15 câu nói cha mẹ phải biết để kích thích não bộ cho con, giúp con giỏi giang và có tính trách nhiệm trong cuộc sống
Tra cứu thuốc chuẩn nhất
Trang chủ Cha Mẹ @ Dạy Con @

15 câu nói cha mẹ phải biết để kích thích não bộ cho con, giúp con giỏi giang và có tính trách nhiệm trong cuộc sống

Thay vì quát: “Cất đồ chơi ngay đi!”, mẹ nên nhỏ nhẹ từ tốn bằng một câu hỏi mở: “Mình nên làm gì khi chơi xong đồ chơi nhỉ?”. Câu hỏi này vừa giúp bé định hướng được nên làm gì, vừa khiến bé động não, tập xử lý tình huống, tăng tính tự lập.

Sinh được những thiên thần bé nhỏ quả là niềm hạnh phúc của các bậc cha mẹ, ngoài con khỏe mạnh thì cha mẹ nào cũng muốn con lớn lên sẽ có cuộc sống vui vẻ, có tính trách nhiệm để sau này khi con lớn lên con sẽ tự mình đương đầu với những khó khăn mà không ai có thể quyết định được ngoài con.

Trẻ em cũng có cái tôi chẳng khác gì người lớn cả, nên lạc mềm buộc chặt, hãy nhẹ nhàng quan tâm con và tủ thuốc 24h tổng hợp 15 câu nói nên nói với con để kích thích não bộ con phát triển, sẽ giúp ích rất nhiều đấy, chúng ta cùng đọc nhé.

1. Mình nên làm gì khi chơi xong đồ chơi nhỉ?

Thay vì quát: “Cất đồ chơi ngay đi!”, mẹ nên nhỏ nhẹ từ tốn bằng một câu hỏi mở: “Mình nên làm gì khi chơi xong đồ chơi nhỉ?”. Câu hỏi này vừa giúp bé định hướng được nên làm gì, vừa khiến bé động não, tập xử lý tình huống, tăng tính tự lập. Với lại trẻ con rất thích coi mình là người hùng, là trung tâm của vũ trụ, mẹ hỏi ý kiến bé như thế khiến bé thấy bản thân được tôn trọng thành ra sẽ ngoan hơn, không cần tốn hơi sức quát mắng hay dùng đòn roi gì cả.

2. Cảm ơn con!

Mỗi khi chúng ta sai vặt, nhờ con lấy giùm thứ đồ gì đó thì đều nên nói lời cảm ơn với con. Điều này khiến con vui vẻ và tự hào về việc mình đã làm, bé sẽ ngoan hơn rất nhiều. Đừng tưởng mình lớn muốn sai con trẻ thế nào thì sai rồi sau đó im re không một lời cảm ơn, như vậy là đang góp phần giết chết tương lai của con đấy!

Đó cũng là cách dạy nói lời cảm ơn.

3. Đố con biết thứ này có tên là gì? Hoặc, Theo con thì người ta dùng cái này để làm gì?

Bố mẹ hãy liên tục đặt ra những câu hỏi đơn giản về mọi thứ xung quanh kiểu như vậy để trẻ động não, suy nghĩ từ những điều nhỏ nhặt nhất. Làm thường xuyên con sẽ phát triển trí não và các giác quan rất tốt, lớn lên thông minh là cái chắc!

4. Hôm nay đi học thế nào hả con?

Mỗi lần con đi học về, thay vì hỏi hôm nay con được mấy điểm toán, mấy điểm tiếng anh, bố mẹ nên hỏi “Hôm nay đi học thế nào hả con? Có vui không? Thầy cô dạy có gì khó hiểu không con?”. Câu hỏi này vừa gợi mở suy nghĩ của trẻ về cuộc sống xung quanh, chuyện học hành, các mối quan hệ, vừa giúp bố mẹ hiểu thêm đời sống tinh thần và tình hình học tập của con để kịp thời can thiệp, giúp con phát triển.

5. Bố mẹ rất tự hào về con!

Bất cứ khi nào thấy con làm tốt một việc gì đó hoặc có thành tích dù là nhỏ nhặt, bố mẹ cũng đừng tiếc khi khen con một câu: “Bố mẹ rất tự hào về con!”. Câu nói tưởng chừng có vẻ sến sẩm này thực ra lại rất có tác dụng đối với trí não và ý chí phấn đấu của con sau này đó nha các mẹ.

Con sẽ cảm thấy vui vẻ, phấn khích vì được khen nên lần sau rất tự tin, luôn cố gắng tiếp tục phát huy để được khen nữa đấy.

6. Theo con mình nên làm gì?

Mỗi khi có chuyện gì đó xảy ra chẳng hạn như có chiếc bình hoa chẳng may bị vỡ, đang đứng đợi xe thì trời tối sầm sắp có mưa… mẹ sẽ quay sang hỏi con là: “Theo con mình nên làm gì bây giờ?” để xem con xử lý tình huống ra sao. Nếu bé bỡ ngỡ không biết thì có thể gợi ý dần dần cho bé trả lời.

Đây là câu hỏi đề cao ý kiến cá nhân của trẻ. Nó nhấn mạnh vào việc bố mẹ rất quan tâm tới ý kiến của con, tạo cho con cảm giác được tôn trọng, tin tưởng. Thường xuyên hỏi con câu này sẽ nuôi dưỡng tinh thần, giúp con mạnh dạn, tự tin khi đi học cũng như vui chơi cùng bạn bè. Con dám mạnh dạn nêu ý kiến, đề xuất ý tưởng, dám suy nghĩ và hành động từ khi còn bé tí nên não bộ được kích thích phát triển.

7. Bố mẹ luôn ở bên con!

Trẻ con thường có suy nghĩ khá ngây thơ, tâm hồn mong manh dễ vỡ. Chính vì vậy mà nhiều khi chỉ một chuyện nhỏ xíu cũng khiến con thấy chán nản, bất lực, mất ý chí. Bố mẹ nên động viên, an ủi, nói dù có chuyện gì thì bố mẹ vẫn ở bên con, con yên tâm không bị đơn độc… để bé cảm thấy ấm áp, có điểm tựa, có niềm tin để tiếp tục cố gắng.

8. Con sẽ làm gì sau này?

Thỉnh thoảng, bố mẹ nên hỏi về ước mơ sau này của con để biết bé thích gì mà còn biết đường hướng con đi theo. Mặt khác, trò chuyện về chủ đề này giúp con có nghị lực để vươn lên, có mục tiêu để học hành mỗi ngày. Hầu hết những đứa trẻ thông minh, học giỏi đều xác định được ước mơ của chúng khi còn bé xíu.

9. Chắc chắn là con làm được!

Mỗi lần có chuyện gì khó khăn mang tính thử thách con, chẳng hạn lần đầu tiên tập con rửa bát, bắt con nhảy sang một hố nước nhỏ, con sắp tham gia một kỳ thi khó… thì bố mẹ nên động viên bằng những câu như: “Chắc chắn là con làm được!”, “Mẹ tin chuyện này con có thể giải quyết dễ dàng luôn đấy!”…

Câu nói đơn giản này thể hiện sự động viên, tin tưởng của người lớn vào trẻ con, khiến trẻ có thêm động lực, kích thích não bộ hưng phấn để có cơ hội thể hiện mình tốt hơn. Không phải chị họ của em nói khơi khơi đâu nha các mẹ. Thực ra đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng bộ não của trẻ phát triển vượt bậc khi được nuôi dưỡng trong môi trường làm cho trẻ có cảm giác an toàn, an tâm và tin tưởng.

10. Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi!

Mỗi khi có chuyện khó khăn xảy đến với con hoặc với gia đình, để con bớt hoảng sợ và tự tin đối đầu thử thách, bố mẹ nên động viên bằng câu nói: “Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi!”. Khi lòng con an tâm, bé sẽ làm được khá nhiều thứ mà bố mẹ không ngờ tới đó nha.

11. Mẹ muốn con thử sức, nhưng nếu con cảm thấy khó khăn thì mẹ luôn sẵn sàng hỗ trợ

Khi bé gặp khó khăn, cha mẹ không nên quá vội vàng chạy đến và dang tay giúp đỡ bé. Bởi điều này chỉ khiến trẻ cảm thấy mình không có khả năng làm việc gì đó mà không có cha mẹ. Tuy nhiên, nếu để trẻ bị "choáng ngợp" trước hàng tá những thử thách và cảm thấy cô đơn, không có ai bên cạnh thì cũng dễ tạo tâm lý e sợ, không muốn thử lại trong tương lai. Chính vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ bày tỏ rõ mong đợi con hãy thử sức và tin tưởng con có thể làm được, nhưng cũng không quên củng cố tinh thần cho trẻ về sự hỗ trợ của cha mẹ mỗi khi con thực sự khó khăn. Trẻ sẽ cảm thấy an tâm và tập trung tốt hơn vào nhiệm vụ của mình. Và nếu trẻ thực sự gặp khó khăn, cha mẹ hãy trợ giúp cho con ở mức tối thiểu nhất vừa để động viên vừa tiếp tục tạo động lực cho bé.

12. Mẹ cần con giúp đỡ

Cho dù con còn nhỏ, nhưng cha mẹ hãy để bé được đóng góp sức mình và giúp đỡ mọi người. Những công việc hàng ngày như thu dọn quần áo, nấu ăn hoặc đóng kệ sách mới, lời đề nghị trẻ giúp đỡ từ cha mẹ sẽ truyền đi thông điệp rằng con là một thành viên tích cực và có ích trong gia đình, điều này càng kích thích sự hăng hái, tự tin và phấn đấu ở trẻ, kể cả sau này khi trẻ gặp khó khăn thì tâm lý tự tin ấy cũng sẽ theo giúp trẻ. Mặt khác, việc cha mẹ đề nghị trẻ giúp đỡ cũng là một cách để trẻ hiểu rằng con cũng hoàn toàn có thể đề nghị sự giúp đỡ khi con cần.

13. Mẹ có thể giúp gì cho con?

Khi mẹ thấy con gặp khó khăn, hãy hỏi xem mẹ có thể giúp được gì. Điều này mang lại cho trẻ một cảm giác khác biệt hơn thay vì lao vào và giải cứu, giải quyết vấn đề cho trẻ. Đề nghị giúp đỡ nhưng cho phép trẻ được quyết định cách mà cha mẹ có thể giúp đỡ thể hiện sự hợp tác và tôn trọng của người lớn với trẻ nhỏ. Mỗi một vấn đề đều có cách giải quyết, kể cả đó là nhận sự giúp đỡ từ người khác.

14. Việc đó thực sự khó, nhưng mẹ vẫn làm được và mẹ tự hào về chính mình

Trong suy nghĩ của trẻ nhỏ, có vẻ như mọi thứ với người lớn dường như diễn ra khá dễ dàng. Nguyên nhân là do cha mẹ thường làm việc khi không có mặt trẻ ở đó và không hay chia sẻ với con cái về những gì mà cha mẹ đã làm. Tuy nhiên, để giúp trẻ hiểu và đồng cảm hơn, cha mẹ hãy chia sẻ nhiều hơn với con. Hãy nói với con về những thử thách mà cha mẹ đã từng vượt qua để thích nghi với cuộc sống và vươt qua khó khăn. Chẳng hạn như: "Bạn của mẹ đã hủy cuộc hẹn ăn trưa nên mẹ cảm thấy rất thất vọng. Tuy vậy, mẹ và cô ấy đang sắp xếp một buổi hẹn khác để gặp nhau". Hãy cho trẻ thấy rằng tất cả mọi người, ngay cả mẹ và bố, đều phải đối mặt với những khó khăn hay thất bại, và ai cũng cần cố gắng, nỗ lực để vượt qua hoặc tìm cách giải quyết.

15. Con có nhớ lúc con tập/làm… rất khó không?

Trẻ em thường học các kỹ năng mới theo đúng bản chất công việc đó mỗi ngày, nhưng trẻ cũng rất dễ quên quá trình và những kĩ năng đã đạt được. Chính vì vậy, cha mẹ hãy giúp con cảm nhận và ý thức được các kĩ năng mà bé có được bằng cách nhắc nhở trẻ những gì trẻ đã làm được, quá trình trẻ hoàn thành ra sao. Ví dụ, nếu mẹ thấy con đung đưa người khi chơi xích đu, hãy nhắc lại cho trẻ nhớ con đã từng buồn và thất vọng vì không biết cách tự dùng chân và người để đu như thế nào. Tập trung nhấn mạnh vào sự tiến bộ của con, giúp trẻ khẳng định và ghi nhớ những nỗ lực của trẻ đã đóng một vai trò rất lớn trong việc giúp con vượt qua những trở ngại.

Trên là 15 câu nói nên thường xuyên nói với con, hãy xem con như một người bạn, một người lớn thì con sẽ rất thích và cố gắng sống trách nhiệm như 1 người lớn, dù cái người lớn đó rất trẻ con và đáng yêu. Đừng nghĩ rằng con bé thế có nói nhiều chẳng thể hiểu được, cứ quát 1 phát nó sợ là xong, điều này rất phản khoa học, chúng ta yêu con sao phải làm con thêm xa cách, và về lâu dài nó sẽ phản tác dụng, đứa trẻ sẽ ngày càng ngỗ nghịch hơn. Nếu bạn có những kinh nghiệm dạy con hay hãy bình luận chia sẻ với tủ thuốc 24h để mọi người có thể cùng nhau trao đổi nhé.

Chúc gia đình các bạn vui khỏe an nhiên.

TuThuoc24h.net