Sởi ở trẻ em: Những triệu chứng, cách phòng và chữa bệnh hiệu quả
Tra cứu thuốc chuẩn nhất
Trang chủ Bệnh 360° Bệnh Trẻ Em

Bệnh sởi ở trẻ em: Những triệu chứng, cách phòng và chữa bệnh

Các biểu hiện của bệnh sởi ở trẻ em giúp cha mẹ sớm nhận biết và chữa trị hiệu quả. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, bệnh sẽ gây biến chứng nghiêm trọng

Sởi ở trẻ em với tốc độ lây lan nhanh chóng, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh sởi tuy là một bệnh có thể tự khỏi nhưng nếu không nhận được sự chăm sóc tốt, trẻ vẫn có thể gặp nhiều biến chứng khác nhau. Vậy cách nhận biết các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh. Làm sao điều trị và phòng ngừa bệnh sởi cho đúng, giúp trẻ khỏe mạnh và nhanh chóng khỏi bệnh? Các mẹ hãy theo dõi bài viết này để hiểu thêm về bệnh này nhé.

Những dấu hiệu trẻ bị sởi

Sởi bắt đầu với những vết ban đỏ đi từ mặt và di chuyển khắp cơ thể. Ngoài ra, bé còn có thể bị sốt, chảy nước mắt, nước mũi đi kèm phát ban. Chỉ với một xét nghiệm đơn giản, bác sĩ có thể xác định liệu trẻ có bị nhiễm sởi. Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết theo diễn tiến của bệnh:

Thời kỳ ủ bệnh

Kéo dài 10 – 12 ngày, không có dấu hiệu rõ rệt nhưng trẻ có thể sốt nhẹ.

Thời kỳ khởi phát

Là giai đoạn bệnh dễ lây lan nhất, kéo dài từ 3 – 5 ngày. Trẻ có thể bị sốt cao tới 40ºC kèm nhức đầu, nhức cơ cùng cảm giác mệt mỏi kéo dài. Bên cạnh đó là các dấu hiệu như: ho khan, chảy nước mắt, nước mũi, mắt đỏ, hắt hơi, sổ mũi, có thể kèm tiêu chảy. Đặc biệt, bên trong gò má xuất hiện những chấm trắng nhỏ, đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh sởi.

Thời kỳ phát ban

Trong 24h giờ đầu, các nốt ban màu hồng nhạt sẽ xuất hiện từ sau tai rồi lan dần ra hai bên má, cổ, ngực, bụng và hai tay. Trong 48 giờ tiếp theo, ban có thể lan xuống đùi và bàn chân. Ban mọc càng dày chứng tỏ tình trạng bệnh càng nặng, đặc biệt khi ban mọc trong lòng bàn tay, bàn chân. Nếu bệnh nghiêm trọng, trẻ có thể bị chảy máu mũi, miệng và xuất huyết tiêu hóa.

Tình trạng bệnh nặng nhẹ dựa vào mật độ các vết ban trên cơ thể của trẻ

Thời kỳ phục hồi

Các nốt ban dần biến mất theo thứ tự xuất hiện, để lại những mảng thâm trên da.

Các dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ sơ sinh

Ngoài các dấu hiệu chung nêu trên, với trẻ sơ sinh, trong giai đoạn ủ bệnh, dấu hiệu bé bị sởi cũng gần giống như bị sốt phát ban. Các dấu hiệu lên sởi ở trẻ sơ sinh đặc trưng bao gồm:

- Bệnh thường có thời gian ủ trong một tuần.

- Trong thời gian ủ bệnh, bé sẽ mệt mỏi, người lừ đừ, sốt cao, biếng ăn, bỏ bú.

- Có thể có biểu hiện nhức mỏi các cơ bắp ở trẻ.

- Trẻ có thể bị tiêu chảy hoặc nôn trớ.

Ngoài ra, một số biểu hiện bệnh sởi ở trẻ sơ sinh phổ biến còn là hiện tượng ho, chảy nước mũi, có thể đau mắt đỏ.

Các biến chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc bệnh sởi

- Co giật xảy ra ở khoảng 1/200 trường hợp. Biến chứng này đáng báo động, nhưng nếu bệnh nhân hồi phục hoàn toàn thì không có vấn đề gì nghiêm trọng. 

- Viêm não là một biến chứng hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng. Nó xảy ra trong khoảng 1/5000 trường hợp. Biến chứng này thường gây buồn ngủ, đau đầu và nôn mửa bắt đầu trong khoảng từ 7-10 ngày sau khi bắt đầu phát ban. Viêm não có thể gây tổn thương não. Đã có một số trẻ em tử vong do biến chứng này.

- Viêm gan.

- Viêm phổi (nhiễm trùng phổi) là một biến chứng nghiêm trọng thỉnh thoảng xảy ra. Triệu chứng điển hình bao gồm thở khó và nhanh, đau ngực, và bệnh dần nghiêm trọng hơn.

- Lác mắt là biến chứng phổ biến hơn ở trẻ bị bệnh sởi. Virus có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh hoặc cơ mắt. Bệnh não rất hiếm gặp gọi là xơ hóa cấp tính panencephalitis có thể phát triển nhiều năm sau đó trong một số ít bệnh nhân bị bệnh sởi. Bệnh này có thể xảy ra nhiều năm sau bệnh sởi. Tình trạng này có thể gây tử vong.

Các biến chứng khôn lường trước

Bốn nguyên tắc cần nhớ khi chăm trẻ bị sởi

Khi chăm sóc trẻ bị sởi, cha mẹ cần ghi nhớ bốn nguyên tắc dưới đây:

- Một: Điều trị hỗ trợ các triệu chứng của bệnh bao gồm sốt, ho, nghẹt mũi, đỏ mắt và đau miệng

- Hai: Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và tăng cường bú mẹ

- Ba: Bổ sung vitamin A vào cơ thể bé

- Bốn: Theo dõi các dấu hiệu nặng của bệnh

- Sốt: Khi trẻ bị sốt nên để trẻ mặc thoáng, không mặc nhiều quần áo hay quấn chăn lên người trẻ. Dùng thuốc hạ sốt trong trường hợp trẻ sốt cao trên 38,5ºC. Cho trẻ bú nhiều hơn, kết hợp cho trẻ uống thêm nhiều nước.

- Ho: Nếu trẻ bị ho nhưng không kèm theo thở nhanh, có thể cho bé uống thuốc ho theo chỉ định của bác sĩ hoặc một phương thuốc thảo dược như trà chanh, mật ong an toàn cho trẻ (nên hỏi ý kiến bác sĩ, không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi).

- Nghẹt mũi: Nên cho trẻ rửa mũi bằng nước muối sinh lý để làm sạch mũi trước khi cho bú hoặc ăn.

- Mắt đỏ (viêm kết mạc): Phụ huynh nên lau mặt cho bé bằng khăn sạch mềm, thấm ướt. Nếu mắt bị dính ghen thì nên đưa bé đi khám bác sĩ ngay.

- Đau loét miệng: Cho trẻ súc miệng bằng nước sạch (tốt nhất là bằng nước muối) càng nhiều lần càng tốt, ít nhất 4 lần/ngày. Cho trẻ uống nước thường xuyên.

Cách phòng và chữa bệnh sởi cho trẻ

Hiện nay cách phòng bệnh sởi hiệu quả nhất đó là tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ. Khi trẻ tròn 9 tháng tuổi thì tiêm phòng mũi 1 cho trẻ. Mũi thứ 2 sẽ được tiêm phòng trong chiến dịch tiêm nhắc lại. Nếu trẻ có dấu hiệu bị phát ban sởi thì phải cách ly trẻ ít nhất 4 ngày sau khi phát ban. Bệnh nhi phải được ở nơi thoáng mát, ăn uống đầy đủ, vệ sinh sạch sẽ, không nên kiêng quá mức gây tình trạng thiếu các vi chất.

Tiêm phòng là biện pháp ngăn ngừa bệnh sởi ở trẻ hiệu quả nhất

Nếu tình trạng bệnh không quá nghiêm trọng thì không nên cho trẻ dùng kháng sinh. Cần đưa trẻ đi khám, trong giai đoạn này việc điều trị chủ yếu là khắc phục triệu chứng như uống thuốc hạ sốt, vệ sinh toàn thân, răng miệng, mắt (nhỏ mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý). Trẻ phải được ăn đầy đủ thực phẩm dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, uống đủ nước. Khi tình trạng bệnh trở nặng và có biến chứng, có thể dùng kháng sinh theo chỉ dẫn của thầy thuốc, bổ sung vitamin A để tránh khô giác mạc. Không dùng kích tố thận thượng tuyến bì chất (corticoid).

Thường xuyên cho trẻ rửa tay để hạn chế virus sởi xâm nhập cơ thể trẻ

Hy vọng qua bài viết về sởi ở trẻ em trên đây có thể giúp các bậc phụ huynh hiểu hơn về bệnh sởi, cách điều trị đồng thời cũng giúp các mẹ giải đáp thắc mắc cho các câu hỏi liệu bệnh sởi có nguy hiểm không? Với những hướng dẫn chăm sóc trẻ bị sởi, chắc hẳn các bậc phụ huynh đã biết thêm được nhiều thông tin hữu ích. Hãy chia sẻ bài viết này để mọi người cùng được biết những điều này nhé.

Tuthuoc24h.net