Bệnh tay chân miệng ở trẻ từ lâu đã là nỗi lo lắng của nhiều bậc cha mẹ và mối bận tâm khi trẻ bị tay chân miệng nên ăn gì? Để nhận biết trường hợp con bị tay chân miệng, đòi hỏi bố mẹ cần biết những kiến thức cơ bản về triệu chứng cũng như cách chăm sóc của bệnh tay chân miệng dưới đây:
Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ là bệnh gì?
Bệnh tay chân miệng là một loại bệnh truyền nhiễm rất phổ biến, bệnh lây lan từ người sang người theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp với nước mũi hoặc đờm, nước bọt, dịch của bọng nước phỏng hoặc phân của người bệnh.
Bệnh tay chân miệng phần lớn mắc phải ở đối tượng trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là ở nhóm dưới 3 tuổi và lây lan rất nhanh vì sức đề kháng của các bé vẫn còn yếu để chống chọi sự xâm nhập của virus gây bệnh. Nếu lành tính thì bệnh thường tự khỏi và không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, nếu các bậc phụ huynh có tâm lý chủ quan và ngay cả khi không phát hiện kịp thời để có động thái chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng cách thì có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi,...dẫn đến tử vong.
Bệnh dễ gây thành dịch với số ca mắc gia tăng theo từng năm và do enterovirus gây ra, nếu bệnh ở mức độ nhẹ thì bệnh nhân sẽ hồi phục sớm (trong vòng 7 - 10 ngày). Nhưng với bệnh có biến chứng nặng thì sẽ gây nguy hiểm liên quan đến thần kinh, tim mạch, hô hấp và có thể đe dọa sức khỏe, tính mạng trẻ. Ở Việt Nam có trung bình tới 21% trường hợp bệnh tay chân miệng ở tình trạng nặng và nhiều trường hợp trong số này đã tử vong vì bệnh tay chân miệng.
Những giai đoạn phát triển bệnh tay chân miệng mà phụ huynh cần lưu ý
Có 3 giai đoạn phát triển bệnh tay chân miệng hiện nay ở trẻ nhỏ:
- Giai đoạn ủ bệnh: Thường không có triệu chứng gì bên ngoài cơ thể bé, nhưng ở giai đoạn này virus sẽ xâm nhập vào cơ thể trẻ và có ủ bệnh không quá lâu, từ 3 đến 7 ngày.
- Giai đoạn khởi phát: Với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy. Đây là giai đoạn các phụ huynh cần quan sát kỹ lưỡng và chăm sóc bé để không để bệnh nặng hơn.
- Giai đoạn bệnh toàn phát: Trẻ sẽ có những triệu chứng sau ở giai đoạn này:
- Lở loét miệng: các vết loét đỏ như các vết phỏng sẽ xuất hiện ở khoang miệng, lưỡi, lợi. Lúc này bé sẽ cảm thấy bị đau miệng dẫn đến bé sẽ bỏ ăn.
- Các nốt phát ban dạng phỏng nước: các nốt phát ban này sẽ có ở trong lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông,..Chúng cứ mọc trong khoảng 7 ngày và sau đó sẽ biến mất nhưng hậu quả là chúng sẽ để lại vết thâm.
- Sốt nhẹ
- Nôn
- Gây ra nguy hiểm với biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp.
Trẻ bị tay chân miệng cần ăn gì, chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng như thế nào là đúng cách?
Chế độ ăn uống cho bé khi bị tay chân miệng
Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị tay chân miệng, cho nên cách đơn giản nhất mà phụ huynh có thể làm để giúp bé nhanh chóng vượt qua những triệu chứng khó chịu của bệnh tay chân miệng là việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết hàng ngày cho trẻ. Hãy chú ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày để bé nhanh hồi phục, ít cảm thấy khó chịu, đau đớn do các triệu chứng của bệnh gây ra bằng các thực phẩm dưới đây bổ sung vào khẩu phần ăn của bé.
- Trứng
Trong quả trứng có chứa nhiều protein, sắt, vitamin và khoáng chất rất tốt cho sức khỏe và đặc biệt là cho sức đề kháng của bé. Cho nên các món ăn được chế biến từ trứng sẽ rất tốt cho bé vì chúng thường có kết cấu mềm nên sẽ không khiến trẻ cảm thấy đau miệng do mụn nước trong lúc ăn.
Các món ăn từ trứng bạn có thể chế biến là chiên, luộc, hấp… đơn giản, hoặc có thêm một số loại rau củ như nấm hay một số gia vị phù hợp để hấp dẫn bé hơn.
- Nước dừa
Mất nước rất thường gặp khi một đứa trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Vì thế, hãy chuẩn bị kỹ càng bằng việc cho bé uống nước thường xuyên mỗi ngày, không nhất thiết phải là nước lọc, bạn có thể cho bé uống nước dừa vì nước dừa có mùi thơm nhẹ dễ uống mà lại thanh mát, cung cấp thêm các chất điện giải rất hữu ích trong việc ngăn ngừa tình trạng mất nước và có thể xoa dịu những vết loét trong miệng cho bé.
- Cháo loãng hoặc súp
Tinh bột rất cần thiết trong bữa ăn hằng ngày của trẻ dù trẻ có đang mắc bệnh hay không. Nhưng các món ăn như cơm, cháo đặc có thể làm cho bé khó ăn vì gây ra đau đớn khi nhai nuốt trong giai đoạn bị bệnh tay chân miệng, cho nên để giúp bé bạn có thể cho bé ăn cháo hoặc súp để thay thế cho món cơm khô khan.
Hãy kết hợp súp với các loại thịt, tránh nấu chung với cá hoặc các loại thực phẩm có vị tanh gây khó ăn cho bé, nên sử dụng các loại củ, quả như cà rốt, bí ngòi,...thay cho các loại rau.
Gợi ý: Cháo lươn đậu xanh giúp giải độc, cháo sườn bí đỏ, cháo tôm rau ngót, cháo khoai tây thịt, cháo gà hạt sen, cháo cà rốt cá hồi…
- Đu đủ
Đu đủ là loại quả có vị ngọt, thanh mát và lại có kết cấu mềm, khi bé ăn loại quả này vừa giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa, giảm căng thẳng do vitamin có trong đu đủ, vừa giúp làm dịu các cơn đau trong khoang miệng.
Ăn như bình thường hoặc bạn có thể cho bé ăn đu đủ ướp lạnh hay chế biến thành nước ép, sinh tố, kem hay đu đủ dầm…cho đa dạng.
- Sữa chua, mật ong
Mật ong có vị ngọt, thơm, và đặc biệt nó có đặc tính kháng khuẩn mạnh mẽ, giúp thúc đẩy quá trình chữa lành các vết loét trong khoang miệng. Trong khi đó, sữa chua lại là một thực phẩm rất tốt cho trẻ bị tay chân miệng bởi sữa chua khá mềm, dịu mát, giúp xoa dịu cơn đau do các vết loét gây ra. Không những thế, sữa chua còn bổ sung lợi khuẩn, protein, canxi, kali, axit folic và các loại vitamin khác giúp trẻ tăng cường sức đề kháng và tiêu hóa tốt hơn.
Tuy nhiên bạn cần lưu ý rằng chỉ cho bé ăn sữa chua mềm thay vì để đông đá, có thể thêm sữa chua vào món trái cây dằm và nếu trẻ đang trong quá trình có sử dụng các loại thuốc kháng sinh thì bạn không nên cho bé ăn sữa chua, vì kháng sinh sẽ tiêu diệt lợi khuẩn, khiến sữa chua không còn phát huy được tác dụng vốn có của nó.
Vitamin C có trong dưa hấu sẽ giúp bé ngăn các vết loét lan rộng. Tuy nhiên, cũng có những loại hoa, quả chứa vitamin C nhưng bạn không nên cho bé ăn (như những trái cây thuộc họ cam chanh, kiwi hay cà chua) bởi vì vị chua của những loại này sẽ khiến bé cảm thấy vô cùng xót và đau. Thay vào đó, dưa hấu sẽ là sự lựa chọn tốt hơn rất nhiều giúp nâng cao hệ miễn dịch của trẻ và ngăn không cho các vết loét trở nên nghiêm trọng.
Một là hãy ướp lạnh dưa hấu trước khi cho bé ăn hoặc nếu không thì bạn cũng có thể chế biến thành các loại thức uống hoặc món ăn khác nhau đến từ dưa hất như nước ép, sinh tố, kem hoặc salad.
Cách chăm sóc
Việc chăm sóc bệnh tay chân miệng đúng cách sẽ giúp cho trẻ tránh được các biến chứng nguy hiểm. Theo dõi con thường xuyên, dùng thuốc giảm đau khi cần là những biện pháp nhằm đảm bảo bé không gặp phải thêm các biến chứng bất thường bằng các cách sau:
- Tại nhà, cha mẹ cần lưu ý xử lý chất thải của bé bằng cách khử khuẩn, dùng găng tay, khẩu trang để bản thân tránh bị truyền nhiễm.
- Các vật dụng như bát, đũa, thìa của bé cần được giữ vệ sinh bằng cách rửa sạch và sử dụng riêng để tránh lây bệnh cho các thành viên trong gia đình.
- Trong thời gian bệnh, bé cần uống nước đầy đủ để tránh tình trạng mất nước
- Cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và xét nghiệm bệnh càng sớm càng tốt ngay khi vừa phát hiện ra các triệu chứng bệnh, điều này sẽ tránh được các biến chứng nguy hiểm cho bé
- Với những bé bị bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ, tức là chỉ có mụn nước và loét miệng thì cha mẹ có thể tự chăm sóc và theo dõi điều trị ở nhà. Bạn có thể thực hiện theo các bước như sau:
- Cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu, dễ ăn (như ở mục 3 đã đề cập) và uống nhiều nước mát.
- Chỉ nên cho bé uống thuốc hạ sốt và giảm đau paracetamol cho trẻ nhỏ. Các loại thuốc còn lại không được tự ý dùng mà phải do bác sĩ kê đơn mới được dùng.
- Vệ sinh miệng cho trẻ bị tay chân miệng bằng dung dịch sát khuẩn, cho trẻ súc miệng bằng nước muối loãng nếu trẻ làm được.
- Quần áo, tã lót hay vật dụng của trẻ bị bệnh cần được ngâm dung dịch sát khuẩn như cloramin B 2%.
- Khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng cần tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng cho bé hàng ngày bằng nước sạch để tránh bị nhiễm khuẩn.
- Theo dõi kỹ càng tình trạng bệnh của bé để khi có dấu hiệu bất thường có thể ứng biến kịp thời.
Lưu ý: bệnh tay chân miệng ở trẻ em có khả năng lây lan nhanh và mạnh nhất trong 1 tuần đầu tiên phát bệnh. Vì vậy khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng cần chú ý điều trên để có biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh sang trẻ khác.
Khi thấy trẻ có các triệu chứng như sốt cao kéo dài từ 48 tiếng trở đi, quấy khóc, nôn nhiều lần, ngủ lịm, run tay run chân, thở nhanh, mạch đập nhanh hơn bình thường, dáng đi loạng choạng - đây là những dấu hiệu cảnh báo các biến chứng nguy hiểm đang đến gần, lúc này bạn hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay để điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em nên kiêng gì?
Những điều kiêng kỵ
Nhiều cha mẹ cho rằng khi bị bệnh tay chân miệng sẽ dẫn đến phát ban, theo kinh nghiệm của họ thì trẻ cần kiêng ra gió, không được tiếp xúc với nước. Tuy nhiên, hai điều này không có cơ sở khoa học. Tốt nhất là phụ huynh phải đảm bảo môi trường sạch sẽ, tránh để bé tiếp xúc với những gì gây ô nhiễm và nước bẩn để bệnh không lan rộng. Cụ thể bé cần kiêng kỵ những điều sau đây:
- Không để bé gãi, chọc hay nghịch vào bọng nước trên da.
- Không dùng muối, chanh hay loại thuốc liền da, chống viêm nào để giảm nổi mẩn ngứa mà không có chỉ định của bác sĩ.
- Không cho trẻ ngậm vú nhựa, ăn thức ăn thô cứng, đặc biệt là các loại thức ăn, đồ uống có vị chua, cay gây đau cho trẻ.
- Không nên kiêng nước: Kiêng nước sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dễ dẫn đến những căn bệnh hoặc biến chứng nguy hiểm khác cho bé.
Đề phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ
- Thường xuyên rửa tay chân cho bé bằng xà phòng (tốt nhất nên dùng loại xà bông không tạo bọt cho da hoặc dung dịch sát khuẩn, đặc biệt là trước và sau khi ăn, đi vệ sinh.
- Phụ huynh cần đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc các bé mắc bệnh, đặc biệt là lúc thay quần áo, tã, tiếp xúc với phân, nước bọt hay khăn trải giường của bé.
- Vệ sinh sạch các vật dụng như đồ chơi, tay nắm cửa, thanh vịn, lan can sàn nhà bằng nước sôi, dung dịch diệt khuẩn,...
- Lau sàn nhà bằng nước lau sàn và giữ môi trường xung quanh bé sạch sẽ.
Trên đây là các kiến thức về bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Hy vọng sau bài viết này thì đã có kha khá các bậc phụ huynh đã có thêm những lưu ý cơ bản về các dấu hiệu, cách phòng bệnh tay chân miệng trẻ em cũng như trẻ bị tay chân miệng cần ăn gì là mau khỏi bệnh?. Qua những chia sẻ trên của Tuthuoc24h.net, các thông tin hữu ích sẽ giúp bậc phụ huynh chú ý nếu thấy trẻ có các triệu chứng bất thường, bạn nên đưa trẻ đi khám ngay để được điều trị kịp thời.
TuThuoc24h.net