Thông tin cơ bản thuốc Dipyridamole
Dạng thuốc và hàm lượng
- Viên nén uống chứa 25 mg, 50 mg và 75 mg dipyridamol.
- Nang giải phóng chậm chứa 200 mg dipyridamol.
- Thuốc tiêm tĩnh mạch: 10 mg/2 ml (chỉ dùng trong chẩn đoán).
Điều kiện bảo quản
Bảo quản viên nén dipyridamol trong những lọ kín, tránh ánh sáng, ở nhiệt độ 15 độ C đến dưới 30 độ C.
Tác dụng thuốc Dipyridamole
Chỉ định/Chống chỉ định
Chỉ định
Dipyridamol là thuốc phụ thêm cùng thuốc chống đông coumarin để dự phòng trong những trường hợp cần làm giảm kết dính tiểu cầu, ví dụ sau phẫu thuật van tim, và để dự phòng huyết khối tắc mạch do van tim nhân tạo.
Chống chỉ định
Sốc hoặc trụy tuần hoàn.
Liều dùng và cách dùng
Liều dipyridamol thường dùng cho người lớn, khi uống phụ thêm với thuốc chống đông coumarin để dự phòng biến chứng huyết khối tắc mạch sau thay thế van tim là 75 - 100 mg, 4 lần mỗi ngày, trước khi ăn.
Khi dùng dạng thuốc giải phóng chậm (nang Persantine chậm), để dự phòng thứ phát đột quỵ thiếu máu cục bộ và cơn thiếu máu cục bộ nhất thời, hoặc phụ thêm với thuốc uống chống đông để dự phòng huyết khối tắc mạch do van tim giả, liều thường dùng cho người lớn là 200 mg, hai lần mỗi ngày, nên uống cùng thức ăn.
Chú ý: Chỉ dùng thuốc tiêm tĩnh mạch dipyridamol để thăm dò chức năng của hệ tim mạch: chụp lấp lánh cơ tim, siêu âm tim. Cần tham khảo thông tin về chế phẩm.
Thận trọng
- Vì dipyridamol là thuốc giãn mạch mạnh, nên phải hết sức thận trọng ở người có bệnh mạch vành tim nặng, hẹp động mạch chủ dưới van, hoặc suy tim mất bù.
- Phải dùng dipyridamol với liều thấp ở người bệnh có giảm huyết áp, vì thuốc có thể gây giãn mạch ngoại biên và làm giảm huyết áp thêm nữa.
- Vì chưa xác định được mức độ an toàn và hiệu lực của dipyridamol ở trẻ em dưới 12 tuổi, nên không được dùng dipyridamol cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Tương tác với các thuốc khác
- Vì dipyridamol có thể ức chế kết tụ tiểu cầu, cần theo dõi chặt chẽ người bệnh dùng đồng thời heparin và dipyridamol để phòng ngừa chảy máu; tuy nhiên, chưa xác định được tỷ lệ thực sự của phản ứng này.
- Với liều 400 mg mỗi ngày, dipyridamol không ảnh hưởng đến thời gian prothrombin và có thể dùng được cùng với thuốc uống chống đông. Dùng đồng thời dipyridamol và warfarin có vẻ không làm tăng tần số hoặc mức độ nghiêm trọng về chảy máu so với dùng warfarin một mình. Tuy nhiên, một số nhà lâm sàng khuyên nên duy trì thời gian prothrombin ở giới hạn thấp của phạm vi điều trị, khi dùng đồng thời những thuốc này, để tránh chảy máu có thể xảy ra.
Tác dụng phụ
ADR do trị liệu bằng dipyridamol thường liên quan với liều dùng và có thể hồi phục. Phần lớn ADR của dipyridamol có tính chất nhất thời và sẽ hết khi điều trị bằng dipyridamol dài ngày. Trong một số ít trường hợp đã xảy ra ADR tồn tại dài ngày hoặc không thể chịu đựng được nhưng hết khi ngừng thuốc.
Thường gặp: Tim mạch: Giảm huyết áp, nhịp tim nhanh.; Thần kinh trung ương: Chóng mặt, nhức đầu; Da: Ban.; Dạ dày - ruột: Rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn).; Hô hấp: Khó thở.
Ít gặp: Tim mạch: Giãn mạch, đỏ bừng, ngất, phù, đau thắt ngực; Thần kinh trung ương: Nhức nửa đầu.; Dạ dày - ruột: Ỉa chảy, nôn; Gan: Loạn chức năng gan.; Thần kinh - cơ và xương: Yếu cơ, tăng trương lực cơ; Hô hấp: Viêm mũi, thở sâu nhanh.; Khác: Phản ứng dị ứng, đau ngực.
Cách xử trí
Trong trường hợp có ADR tồn tại dài ngày hoặc không thể chịu đựng được, nên ngừng dùng dipyridamol, ADR này sẽ mất đi.
Dược động học/Dược lực
Dược động học
Dipyridamol được hấp thu không hoàn toàn qua đường tiêu hóa, với mức độ thay đổi tùy theo cá thể. Sau khi uống một liều dipyridamol, nồng độ đỉnh của thuốc trong huyết tương đạt trong vòng 45 - 150 phút. Dipyridamol phân bố rộng rãi trong các mô và có trong sữa mẹ. Một lượng nhỏ qua nhau thai. Thuốc liên kết khoảng 91 - 99% với protein huyết tương, chủ yếu với albumin và cả với glycoprotein acid alpha 1 (alpha1 - AGP). Sau khi uống, nồng độ dipyridamol giảm dần theo 2 pha. Nửa đời của thuốc trong pha đầu khoảng 40 - 80 phút, và nửa đời của pha đào thải cuối cùng khoảng 10 - 12 giờ.
Dipyridamol chuyển hóa ở gan và đào thải vào mật, chủ yếu ở dạng monoglucuronid và một lượng nhỏ ở dạng diglucuronid. Dipyridamol và các glucuronid có thể theo vòng tuần hoàn ruột - gan và đào thải chủ yếu qua phân. Một lượng nhỏ đào thải qua nước tiểu.
Dược lực
Dipyridamol chống tạo huyết khối bằng cách ức chế cả kết tụ lẫn kết dính tiểu cầu, vì vậy ức chế tạo cục huyết khối mới, do làm tăng tiêu hao tiểu cầu. Dipyridamol còn kéo dài thời gian sống của tiểu cầu ở người mắc bệnh van tim, ở những người này đời sống tiểu cầu bị rút ngắn. Thuốc cũng duy trì số lượng tiểu cầu ở người bệnh mổ tim hở.
Dipyridamol cũng gián tiếp gây giãn mạch do hai cơ chế: Ức chế sự thu giữ adenosin bởi hồng cầu và ức chế men GMP vòng - phosphodiesterase. Adenosin, một chất giãn mạch mạnh, chống lại tiểu cầu kết dính và kết tụ do kích thích adenylyl cyclase. Dipyridamol cũng ức chế men AMP vòng - phosphodiesterase và bằng cách đó làm tăng tác dụng của cả adenosin và của các prostacyclin có hoạt tính ức chế kết tụ tiểu cầu.
Quá liều và cách xử trí
Có ít thông tin về độc tính cấp của dipyridamol ở người. Dùng dipyridamol quá liều có thể gây những triệu chứng chủ yếu do tăng mạnh tác dụng dược lý thường thấy của thuốc. Nếu giảm huyết áp, thường chỉ trong thời gian ngắn; tuy nhiên, khi cần, có thể dùng một thuốc co mạch. Thẩm tách máu không có hiệu quả trong xử trí quá liều dipyridamol, vì thuốc này gắn vào protein với tỷ lệ cao.