Chắc chắn các mẹ bầu đã từng được nghe rằng ăn cá chép khi mang thai sẽ giúp bà bầu khỏe mạnh, con sinh ra da trắng môi đỏ lại thông minh hết cỡ. Trong cá chép có chứa nhiều dưỡng chất được xem là vô cùng có lợi cho phụ nữ mang thai. Nhưng liệu cá chép có đúng là sở hữu công dụng thần kỳ giúp tăng cường sức khỏe cho mẹ bầu và con sinh ra thông minh hay không. Để biết rõ thực hư ra sao chúng ta hãy cùng tìm hiểu các mẹ nhé!
Những lợi ích không ngờ của cá chép đối với sức khỏe
Trong y học cổ truyền cá chép còn được gọi với tên là lý ngư. Thịt cá, vây cá và đầu cá đều là những vị thuốc quý. Cá chép có thớ thịt trắng mịn, thịt dày và béo, ít xương dăm… Không những là món ăn ngon mà cá chép còn chứa nhiều chất dinh dưỡng, có tác dụng chữa trị bệnh tốt, đặc biệt là các bệnh phụ nữ.
Theo như người xưa truyền tai nhau, cá chép bổ tỳ vị, lợi tiểu, tiêu phù, thông sữa, chữa ho , lở loét… là một trong những thực phẩm bổ dưỡng cho thai phụ.
Cá chép trong dân gian Trung Quốc thường được gọi là “Ích mẫu hà tiêu” (Thuốc tiên chữa bệnh phụ khoa) vì nó có tác dụng nổi bật trong lĩnh vực này. Không chỉ vậy, cá chép còn có tác dụng tiểu tiện, cho nên có thể chữa được bệnh khi kết lạnh, nướng lên thì hỏa hóa, có phát phong hàn, bình phổi thông sữa, làm sạch đường tiêu hóa, bài tiết và trừ khử được tảo độc sưng tấy.
Lợi ích tuyệt vời khi mẹ bầu ăn cá chép
Không chỉ ông bà ta khuyến khích bà bầu ăn cá chép khi mang thai để em bé sinh ra trắng trẻo hồng hào mà trong y học cổ truyền cũng đã nêu ra ăn cá chép giúp an thai. Ngày nay y học hiện đại cũng chỉ ra trong thịt cá chép có chứa vitamin B1, vitamin B2, vitamin E, cùng nhiêu nguyên tố vi lượng như sắt, kẽm, magie, valine ...
Bên cạnh đó còn giàu protein amino acid, omega – 3, chất béo bão hòa thấp sẽ giúp em bé trong bụng mẹ phát triển khoẻ mạnh, ngăn ngừa dị tật bẩm sinh. Đối với mẹ bầu, ăn cháo cá chép còn làm giảm chứng sưng phù, chống viêm, tăng cường chức năng của hệ tiêu hoá, hệ tim mạch, trẻ hoá làn da.
Hàm lượng protein trong thịt cá chép cũng biến động theo mùa, phong phú nhất vào mùa hè, và giảm lượng protein vào mùa đông. Như vậy cá chép vào mùa hè là có giá trị dinh dưỡng nhất. Tuy nhiên dù có biến động nhưng protein trong thịt cá chép vẫn giàu giá trị dinh dưỡng cao, thích hợp cho mẹ bầu, chống mỏi lưng và mát sữa.
Thời điểm vàng cho mẹ bầu ăn cá chép
Thời điểm vàng để mẹ bầu ăn các món làm từ cá chép tẩm bổ chính là tam cá nguyệt đầu tiên. Tức là giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ. Trong khoảng thời gian này, mọi tế bào của thai nhi chỉ vừa mới hình thành, cần rất nhiều chất dinh dưỡng để phát triển trí não, bà bầu ăn cá chép khi mang thai sẽ giúp cả mẹ lẫn bé hấp thụ tối đa các chất dinh dưỡng.
Gợi ý top 5 món ngon bổ dưỡng từ cá chép mẹ bầu nên tham khảo
1. Lẩu cá chép om dưa – dành cho bà bầu thèm chua
Chị em lưu ý, để có một nồi lẩu cá chép om dưa ngon thì khi mua cần lưu ý, cá chép phải chọn khéo, không to, không nhỏ quá. Cá có trứng thì thịt không béo nhưng bù lại ăn trứng cá cũng rất ngon. Nếu chọn được con cá có trứng non là tốt nhất, trứng già ăn sẽ cứng và khô.
Dưa chua phải muối chín vàng khi om ăn mới hợp miệng.
- Nguyên liệu gồm: cá chép, sườn, dưa chua, cà chua, sả, gừng, hành khô, rau mùi tàu, hành tươi, thì là, rau sống, ớt tươi; gia vị: mắm, muối, mì chính, hạt tiêu.
- Cách thực hiện:
Dưa chua và cà chua rửa sạch. Cà chua bổ múi cau. Sườn chặt khúc nhỏ, cho nước vào trần qua để khử mùi hôi. Phi thơm hành khô, cho cà chua, sườn, dưa vào đảo qua, cho một ít gia vị, nước mắm cho dậy mùi, cho nước vừa đủ ăn vào nồi, vặn to lửa đun sôi. Sau đó bạn để ninh khoảng 30 phút cho ra nước ngọt từ sườn. Lúc này bạn chú ý vặn lửa nhỏ.
Cá chép rửa sạch, khứa vài đường ở hai bên mình, cho gia vị, sả, gừng băm nhỏ vào ướp khoảng 30 phút rồi cho vào chảo rán qua. Cho cá vào nồi lẩu rồi đổ nồi nước ninh vào. Cắt khúc hành tươi, để làm nồi lẩu thêm bắt mắt bạn trang trí với cà chua và ớt tỉa hoa. Món lẩu cá chép om dưa ăn kèm với bún rất ngon.
Ăn trứng vịt lộn khi mang thai có tốt không?
2. Riêu cá chép thì là – Món ngon cho bà bầu:
- Nguyên liệu cần chuẩn bị: 1 con cá chép, 500g xương ống, 500g cà chua, 200g thì là, 200g hành lá, 200g khế chua, 300g bún tươi, 4 thìa cà phê muối, 3 thìa cà phê hạt nêm, 2 thìa cà phê bột ngọt, 2 thìa súp mẻ.
- Cách thực hiện:
Cá chép làm sạch, để ráo nước. Cà chua xắt múi cau. Thì là bỏ phần gốc già, cắt khúc ngắn chừng 5cm. Hành lá cắt khúc vừa ăn. Khế bỏ cạnh, xắt lát vừa. Bún trụng qua nước sôi. Xương ống rửa sạch. Đập vỡ xương ống, cho vào nồi đun sôi trong khoảng 2 giờ, vớt bỏ bọt, đun đến khi cô đặc lại, lấy khoảng 700ml nước dùng. Cho dầu ăn vào chảo, cho cà chua vào xào nhừ. Cho nước dùng, khế, muối, hạt nêm, bột ngọt, mẻ vào đun sôi lần nữa. Sau đó cho cá vào, đun cho cá chín đều, cho thì là, hành lá vào. Dùng kèm bún và nước mắm. Bạn có thể tăng hoặc giảm vị chua bằng cách nêm mẻ và khế. Khi nấu xương nhớ vớt bọt để nước dùng được trong.
3. Cá chép sốt cà chua
Nếu mẹ nào không ăn được cháo cá chép hoặc không có thời gian để nấu cháo, các mẹ có thể chế biến món cá chép sốt cà chua rất đơn giản.
- Nguyên liệu cần chuẩn bị: Cá chép 1 con, cà chua, hành lá, tỏi băm, gừng băm, gia vị, dầu ăn.
- Cách thực hiện:
Cá chép bỏ ruột, đánh vảy và rửa sạch. Dùng dao khía những đường dọc thân cá, mỗi đường cách nhau khoảng 2cm. Cho ra tô, ướp với một chút gia vị trong khoảng 20 phút. Cho dầu ăn vào chảo sâu lòng. Đun dầu nóng già, cho cá vào chiên vàng. Để ra giấy thấm bớt dầu rồi cho ra đĩa. Cho 1 ít dầu vào nồi. Cho gừng, tỏi băm nhỏ vào xào thơm. Cho thêm dấm, đường, cà chua, muối và 40ml nước, khuấy đều, nếm vừa. Nêm nếm thành sốt chua ngọt vừa miệng. Rắc hành lá thái nhỏ. Đổ nước sốt lên mình cá. Thưởng thức khi nóng là ngon nhất.
4. Cháo cá chép – Món ăn số 1 dành cho bà bầu
Là món ăn phổ biến nhất với mẹ bầu. Kinh nghiệm dân gian cho rằng cá chép phải nấu nguyên con, thậm chí phải để nguyên cả mật thì mới tốt. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, mẹ bầu nên làm cá sạch sẽ trước khi chế biến nhé. Việc làm này sẽ không hề làm mất dưỡng chất trong thịt của cá chép.
- Nguyên liệu cần chuẩn bị: (Cho 3 – 4 phần ăn)
1 con cá chép còn sống khoảng 0,5kg, gạo tẻ 1/3 bát ăn cơm, 1 nắm gạo nếp, gia vị, 2 củ hành khô, lá ngải cứu, rau mùi ta, thì là.
- Cách thực hiện:
Cá chép bỏ ruột, đánh vảy và rửa sạch đặc biệt khu vực mang cá. Luộc cá đến khi nước sôi, hớt bọt cho trong nước, hạ lửa cho liu riu khoảng 40’ cho cá chín đều thì vớt ra, gỡ lấy thịt cá. Nước luộc cá để lắng, gạn lấy nước trong, đun sôi cho ít gia vị rồi cho gạo nếp, gạo tẻ vào nấu thành cháo. Chú ý nước sôi cho gạo vào đợi nước sôi lại thì hạ lửa nhỏ. Hầm gạo khoảng 1 giờ là chín.
Sau khi sơ chế, để có món cháo cá chép ngon, phù hợp với khẩu vị của mỗi người, có 2 cách như sau:
- Cách 1: Đối với những người ăn được đồ tanh (tức là không nghén): Cháo chín thả phần thịt cá đã gỡ sạch xương dăm vào nồi cháo, đảo đều, nêm nếm gia vị rồi thả rau ngải vào cho lá ngải chín thì có thể ăn được.
- Cách 2: Đối với các bà mẹ đang nghén (nghén thì hay sợ mùi tanh): 2 củ hành khô băm nhỏ, cho dầu ăn vào chảo đợi cho tỏi phi thơm hành lên xào thịt cá cho săn, trong lúc xào nhớ nêm ít gia vị. Sau đó trút vào nồi cháo đảo đều, nêm gia vị vừa ăn. Rau mùi và thì là thái nhỏ, khi nào ăn rắc vào cháo cá.
5. Cá chép kho nghệ tốt cho bà bầu
Cá chép kho cũng là món ăn ngon từ cá chép cho bà bầu và tiện lợi, một lần chế biến có thể ăn trong 2-3 bữa. Cá chép mổ bụng, cạo vảy, làm sạch và để ráo nước. Ướp bột nêm, hạt tiêu và hành khô băm nhỏ, để khoảng 20 phút cho thấm gia vị. Nghệ xắt miếng mỏng, hành lá xắt nhỏ. Cà rốt gọt vỏ, thái lát mỏng, nấm rơm rửa sạch, thái làm bốn phần. Bắt nồi cho dầu ăn vào xào nghệ , nấm và cà rốt đến khi nghệ ra màu vàng đẹp mắt. Cho tiếp cá vào, nêm nước mắm, đường, thêm nước vào nấu đến khi nước sánh lại. Nêm nếm lại cho vừa ăn, rắc hành lá và tiêu vào, vậy là chúng ta đã có món cá chép kho nghệ thơm ngon.
Những lưu ý khi mẹ bầu ăn cá chép
Khi mang thai mẹ hạn chế ăn cá biển vì trong cá biển chứa rất nhiều kim loại nhất là thủy ngân. Các mẹ nên ăn loại cá sông nước ngọt, đặc biệt là cá chép, chứa rất nhiều dưỡng chất, lại khá lành tính, tốt cho cả mẹ và con.
Khi nói về cách ăn cá chép, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên hạn chế ăn các món chiên, rán. Vì sẽ làm mất đi nhiều dinh dưỡng, so với cách hầm, nấu cháo, nấu canh… Tùy vào sở thích của mẹ, thì hãy chế biến sao cho hợp khẩu vị, không nhất thiết cứ mang thai là phải ăn cháo cá chép.
Ngoài ra, khi nấu cá chép cho bà bầu ăn, nên bỏ ruột cá vì trong ruột cá có chứa rất nhiều vi sinh vật, ký sinh trùng. Nếu không được làm sạch, còn sót lại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của mẹ và bé.
Như vậy, với những chia sẻ về việc ăn cá chép khi mang thai có tác dụng gì với mẹ bầu tuthuoc24h.net hy vọng đã giúp thai phụ biết thêm kiến thức về những thực phẩm tốt có lợi cho mẹ và bé nên ăn khi mang thai. Chúc các mẹ có một thai kỳ thật khỏe mạnh.
Tuthuoc24h