Bí quyết dạy con tuyệt vời mà bố mẹ nào cũng đừng nên bỏ lỡ
Tra cứu thuốc chuẩn nhất
Trang chủ Cha Mẹ @ Dạy Con @

Bí quyết dạy con tuyệt vời mà bố mẹ nào cũng đừng nên bỏ lỡ

Ông bà ta vẫn thường hay có câu: Đẻ con thì đau đớn, chăm con thì cực khổ, nhưng tất cả không khổ bằng việc dạy con. Đúng vậy, ngày nay khi nền kinh tế ngày càng phát triển...

Ông bà ta vẫn thường hay có câu: “Đẻ con thì đau đớn, chăm con thì cực khổ, nhưng tất cả không khổ bằng việc dạy con”. Đúng vậy, ngày nay khi nền kinh tế ngày càng phát triển thì ba mẹ không chỉ dừng ở việc cho con cái ăn gì, mặc gì như trước nữa mà là làm sao để có thể thấu hiểu con cái, dạy chúng những điều chúng thật sự cần và tạo môi trường để trẻ phát triển tốt nhất. Đó cũng chính là những băn khoăn, trăn trở mà các ông bố bà mẹ thời nay quan tâm. Bài viết này sẽ gợi ý cho các bậc phụ huynh 8 bí quyết dạy con tuyệt vời, đó là những việc làm tuy đơn giản thôi nhưng nó sẽ giúp tạo cho trẻ một nền tảng tốt và hãy luôn nhớ rẳng:
“Mọi trẻ em khi sinh ra đều là thiên tài. Thế nhưng trong những giai đoạn bắt đầu tìm hiểu và học hỏi, những phương pháp nuôi dạy con sai lầm có thể giết chết cái chất thiên tài sẵn có trong các bé” Albert Einstein.

1.    Dành thời gian cho con trẻ

Các ông bố bà mẹ bây giờ hay lấy cái cớ là công việc quá bận rộn, không có thời gian dành cho con cái, ban ngày họ thường gửi con mình ở nhà trẻ, đi học trên trường, hoặc cho người giúp việc chăm nom, tối về họ lại ôm việc về nhà mà không dành thời gian cho con mình. Nhưng các bậc phụ huynh ơi, nó không mất quá nhiều thời gian đâu. Chỉ cần mỗi ngày dành ra ít nhất 10 phút để trò chuyện cùng con, đó là khoảng thời gian để mình quan tâm, thấu hiểu con mình nhất. Chúng ta có thể hỏi xem một ngày của con bạn đã trải qua như thế nào, chúng có những tâm tư, tình cảm gì muốn tâm sự cùng bố mẹ, hay đơn giản là có thành tích gì muốn khoe, ngày mai chúng dự định sẽ làm gì. Hãy thật sự đặt mình vào vị trí của con trẻ để lắng nghe một cách chân thành, hãy tắt điện thoại và quẳng hết công việc để cùng trao đổi và thấu hiểu tâm tư, tình cảm, những ước mơ của con. Thật tuyệt vời khi chúng ta có thể cùng con xây dựng những ước mơ đó, và tin chắc là trẻ cũng sẽ cảm nhận được tình yêu thương đó của cha mẹ, đó chính là cái nền tảng tốt phát triển tâm hồn của trẻ thơ. 

2.    Kiểm soát cảm xúc của chính cha mẹ trước

Ai cũng có những sai lầm, kể cả là người lớn chúng ta cơ mà. Tại sao lại đem những cảm xúc, thái độ tiêu cực áp đặt lên trẻ. Có thể là hôm nay con bạn bị điểm xấu trên trường, nói chuyện trong lớp, đánh nhau với bạn,… hoặc bất kỳ việc gì không tốt đi nữa, thì bạn trước hết hãy bắt đầu bằng cách làm dịu tình hình trước đi đã vì có thể con bạn cũng đang rất sợ khi bạn biết được chuyện đó. Hãy hít thở thật sâu và bình tĩnh tìm hiểu lý do sâu xa đằng sau sự việc ấy, phân tích và khéo léo lồng vào những bài học để con nhận ra lỗi sai của mình và tự mình khắc phục. Chỉ cần bạn thật sự thấu hiểu con mình thì việc dạy con sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

3.    Hãy yêu cầu trẻ làm theo khuôn khổ của bạn một cách khôn ngoan

Hãy dành cho con bạn những lời khen, những lời khích lệ thật đúng lúc. Chẳng hạn với hành động vẽ bậy trên tường nhà, thay vì bình thường việc đầu tiên các bậc phụ huynh sẽ làm là quát mắng con mình tại sao lại hư như vậy thì bây giờ chúng ta có thể suy nghĩ theo một cách tích cực hơn, hãy bình tĩnh lại và dành vài phút để thưởng thức xem bức tranh con mình đang vẽ là gì, dành cho chúng một vài lời khen, hỏi con về nội dung bức tranh, tạo điều kiện để 2 mẹ con trò chuyện, và sau đó có thể khéo léo nói với con là lần sau con có thể vẽ trên giấy thì sẽ dễ tẩy xóa hơn, đẹp hơn và không làm bẩn tường nữa. Chúng sẽ cảm thấy những hành động của mình được ba mẹ quan tâm, con trẻ sẽ hợp tác hơn.

4.    Hãy làm bạn với con mình

Bạn vẫn hay thường nghe con mình nói: “ Con không thích làm cái này, con không thích ăn món kia, hay quen thuộc nhất vẫn là con không thích đi học”. Thay vì trước kia mình hay lạm dụng quá vai trò làm ba mẹ, sẽ la chửi con, kêu con không đi học thì ở nhà dốt. Nhưng có khi nào bạn thật sự suy nghĩ là tại sao con mình lại không thích không, và làm sao giúp trẻ tìm lại hứng thú cho việc đó không, có thể con bạn không thích đi học vì lên trường bị bạn đánh, cô giáo đánh nhưng nó không dám nói với ba mẹ thì sao. Hãy là bạn của trẻ để trẻ có thể tự nhiên, cảm thấy an toàn khi trải lòng với bạn.

5.    Để trẻ thành thật với chính cảm xúc của mình

Chúng ta vẫn thường hay nghe nói các khóa học về Quản lý cảm xúc nhưng tại sao ở đây tôi lại đề cập đến việc là để trẻ thành thật với chính cảm xúc của mình. Thực chất hai điều này không hề trái ngược nhau, để có thể quản lý cảm xúc của mình tốt thì trước hết mình phải biết được cảm xúc lúc đó của mình là gì để lần sau mình có thể điều chỉnh nó tốt hơn. Ví dụ cảm xúc lúc đó của con bạn là đau đớn và tức giận thì trước tiên hãy dành một ít thời gian để đồng cảm với trẻ về cái nỗi đau mà trẻ đang phải chịu đó, đây là lúc mà con bạn cần sự đồng cảm từ bạn nhất. Để nó cảm thấy là bạn đang hiểu nó, rồi từ từ phân tích, khuyên bảo con nó sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

6.    Cố gắng giữ cho trẻ luôn vui vẻ, tươi cười


Hãy để trẻ làm những việc mình thích những vẫn đảm bảo là trong mức độ cho phép, thời gian rảnh thì có thể vui chơi cùng con để tạo cho con những khoảng thời gian vui vẻ nhiều nhất có thể, vì những đứa trẻ mà cười càng nhiều thì nó càng lạc quan, yêu đời hơn rất nhiều. 

7.    Không tấn công trực tiếp với con

Sao tôi lại đề cập đến vấn đề này, vì tình trạng cha mẹ bất đồng quan điểm với con cái thì hầu hết gia đình nào cũng đã xảy ra. Nhưng đừng vì một chút nóng giận mà ta đã có những hành động, những lời nói làm tổn thương đến những người mà ta yêu thương nhất. Chúng sẽ luôn nhớ đến những điều đó và có thể từ đó sẽ làm cho mối quan hệ ba mẹ và con cái trở nên xấu đi. Hãy chủ động gợi mở ra các cuộc nói chuyện khác khi cả hai bình tĩnh hơn, và đặc biệt hãy đặt mình vào vị trí của nhau để có thể hiểu con hơn và giải quyết vấn đề tốt hơn.

8.    Hãy để trẻ thỏa sức đam mê sáng tạo của mình


Hãy để trẻ được thỏa sức làm những điều mình thích, khuyến khích học các môn nghệ thuật để phát huy sức sáng sạo của con. Hãy là cha mẹ luôn thấu hiểu con mình, đừng có ngăn cản những niềm đam mê có thể nghe viễn vông nhưng đó là tất cả những điều con mình muốn thì đều xứng đáng cả.

Tóm lại, qua bài viết trên tôi muốn cho các bậc phụ huynh thấy một cái nhìn mới trong cách dạy con, không phải dạy con là cứ phải la mắng chúng, bắt chúng làm theo những điều mình muốn, người khác muốn thì mới được dán cái mác là “Con ngoan” mà hãy thực sự dành thời gian để hiểu con, trò chuyện cùng con và làm bạn với con mình. Hãy là các bậc phụ huynh thật sự thấu hiểu mà con bạn mong muốn. 

TuThuoc24h.net