Những điều bạn cần biết về các nhóm máu và nguyên tắc truyền máu
Tra cứu thuốc chuẩn nhất
Trang chủ Sống Khỏe Sức Khỏe

Các nhóm máu và những điều bạn cần biết về nguyên tắc truyền máu

Bạn có biết mình thuộc nhóm máu nào trong các nhóm máu, nhóm máu của bạn có thuộc vào loại hiếm và nguyên tắc hiến máu, truyền máu được xác định ra sao?

Bạn có biết mình thuộc nhóm máu nào, liệu nhóm máu của bạn có thuộc vào loại hiếm và nguyên tắc hiến máu, truyền máu được xác định ra sao? Cùng Tủ Thuốc 24h tìm hiểu qua bài viết sau nhé!

Có nhiều loại nhóm máu khác nhau và mỗi loại có một đặc trưng riêng biệt. Việc xác định chính xác các nhóm máu của mỗi người là rất quan trọng trong chữa bệnh.

Có nhiều loại nhóm máu khác nhau với những đặc trưng riêng biệt
Có nhiều loại nhóm máu khác nhau với những đặc trưng riêng biệt

Kháng nguyên, kháng thể là gì?

Khái niệm kháng nguyên

Kháng nguyên trên hồng cầu là một yếu tố để các nhà khoa học phân biệt các nhóm máu. Có thể hiểu đơn giản, kháng nguyên là những yếu tố, chất lạ khi xâm nhập vào cơ thể con người thì cơ thể sẽ tự động phản ứng theo cơ chế tự bảo vệ.

Khái niệm kháng thể

Khi phát hiện có tác nhân lạ xâm nhập cơ thể, các kháng thể sẽ được hình thành trong máu người để phản ứng lại với các kháng nguyên. Các phản ứng này được gọi là phản ứng kháng nguyên - kháng thể hay còn được gọi là “sự đáp ứng miễn dịch”.

Hệ thống nhóm máu ABO

Dựa theo hệ thống ABO, nhóm máu của con người được phân thành 4 nhóm chính sau: O, A, B và AB. Cách phân loại này dựa vào sự có mặt hay không có mặt của kháng nguyên A, B trên hồng cầu và sự tồn tại của kháng thể chống A, chống B có trong huyết tương của người. Mỗi loại nhóm máu đều có âm tính hoặc dương tính (ví dụ: O+ hay O-,...). Theo nghiên cứu ở Việt Nam, nhóm máu O chiếm khoảng 42,1%, nhóm máu B chiếm 30,1%, nhóm máu A chiếm khoảng 21,2% và nhóm máu AB chỉ chiếm khoảng 6,6% - thuộc vào nhóm máu hiếm.

Có 4 loại nhóm máu theo hệ thống ABO
Có 4 loại nhóm máu theo hệ thống ABO

Nhóm máu O

Đây là nhóm máu phổ biến nhất trên thế giới. Vì nhóm máu O không có kháng nguyên nên có thể truyền được cho cả 4 nhóm máu O, A, B, AB nhưng lại chỉ nhận được máu từ chính nhóm O. Vì thế, đây được gọi là nhóm máu chuyên cho - nhóm máu cứu cánh cho những trường hợp cần truyền máu khẩn cấp, nhất là ở trẻ em, trẻ sơ sinh - những đối tượng chưa có sự hoàn thiện trong hệ miễn dịch.

Nhóm máu A

Tỉ lệ nhóm máu này chỉ xếp sau nhóm máu O về mức độ phổ biến trên toàn cầu. Nhóm máu A có thể truyền cho nhóm máu A và AB. Những người có nhóm máu này có thể nhận máu từ người có cùng nhóm máu và người có nhóm máu O. Theo thống kê, những người có nhóm máu A hiếm khi mắc bệnh so với những người có nhóm máu khác, tuy nhiên số người bị stress thuộc nhóm máu này lại chiếm tỉ lệ cao.

Nhóm máu B

Đây là nhóm máu có chứa kháng nguyên B trên bề mặt hồng cầu và có sự hiện diện của kháng thể chống A trong huyết tương. Cũng tương tự như nhóm máu A, nhóm máu B cũng nhận 2 và cho 2. Cụ thể, nhóm máu B có thể nhận máu từ chính nhóm máu B và nhóm máu O; truyền được cho nhóm chính nhóm B và nhóm AB.

Nhóm máu AB

Những người có nhóm máu AB được thừa hưởng gen A từ cha hoặc mẹ và gen B nhận từ người còn lại. Do tỷ lệ kết hợp giữa A và B không cao nên đây được xem là nhóm máu hiếm nhất. Nếu bạn mang trong mình nhóm máu AB thì cũng đừng lo lắng về sự hiếm của nhóm máu này, bởi nhóm máu AB có thể nhận máu từ cả 4 nhóm máu và có thể truyền cho chính nhóm AB. Đây còn được gọi là nhóm máu chuyên nhận (ngược lại với nhóm máu O).

Sự tương thích của các nhóm máu
Sự tương thích của các nhóm máu

Hệ thống nhóm máu Rh

Rh là viết tắt của Rhesus, đây là hệ thống máu quan trọng thứ hai chỉ sau hệ thống ABO. Hiện nay, các nhà khoa học đã xác định được 50 loại kháng nguyên trong hệ thống nhóm máu này. Có 5 kháng nguyên quan trọng nhất là D, C, c, E, e.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về kháng nguyên D. Đây là kháng nguyên có vai trò vô cùng quan trọng trong việc truyền máu và xác định bệnh tán huyết ở trẻ sơ sinh. Kháng nguyên D phân bố rải rác trên bề mặt hồng cầu. Tùy vào mỗi người mà cơ thể có thể có hoặc không có kháng nguyên D; nếu trên hồng cầu có kháng nguyên thì sẽ được gọi là Rh+ và ngược lại là Rh-.

Theo khảo sát nghiên cứu, tỉ lệ người có nhóm máu Rh+ của Việt Nam vào khoảng 99,93%- 99,96%; nghĩa là tỷ lệ Rh- là rất hiếm, chỉ khoảng 0.04%- 0.07%. Nếu có nhóm máu Rh-, người bệnh chỉ được nhận máu từ người có nhóm Rh-. Trường hợp nhận nhóm máu Rh+ thì cơ thể sẽ xuất hiện kháng thể chống Rh. Từ đó gây ngưng kết hồng cầu, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người được truyền máu.

Với phụ nữ mang thai, nếu người mẹ mang kháng nguyên Rh- mà thai nhi lại có kháng nguyên Rh+; lúc này cơ thể người mẹ sẽ sinh kháng thể chống Rh+ của em bé, gây nên tình trạng tán huyết ảnh hưởng nghiêm trọng đến em bé, có thể dẫn đến nguy cơ sảy thai. Chính vì thế, khi mang thai, các bà mẹ cần phải tiến hành xét nghiệm kháng nguyên Rh. Trong trường hợp phát hiện sự không tương thích; bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp để đảm bảo an toàn cho thai nhi.

Cần lưu ý gì khi truyền máu, hiến máu?

Nhóm máu của một người là do di truyền từ cha mẹ. Việc tìm hiểu và xác định nhóm máu có thể dựa vào kĩ thuật Microplate; hệ thống xét nghiệm tự động Qwalys 3 với công nghệ từ tính hóa hồng cầu.

Xác định chính xác nhóm máu của bản thân là vô cùng quan trọng trong việc truyền máu. Nếu truyền sai nhóm máu có thể gây nguy hiểm đến người được truyền máu. Tùy vào từng trường hợp, có thể gây ra phản ứng nhanh hoặc chậm và xuất hiện những trạng thái như sốt, nóng lạnh, đau lưng,.. Truyền nhầm nhóm máu có thể gây tán huyết, tai biến thậm chí gây chết người trong trường hợp nặng. Chính vì thế, cần đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc khi truyền máu.

Hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp và nhân đạo
Hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp và nhân đạo

Việc hiến máu không hề gây ảnh hưởng đến sức khỏe như nhiều người vẫn lo sợ. Dù là bạn thuộc nhóm máu nào, hãy chia sẻ nó cho những người đang cần. Đây là việc thiết thực và ý nghĩa đối với cả cộng đồng.

Hi vọng bài viết trên đã phần nào cung cấp các thông tin cần thiết về nhóm máu; tầm quan trọng của xác định nhóm máu và truyền máu đến với bạn đọc.

TuThuoc24h