Có phải ngoài kia có rất nhiều người đang chịu những đau khổ, tổn thương và họ nói rằng “vết thương trên cơ thể thì có thể lành còn vết thương trong tâm hồn thì không bao giờ lành”, nhưng chắc chắn họ sẽ suy nghĩ lại khi thấy chị Huyền, còn gì có thể hơn nỗi đau thể xác này. Khi con gái chị thấy mẹ sợ hãi không dám lại gần, còn gì hơn khi người đàn ông đã từng yêu thương rắp tâm phá hủy cuộc đời mình và còn gây tổn thương cho con.
Đó là câu chuyện của cô giáo bị chồng tạt axit - chị Thanh Huyền ở Gia Lâm, Hà Nội. Kết thúc 1 cuộc hôn nhân mục nát cũng là ngày chị mất diện mạo, mất tương lai với cái bệnh án thương tật 80% do bỏng axit. Bỏ dở mọi thứ và gắn bó với Viện bỏng hơn 1 năm trời, tiến hành 21 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ.
Sai lầm từ sự bao dung
Hôn nhân của chị Huyền được xây dựng từ 1 tình yêu đẹp. Tính từ thời điểm yêu đến khi cưới cũng gần 5 năm. Bản chất anh là 1 người chồng tốt, và tất nhiên nếu không yêu thì chị đã chẳng chọn anh là người đàn ông của cuộc đời mình. Nhưng rồi, tai họa ập đến khi anh không may bị tai nạn.
Chị chăm sóc anh chu đáo lúc bệnh đau, nhưng lúc qua khỏi anh như trở thành 1 con người hoàn toàn khác. Mặc dù ổn định sức khỏe, đi làm lại bình thường nhưng anh có những hành động và suy nghĩ tiêu cực như: Cáu giận vô cớ, mắng chửi vợ rồi ghen tức với cả con gái.
Chị Huyền cắn răng chịu đựng, chị thử mọi cách để động viên anh, kéo lại người chồng năm nào mà chị yêu thương nhưng vô ích. Cuộc sống của chị tiếp theo là những ngày chìm trong đau khổ triền miên.
"Anh ra ngoài thì hào phóng với mọi người nhưng về nhà lại chi li với vợ con. Anh ghen vợ 1 cách bệnh hoạn, anh đến chỗ làm chị gây rối, anh ở nhà để 'trông' vợ. Đến con đẻ mình anh ấy còn có suy nghĩ ích kỉ thì chị cũng không có lý do gì để tiếp tục cuộc hôn nhân địa ngục này nữa", chị Huyền chia sẻ.
Rồi 2 bên cũng giải quyết dứt điểm trên tòa án. Từ khi ly hôn xong, chồng chị Huyền thường xuyên qua lại nhà ngoại thăm nom con. Thấy anh ta có lòng lại có ý muốn hàn gắn, mọi người khuyên chị cho chồng 1 cơ hội.
"Chị thương con, chị nghĩ sẽ không ai chăm sóc con cái tốt bằng bố mẹ nên chị đồng ý tái hợp. Thôi thì 1 ngày làm chồng cũng là nghĩa vợ chồng, huống gì mình gần chục năm. Nhưng chỉ chung sống 1 tuần anh ta vẫn chứng nào tật ấy nên chị yêu cầu ai về nhà nấy, giải thoát cho nhau". Chị Huyền tâm sự.
Duyên vợ chồng đã hết nhưng không có nghĩa chị có thể cấm anh gần con. Và đó cũng là lý do người đàn ông độc ác đã ra tay tàn độc với chính người vợ mình từng yêu thương - ngay trong nhà vợ, trước mặt bố chị và con gái của 2 người.
Chị bị bỏng độ 4,5 thương tật 65% còn anh ta phải chịu tội trước pháp luật. Nhưng để cứu vớt nốt chút tình nghĩa cuối cùng mà chị dành cho bố của con mình, chị từ chối giám định thương tật thêm vì con số chính xác của nó sẽ lên tới 80%.
Chị Huyền phải bỏ dở mọi thứ và gắn bó với viện bỏng hơn 1 năm trời, tiến hành 21 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ. "Những ngày ở viện đều là những ngày máu và nước mắt của chị, của gia đình, người thân và bạn bè. Bác sĩ chẩn đoán tử vong 90% nhưng điều kì diệu đã xảy đến. Chị cần phải sống, vì người khác mong chị chết thì chị lại càng phải sống, sống thật tốt, chiến đấu với sự thật cay đắng này".
Cho kẻ gây tổn thương mình cơ hội chính là tự sát
Bao lần đau đớn, chị tưởng chừng đã tuyệt vọng nhưng người chết lâm sàng 5 ngày vẫn có thể sống lại như chị thì không thể dễ dàng bỏ cuộc. Trải qua quá nhiều lần chết đi sống lại, chị vẫn bình thản: "Trước kia chị lựa chọn anh ta làm chồng vì tính cách và con người anh ta. Nhưng khi chị buông tay anh ta cũng là vì con người anh ta đã thay đổi. Anh ta ác nhưng chị không hận, không thù. Đối với chị lúc này, anh ta không tồn tại.
Còn với con gái chị, chị vẫn giữ phép và nhận thức cho con biết rằng con có người bố như vậy, gia đình bên nội như vậy đó. Chị cũng sẽ để con gặp gia đình bên nội nhưng chị phải nói với con: 'Mẹ không còn liên quan gì hết, chỉ có con là con cháu thôi, nên con cư xử như thế nào với mọi người bên đó mẹ sẽ không tham gia, để con tự quyết định'".
Sai lầm lớn nhất của người phụ nữ là đánh đồng giữa tình yêu trong hôn nhân và tình yêu trong gia đình
Sau những gì đã trải qua chị Huyền cho rằng: "Sai lầm lớn nhất của người phụ nữ là đánh đồng giữa tình yêu trong hôn nhân và tình yêu trong gia đình. Có nghĩa: gã chồng ấy có lỗi lầm gì, có gây bao tổn thương cho vợ thế nào thì anh ta vẫn cứ là bố của con mình. Mà có gia đình nào được gọi là trọn vẹn khi không có bố.
Chị cho anh ta cơ hội vì nghĩ chỉ cần con mình được bình yên. Chị tha thứ tất cả vì nghĩ vợ chồng vẫn có thể sống với nhau trọn đời vì cái nghĩa. Nhưng kết cục, chị lại hủy hoại cả tâm hồn non nớt của con mình chỉ vì sự bao dung cho 1 kẻ không xứng đáng.
Chẳng có mối liên quan nào giữa việc có bố thì con mình sẽ hạnh phúc, có chồng thì cuộc sống của mình sẽ bớt gánh nặng. Chồng chị từng là 1 người đàn ông tốt. Nhưng giữa cái cuộc đời chông chênh này chẳng ai đảm bảo người từng kề vai sát cánh bên mình mỗi đêm sẽ không làm hại mình. Vậy nên, phụ nữ đừng có dại dột mà chịu đựng quá nhiều, hi sinh quá lớn hay đặt niềm tin 1 cách giản đơn.
Khi lòng người đã đổi, bất cứ chuyện gì họ cũng có thể gây ra được, chỉ cần có thể thỏa mãn cái thú tính trong con người họ. Nếu ngày ấy chị cứng rắn hơn, có lẽ không ra nông nỗi này".
Vậy đấy, thực tế câu chuyện cô giáo bị chồng tạt axit đã cho ta thấy ly hôn không chỉ đơn giản là việc hai người không còn yêu nhau nữa chấm dứt sự ràng buộc bằng 1 tờ giấy quyết định, mà còn lòng người nữa có thể lòng người muốn hàn gắng nhưng cũng có thể lòng người với tâm lý bệnh hoạn “ăn không được phá cho hôi”. Vì vậy đôi khi mềm yếu 1 chút là đã tạo cơ hội cho kẻ khác làm tổn thương mình
Rất nhiều người phụ nữ luôn nói cố gắng vì con, nhưng sâu thẳm bên trong họ vẫn yêu người đàn ông ấy, họ vẫn hy vọng một buổi sáng nào đó họ thức dậy và trở nên tốt hơn. Hãy hỏi đứa con xem nó có muốn sống trong gia đình như vậy không,
Câu nói “cưỡng cầu không hạnh phúc” có lẽ đúng. Người đàn ông chỉ gọi là yêu mình thật sự khi anh ta biết cách làm cho mình hạnh phúc.
Xem thêm: Ly hôn thì đã làm sao
Xem thêm: Bức thư của con gái đến mẹ “cảm ơn mẹ đã ly hôn bố”