Đối với chị em phụ nữ, buồng trứng đa nang là một hiện tượng đã từng được nghe rất nhiều, thường xảy ra ở phụ nữ thời kì sinh sản. Bệnh lý này nếu không được khám và phát hiện kịp thời rất dễ dẫn đến vô sinh và gây ra nhiều biến chứng khác cho phụ nữ.
Hiện tượng buồng trứng đa nang là gì?
Buồng trứng đa nang (hay có tên khoa học là PCOS – Polycystic Ovary Syndrome) là bệnh xảy ra khi trong cơ thể người phụ nữ có quá nhiều hormone sinh dục nam, làm mất cân bằng lượng hormone sinh dục nữ. Điều này làm ngăn cản sự rụng trứng khiến trứng chứa đầy trong nang. Đây là nguyên nhân làm sự rụng trứng trở nên bất thường hơn. Lúc này buồng trứng sẽ giãn rộng và chứa các cụm nang nhỏ.
Nếu không được chữa trị sớm sẽ dẫn đến sự mất cân bằng hormone, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe do việc rụng trứng xảy ra không đúng chu kì và tăng nguy cơ mắc một số bệnh bao gồm: tiểu đường, tim mạch và rối loạn sinh sản.
Tỉ lệ phụ nữ mắc buồng trứng đa nang trong độ tuổi sinh sản là khoảng 5 – 10%. Vì vậy, căn bệnh này đã trở thành một trong những nguyên nhân gây vô sinh phổ biến ở phụ nữ.
Nguyên nhân dẫn đến buồng trứng đa nang
1. Di truyền
Yếu tố di truyền là nguyên nhân có nguy cơ cao nhất khiến bạn bị hội chứng buồng trứng đa nang. Nếu buồng trứng đa nang đã xuất hiện trên người những người phụ nữ trong gia đình bạn thì chính bạn cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này hoặc bị tiểu đường hay có chu kỳ kinh nguyệt không đều.
Theo các nhà nghiên cứu, một số gien nhất định có khả năng liên quan với hội chứng buồng trứng đa nang.
2. Rối loạn hội chứng trao đổi chất do kháng insulin
Insulin là nội tiết tố quan trọng giúp kiểm soát glucose trong cơ thể, chuyển hóa đường trong máu vào tế bào. Việc cơ thể bạn có khả năng kháng insulin nghĩa là các mô trong cơ thể có sự đề kháng với những tác động của insulin. Điều này đã khiến khả năng sử dụng insulin bị gián đoạn, gây ra sụ tiết ra insulin nhiều hơn của tuyến tụa để cung cấp đường cho tế bào. Lượng insulin dư thừa này có thể tác động không tốt đến buồng trứng khi làm tăng sản xuất androgen. Sự gia tăng sản xuất androgen có thể cản trở sự phát triển của nang trứng, làm giảm khả năng rụng trứng của buồng trứng, gây ra tình trạng mụn trứng cá và rụng tóc.
Ngoài ra, khi không được chuyển hóa vào tế bào đường sẽ được chuyển đổi thành chất béo khiến người bệnh bị tăng cân, béo phì hoặc rất khó giảm cân.
3. Chế độ ăn uống
Việc chế độ ăn uống có quá nhiều tinh bột đường cũng có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng đa nang buồng trứng. Trong thực tế, những người bị thừa cân có nguy cơ đa nang buồng trứng cao hơn những người gầy. Các hội chứng chuyển hóa gây ra bởi sự kháng insulin bao gồm: cơ thể không cân đối, vòng 2 phát phì (béo bụng).
Dấu hiệu nhận biết buồng trứng đa nang
- Chu kì kinh nguyệt bất thường hoặc không đều (chu kỳ kinh ngắn < 25 ngày hoặc 2-3 tháng hoặc vài năm mới có kinh một lần)
- Tăng cân, béo phì do glucose không được chuyển hóa vào tế bào sẽ chuyển đổi thành chất béo tích tụ lại đặc biệt là ở vùng bụng
- Cảm giác đầy bụng và khó chịu vùng bụng – lưng – vùng chậu: Đây cũng là 1 triệu chứng thường gặp của buồng trứng đa nang. Người bệnh có thể gặp các cơn đau âm ỉ hoặc đau nhói với các mức độ từ nhẹ đến dữ dội như khi đến kỳ kinh nguyệt và thường cảm thấy khó chịu ở vùng chậu, vùng bụng hoặc lưng dưới.
- Ngưng thở khi ngủ: Ngoài các triệu chứng trên thì hiện tượng ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ cũng là 1 trong những dấu hiệu của buồng trứng đa nang phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu là do rối loạn nội tiết tố và tình trạng tăng cân bất thường gây ra.
- Sắc tố da sậm màu nhất là ở háng, cổ và nách.
- Nhiều lông trên mặt và trên người (ngực, bụng, lưng hoặc bắp đùi) do cơ thể sản sinh nhiều nội tiết tố nam, da mặt nhờn và nhiều mụn trứng cá.
- Tóc mỏng đi hoặc rụng nhiều do các nang tóc bị thiếu dinh dưỡng. Từ đó, tóc yếu dần rồi rụng thưa mỏng đi.
- Tâm trạng vui buồn thất thường: Phụ nữ mắc buồng trứng đa nang thường xuyên cảm thấy lo âu, căng thẳng, buồn vui vô cớ thậm trí là trầm cảm.
Những căn bệnh có thể gặp phải khi bị buồng trứng đa nang
Tiểu đường: Do sự rối loạn điều hòa hormone estrogen và lượng insulin trong cơ thể, rất nhiều phụ nữ bị buồng trứng đa nang mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường trước 40 tuổi.
Cao huyết áp: Đây là bệnh không thể tránh được khi phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
Cholesterol trong máu cao: Cơ thể người bệnh bị đa nang buồng trứng thường có lượng cholesterol xấu (LDL) nhiều hơn cholesterol tốt (HDL). Điều này dẫn đến nguy cơ bênh tim mạch và đột quỵ cũng tăng cao.
Rối loạn ngưng thở khi ngủ: Ngưng thở khi ngủ là rối loạn tạm thời, có thể xảy ra nhiều lần trong lúc ngủ. Phụ nữ bị béo phì hoặc tăng cân do đa nang buồng trứng có thể gây nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ.
Ung thư nội mạc tử cung: Đa nang buồng trứng sẽ khiến bạn gặp vấn đề về: rụng trứng, béo phì, kháng insulin và đái tháo đường. Tất cả những điều này có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung (màng tử cung).
Trầm cảm và dễ lo âu: Phụ nữ bị buồng trứng đa nang tâm lý rất dễ bị ảnh hưởng, thường xuyên lo âu, lâu dần có thể dẫn đến trầm cảm.
Buồng trứng đa nang liệu có mang thai được không?
Rất nhiều người bệnh lo lắng hội chứng buồng trứng đa nang sẽ ảnh hưởng chức năng sinh sản, thậm chí dẫn đến vô sinh.
Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng bởi buồng trứng đa nang cũng là một căn bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ, do đó bạn vẫn có khả năng mang thai một cách tự nhiên. Thực tế nhiều nghiên cứu đã cho thấy không phải trường hợp nào mắc buồng trứng đa nang cũng không thể mang thai, vẫn có những trường hợp mang thai được nếu được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh của bạn đã lâu thì nguy cơ hiếm muộn, vô sinh càng cao.
Song nếu bị đa nang bồng trứng khi đang mang thai, bạn nên chú ý hơn đến sức khỏe thai kỳ. Hãy khám thai theo đúng lịch hẹn và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ sản khoa, để tránh các biến chứng có nguy cơ cao như: sảy thai, bệnh tiểu đường thai nghén, tiền sản giật,…
Để giảm tác động xấu đến sức khỏe của hội chứng đa nang buồng trứng trong khi mang thai, phụ nữ cần duy trì những điều sau:
- Giữ cân nặng trong giới hạn bình thường trước khi mang thai;
- Duy trì lượng đường trong máu trong giới hạn bình thường trước khi mang thai;
- Chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh;
- Tập thể dục thường xuyên;
- Uống axit folic của bạn trước khi mang thai, hoặc từ thực phẩm hoặc chất bổ sung.
Bác sĩ chuẩn đoán buồng trứng đa nang bằng cách nào?
Việc chuẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang là rất khó vì các triệu chứng ở mỗi người sẽ khác nhau. Đầu tiên, bác sĩ sẽ phải loại trừ một số nguyên nhân khả thi của triệu chứng này như vấn đề tuyến giáp. Do vậy, để chuẩn đoán được bệnh, bác sĩ có thể dựa vào các yếu tố sau:
- Tiền sử về sức khỏe và chu kỳ kinh nguyệt của bạn.
- Xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone.
- Tiến hành siêu âm qua ngả âm đạo để kiểm tra buồng trứng.
Điều trị buồng trứng đa nang
1. Điều chỉnh thói quen lối sống và giảm cân hiệu quả
Nếu bạn bị “béo bụng”, việc giảm cân giúp ích rất nhiều cho sự rụng trứng, tăng khả năng thụ thai. Khi bạn giảm được khoảng 5 – 7kg, chu kỳ kinh sẽ diễn ra đều đặn hơn, giảm lượng cholesterol, điều chỉnh được isulin trong cơ thể.
Hãy thực hiện chế độ ăn uống giàu chất xơ, ít tinh bột đường, giàu đạm thực vật, nhiều vitamin và sắt từ thực vật và tập thể dục thường xuyên, hạn chế thức khuya, tránh căng thẳng lo âu...
2. Dùng thuốc kích thích rụng trứng
Nếu đang cố gắng để có thai, có thể cần một loại thuốc để kích thích rụng trứng. Có rất nhiều loại thuốc khác nhau từ đường uống đến đường tiêm. Bác sĩ sẽ xem xét từng trường hợp bệnh nhân để có chỉ định loại thuốc nào phù hợp với bạn.
3. Phẫu thuật buồng trứng
Nếu việc điều trị bằng những loại thuốc trên không cho kết quả như ý, lúc này bạn có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật được gọi là khoan buồng trứng. Bác sĩ tiến hành phẫu thuật bằng cách tạo ra các lỗ nhỏ trong buồng trứng thông qua việc mổ ở bụng. Điều này giúp làm giảm mức độ kích thích tố nam và tăng cường sự rụng trứng.
Khoan buồng trứng là phương pháp chỉ điều trị một lần, không giống như thuốc uống hay tiêm chích. Tác động của phương pháp này chỉ mang tính tạm thời, nhưng khoảng 50% phụ nữ mang thai trong vòng một năm kể từ khi phẫu thuật.
4. Thụ tinh trong ống nghiệm
Nếu không còn phương pháp điều trị nào phù hợp với bạn thì thụ tinh trong ống nghiệm được xem là phương pháp tối ưu. Để thực hiện phương pháp này, trước tiên bác sĩ sẽ lấy trứng và tinh trùng để tiến hành quy trình thụ tinh trong phòng thí nghiệm. Sau đó, phôi được đưa vào tử cung của người phụ nữ để phôi có thể phát triển thành thai nhi. Tỷ lệ mang thai phụ thuộc vào độ tuổi và khả năng sinh sản của chị em.
Một số phương pháp tránh thai để phòng ngừa hiện tượng đa nang buồng trứng
1. Sử dụng thuốc tránh thai
Thuốc ngừa thai là lựa chọn phổ biến và hiệu quả nhất được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng buồng trứng đa nang. Có 2 loại thuốc ngừa thai dạng uống là thuốc tổng hợp và thuốc viên chỉ có progestin. Cả 2 loại đều vô cùng hữu ích trong việc kiểm soát các triệu chứng buồng trứng đa nang.
2. Miếng dán ngừa thai
Miếng dán ngừa thai là miếng nhựa mỏng có chứa estrogen và progestin. Bạn hãy đeo miếng dán trong vòng 21 ngày rồi gỡ bỏ và không dán miếng dán tiếp theo trong 7 ngày để kỳ kinh diễn ra bình thường. Khi kỳ kinh kết thúc, bạn hãy dán miếng dán mới.
3. Vòng tránh thai
Vòng tránh thai là một vòng nhựa mềm và dẻo, sẽ được đưa vào âm đạo của phụ nữ. Cũng giống như miếng dán ngừa thai, bạn hãy sử dụng vòng trong 21 ngày và ngưng dùng trong 7 ngày để sự hành kinh có thể xảy ra, sau đó hãy thay thế vòng tránh thai mới.
Tuy nhiên, các phương pháp này đều có các tác dụng phụ không mong muốn. Do vậy, khi sử dụng chị em phụ nữ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, cũng như nếu thấy bản thân có dấu hiệu bất thường nào phải thông báo ngay cho bác sĩ điều trị của mình.
Trên đây là những thông tin quan trọng về buồng trứng đa nang mà bất kì chị em nào cũng cần phải nắm rõ để có thêm các biện pháp phòng ngừa cũng như hiểu rõ hơn về biện pháp mình đang điều trị.