Kinh nguyệt ra ít nhưng kéo dài có ảnh hưởng sức khoẻ không?
Tra cứu thuốc chuẩn nhất
Trang chủ Sống Khỏe Sức Khỏe

Kinh nguyệt ra ít nhưng kéo dài có nguy hiểm không?

Chu kỳ kinh nguyệt phản ánh phần nhiều sức khoẻ của chị em, vậy kinh nguyệt ra ít có nguy hiểm không, có ảnh hưởng sức khoẻ không? Điều trị như thế nào?

Rối loạn kinh nguyệt luôn là mối bận tâm và đáng lo ngại cho các chị em phụ nữ. Nhất là kinh nguyệt ra ít nhưng kéo dài, đem đến không ít phiền toái cho cuộc sống sinh hoạt của phụ nữ. Mặc dù không nguy trọng nhưng cũng gây ảnh hưởng đến sinh sản sau này cũng như dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm nào đó.

Kinh nguyệt kéo dài là gì?

Kinh nguyệt là hiện tượng chảy máu sinh lý của tử cung, bao gồm máu tử cung và niêm mạc bong tróc của âm đạo. Máu kinh thường có màu đỏ thẫm, không đông và có chứa nhiều vi khuẩn có sẵn trong cơ quan sinh dục nữ. Một người phụ nữ trưởng thành khỏe mạnh có chu kỳ kinh nguyệt kép dài từ 28 – 32 ngày và thời gian hành kinh xuất hiện rơi vào ngày thứ nhất đến ngày thứ ba hoặc thứ năm của chu kỳ. 

Rong kinh hay chính là kinh nguyệt kéo dài là tình trạng hành kinh xuất hiện lâu hơn 7 ngày, có tính theo chu kỳ lặp lại của chu kỳ kinh nguyệt. Trường hợp này khác với khái niệm rong huyết, vì tình trạng này cũng ra máu trên 7 ngày nhưng không mang tính chu kỳ. Lượng máu của rong huyết có thể nhiều, ít hoặc trung bình. Nếu kinh nguyệt kéo dài trên 15 ngày, hiện tượng này sẽ trở thành rong huyết hay rong kinh rong huyết. 

Phân loại kinh nguyệt kéo dài

Kinh nguyệt kéo dài cơ năng

Kinh nguyệt kéo dài cơ năng (hay còn gọi là rong kinh cơ năng) do những rối loạn của việc điều hòa hoạt động các hormone sinh dục nữ gây ra. Theo đó, nguyên nhân của rong kinh ở mỗi lứa tuổi là khác nhau. Thời điểm thường gặp rong kinh nhất là giai đoạn đầu và cuối của thời kỳ dậy thì và tiền mãn kinh thường gặp nhất ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối tại thời kỳ dậy thì và tiền mãn kinh. 

Hiện tượng rong kinh có thể gây nguy hiểm đối với chị em
Hiện tượng rong kinh có thể gây nguy hiểm đối với chị em

Cột mốc dậy thì được đánh dấu sau khi chu kỳ hành kinh đầu tiên hình thành. Trong hai năm sau đó, thiếu nữ có vòng kinh không đều do thiếu phóng noãn. Điều này là do hoạt động nội tiết của buồng trứng hoặc vùng dưới đồi chưa trưởng thành. Vì thế Estrogen cứ ngày một tăng lên, thiếu hoàng thể và cũng không diễn ra hiện tượng bong nội mạc tử cung. Từ đó, thành nội mạc dày lên, mạch máu không tăng trưởng kịp, thiếu máu nuôi dưỡng thành nội mạc, dẫn tới hoại tử và bong ra từng máu, gây xuất huyết nhiều và kéo dài. 

Giai đoạn tuổi mãn kinh, do sự thoái hóa buồng trứng và sụt giảm nồng độ hormone, hiện tượng chu kỳ kinh nguyệt không có phóng noãn lặp lại. Chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu thưa dần, không đều và đôi khi kéo dài, lượng máu nhiều ít không giống nhau trước khi mất hẳn.

Kinh nguyệt kéo dài thực thể

Kinh nguyệt kéo dài thực thể (hay được gọi rong kinh thực thể) là tình trạng xuất hiện tổn thương hoặc bệnh lý thực sự ở tử cung hoặc buồng trứng. Bao gồm: viêm hoặc polyp nội mạc tử cung, u xơ tử cung, các bệnh ung thư (như ung thư cổ tử cung, âm đạo, nguyên bào nuôi,…), hội chứng buồng trứng đa nang.

Bên cạnh đó, nhiễm khuẩn sau sinh, sảy thai, nạo thai, thai ngoài tử cung,… hay các chấn thương, di vật trên đường sinh dục cũng gây ra rong kinh.

Ngoài ra, rong kinh cũng là triệu chứng của một số bệnh lý như rối loạn vùng dưới đồi, bệnh tuyến giáp, xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn đông cầm máu, bệnh lý tuyến yên,… và do sử dụng một số loại thuốc như estrogen, aspirin,… Những trường này bên cạnh rong kinh còn đi kèm với rong huyết. 

Nguyên nhân khiến kinh nguyệt kéo dài

Thay đổi hormone

Thay đổi hormone có thể dẫn đến kinh nguyệt kéo dài
Thay đổi hormone có thể dẫn đến kinh nguyệt kéo dài

Khi bước vào độ tuổi dậy thì hoặc giai đoạn tiền mãn kinh, hormone trong cơ thể có sự thay đổi và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chu kỳ kinh nguyệt, đổi màu máu kinh và lượng máu ra so với bình thường. 

Sau một thời gian nhất định, nồng độ hormone sẽ ổn định và không gây ra nguy hiểm cho cơ thể.

Rối loạn hoạt động của tuyến giáp

Tuyến giáp có chức năng điều hòa quá trình trao đổi chất và sản xuất nội tiết của cơ thể. Khi tuyến giáp sản xuất quá mức hoặc suy giảm nội tiết sẽ ảnh hưởng đến thời gian kinh nguyệt cũng như lượng máu ra tại mỗi chu kỳ.

Tuyến giáp suy giảm hoạt động sẽ dẫn đến kinh nguyệt ra ít nhưng kéo dài, kéo theo tình trạng thiếu hụt hormone và đồng thời giảm lượng máu kinh trong chu kỳ.

Tác dụng phụ của thuốc tránh thai

Mục đích của thuốc tránh thai là ngăn chặn quá trình thụ tinh. Cùng với đó, loại thuốc này cũng tác động trực tiếp lên chu kỳ kinh nguyệt và ảnh hưởng đến lượng máu kinh ra ít nhưng kéo dài hơn 7 ngày. 

Ngoài thuốc tránh thai, các loại thuốc khác như thuốc điều trị huyết áp cao, tim mạch, trầm cảm,…cũng ra hiện tượng này.

Suy giảm chức năng buồng trứng

Buồng trứng là cơ quan quan trọng sản sinh hormone progesterone và estrogen duy trì hoạt động của sinh sản và chu kỳ kinh nguyệt cho phụ nữ. Khi buồng trứng suy giảm, đồng nghĩa khả năng sinh sản và chu kỳ kinh nguyệt cũng bị ảnh hưởng theo. Rối loạn kinh nguyệt kéo dài, nạo phá thai bừa bãi, viêm nhiễm vùng kín, lạm dụng chất kích thích, rượu bia,… là nguyên nhân dẫn đến suy giảm buồng trứng.

Ngoài ra, suy giảm chức năng buồng trứng còn dẫn tới giảm trí nhớ, âm đạo khô, giảm ham muốn, thay đổi màu máu kinh, mất ngủ, da nhăn nheo, ngực chảy xệ,… 

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Hội chứng buồn trứng đa nang là bệnh lý phổ biến hiện này với các đặc điểm: trứng có thể tích to, số lượng trứng nhiều nhưng rỗng, không chín nên không có khả năng sinh sản. Nếu mắc hội chứng này, hiện tượng phóng noãn không xảy ra hoặc bị gián đoạn do các nang trứng ít phát triển, suy ra vô kinh hoặc máu kinh ra ít.

Hình ảnh minh hoạ buồn trứng đa nang
Hình ảnh minh hoạ buồn trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang xảy ra là do sự tăng cao đột ngột của hormone androgen (hormone nam giới) trong cơ thể nữ giới. Bên cạnh triệu chứng kinh nguyệt ít, mặt nổi mụn trứng cá, đau vùng xương chậu, khó thụ thai,… cũng là các triệu chứng đặc trưng của bệnh.

Viêm phụ khoa

Màu sắc, số lượng và thời gian chảy máu kinh có thể bị ảnh hưởng do viêm phụ khoa (viêm tử cung, viêm âm đạo,…). Trường hợp nguyên nhân kinh ra ít nhưng kéo dài là do viêm phụ khoa, lúc này sẽ có các biểu hiện đi kèm như máu có mùi hôi, đau bụng dưới dữ dội, khí hư màu xám, mùi khó chịu,… 

Mức độ nguy hiểm của kinh nguyệt kéo dài 

Về lâu về dài, kinh nguyệt ra ít nhưng kéo dài không chỉ gây mất máu mà còn dẫn đến bệnh thiếu máu nghiêm trọng, xuất hiện các triệu chứng: mệt mỏi, giảm khả năng lao động, khó thở, khó tập trung, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng,…

Lúc này, các vi khuẩn khu trú ở cơ quan sinh dục ngoài dễ dàng thâm nhập, di chuyển từ âm hộ vào trong và gây viêm nhiễm sinh dục do tình trạng ra máu kéo dài đã tạo nên môi trường thuận lợi cho chúng. Điều này rất dễ dẫn đến vô sinh sau này.

Mắc phải buồng trứng đa nang có thể dẫn đến
Mắc phải buồng trứng đa nang có thể dẫn đến 

Các triệu chứng khác của kinh nguyệt kéo dài như khí hư, đau bụng dưới, căng tức ngực,... có thể gây ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hằng ngày. Xét về tâm lý, người phụ nữ luôn xuất hiện cảm giác sợ hãi, khó chịu mỗi lần đến kinh cũng như sinh hoạt vợ chồng. 

Ngoài ra, việc thiếu kiến thức và chủ quan cho rằng những bất thường này đến từ thời tiết thay đổi, chế độ ăn uống, ngủ nghỉ hay tư tưởng e ngại, nhiều chị em đã vô tình trì hoãn thời gian điều trị, khiến bệnh tình thêm nặng và gây ra những biến chứng không mong muốn. 

Phương pháp điều trị hiện tượng kinh nguyệt ra ít nhưng kéo dài

Biện pháp điều trị và chăm sóc tại nhà

Nội tiết tố trong cơ thể có thể được cân bằng và triệu chứng kinh nguyệt ra ít nhưng kéo dài có thể giảm nếu áp các biện pháp chăm sóc và điều trị tại nhà đều đặn:

  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn các loại thuốc tránh thai hoặc một số loại thuốc điều trị khác.
  • Nên sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn khác thay vì uống thuốc như dùng bao cao su, đặt vòng,…
  • Giữ tâm trạng được thoải mái, dành thời gian nghỉ ngơi, nghe nhạc hoặc đọc sách để giải tỏa cảm xúc tiêu cực.
  • Tránh căng thẳng, stress, không nhận khối lượng công việc quá lớn kết hợp giảm thời gian làm việc.
  • Dành thời gian tâm sự, trò chuyện cùng bạn bè và người thân, kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch, vui chơi cuối tuần hoặc mỗi năm… như một cách để giải tỏa căng thẳng và nạp năng lượng cho bản thân.
  • Tập thể dục thường xuyên vừa giúp giữ sức khỏe, ổn định nội tiết vừa giúp tăng cường hệ miễn dịch và cân nặng. 
  • Trong thời gian kinh nguyệt, làm sạch vùng kín 2 – 3 lần/ ngày và thay băng vệ sinh thường xuyên. Nếu muốn sử dụng thêm dung dịch vệ sinh vùng kín, hãy liên lạc với bác sĩ để được tư vấn sản phẩm phù hợp.
  • Không hút thuốc lá, hạn chế các đồ uống chứa cồn và caffeine. Ngoài ra, nói không với các thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhiều dầu mỡ, gia vị và thức ăn nhanh.
  • Tích cực bổ sung rau xanh, ngũ cốc và các loại thực phẩm như đậu nành, nấm, cá hồi, đậu đen, dầu oliu,… để giúp sản xuất estrogen trong cơ thể.
  • Bổ sung 2 – 3 lít nước mỗi ngày để tránh hiện tượng giảm lượng máu kinh và khô rát vùng kín.

Kết hợp các biện pháp chuyên sâu

Với các nguyên nhân phức tạp hơn của kinh nguyệt ra ít nhưng kéo dài như viêm phụ khoa, polyp cổ tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang ,suy buồng trứng,… chị em cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và có biện pháp điều trị hợp lý. 

Tùy vào mức độ tổn thương và triệu chứng cụ thể, bác sĩ sẽ điều trị bằng kê đơn thuốc hoặc tiến hành phẫu thuật. 

Ngay khi thấy hiện tượng kinh nguyệt ra ít nhưng kéo dài cũng với các triệu chứng khác đã nêu trên, chị em nên chủ động đi thăm khám. Bởi vì nếu điều trị chậm trễ có thể khiến bệnh tình tiến triển nghiêm trọng và gây ra các biến chứng không đáng có. Với phụ nữ đã quan hệ tình dục hoặc trên 20 tuổi, thời gian khám phụ khoa cần được thực hiện là 6 - 12 tháng để sớm phát hiện các bệnh phụ khoa tiềm ẩn. 

Như vậy, bài viết trên đã cung cấp cho chị em một cái nhìn đầy đủ về hiện tượng kinh nguyệt ra ít nhưng kéo dài. Vì vậy, chị em cần chủ động thăm khám bác sĩ khi thấy kinh nguyệt của mình có dấu hiệu bất thường để giảm nguy cơ vô sinh sau này. 

TuThuoc24h