thể dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm, thậm chí là trầm cảm sau sinh. Thay vì làm việc quá sức hay suy nghĩ quá nhiều thì mẹ bầu cần dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn cũng như duy trì tâm lý thoải mái, vui vẻ, tránh tối đa việc lo âu có thể dẫn đến đau dạ dày hay những ảnh hưởng tiêu cực khác.

dau da day khi mang thai co nguy hiem khong
Hạn chế lo âu, căng thẳng có thể giúp giảm những cơn đau dạ dày ở mẹ bầu

Đau dạ dày ở phụ nữ mang thai khi nào thì đi khám bác sĩ?

Thai phụ bị đau dạ dày nên đến bệnh viện nếu các triệu chứng không được cải thiện hoặc nếu bạn nhận thấy dấu hiệu chảy máu. Trong một số trường hợp thai phụ có thể bị chảy máu nhẹ kèm theo dịch tiết âm đạo. Ngoài ra, thai phụ cũng nên đến gặp bác sĩ nếu xuất hiện các cơn đau dạ dày hoặc co thắt trong một thời gian dài.

Đau dạ dày khi mang thai đôi khi có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Vì vậy nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, thai phụ nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Với những thông tin về vấn đề đau dạ dày khi mang thai: nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách xử lý được tuthuoc24h.net tổng hợp và cung cấp như trên hy vọng sẽ hữu ích dành cho các mẹ bầu. Chúc các mẹ luôn vui khỏe.

Tuthuoc24h

f