Viêm đại tràng giả mạc hay còn gọi là viêm đại tràng Clostridium difficile liên quan tới kháng sinh, là tình trạng viêm nhiễm ở đại tràng bởi sự sinh sản quá mức của vi khuẩn Clostridium difficile (C. difficile). Sở dĩ có sự sinh sản quá mức này là do quá trình nằm viện có điều trị kháng sinh trước đó. Tình trạng viêm đại tràng giả mạc thường gặp ở những bệnh nhân trên 65 tuổi.
Tuy nhiên, không phải bất cứ trường hợp nào dùng kháng sinh cũng gây ra viêm đại tràng giả mạc, cũng không phải loại kháng sinh nào đều có tác dụng phụ khiến viêm đại tràng giả mạc, mà bệnh chỉ xảy ra ở một số người và một số thuốc kháng sinh.
Triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc là gì?
Những triệu chứng của bệnh viêm đại tràng giả mạc có thể bắt đầu xuất hiện rất sớm như sau 1-2 ngày khi sử dụng dùng thuốc kháng sinh, nhưng cũng có thể lên đến vài tuần, hàng tháng hay thậm chí lâu hơn sau khi hoàn thành một liệu trình thuốc kháng sinh mới bệnh mới có dấu hiệu khởi phát.
Phụ thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ của bệnh mà các triệu chứng cũng có biểu hiện khác nhau. Các triệu chứng viêm đại tràng giả mạc có thể xuất hiện như sau:
- Người bệnh có thể sốt, nhiệt độ có thể lên tới 38-39 độ C;
- Buồn nôn;
- Viêm đại tràng giả mạc gây đau bụng (có thể là đau âm ỉ hoặc đau quặn hay đau từng cơn);
- Tiêu chảy (phân với rất nhiều nước) dễ dẫn đến tình trạng mất nước;
- Phân có chất nhầy hoặc có mủ kèm theo, đôi khi còn thấy máu;
Khi thấy xuất hiện những triệu chứng trên trong một số trường hợp dấu hiệu nặng có thể đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời thì hầu hết các trường hợp viêm đại tràng giả mạc được chữa trị thành công.
Nguyên nhân viêm đại tràng giả mạc là gì?
Trong đại tràng của con người có rất nhiều loại vi khuẩn và chúng tồn tại trung hòa với nhau trong một sự cân bằng. Việc sử dụng các thuốc trong quá trình điều trị một bệnh nào đó, bao gồm cả kháng sinh, là nguyên nhân khiến sự cân bằng này mất đi.
Vi khuẩn C. difficile là một loại vi khuẩn kỵ khí, có nha bào, chúng sẽ sản sinh ra độc tố gây hại ruột và độc tố gây độc tế bào. Khi độc tố tác động lên niêm mạc đại tràng sẽ gây nên tình trạng viêm nhiễm và tăng bài tiết tạo thành giả mạc có màu trắng. Giả mạc này khá mềm nên rất dễ bị bong tách, khi bong ra sẽ để lại vết viêm, loét và gây chảy máu niêm mạc.
Các loại kháng sinh không phải loại nào cũng có nguy cơ gây ra viêm đại tràng giả mạc, dưới đây là một số loại kháng sinh có mối liên hệ với bệnh viêm đại tràng giả mạc nhiều hơn so với những loại khác mà người bệnh nên lưu ý:
- Fluoroquinolone như ciprofloxacin (Cipro) và levofloxacin.
- Penicillin như amoxicillin và ampicillin.
- Clindamycin (Cleocin).
- Cephalosporin như cefixime (Suprax).
Ngoài việc sử dụng kháng sinh thì các thuốc điều trị khác đôi khi cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng viêm đại tràng giả mạc. Những loại thuốc sử dụng trong hóa trị để điều trị ung thư cũng có nguy cơ cao làm mất sự cân bằng của hệ vi khuẩn ở đại tràng.
Một số bệnh lý nhất định cũng ảnh hưởng tới đại tràng, chẳng hạn như viêm loét đại tràng hay như bệnh Crohn cũng có thể dẫn tới viêm đại tràng giả mạc. Ngoài ra, các yếu tố gồm bệnh thường gặp ở người trên 65, người có hệ miễn dịch suy yếu, người mắc một số bệnh như: ung thư đại trực tràng, hoặc trải qua phẫu thuật đường ruột, đang nằm viện... thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Biến chứng của viêm đại tràng giả mạc là gì?
Tuy phần lớn những trường hợp của viêm đại tràng giả mạc được chữa trị thành công nhưng vẫn có rất nhiều nguy cơ cao xảy ra các biến chứng bao gồm:
- Mất nước: triệu chứng tiêu chảy ở mức độ nặng có thể dẫn tới tình trạng mất nước và điện giải. Điều này khiến cơ thể khó có thể hoạt động bình thường và nguy cơ tụt huyết áp nguy hiểm có thể xảy ra.
- Suy thận: trong một số trường hợp việc mất nước có thể diễn biến rất nhanh khiến chức năng thận cũng suy giảm theo nhanh chóng.
- Phình đại tràng nhiễm độc: đây là tình huống hiếm xảy ra, đại tràng không có nhu động để đẩy phân cùng với hơi xuống dưới, khiến chúng ứ lại khiến đại tràng dãn to (phình đại tràng). Nếu không được điều trị kịp thời, đại tràng phình ngày càng to có thể vỡ gây nhiễm khuẩn khoang ổ bụng. Phình đại tràng (và trường hợp đại tràng phình to đã bị vỡ) là trường hợp cấp cứu ngoại khoa cần phải can thiệp phẫu thuật, bởi nguy cơ rất lớn đe dọa tính mạng bệnh nhân.
- Thủng đại tràng: đây cũng là biến chứng hiếm gặp nguy hiểm và là hậu quả tổn thương lan rộng ở đại tràng hoặc của phình đại tràng nhiễm độc. Thủng đại tràng sẽ khiến vi khuẩn từ lòng đại tràng xâm nhập vào khoang ổ bụng gây ra viêm nhiễm phúc mạc.
- Tử vong: dù nhiễm khuẩn C. difficile ở mức độ nhẹ hay trung bình, tuy nhiên không được điều trị kịp thời sẽ tiến triển rất nhanh chóng và có nguy cơ dẫn tới tử vong.
Thêm vào đó, bệnh viêm đại tràng giả mạc có nguy cơ tái phát, có thể là sau vài ngày hay thậm chí là nhiều tuần kể từ khi kết thúc điều trị thành công.
Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm đại tràng giả mạc
Chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm đại tràng giả mạc và để tìm kiếm các biến chứng các xét nghiệm và thủ tục sử dụng được bao gồm:
- Xét nghiệm mẫu phân: phương pháp này sử dụng một số mẫu phân khác nhau để tiến hành xét nghiệm nhằm phát hiện C. difficile lây nhiễm trong đại tràng;
- Xét nghiệm máu: cách này giúp các bác sĩ thấy được chỉ số cao bất thường của các tế bào máu trắng (bạch cầu), từ đó hỗ trợ xác định bệnh nhân có mắc bệnh viêm đại tràng giả mạc hay không;
- Nội soi đại tràng hoặc soi đại tràng sigma: trong cả hai cách xét nghiệm này, bác sĩ sử dụng một ống có gắn máy ảnh thu nhỏ ở đầu để giúp nhìn thấy và kiểm tra bên trong ruột già của bệnh nhân xem có các dấu hiệu của viêm đại tràng giả mạc, các mảng màu vàng (tổn thương) và vết sưng hay không;
- Xét nghiệm bằng hình ảnh: nếu bệnh nhân có những triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể tiến hành chụp X-quang hoặc quét CT bụng với mục đích tìm kiếm các biến chứng như phình đại tràng hoặc vỡ ruột.
Điều trị
Khi bắt đầu điều trị viêm đại tràng giả mạc, dấu hiệu và triệu chứng có thể dần cải thiện trong vòng vài ngày. Một số phương pháp điều trị viêm đại tràng giả mạc hiện nay như sau:
- Ngừng các thuốc kháng sinh hiện tại
Quá trình điều trị bệnh thường bắt đầu với việc ngừng sử dụng thuốc kháng sinh hiện tại. Điều này có thể đủ để giải quyết một số triệu chứng gặp phải hoặc ít nhất giúp cải thiện tình trạng tiêu chảy.
- Chuyển sang một loại kháng sinh khác:
Nếu các dấu hiệu và triệu chứng vẫn còn, bác sĩ có thể sẽ đề nghị một kháng sinh có hiệu quả chống lại vi khuẩn C. difficile. Điều này có thể giúp các vi khuẩn bình thường phát triển trở lại, khôi phục sự cân bằng của vi khuẩn trong đại tràng.
Những loại kháng sinh dùng điều trị bệnh viêm đại tràng giả mạc thường thông qua đường uống. Tuy nhiên, tùy theo mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm nhiễm và thuốc, mà có thể được điều trị bằng các loại thuốc tiêm tĩnh mạch hay thông qua một ống mũi dạ dày.
- Phương pháp cấy ghép phân (FMT)
Trong trường hợp bệnh tình nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được cấy ghép phân từ phân của một người hiến tặng khỏe mạnh với mục đích khôi phục lại sự cân bằng vi khuẩn trong ruột già. Bác sĩ sẽ kết hợp điều trị kháng sinh sau khi cấy ghép phân.
- Phẫu thuật
Trong trường hợp bệnh nhân bị suy nội tạng, vỡ đại tràng, viêm phúc mạc thì phải tiến hành phẫu thuật. Phẫu thuật là cần thiết được thực hiện đối với các tình trạng hiếm gặp và nguy cơ cao gây tử vong.
Phòng tránh viêm đại tràng giả mạc
Để giúp phòng tránh viêm đại tràng giả mạc, một số biện pháp giúp phòng chống nhiễm khuẩn C. difficile (và phòng chống nhiễm khuẩn nói chung) được thực hiện như sau:
- Rửa tay: thực hiện rửa tay thường xuyên theo các thời điểm được khuyến cáo của phòng chống nhiễm khuẩn;
- Thực hiện cách ly bệnh nhân để phòng ngừa lây cho người khác vì vi khuẩn có thể lây qua các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, rửa mặt, vệ sinh cá nhân….;
- Tiến hành diệt khuẩn cẩn thận để tiêu diệt bào tử của C. difficile;
- Không lạm dụng thuốc kháng sinh, chỉ được dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ;
- Uống nhiều nước: sẽ có lợi cho người bình thường và cả người mắc bệnh. Tuy nhiên, cần tránh những đồ uống chứa nhiều chất đường hoặc chứa cồn, caffeine, chẳng hạn như trà, cà phê, cola, vì có thể làm các triệu chứng thêm trầm trọng.
- Chọn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như táo, chuối và gạo. Tránh dùng thực phẩm giàu chất xơ như: đậu, các loại hạt và rau quả. Khi triệu chứng được cải thiện, từ từ cho thêm chất xơ thực phẩm trở lại chế độ ăn uống. Nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ thay vì một vài bữa ăn lớn.
- Tránh những thực phẩm gây dị ứng như các chất béo, nhiều gia vị, thực phẩm chiên và bất kỳ loại thực phẩm khác có thể khiến cho các triệu chứng nặng hơn.
Như vậy thông qua bài viết trên tuthuoc24h.net đã chia sẻ đến các bạn những thông tin liên quan đến bệnh viêm đại tràng giả mạc, phần nào đã giúp mọi người giải đáp một số thắc mắc cũng như đưa ra những lời khuyên phòng tránh và những triệu chứng nếu gặp phải nên nhanh chóng thăm khám bác sĩ để kịp thời chữa trị vì nguy cơ cao nhất của bệnh có thể gây tử vong.