Tăng cân khi mang thai một cách hợp lý có thể giúp đảm bảo sự phát triển của thai nhi. Do đó, việc theo dõi cân nặng của phụ nữ khi mang thai là một trong những bước cực kỳ quan trọng vì có thể giúp theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe thai phụ. Đồng thời, có thể sớm điều chỉnh lại chế độ ăn uống của người mẹ khi cân nặng không nằm trong ngưỡng cho phép, từ đó hạn chế những ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ cũng như của bé trong suốt thai kỳ.
Mức tăng cân hợp lý cho các mẹ bầu
Sự tăng cân của phụ nữ trong thai kỳ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cân nặng thai nhi, nhau thai, nước ối, thể tích máu, mỡ, mô và dịch cơ thể .... Theo Tổ chức y tế thế giới, sự tăng cân trong thai kỳ sẽ được tính dựa vào chỉ số khối lượng cơ thể BMI của người mẹ trước khi mang thai.
Cân nặng bình thường (BMI từ 18,5 – 24,9): nếu trước khi mang thai BMI của bạn nằm trong khoảng này, thì khi mang thai bạn nên tăng từ 11,5 – 16kg, trong đó 3 tháng đầu tăng 0,5 – 2,5kg, thời gian còn lại mỗi tuần tăng khoảng 0,5kg là tối ưu cho thai nhi.
- Nhẹ cân (BMI < 18,5): trong trường hợp này bạn nên tăng 13 – 18kg.
- Thừa cân (BMI từ 25 – 29,9): bạn nên tăng 7 – 11,5kg.
- Béo phì (BMI > 30): trong trường hợp này bạn chỉ nên tăng 5 đến 9 kg mà thôi.
- Mang song thai: nếu mang song thai bạn nên tăng từ 17 – 24,5kg trong điều kiện trước mang thai cân nặng bạn đạt chuẩn, 14 – 23kg nếu bạn thừa cân và 11,5 – 19kg nếu bạn béo phì.
Những lưu ý về tiêu chuẩn tăng cân của mẹ bầu
Các mẹ bầu thường có quan niệm “ăn cho 2 người”, tuy nhiên các bác sĩ phụ sản khuyên không cần phải giữ quan niệm đó, chỉ cần ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, người mẹ cảm thấy ngon miệng và chỉ ăn vừa đủ. Không nên cố gắng ăn quá nhiều vì có thể khiến mẹ bị nôn ói hoặc tăng cân, béo phì.
Ngoài ra, mẹ bầu cần lưu ý tăng cân trong thai kỳ sẽ có sự khác nhau ở từng giai đoạn. Cụ thể:
Giai đoạn 3 tháng đầu:
Thông thường, ở giai đoạn 3 tháng đầu mẹ bầu chỉ tăng khoảng 1 – 1,5kg hoặc thậm chí là không tăng cân, sụt cân do giai đoạn này thường nghén và thai nhi cũng chưa cần nhiều dinh dưỡng để phát triển.
Do đó, trong 3 tháng đầu mẹ không cần ăn nhiều nhưng phải đảm bảo đủ dưỡng chất cung cấp cho thai nhi, đặc biệt là các khoáng chất, vitamin và axit folic để ngăn ngừa hình thành khiếm khuyết của thai nhi.
Ngoài ra, trong 3 tháng đầu mẹ bầu nên bổ sung thêm vitamin B6 và magie vì đây là những chất có thể giúp mẹ thoát khỏi tình trạng nôn ói, nhức đầu, chóng mặt .... do nghén gây ra.
Đau bao tử khi mang thai mẹ bầu phải làm sao?
Giai đoạn 3 tháng giữa:
Ở giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ, mẹ bầu có thể sẽ tăng từ 2 – 2,5kg/tháng. Tuy nhiên, nếu mức tăng cân trong giai đoạn này cao hơn 4kg/ 4 tuần thì thai phụ cần phải xem xét lại chế độ ăn. Trong những trường hợp này, bác sĩ thường sẽ tư vấn để thai phụ điều chỉnh lại chế độ ăn bằng cách giảm tinh bột, thức ăn ngọt, các loại trái cây, chất béo. Đồng thời bác sĩ cũng sẽ làm thêm xét nghiệm dung nạp đường để xem thai phụ có bị bệnh tiểu đường hay không.
Giai đoạn 3 tháng cuối:
Dù đang ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3 thì thai phụ cũng không nên để cân nặng vượt quá ngưỡng quy định, bởi nhiều nghiên cứu cho thấy, phụ nữ bị thừa cân béo phì nguy cơ dị tật thai nhi sẽ tăng lên gấp 4 lần so với người bình thường. Ngoài ra, cũng sẽ làm tăng những biến chứng trong suốt thai kỳ như tiền sản giật, đái tháo đường, sảy thai, sinh non. Trong lúc sinh cũng dễ xảy ra các biến cố như sản giật, nhau bong non, nhau tiền đạo, hoặc băng huyết sau sinh cũng sẽ tăng lên gấp nhiều lần hơn so với người có cân nặng bình thường.
Đối với thai nhi, trẻ có thể gặp phải các nguy cơ như thai to, thừa cân, bị sang chấn sau sinh (gãy xương đòn, ngạt thở, chấn thương sọ não), hoặc tụt đường huyết, hạ thân nhiệt ....
Như vậy, mức tăng cân trung bình ở giai đoạn này có thể bằng với giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ (tức từ 2 - 2,5 kg/tháng) hoặc cao hơn.
Làm sao để đảm bảo tiêu chuẩn tăng cân khi mang thai?
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu:
Bổ sung các dưỡng chất quan trọng cho cả mẹ và thai nhi trong suốt quá trình mang bầu: Muốn mẹ bầu khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện trong suốt thai kỳ, chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo cung cấp đủ các dưỡng chất thiết yếu, trong đó không thể thiếu những dưỡng chất đặc biệt quan trọng như:
- Ăn đủ 4 nhóm thực phẩm chính: gồm chất bột (gạo, mì, ngô, khoai…); chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, đậu đỗ…); chất béo (dầu, mỡ, vừng, lạc…); vitamin chất khoáng và chất xơ (rau có màu xanh và các loại quả chín…).
- Canxi: có nhiều các loại hải sản, trong sữa và các chế phẩm từ sữa.
- Axit folic: có nhiều trong gan động vật, rau xanh thẫm, súp lơ, đậu …
- Omega 3: có trong nhiều trong dầu oliu, hạnh nhân, cá hồi, quả việt quất …
- Protein, chất đạm: có nhiều trong các loại thịt, đậu, …
- Sắt: Tham gia quá trình tạo máu và vận chuyển oxy. Sắt giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu do thiếu sắt ở mẹ bầu. Sắt có nhiều trong gan lợn gà, lòng đỏ trứng gà, thịt bò (hoặc các loại thịt đỏ), các loại đậu đỗ …
- Kẽm: có nhiều trong cá, hải sản, thịt gia cầm và sữa.
- Nước: mẹ bầu cần uống ít nhất 8 ly khoảng 1,5 lít nước mỗi ngày.
Đảm bảo chế độ sinh hoạt và làm việc hợp lý:
- Phụ nữ mang thai nên làm việc theo khả năng của mình, không được làm việc quá sức.
- Tránh các công việc ở trên cao hoặc ngâm mình dưới nước. Trong khi làm việc, nên nghỉ giải lao hợp lý.
- Giai đoạn cuối của thai kỳ, bà bầu cần được nghỉ ngơi để lấy lại sức và con tăng cân.
- Nên vận động thật nhẹ nhàng bằng cách làm việc nhà vừa phải, không nên nghỉ ngơi thụ động một chỗ.
- Đảm bảo giấc ngủ mỗi ngày ít nhất 8 tiếng, nên ngủ trưa vừa đủ để phục hồi cơ thể.
- Giữ cuộc sống tinh thần thoải mái, tránh xảy ra căng thẳng, lo âu phiền muộn.
- Hạn chế đi xa, khi có việc ra ngoài, cần có người hỗ trợ.
Hy vọng bài viết trên sẽ giúp các mẹ xây dựng cho mình một chế độ tăng cân khi mang thai đúng cách và hợp lý. Đừng quá lo lắng các mẹ nhé, chỉ cần mẹ thực hiện tốt chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất với liều lượng hợp lý và luyện tập đều đặn là bé con trong bụng sẽ phát triển khỏe mạnh. Chúc các mẹ luôn vui khỏe.
Tuthuoc24h.net