Nếu bạn hay bị choáng váng hay chóng mặt, nguyên nhân có thể là triệu chứng của bệnh lý nghiêm trọng, phản ứng với thuốc.... Trước tiên hãy đi bác sĩ kiểm tra sau đó có thể thử một số cách chữa trị đơn giản dưới đây.
Chóng mặt là gì?
Chóng mặt không phải là bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau. Chóng mặt thường được mô tả là cảm giác choáng váng, mọi vật xung quanh quay vòng, hoặc chính bản thân người bệnh quay vòng, đồng thời kèm theo cảm giác mất cân bằng.
Chóng mặt có thể được điều trị hiệu quả tùy thuộc vào nguyên nhân, nhưng vấn đề là triệu chứng này có thể tái phát. Trong hầu hết các trường hợp, chóng mặt không mang tính nghiêm trọng và thường sẽ hết nếu căn nguyên được chữa khỏi. Tuy nhiên, nếu chóng mặt ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn, bạn có thể uống một số loại thuốc để làm giảm chóng mặt.
Những triệu chứng của chóng mặt
Chóng mặt thường là triệu chứng của một căn bệnh nào đó. Các triệu chứng thường đi kèm là:
- Đầu óc quay cuồng hoặc cảm thấy mệt mỏi,
- Đứng không vững hay cảm giác mất thăng bằng,
- Cảm giác bồng bềnh,
- Đau đầu chóng mặt,
- Chóng mặt buồn nôn.
Những dấu hiệu này sẽ làm người bệnh cảm giác buồn nôn, nôn mửa, đổ mồ hôi nhiều, đôi khi mắt chuyển động bất thường, ù tai và giảm cảm giác. Chóng mặt thường không kéo dài lâu mà sẽ biến mất trong vài phút, giờ hoặc cả ngày.
Nguyên nhân dẫn đến chóng mặt
Do thay đổi tư thế đột ngột
Chứng chóng mặt xuất hiện khi bạn đứng lên, ngồi xuống hoặc chuyển đổi tư thế đột ngộtcòn gọi là chóng mặt kịch phát lành tính do tư thế. Tình trạng này xảy ra khi bạn thay đổi tư thế quá nhanh từ đứng sang ngồi chẳng hạn, máu đang dồn xuống bụng và các chi dưới sẽ không cung cấp lên não kịp sẽ dẫn đến tình trạng này.
Rối loạn tiền đình
Tình trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: viêm dây thần kinh số 8 bởi virút, do thoái hóa, do viêm tai giữa, v.v. Rối loạn tiền đình sẽ gây ra triệu chứng chóng mặt quay cuồng rất dữ dội, có thể kèm buồn nôn, nôn, da xanh tái.
Huyết áp thấp
Nếu cơn chóng mặt thường xuyên xuất hiện, đi kèm những triệu chứng như thở dốc khi vận động, khó thở…thì đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc phải bệnh huyết áp thấp. Khi huyết áp thấp, máu sẽ không được cung cấp đầy đủ đến não bộ, gây nên đứng không vững, choáng váng.
Thiếu máu, tuần hoàn máu kém
Nếu bạn bị thiếu máu, cơ thể bạn không nhận được đủ máu giàu oxy gây cảm giác mệt mỏi, khó thở, chóng mặt, xanh xao, hay nhức đầu. Thiếu máu có thể xuất phát từ chế độ ăn uống thiếu chất lâu ngày, phụ nữ bị rong kinh, người bị nhiễm giun sán…
Làm việc căng thẳng
Tình trạng chóng mặt có thể xảy ra khi đầu óc bị căng thẳng, hoặc phải tập trung làm việc trên máy tính trong thời gian dài.
Để ngăn chóng mặt do căng thẳng lâu dài cần thường xuyên tập thể dục, giảm uống rượu bia và chất kích thích như cà phê. Người bệnh có thể tập thiền, tập hít thở sâu để giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng sống.
Tập thể dục quá mức
Khi bạn tập luyện quá mức, việc tiêu thụ năng lương và chuyển hóa oxi tăng gấp nhiều lần so với bình thường. Thế nhưng, tim bạn không thể bơm đủ máu đến các cơ bắp cũng như não bộ, dẫn đến tình trạng hụt oxy, gây ra tình trạng mất sức, lúc này chóng mặt là điều khó tránh khỏi.
Mất ngủ
Việc thức quá khuya và ngủ không đủ giấc cũng là thủ phạm khiến cơn chóng mặt ghé thăm bạn bất ngờ.
Những phương pháp dùng để trị chóng mặt
Uống thuốc
Sử dụng một số loại thuốc giảm chóng mặt như thuốc kháng histamine, thuốc kháng cholinergic, các miếng dán chứa scopolamine,
Thuốc chống buồn nôn,
Thuốc chống lo âu như diazepam (Valium), alprazolam (Xanax),
Thuốc ngừa cơn đau nửa đầu.
Các loại trà thảo mộc nên sử dụng ngăn chặn tình trạng chóng mặt
Trà gừng
Gừng là nguyên liệu thường được người dân châu Á dùng chế biến món ăn cũng như hỗ trợ tiêu hóa, trị rối loạn dạ dày, tiêu chảy và buồn nôn hơn 2.000 năm qua.
Trong một nghiên cứu năm 1982, các nhà nghiên cứu tại Đại học Brigham Young và Cao đẳng Mount Union ở Ohio đã chứng minh bột củ gừng có công dụng tốt hơn so với dramamin trong điều trị buồn nôn và chóng mặt do say sóng.
Để điều trị triệu chứng chóng mặt, hãy thử cho nửa thìa cà phê bột gừng vào tách trà hoặc nước nóng. Tác dụng sẽ bắt đầu có trong vòng nửa giờ và kéo dài tới 4 giờ.
Dấm táo
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng dấm táo có thể giúp kiểm soát lượng đường huyết, ngăn chặn sự lên xuống thất thường dẫn đến cảm giác chóng mặt. Phần lớn mọi người uống một hoặc hai thìa canh hàng ngày, pha với một ly nước. Tuy nhiên, bạn có thể muốn bắt đầu ít hơn và xem tác dụng của nó như thế nào.
Để điều trị triệu chứng chóng mặt, hãy thử cho nửa thìa cà phê bột gừng vào tách trà hoặc nước nóng. Tác dụng sẽ bắt đầu có trong vòng nửa giờ và kéo dài tới 4 giờ.
Cúc thơm
Cúc thơm là loại thảo dược có tác dụng chữa chứng đau nửa đầu, cũng như các chứng bệnh khác như chóng mặt, buồn nôn và cải thiện lưu thông máu. Nhai một vài cánh hoa cúc thơm tươi khi bạn thấy đau đầu hoặc ngâm một thìa cúc khô
và lá bạc hà vào nước ấm từ 15 – 20 phút rồi uống để chữa bệnh.
Mật ong
Loại đường thiên nhiên này cung cấp năng lượng cho cơ thể và giúp ngăn ngừa giảm lượng đường trong máu, có tác dụng chống lại bệnh chóng mặt. Để thực hiện bạn cần làm theo hướng dẫn đơn giản sau:
Trộn hai thìa mật ong với hai thìa dấm táo vào cốc nước nóng hoặc lạnh. Uống hai lần mỗi ngày.
Hoặc bạn có thể trộn một thìa mật ong với nước chanh hoặc một cốc nước ấm rồi uống ngay lập tức khi thấy chóng mặt.
Một số bài tập trị liệu ở nhà
Hít thở sâu
Hít thở sâu là một cách tốt nhất để chống lại bệnh chóng mặt vì nó cung cấp thêm lượng oxy cần thiết cho não, giúp thư giãn hệ thống thần kinh và giảm chóng mặt.
Để thực hiện bạn làm theo các bước sau:
- Ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái, đặt một tay lên bụng, ngón cái tay kia đặt lên một lỗ mũi, miệng khép.
- Hít vào thật chậm bằng một bên mũi đến khi không khí đầy khoang bụng. Giữ hơi thở trong buồng phổi bằng cách lấy ngón tay bịt nốt lỗ mũi còn lại và chu môi ra.
- Sau 2 đến 3 giây, thở ra chậm rãi, giải phóng toàn bộ khí trong bụng. Lặp lại 10 lần động tác này rồi ngồi yên lặng trong 5 phút để tránh bị chóng mặt lại.
Xoa bóp bấm huyệt
Bạn có thể bấm huyệt để thư giãn và tự điều trị. Nhưng mát-xa sẽ dễ chịu hơn và là một trong những biện pháp khắc phục tại nhà khi bị chóng mặt.
Theo Mayo Clinic, cảm giác lo lắng có thể gây ra chóng mặt, do đó các hoạt động thư giãn giúp trấn tĩnh có thể điều trị chóng mặt. Mát-xa nhẹ nhàng với tinh dầu hoa oải hương có thể giúp ích nếu bạn đang cảm thấy lo lắng.
Chọn một điểm tập trung
Khi thấy căn phòng bắt đầu chao đảo, bạn hãy dừng việc đang làm và chọn một đồ vật đứng yên như đồng hồ treo tường hoặc một đồ nội thất nào đó để tập trung. Không cử động sẽ giúp huyết áp của bạn bình thường, và bắt mình tập trungvào thứ gì đó đứng yên sẽ làm giảm buồn nôn và rối loạn thị giác liên quan đến chóng mặt.
Các lưu ý trong chế độ sinh hoạt
Những thực phẩm nên được bổ sung
Dùng thực phẩm giàu vitamin C
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Y khoa Hiroshima (Nhật Bản) cho biết, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu vitamin C có thể điều trị bệnh Meniere (có liên quan đến chứng chóng mặt) rất hiệu quả.
Thực phẩm giàu vitamin là cách chữa trị tuyệt vời tại nhà cho người bị chóng mặt. Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Acta Oto-Laryngologica, các nhà nghiên cứu thấy rằng những bệnh nhân bị nôn nao và chóng mặt sẽ có ít triệu chứng hơn khi họ ăn khẩu phần giàu vitamin C.
Một số thực phẩm dồi dào vitamin C như trái cây họ cam quýt, sơ ri, dâu tây, xoài, kiwi, ớt chuông, cà chua, bông cải xanh, bắp cải, khoai lang, củ cải trắng, đu đủ, dứa và rau lá màu xanh đậm.
Dùng thực phẩm giàu vitamin B6
Vitamin B6 là dưỡng chất rất cần thiết trong quá trình cơ thể tổng hợp protein và chuyển hóa tế bào máu đỏ. Bên cạnh đó, nó còn kích thích hệ thần kinh và hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả. Thực nghiệm cho thấy, vitamin B6 có thể cải thiện chứng chóng mặt và buồn nôn, đặc biệt là chóng mặt do tác dụng phụ khi dùng thuốc uống trị bệnh.
Để bổ sung vitamin B6, bạn nên ăn các loại thực phẩm như ngũ cốc, thịt gà, thịt heo, cá hồi, cá ngừ, bơ đậu phộng, các loại đậu, chuối, quả óc chó, cải bó xôi và quả bơ.
Nước
Là thành phần quan trọng giúp cho các cơ quan trong cơ thể hoạt động tốt hơn. Nếu thời tiết nóng bức và bạn cảm thấy chóng mặt và đau đầu, nhiều khả năng cơ thể của bạn đang trong tình trạng mất nước. Vì vậy, mỗi ngày nên bổ sung từ
2-2,5 lít nước (tương đương với 8 ly) để cân bằng cơ thể.
Với những người thường xuyên tập luyện thể thao thì việc uống nhiều nước rất quan trọng, đặc biệt khi cảm thấy đuối sức hay mệt mỏi trong và sau khi tập luyện. Hơn nữa, nước sẽ giúp cơ thể bạn bài tiết các độc tố (nguyên nhân làm đau đầu và chóng mặt) một cách dễ dàng.
Những thực phẩm kiêng dùng
Ăn quá mặn
Mặc dù muối natri rất cần thiết cho sức khỏe, nhưng nếu tiêu thụ quá nhiều muối sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim, suy thận và chóng mặt.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, không nên tiêu thụ quá 2-3 g muối mỗi ngày. Bạn nên hạn chế ăn các loại thức ăn nhanh chứa nhiều muối như khoai tây chiên, bánh quy giòn, nước sốt cà chua, thịt nguội, xúc xích và thịt xông khói.
Ăn nhiều đường
Dùng thức ăn và đồ uống chứa nhiều đường cũng là lý do khiến tình trạng chóng mặt kéo dài. Do đó, Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo chúng ta chỉ nên tiêu thụ đường mỗi ngày ở mức 6 muỗng cà phê (đối với nữ) và 9 muỗng cà phê (đối với nam) là an toàn cho sức khỏe.
Ngoài ra, bạn cũng nên dùng thêm ngũ cốc nguyên hạt, hoặc sữa ít chất béo để ngăn chặn sự mất cân bằng lượng đường trong máu.
Uống rượu bia và cà phê
Nồng độ cồn trong rượu bia và chất caffeine trong cà phê cũng là những chất kích thích góp phần làm tăng thêm chứng buồn nôn, chóng mặt và đau đầu. Vì thế, bạn nên tránh dùng những loại thức uống này để nhanh chóng “chào tạm biệt” chứng hoa mắt, chóng mặt và đau đầu, theo khuyến cáo từ các nhà khoa học trường đại học Y tế trung tâm Maryland (Mỹ).
Duy trì một số thói quen tốt sau
Uống nước trước khi ăn
Uống đủ nước là rất cần thiết. Và theo nghiên cứu được báo cáo trên tờ The Havard Health Letter, ăn uống có thể dẫn đến tụt huyết áp, thường đi kèm với cảm giác chóng mặt và choáng váng. Được gọi là tụt huyết áp sau bữa ăn, có thể làm giảm tình trạng này bằng cách uống một cốc nước 15 phút trước khi ăn, một trong những cách chữa trị chóng mặt tại nhà đơn giản.
Tránh tắm nước nóng
Trong khi hầu hết chúng ta thích tắm nước nóng hơn, song thay đổi nội tiết khiến phụ nữ mang thai có thể dễ bị chóng mặt do nhiệt độ cao.
Theo Hướng dẫn thai nghén của Bệnh viện Mayo, những hoóc-môn này gây giãn mạch để tăng lượng máu đến em bé, có thể làm giảm huyết áp. Đó là lí do thai phụ có thể dễ bị chóng mặt.
Để giữ huyết áp không bị tụt thấp hơn, các mẹ bầu không nên tắm bồn hoặc tắm vòi sen nước nóng, mà nên tắm với nước gần với nhiệt độ cơ thể hơn. Bạn sẽ cảm thấy ấm áp và nhẹ nhàng mà không bị nóng.
Tóm lại, chóng mặt không phải là bệnh mà là triệu chứng của một bệnh nào đó. Vậy nên, nếu bạn thường xuyên bị chóng mặt, tốt nhất nên đi gặp bác sĩ để có phương pháp điều trị kịp thời, đồng thời kết hợp với ăn uống điều độ và nghỉ ngơi, giải tỏa căng thẳng, tránh bản thân bị lao lực quá độ.
TuThuoc24h.net