Bị chuột rút là gì? Nguyên nhân bị chuột rút
Tra cứu thuốc chuẩn nhất
Trang chủ Bệnh 360° Bệnh Người Lớn

Bị chuột rút là gì? Nguyên nhân bị chuột rút

Chuột rút hay còn gọi la vọp bẻ, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Hãy cùng TuThuoc24h cùng tham khảo những mẹo chữa chuột rút nhé!

Chuột rút là gì? Nguyên nhân bị chuột rút do đâu? Trường hợp thường xuyên bị chuột rút thì có nguy hiểm không? Thông qua bài viết dưới đây Tuthuoc24h.net sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin hữu ích liên quan đến tình trạng chuột rút để các bạn có thêm kiến thức xử trí và phòng tránh.

Chuột rút là gì?

Chuột rút là tình trạng co thắt cơ đột ngột mạnh, gây nên cơn đau dữ dội và thắt chặt các cơ ở bắp thịt. Chuột rút đến một cách đột ngột và kéo dài trong khoảng thời gian từ vài giây cho đến vài phút gây tổn thương nghiêm trọng đến tình trạng vận động của người bệnh.

cách chữa chuột rút chân
Chuột rút thường xuất hiện ở bắp chân

Chuột rút thường hay xảy ra ở thời điểm ban đêm trong khi đang ngủ và lúc vừa tỉnh giấc, hoặc sau khi cơ thể vận động mạnh, sử dụng cơ bắp trong suốt một khoảng thời gian dài và tần suất liên tục. Chuột rút có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên thường gặp nhiều nhất ở người trẻ tuổi và trên 60 tuổi. Chuột rút sẽ gây ra các tình huống nguy hiểm nếu xảy ra lúc đang bơi dưới nước, ngồi gần bếp lửa, hay khi đang lái xe.

Triệu chứng thường gặp khi bị chuột rút

Những dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng chuột rút là gì?

Chuột rút có thể xảy ra ở tất cả các bắp thịt trên cơ thể, tuy nhiên, nơi thường hay bị chuột rút là ở bắp chân, hay đôi lúc có thể xảy ra ở cơ bắp phần đùi, hông, bàn chân, bàn tay và cơ bụng. Trong số đó, chuột rút ở bắp chân và bàn chân là thường gặp phổ biến nhất.

Ngoài việc chuột rút thường xảy ra một cách đột ngột, bạn còn có thể dựa vào dấu hiệu như cảm nhận bằng cách sờ vào hoặc nhìn thấy những khối căng cứng ở mô cơ bên dưới lớp da của bắp thịt nơi đang đau thắt.

Khi nào thì bạn nên gặp bác sĩ?

Nếu tình trạng chuột rút chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra với bạn, và bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được chúng cùng các triệu chứng thông thường không quá lo ngại, bạn có thể làm các cơn đau giảm xuống và biến mất bằng các bài tập kéo giãn cơ hằng ngày kết hợp với chế độ ăn uống phù hợp. Tuy nhiên nếu hay bị chuột rút thường xuyên, thì bạn nên nhanh chóng thăm khám gặp các bác sĩ chuyên khoa để xác định rõ nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp. Nếu hay bị chuột rút thuộc những triệu chứng dưới đây thì bạn tốt nhất nhanh chóng nên đến gặp bác sĩ:

+ Tấn suất hay bị chuột rút là thường xuyên, nhiều và ngày càng trở nên tồi tệ;

+ Cảm nhận sự đau thắt khó chịu kéo dài khi bị chuột rút;

+ Bắp cơ có dấu hiệu sưng tấy, đỏ hay màu sắc của da có sự thay đổi khi bị chuột rút bắp chân hoặc bàn chân;

+ Cảm nhận được cơ yếu đi;

+ Không thể cải thiện tình trạng chuột rút bằng cách áp dụng các phương pháp tự chăm sóc.

Nguyên nhân gây chuột rút 

Chuột rút là hiện tượng phổ biến thường gặp trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Vậy nguyên nhân bị chuột rút là do đâu? Cùng theo dõi các nguyên nhân chuột rút sau đây nhé:

Cơ thể mất nước: tình trạng cơ thể thiếu nước là một trong những nguyên nhân bị chuột rút vào ban đêm. Điều này cũng xảy ra sau khi bạn thực hiện các bài tập thể dục, hoặc làm việc nặng khiến đổ một lượng mồ hôi quá nhiều mà không được bù đủ lượng nước mất đi.

Chế độ dinh dưỡng thiếu chất khoáng: sự cân bằng các chất điện giải (canxi, natri, kali và magiê) có trong cơ thể là yếu tố hết sức cần thiết hỗ trợ cho sự co giãn của cơ bắp. Vì vậy nếu thiếu hụt các chất điện giải sẽ dẫn đến tình trạng các cơ bị rối loạn và co rút không báo trước gây nên chuột rút khó chịu. 

Tác dụng phụ của thuốc: có một số loại thuốc như statin và furosemide hay thuốc chống loạn thần, thuốc tránh thai, thuốc lợi tiểu có thể gây ra hiện tượng chuột rút cơ bắp bởi một số thành phần có trong nó. Tình trạng chuột rút thường xuất hiện đột ngột sau khi bắt đầu sử dụng thuốc. Nếu gặp phải tác dụng phụ này, nhanh chóng thông báo với bác sĩ để thay thế bằng loại thuốc khác.

Ít khi vận động kéo giãn cơ bắp: điều này làm cho các bó cơ trong thời gian dài bị căng ra, và khi bạn đột ngột chuyển động khiến chúng bị co lại một cách bất ngờ, gây nên những cơn chuột rút, điều này bạn có thể dễ dàng kiểm chứng nhất khi bạn phải ngồi làm việc hoặc đứng nguyên một vị trí trong thời gian dài. 

Tập luyện quá sức: tập luyện thể dục, thể thao, vận động quá sức so với ngày thường một cách đột ngột, hoặc do thực hiện động tác khởi động không kỹ trước khi tập luyện, khiến cho cơ dễ bị co rút. Đây là phản xạ tự nhiên của cơ thể với những động tác ít được tập luyện. Vận động mạnh và quá sức làm ứ đọng axit lactic trong cơ, điều này khiến các cơ nhanh chóng trở nên mệt mỏi và kích thích thần kinh tủy sống, gây co rút cơ liên tục dễ dàng dẫn tới tình trạng chuột rút.

Tốt nhất bạn nên tăng tốc độ cũng như cường độ luyện tập một cách từ từ để cơ thể kịp thích nghi và đừng quên khởi động thật kỹ trước khi có những bài tập vận động mạnh.

Rối loạn tuần hoàn máu: dây là một trong những nguyên nhân bị chuột rút. Rối loạn tuần hoàn máu là tình trạng lưu thông máu của cơ thể kém khiến máu không kịp đến cung cấp cho cánh tay, bàn tay, chân và các bộ phận khác của cơ thể gây nên các cơn tê cứng đau đớn.

Nguy cơ gây bệnh chuột rút nên lưu ý

Những ai thường mắc phải tình trạng chuột rút?

Tình trạng chuột rút ngày càng phổ biến và ngày càng trở nên thường xuyên hơn khi cơ thể bạn bước vào giai đoạn lão hoá. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chỉ những người lớn trưởng thành mới hay bị chuột rút mà trẻ em cũng rất hay bị chuột rút, tình trạng này có thể gặp phải ở bất cứ độ tuổi nào. Một số đối tượng phổ biến sau đây sẽ dễ mắc phải tình trạng chuột rút nhất:

Phụ nữ mang thai: có tỉ lệ bị chuột rút khá cao nguyên nhân là do tích nước trong cơ thể , tình trạng mất cân bằng chất điện giải, sức nặng của cơ thể người mẹ và thai nhi khiến tuần hoàn máu trở nên kém nhất là ở chân. Bên cạnh đó, hooc môn của người phụ nữ giai đoạn này sẽ biến đổi nhiều trong thời kỳ mang thai và cần khá nhiều các chất canxi, kali, magie, nếu bổ sung không đủ dinh dưỡng sẽ dễ dẫn đến tình trạng hạ canxi trong máu. Các nguyên nhân này đều có thể góp phần khiến phụ nữ mang thai có thể bị chuột rút. Tuy nhiên, chuột rút ở phụ nữ mang thai sẽ tự khỏi sau khi đã sinh em bé.

thường xuyên bị chuột rút ở chân
Phụ nữ mang thai có khả năng xuất hiện chuột rút

Các đối tượng là vận động viên thể thao, người thường xuyên vận động mạnh, lao động chân tay: những người này thường xuyên vận động với cường độ và tần suất cao khiến cơ thể mất nước và các chất điện giải hỗ trợ cân bằng, nếu không cung cấp đủ thường dẫn đến tình trạng chuột rút. Các vùng cơ thường bị chuột rút khi chơi thể thao là: cẳng chân, bắp đùi trước và sau, cơ bụng, bàn tay, bàn chân, lưng, cánh tay...

Chuột rút nguy hiểm nếu xảy ra trong khi bơi lội, cơn đau do chuột rút có thể dẫn đến giảm khả năng bơi và nghiêm trọng hơn là tử vong do chết đuối.

vì sao bị chuột rút
Vận động thường xuyên có khả năng dẫn tới tình trạng chuột rút

Nhân viên văn phòng: là những người làm việc trong điều kiện phải thường xuyên ngồi một chỗ, ít vận động hoặc giữ một tư thế làm việc trong một khoảng thời gian lâu. Nếu họ đột nhiên thực hiện các động tác vận động mạnh sẽ dễ dàng gây ra hiện chuột rút do cơ của họ đang ở trạng thái căng và đột ngột bị co thắt bất ngờ.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng chuột rút?

Bên cạnh các nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng chuột rút thì cũng có một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng chuột rút, chẳng hạn như:

Tuổi tác: người lớn tuổi đang trong giai đoạn lão hóa và bị mất lượng lớn cơ bắp, vì vậy các cơ còn lại dễ hoạt động quá mức dễ dẫn đến tình trạng chuột rút;

Ảnh: Người già có nguy cơ cao mắc phải tình trạng chuột rút

Mắc bệnh liên quan đến dây thần kinh: bất cứ một căn bệnh gì có thể khiến cho dây thần kinh bị chèn ép như bệnh thoát vị đĩa đệm, viêm khớp, hẹp đốt sống thắt lưng… đều có thể gây kích thích dây thần kinh gia tăng nguy cơ dẫn đến tình trạng chuột rút.

Thiếu hụt dưỡng chất và giữ thói quen không tốt: bên cạnh các tác động trực tiếp từ vận động mạnh, có thể dễ thấy chuột rút còn là hậu quả của sự thiết hụt dưỡng chất bên trong cơ thể, cũng như do chính thói quen sống, sinh hoạt. Thói quen giữ tư thế nằm ngủ sai không tốt cũng là một trong các nguy cơ bị chuột rút khi ngủ.

Điều trị hiệu quả tình trạng chuột rút

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán tình trạng chuột rút?

Khi tình trạng chuột rút của bạn gặp phải thường xuyên và bạn phải đến gặp bác sĩ để có hướng điều trị.  Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và kiểm tra các khu vực bị ảnh hưởng của bạn bằng nghiệp vụ của họ. Bác sĩ còn có những câu hỏi liên quan đến những triệu chứng khác mà bạn gặp phải, chẳng hạn như tê liệt hoặc có hiện tượng sưng tấy, bởi đó có thể là dấu hiệu bạn bị chuột rút thứ cấp gây ra do các điều kiện tiềm ẩn, và cũng có nguy cơ chuột rút chính là dấu hiệu của một căn bệnh khác.

Nếu bạn gặp phải các triệu chứng khác bên cạnh tình trạng chuột rút, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số kỹ thuật y tế như làm các xét nghiệm khác liên quan đến bệnh tiềm ẩn mà họ đang nghi ngờ, chẳng hạn như xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu, để loại trừ các điều kiện khác. Từ đó giúp cho bác sĩ đưa ra các phương án điều trị thích hợp với tình trạng của bạn.

Những phương pháp nào dùng để điều trị điều trị chuột rút?

Thông thường tình trạng chuột rút kéo dài từ vài giây và lâu khoảng vài phút, thường không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu chuột rút xảy ra trong khi đang lái xe, hay điều khiển máy móc thì có thể gây ra các tình huống tai nạn nguy hiểm đến tính mạng, chuột rút khi đang bơi lội có thể làm gây ra chết đuối. Những phương pháp xử trí khi bị chuột rút là: 

Dừng vận động, cố gắng thả lỏng chi để thư giãn bắp thịt đang bị co rút, xoa bóp nhẹ nhàng bắp thịt đang bị căng cứng. Nếu có dầu nóng thì thoa dầu lên vùng da của bắp thịt đang bị co rút rồi massage nhẹ nhàng.

chuột rút bắp chân khi ngủ
Xoa bóp nhẹ nhàng bắp thịt đang bị căng cứng

Áp dụng các bài tập kéo căng cho cơ bắp như có thể đứng bằng nửa bàn chân phía trước, nhón gót chân hướng lên cao, từ từ nhẹ nhàng hạ gót bàn chân để gót thấp hơn vị trí đang đứng, giữ tư thế đó trong một vài giây trước khi nâng gót chân lên trở lại vị trí bắt đầu. Lặp lại động tác này từ 10-15 lần.

Có thể tắm nước nóng để thư giãn bắp thịt sau khi đã qua cơn đau co rút. Trong lúc bị chuột rút bạn cũng có thể sử dụng một miếng đệm nóng hoặc chai nước nóng áp vào chỗ bị chuột rút, nhiệt tỏa ra giúp cải thiện lưu lượng máu. Làm ấm là một trong những phương pháp hiệu quả để loại bỏ sự căng cơ và đau khi bị chuột rút.

Một số loại thuốc có thể sử dùng để điều trị tình trạng chuột rút. Tuy nhiên cần phải có sự tư vấn kỹ càng của bác sĩ vì tác dụng phụ bởi các thành phần chứa trong nó khá nhiều.

Chế độ sinh hoạt phù hợp hỗ trợ cải thiện tình trạng chuột rút

Để những cơn đau đột ngột của tình trạng chuột rút không khiến bạn phiền toái và có thể gây nguy hiểm thì bạn nên chủ động phòng tránh hạn chế bằng cách xây dựng và rèn luyện những thói quen sinh hoạt tốt sau đây: 

+ Giữ thói quen uống đủ nước mỗi ngày với các loại nước giàu chất khoáng như: nước oresol, nước chanh đường muối, nước dừa... trước, trong và sau khi luyện tập thể dục thể thao, hay lao động nặng để bù đắp lượng nước mất đi;

thường xuyên bị chuột rút ở chân
Uống nước để hạn chế tình trạng chuột rút

+ Xây dựng chế độ ăn uống khoa học phù hợp: với những ai đang ở trong tình trạng chuột rút, các chuyên gia y tế khuyên rằng không nên chỉ điều trị với chất bổ sung, thuốc mà cần thay đổi chế độ ăn uống. Tăng cường tiêu thụ các loại rau quả, trái cây như chuối, rau có màu xanh đậm… sẽ giúp căn bằng chất điện giải cho cơ thể, hạn chế nguy cơ bị chuột rút;

+ Thường xuyên thực hiện các bài tập giãn cơ: hãy dành một chút thời gian để tập kéo giãn cơ mỗi ngày, kể cả khi khởi động trước khi tập thể dục hoặc sau khi tắm xong. Các bài tập kéo giãn cơ sẽ giúp cơ bắp dẻo dai và mạnh mẽ hơn;

+ Thực hiện các động tác vươn duỗi chân vào buổi tối trước khi đi ngủ để tránh bị chuột rút và buổi sáng khi thức dậy;

+ Nên đi giày vừa chân, không đi giày quá cao để tránh bị chuột rút bắp chân.

Chuột rút là tình trạng phổ biến thường gặp ở tất cả các đối tượng và không nguy hiểm tức thời tới sức khỏe. Tuy nhiên nếu xảy ra trong một số trường hợp có thể ảnh hưởng đến tính mạng nên bạn không nên chủ quan với bất cứ triệu chứng gì từ chuột rút. Nếu sau một thời gian đã áp dụng các phương pháp để cải thiện tình trạng này nhưng không thuyên giảm hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám vì rất có thể chuột rút là dấu hiệu của một bệnh tiềm ẩn khác. 

Chúc các bạn luôn luôn có một cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh!

TuThuoc24h.net