Các triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em và cách điều trị bệnh hiệu quả
Tra cứu thuốc chuẩn nhất
Trang chủ Bệnh 360° Bệnh Trẻ Em

Các triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em và cách điều trị bệnh hiệu quả

Những dấu hiệu sốt siêu vi ở trẻ em là gì? Nguyên nhân gây sốt siêu vi ở trẻ em? Cách chữa sốt siêu vi ở trẻ em nhanh chóng và hiệu qủa phụ huynh cần biết!

Sốt siêu vi ở trẻ là bệnh lý phổ biến thường gặp ở trẻ. Sốt siêu vi không điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Cung tuthuoc24h.net tìm hiểu rõ về bệnh lý này để có cách ứng phó khi trẻ bị sốt siêu vi.

Sốt siêu vi ở trẻ là gì

Sốt siêu vi ở trẻ hay còn gọi là sốt virus là tình trạng cơ thể nóng lên vượt mức bình thường do nhiễm các loại siêu vi trùng (virus) khác nhau, nhiệt độ được xem là sốt ở trẻ em thường tính từ 38°C trở lên khi đo ở trực tràng hoặc từ 37.5°C nếu đo ở nách trẻ. 

Sốt siêu vi là bệnh lý phổ biến ở trẻ
Sốt siêu vi là bệnh lý phổ biến ở trẻ

Có rất nhiều tác nhân gây ra tình trạng sốt siêu vi ở trẻ em trong đó điển hình là Rhinovirus, Adenovirus, virus cúm,... Bệnh sốt siêu vi thường gặp nhất vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết có sự thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng ấm.

Những dấu hiệu sốt siêu vi ở trẻ em

Dấu hiệu khi trẻ bị sốt siêu vi thường tương đồng với các bệnh lý có dấu hiệu sốt thông thường, chính vì vậy các bậc cha mẹ cần chú ý theo sát tình hình bệnh của trẻ để nhanh chóng phát hiện kịp thời và có hướng điều trị hiệu quả.

Ở giai đoạn ủ bệnh, đa số các trường hợp mắc bệnh sốt siêu vi đều có biểu hiện tương đối giống nhau như: mệt mỏi, uể oải, đau nhức mình mẩy, quấy khóc, sốt nhẹ và sau đó sốt cao, nhiều trường hợp thậm chí có thể lên đến 40°C, dấu hiệu sốt diễn ra liên tục hoặc đôi khi ngắt quãng. Ngoài ra, có thể kèm theo những dấu hiệu như bị viêm đỏ hầu họng, chảy mũi nước, nghẹt mũi, nhức đầu, đỏ mắt, ho, đau khớp, đau cơ và nổi ban da.

Dấu hiệu nổi ban khi trẻ bị sốt siêu vi
Dấu hiệu nổi ban khi trẻ bị sốt siêu vi

Nếu không được kịp thời khắc phục bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn nặng hơn khiến trẻ sẽ xuất hiện những dấu hiệu đặc trưng như: rơi vào tình trạng sốt cao theo từng cơn, co giật, có thể rơi vào trạng thái hôn mê, và có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của trẻ.

Nếu trẻ có những dấu hiệu đặc trưng sau đây thì nên nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám và có hướng điều trị kịp thời:

  • Trẻ sốt cao liên tục trên 2 ngày kèm theo lạnh chân tay, rét, run rẩy bất thường
  • Toàn cơ thể có dấu hiệu phát ban nhỏ
  • Có dấu hiệu đau bụng và cảm giác buồn nôn, nôn ói
  • Đi ngoài ra máu, phân có màu đen
  • Trẻ có dấu hiệu bị co giật, đau đầu, đau cơ

Sốt siêu vi ở trẻ em có nguy hiểm không?

Số siêu vi không có thuốc đặc trị dành riêng, mà chỉ điều trị các triệu chứng điển hình của bệnh như chống mất nước, hạ sốt, giảm đau nhức,…Sốt siêu vi là căn bệnh phổ biến thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ do sức đề kháng vẫn còn yếu dễ nhiễm virus khi thời tiết vào thời điểm giao mùa.

Đa phần sốt siêu vi không gây nguy hiểm và có dấu hiệu khỏi bệnh sau 7-10 ngày điều trị tích cực. Tuy nhiên nếu không có cách điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến nguy cơ tử vong đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Sốt siêu vi không điều trị kịp thời để lại nhiều biến chứng cho sức khỏe trẻ
Sốt siêu vi không điều trị kịp thời để lại nhiều biến chứng cho sức khỏe trẻ

Trong trường hợp không điều trị sốt siêu vi ở trẻ nhỏ kịp thời và đúng cách, bé có thể gặp nguy hiểm bởi một loạt biến chứng phát sinh, ví dụ như: 

Viêm phổi

Một trong những biến chứng do sốt siêu vi để lại ở trẻ em phổ biến nhất là viêm phổi. Sốt siêu vi khiến đường hô hấp ở trẻ có khả năng bị nhiễm trùng nặng dẫn đến nguy cơ gây tổn thương cho mô phổi, từ đấy dẫn đến tình trạng suy hô hấp do rối loạn quá trình trao đổi khí.

Bên cạnh đó, viêm phổi cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh liên quan đến hệ hô hấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Viêm tiểu phế quản

Trẻ sơ sinh và trẻ dưới một tuổi rất dễ bị viêm tiểu phế quản, và sốt siêu vi là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm tiểu phế quản. Tình trạng nhiễm trùng phổi này là lý do khiến đường hô hấp nhỏ (tiểu phế quản) của phổi bị sưng phù bởi viêm nhiễm, thêm vào đó viêm nhiễm sẽ kích thích sự tiết dịch gây ra hiện tượng tắc nghẽn tại đây. Hệ quả là trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc hít thở. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, điều này có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của trẻ rất cao. 

Viêm thanh quản

Trong một số trường hợp điều trị không kịp thời, virus gây bệnh sốt siêu vi còn có khả năng tấn công vào thanh quản. Dấu hiệu đặc trưng lúc này là trẻ có xu hướng ho rất nhiều. 

Việc nhiễm trùng xảy ra tại bộ phận này có khả năng gây sưng ở đường hô hấp, đồng thời khiến cho đờm sẽ tích tụ ở họng và mũi, làm cho trẻ gặp khó khăn trong việc hít thở. 

Viêm cơ tim

Trong trường hợp trẻ bị sốt siêu vi do adenovirus gây ra thì khả năng viêm cơ tim rất dễ phát sinh nếu bé không được điều trị kịp thời, đúng cách và hiệu quả. Các bậc phụ huynh nên cẩn trọng lưu ý một số dấu hiệu như sau khi nhiệt độ cơ thể của trẻ đã trở về mức bình thường nhưng trẻ vẫn có triệu chứng:

  • Mệt mỏi
  • Khó thở
  • Dễ lịm đi
  • Không đùa nghịch, hoạt bát như trước
  • Bỏ ăn

Nếu có những dấu hiệu trên nên nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện càng sớm càng tốt vì những dấu hiệu trên biểu hiện rằng trẻ có nguy cơ đang bị viêm cơ tim. Trong trường hợp không được can thiệp kịp thời, khả năng cao dẫn đến suy tim cấp hay thậm chí là sốc tim. 

Biến chứng ở não

Sốt siêu vi ở trẻ em khi chuyển sang mức độ nặng có nguy cơ kéo theo những cơn co giật và rơi vào trạng thái hôn mê. Chúng rất dễ để lại những di chứng ở não, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của trẻ sau này, đặc biệt là đối tượng trẻ sơ sinh. Chính vì thế, các bậc phụ huynh nên theo dõi tình trạng tiến triển bệnh, sớm chú ý đến những dấu hiệu khác thường ở trẻ để có biện pháp can thiệp kịp thời. 

Cách điều trị sốt siêu vi ở trẻ em

Khi có trẻ mắc bệnh sốt siêu vi, các bậc phụ huynh nên làm những việc sau đây để giảm những biến chứng không mong muốn ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, bên cạnh đó tham khảo ý kiến của bác sĩ trong quá trình điều trị sốt siêu vi tại nhà:

Kiểm tra nhiệt độ thường xuyên

Cách kiểm tra là đặt nhiệt kế ở nách, ngậm miệng hay hậu môn của trẻ. Nếu nhiệt kế ở nách, cha mẹ phải giữ cho bé kẹp nhiệt kế tối thiểu 3 phút để kết quả đo được chính xác nhất. Nhiệt độ của trẻ sẽ là số ghi trên nhiệt kế cộng thêm khoảng 0,3 – 0,4 độ C. Ví dụ nếu nhiệt kế cho kết quả đo là 37,5 độ C thì thân nhiệt thực sự của trẻ là khoảng 37,9 độ C.

Kiểm tra nhiệt độ thường xuyên
Kiểm tra nhiệt độ thường xuyên

Hạ sốt đúng cách

Sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, các an toàn là cho trẻ dùng Paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, mỗi 6 giờ dùng một lần. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng có thể dùng khăn mát lau khô mồ hôi cho trẻ, cho bé mặc quần áo mỏng, nằm ở nơi thoáng mát.

Chống co giật

Trong trường hợp bé bị sốt cao trên 38.5 độ C thì cha mẹ cho trẻ dùng thuốc hạ sốt có kèm theo thuốc chống co giật dưới sự chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là đối với những trẻ có tiền sử có triệu chứng co giật khi bị sốt cao.

Bù nước và điện giải

Nếu trẻ sơ sinh đang bú thì các mẹ tiếp tục cho con bú nhiều hơn mức bình thường và cho uống bù nước Oresol theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu như trẻ sơ sinh không uống được thì cha mẹ có thể dùng bông sạch chấm nước Oresol vào môi, miệng trẻ liên tục để niêm mạc môi, miệng hấp thu nước, tránh tình trạng trẻ bị thiếu nước và các chất điện giải trong quá trình mắc bệnh sốt siêu vi.

Cho trẻ uống nhiều nước trong quá trình điều trị bệnh
Cho trẻ uống nhiều nước trong quá trình điều trị bệnh

Chống bội nhiễm

Nên vệ sinh sạch sẽ cho trẻ trong quá trình trẻ bị bệnh, tắm sạch bằng nước ấm trong phòng kín gió, kết hợp với việc nhỏ mắt, mũi bằng natriclorid 0,9% để tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp gây ra những biến chứng không mong muốn, có thể kéo dài quá trình điều trị cho trẻ.

Chú ý chế độ dinh dưỡng

Chú ý bổ sung dinh dưỡng cho trẻ khi bị bệnh
Chú ý bổ sung dinh dưỡng cho trẻ khi bị bệnh

 

Các bậc phụ huynh phải chú ý tới chế độ dinh dưỡng của trẻ trong quá trình điều trị, bởi dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ quá trình điều trị đạt kết quả tốt nhất. Cha mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn loãng như cháo, súp, uống nhiều nước để bổ sung nước cho cơ thể (như nước lọc, nước hoa quả như cam, chanh,...).

Chú ý: nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, đặc biệt là trên 39 độ C dùng thuốc hạ sốt không có tác dụng, ngủ nhiều, xuất hiện tình trạng co giật, liên tục đau đầu, buồn nôn, sốt kéo dài trên 5 ngày,... thì phụ huynh phải đưa trẻ đến thăm khám trung tâm y tế uy tín để có hướng điều trị đúng đắn, giúp bệnh nhanh chóng thuyên giảm và tránh được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra đối với sức khỏe của trẻ.

Biện pháp phòng ngừa sốt siêu vi ở trẻ

Sốt siêu vi ở trẻ em làm một bệnh lý phổ biến, để chủ động bảo vệ sức khỏe của trẻ nhỏ thì các bậc phụ huynh có thể thực hiện ở những biện pháp sau đây nhằm ngăn ngừa sự xâm nhập của các tác nhân có hại từ môi trường bên ngoài:

Hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
Hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
  • Chú ý vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng mát;
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân cho cả trẻ và cha mẹ;
  • Rửa tay sạch sẽ bằng dung dịch sát khuẩn cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; tránh để trẻ cho đồ chơi vào miệng;
  • Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ;
  • Sốt siêu vi là bệnh lý dễ lây lan qua đường hô hấp, nhất là trong gia đình và trường học nên khi mắc bệnh, cha mẹ chủ động cho trẻ hạn chế tiếp xúc với người khác, đặc biệt là đối tượng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ;
  • Khi trẻ bị sốt siêu vi, các phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học cho đến khi khỏi hẳn để tránh lây bệnh cho những trẻ khác;
  • Các bậc phụ huynh có thế phòng bệnh sốt siêu vi bằng cách nhỏ nước muối miệng và mũi, bổ sung thức ăn chứa nhiều vitamin C vào bữa ăn hàng ngày để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Hy vọng với những thông tin hữu ích có trong bài viết trên đây sẽ giúp cho các bậc phụ huynh có cái nhìn đúng đắn về bệnh sốt siêu vi ở trẻ và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, từ đó chủ động khắc phục bệnh sớm kịp thời và hiệu quả hơn, hạn chế được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cho trẻ.

Xem thêm: sốt siêu vi nên ăn gì, sốt siêu vi

TuThuoc24h