7 thói quen của cha mẹ nuôi dưỡng tính xấu của trẻ
Tra cứu thuốc chuẩn nhất
Trang chủ Cha Mẹ @ Dạy Con @

7 thói quen của cha mẹ nuôi dưỡng tính xấu của trẻ

Việc giúp trẻ nhận thức được tốt xấu, phân biệt đúng sai là điều rất cần thiết và quan trọng mà cha mẹ nên làm khi giáo dục trẻ. Ông bà ta cũng có câu dạy con từ thuở còn thơ.

Nhiều thói quen hàng ngày của cha mẹ vô tình nuôi dưỡng những tính xấu ở trẻ mà bạn không biết. Bạn cứ nghĩ đơn giản, không quan tâm và bỏ qua nhưng lâu dần sẽ nuôi dưỡng thành thói quen, hình thành nên tính cách của trẻ không tốt.
Nếu cha mẹ không từ bỏ sớm những thói quen thì cách giáo dục nhân cách của trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn. Sau đây là 7 thói quen mà cha mẹ hay mắc phải khiến cho trẻ hình thành những tính xấu:

1. Thỏa hiệp trước sự khóc lóc, giận dỗi của trẻ

Bạn không cho trẻ nghịch điện thoại. Nhưng khi trẻ khóc lóc ăn vạ, bạn cảm thấy mệt mỏi và thỏa hiệp với con rằng chỉ được phép chơi một lát nữa thôi nhé! Với thói quen này, bạn đã vô tình tập cho trẻ có thói quen ăn vạ, la khóc để đòi bằng được điều mình muốn.

2. Những hình phạt “nói mà không làm”

Các bậc cha mẹ đều hay mắc phải sai lầm này. Bạn nói với con rằng nếu con còn vi phạm lỗi này một lần nữa, mẹ sẽ không cho con chơi nữa siêu nhân hay không cho con xem tivi nữa,... Nhưng sau đó, trẻ có tái phạm thì bạn cũng không thực hiện hình phạt mà bạn đã nói. Như thế sẽ khiến trẻ nghĩ chúng làm những việc sai phạm đó cũng sẽ không bị phạt.

3. Luôn châm chước cho con

Khi trẻ thể hiện những tính xấu, bạn thường tìm những lý do để bào chữa cho con như: nó còn nhỏ, nó đang đói, nó đang mệt,... mà không hề uốn nắn, răn dạy trẻ sẽ khiến trẻ không nhận thức được những hành vi không đúng của mình và cứ tiếp tục thể hiện những tính xấu đó.

4. Đe dọa

Đe dọa là phương pháp giáo dục trẻ sai lầm nhất. Khi bạn đe dọa trẻ, chúng sẽ trở nên sợ sệt, nhút nhát và chắc chắn chúng sẽ nói dỗi vì không muốn cơn giận dữ của bạn sẽ trút lên đầu chúng. Các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm và cho thấy, những đứa trẻ bị cha mẹ thường xuyên đe dọa có tính nói dối.

5. Đánh đòn

Ông bà xưa có câu “thương cho roi cho vọt” nên nhiều cha mẹ dùng đòn roi để răn dạy con. Thế nhưng nếu một đứa trẻ bị đánh đòn thường xuyên là không hề tốt cho sự phát triển nhân cách của trẻ. Bạn sẽ khiến trẻ trở nên nhút nhát, tự ti, thậm chí còn có thể có khuynh hướng bạo lực, hung hăng.

6. Quát mắng

Sự thật thì khi bạn quát mắng, gào thét với trẻ chỉ mang lại hiệu quả ngăn chặn hành vi của trẻ tức thì nhưng không giúp trẻ hiểu được lỗi sai của mình, còn khiến cho trẻ sợ sệt và cách xa với bố mẹ hơn. Hãy nhẹ nhàng khuyên bảo con thay vì quát mắng, bạn sẽ thấy trẻ rất ngoan và cũng biết nghe lời đấy.

7. Dung túng

Khi trẻ bắt đầu tập nói, trẻ thường có thói quen bắt chước những lời nói của người lớn. Đôi khi những câu nói bậy hoặc nói hỗn của trẻ nhưng mọi người lại cười vui vẻ vì thấy trẻ đáng yêu quá. Nhưng chính việc dung túng này sẽ khiến trẻ không nhận ra lỗi sai của mình mà cứ tiếp tục nuôi dưỡng thói xấu ấy, không tôn trọng hay hỗn hào với người lớn.

Việc giúp trẻ nhận thức được tốt xấu, phân biệt đúng sai là điều rất cần thiết và quan trọng mà cha mẹ nên làm khi giáo dục trẻ. Ông bà ta cũng có câu “dạy con từ thuở còn thơ”. Đây chính là thời điểm gieo vào mảnh đất nhân cách của con những đức tính tốt mà người gieo trồng chính là cha mẹ, những người tiếp xúc hàng ngày với trẻ. Vì thế hãy thay đổi những thói quen xấu này để giúp cho trẻ có được nhân cách tốt trong tương lai.

 TuThuoc24h.net