Thông tin cơ bản thuốc Rosiglen 4mg
Số đăng ký
VN-10175-05
Dạng bào chế
Viên nén bao phim
Quy cách đóng gói
Hộp 10 vỉ x 10 viên
Thành phần
Rosiglitazon
Dạng thuốc và hàm lượng
Dùng dạng rosiglitazon maleat. Viên nén bao phim chứa 2mg, 4mg và 8mg rosiglitazon base.
Điều kiện bảo quản
Rosiglitazon được bảo quản trong bao gói kín, để ở nhiệt độ bình thường (15 – 300C), tránh ẩm, tránh ánh nắng trực tiếp.
Tác dụng thuốc Rosiglen 4mg
Chỉ định/Chống chỉ định
Chỉ định
Rosiglitazon được dùng cho người bị đái tháo đường không phụ thuộc insulin (đái tháo đường typ 2) để phụ trợ, khi đã áp dụng chế độ ăn uống và tập luyện hợp lí mà vẫn không kiểm soát được glucose huyết.
Rosiglitazon còn được dùng phối hợp với metfomin, khi phác đồ ăn uống, tập luyện hợp lý và metfomin đơn trị liệu không kiểm sóat được glucose huyết thích đáng ở người đái tháo đường typ 2. Với người bệnh dùng metfomin liều tối đa mà vẫn không kiểm soát được glucose huyết, nên dùng rosiglitazon phối hợp điều trị hơn là dùng thay thế metfomin.
Rosiglitazon cũng được phối hợp với sulfonylure khi phác đồ ăn uống, tập luyện hợp lý và sulfonylure đơn trị liệu không kiểm soát thích đáng được glucose huyết ở người đái tháo đường typ 2.
Điều trị đái tháo đường typ 2 phải bao gồm biện pháp ăn uống hợp lí, giảm thể trọng và tập luyện, giúp cải thiện sự nhạy cảm với insulin. Điều này không chỉ quan trọng trong giai đoạn khởi đầu điều trị mà còn phải thực hiện trong suốt quá trình điều trị thuốc.
Chống chỉ định
- Không dùng rosiglitazon cho người bệnh đái tháo đường typ 1, những người bị hôn mê nhiễm acid ceton, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do đái tháo đường.
- Người có bệnh lý hủy hoại tế bào gan hoặc u gan.
- Người mang thai, người đang cho con bú.
- Trẻ em dưới 18 tuổi.
- Người suy tim độ 3 hoặc 4.
- Người có tiền sử mẫn cảm với thuốc.
Những trường hợp này phải chuyển sang dùng insulin và phải đến thầy thuốc khám và xét nghiệm để quyết định dùng liều thích hợp.
Chống chỉ định dùng phối hợp với insulin (nguy cơ gây suy tim).
Liều dùng và cách dùng
- Dùng rosiglitazon đơn trị liệu
Liều khởi đầu 4mg/ngày, uống một lần hoặc chia ra 2 lần vào buổi sáng và chiều tối, uống vào các bữa ăn hoặc xa bữa ăn. Cứ sau 2 tuần nếu vẫn không kiểm soát được glucose huyết lúc đói thì tăng liều đến 6mg/ngày, rồi 8mg/ngày (chia làm 2 lần uống trong ngày). Trên lâm sàng phác đồ dùng 4mg/ngày làm giảm đáng kể glucose huyết lúc đói và HbA1c ở đa số người bệnh. Liều tối đa là 8mg.
- Rosiglitazon phối hợp với sulfonylure
Liều của rosiglitazon phối hợp là 4mg/ngày, uống 1 lần hoặc chia 2 lần, trong khi liều sulfonylure vẫn giữ nguyên.Chưa nghiên cứu dùng rosiglitazon liều cao hơn 4mg/ngày khi phối hợp với sulfonylure. Nếu xảy ra hạ glucose huyết thì phải giảm liều sulfonylure.
- Rosiglitazon phối hợp với metfomin
Nếu dùng metfomin mà không kiểm soát được glucose huyết thì phối hợp rosiglitazon. Liều khởi đầu của rosiglitazon là 4mg/ngày, uống 1 lần hoặc chia 2 lần. Cứ sau 2 tuần, nếu vẫn không kiểm soát được glucose huyết lúc đói thì có thể tăng liều đến 6mg/ngày, rồi 8mg/ngày (chia làm 2 lần trong ngày). Hiện đã có dạng thuốc phối hợp rosiglitazon và metfomin với tên biệt dược là Avandamet.
Thận trọng
- Người bị suy gan: sự chuyển hóa rosiglitazon bị ảnh hưởng ở người bị suy gan nên dễ xảy ra ngộ độc, đặc biệt phải rất thận trọng đối với người bệnh viêm gan thể hoạt động, người có enzym gan tăng hơn 2 lần so với giới hạn trên của người bình thường.
- Người suy thận: dược động học của rosiglitazon ở người suy thận không khác nhiều so với người bình thường nên không cần phải điều chỉnh liều. Nhưng metfomin bị chống chỉ định cho người suy thận, do đó không được dùng phối hợp metfomin với rosiglitazon để điều trị cho người suy thận.
- Người bị phù hoặc suy tim: thuốc cũng gây ra phù nên làm nặng tình trạng suy tim. Do đó, cần thận trọng khi dùng cho người bị suy tim hoặc bị phù.
- Trẻ em: chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả của rosiglitazon cho bệnh nhi. Vì vậy, không dùng rosiglitazon cho trẻ em dưới 18 tuổi.
- Người lái xe hoặc vận hành máy: rosiglitazon không gây buồn ngủ, không gây hạ glucose huyết nên ít ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy.
Cần chú ý đến tụt glucose huyết khi dùng phối hợp với các thuốc làm hạ glucose huyết khác. Lúc đó cần phải giảm liều thuốc phối hợp.
Tương tác với các thuốc khác
Dùng phối hợp với insulin có thể xảy ra suy tim.
Các thuốc cũng được chuyển hóa nhờ cytochrom P450 như nifedipin, các thuốc ngừa thai có estrogen: không có tương tác, vì các thuốc này được chuyển hóa chủ yếu bởi CYP 3A4, trong khi rosiglitazon lại bị chuyển hóa do CYP 2C8 và một phần do CYP 2C9.
Glibenclamid: đang dùng glibenclamid liều 3,75 – 10mg/ngày, đã đạt được glucose huyết ổn định trong 24 giờ, nếu dùng thêm rosiglitazon liều 2mg/lần, ngày 2 lần trong 7 ngày liền vẫn không làm thay đổi nồng độ glucose huyết ở người bệnh đái tháo đường.
Metfomin: không ảnh hưởng trên dược động học cơ bản của hai thuốc, khi dùng rosiglitazon (liều 2mg, ngày 2 lần), phối hợp metfomin (500mg, ngày 2 lần) trong 4 ngày ở người bình thường khỏe mạnh.
Acarbose: dùng acarbose 100mg/lần, ngày 3 lần trong 7 ngày, không có ảnh hưởng trên dược động học lâm sàng của rosiglitazon ở người tình nguyện khỏe mạnh.
Với digoxin, warfarin, ranitidin: Không làm thay đổi dược động học của rosiglitazon.
Tác dụng phụ
Hầu hết người bệnh dùng rosiglitazon đều bị tăng thể tích máu có thể dẫn đến suy tim và tăng cân.
- Thường gặp, ADR > 1/100
- Hô hấp: viêm đường hô hấp trên, viêm xoang.
- Thần kinh: nhức đầu, chóng mặt, đau mình, mệt mỏi.
- Chuyển hóa: tăng cân, phù (có lẽ không phải do thận mà do tăng thể tích máu).
- Tiêu hóa: ỉa chảy.
- Máu: Hồng cầu giảm, bạch cầu giảm, hemoglobin giảm, có lẽ do thể tích máu tăng. Mức độ thường nhẹ đến trung bình và không cần ngừng điều trị với rosiglitazon. Nếu điều trị phối hợp rosiglitazon và metfomin thì tỷ lệ mức độ tai biến này nặng hơn.
- Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
- Chuyển hóa: Hạ glucose huyết nếu phối hợp với sulfonylure.
- Hiếm gặp, ADR < 1/1000
- Gan: tổn thương tế bào gan, vàng da. Thường phục hồi, nhưng đã có trường hợp nặng không phục hồi.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Các tai biến thường nhẹ và giảm dần rồi mất đi trong quá trình điều trị. Rất ít trường hợp nặng phải ngừng thuốc.
Riêng tổn thương gan đã thấy có trường hợp không phục hồi, vì vậy, cần xét nghiệm chức năng gan trước khi điều trị. Nếu ALT gấp hơn 3 lần giới hạn trên của bình thường thì không được dùng rosiglitazon. Trong quá trình điều trị, phải xét nghiệm chức năng gan mỗi tháng 1 lần, trong 6 tháng đầu tiên, 2 tháng một lần, trong 6 tháng còn lại của năm đầu, sau đó 3 đến 6 tháng 1 lần. Phải xét nghiệm ngay khi thấy có biểu hiện rối loạn chức năng gan (biểu hiện là buồn nôn, nôn, đau bụng, mệt, chán ăn). Khi thấy phát triển bệnh gan và vàng da, phải ngừng thuốc.
Dược động học/Dược lực
Dược động học
Rosiglitazon được hấp thu nhanh khi uống. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được khoảng 1 giờ sau khi uống. Sử dụng rosiglitazon cùng với thức ăn không ảnh hưởng đến lượng thuốc hấp thu, nhưng nồng độ đỉnh lại giảm khoảng 28% và kéo dài thời gian nồng độ thuốc đạt đỉnh (1,75 giờ). Những thay đổi này không có ý nghĩa trên lâm sàng. Vì vậy có thể uống rosiglitazon vào bữa ăn hoặc xa hơn bữa ăn. Sinh khả dụng của rosiglitazon là 99%, nửa đời huyết tương là 3 – 4 giờ. Rosiglitazon liên kết với protein huyết tương tới 99%, chủ yếu là với albumin, thể tích phân bố là 17,6 lít.
Rosiglitazon được chuyển hóa chủ yếu ở gan, nhờ isoenzym CYP2C8, còn isoenzym CYP2C9 chỉ tham gia chuyển hóa một phần. Con đường chuyển hóa chính là khử N-methyl và hydroxyl hóa, sau đó được liên hợp với acid fulfuric và acid glucuronic. Các chất chuyển hóa này có hoạt tính rất thấp so với bản thân rosiglitazon. Dù được uống hoặc tiêm tĩnh mạch, rosiglitazon và các chất chuyển hóa cũng được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu (64%) và qua phân (23%).
Các thông số dược động học của rosiglitazon ít thay đổi giữa người trẻ và người cao tuổi, cũng như giữa nam và nữ.
Dược lực
Rosiglitazon là một thuốc chữa đái tháo đường thuộc nhóm thiazolidindion có tác dụng cải thiện sự nhạy cảm của insulin với tế bào đích, do đó cải thiện được sự kiểm soát glucose huyết. Rosiglitazon là chất chủ vận mạnh và rất chọn lọc với thụ thể nhân PPAPy (thụ thể gamma được hoạt hóa bởi chất tăng sinh peroxisom). Ở người, thụ thể PPAPy được tìm thấy chủ yếu ở các mô đích của insulin như mô mỡ, cơ vân và gan. Sự hoạt hóa thụ thể PPAPy điều hóa sự sao chép các gen đáp ứng với insulin, các gen này có vai trò kiểm soát sự sản xuất, vận chuyển và sử dụng glucose và điều hòa chuyển hóa acid béo.
Rosiglitazon làm giảm glucose huyết cả lúc đói, cả sau khi ăn ở người bệnh bị đái tháo đường typ 2 (đái tháo đường không phụ thuộc insulin) do làm tăng sự nhạy cảm của các tế bào đích đối với insulin. Do đó, sự thu nạp và sử dụng glucose ở các mô ngoại vi (cơ xương, mô mỡ) được tăng cường, sự tân tạo glucose và sự sản sinh glucose ở gan bị ức chế. Rosiglitazon làm giảm sự kháng insulin, nên làm giảm nồng độ của glucose huyết, cả insulin huyết và HbA1c (hemoglobin glycosylat hóa).
Rosiglitazon có khuynh hướng làm giảm triglycerid và làm tăng LDL và HDL/HDL tăng tối đa trong 2 tháng đầu, sau đó giảm dần.
Khác với các sulfonylure, rosiglitazon không làm tăng tiết insulin từ tế bào beta của tủy, thuốc không có hiệu quả nếu không có insulin. Giống như các bigianid (thí dụ metfomin) và các chất ức chế alpha-glucosidase (acarbose), rosiglitazon không gây hạ glucose huyết ở người không bị đái tháo đường, thậm chí khi dùng liều khá cao. Vì vậy, gọi rosiglitazon là thuốc chống glucose huyết hay là thuốc chống đái tháo đường đúng hơn là thuốc hạ glucose huyết.
Quá liều và cách xử trí
Chưa có nhiều nghiên cứu về dùng quá liều rosiglitazon. Trong thử nghiệm lâm sàng ở người tình nguyện khỏe mạnh, rosiglitazon đã được cho uống đến liều 20mg mà thuốc vẫn dung nạp tốt. Nếu xảy ra quá liều, cần căn cứ vào các biểu hiện nhiễm độc trên lâm sàng để có biện pháp điều trị hỗ trợ thích hợp tùy tình trạng của bệnh nhân.
Khác
NẾU QUÊN UỐNG THUỐC
Bổ sung liều ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian giãn cách với liều tiếp theo quá ngắn thì bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc. Không dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã bị bỏ lỡ.
CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG
Duy trì chế độ ăn uống bình thường, trừ khi có chỉ định khác của bác sĩ.