Giải độc tố uốn ván - Tác dụng thuốc và các thông tin khác đầy đủ nhất
Tra cứu thuốc chuẩn nhất

Giải độc tố uốn ván

Thông tin cơ bản thuốc Giải độc tố uốn ván

Dạng bào chế

Dung dịch để tiêm

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Dung dịch để tiêm: Lượng độc tố sản xuất từ dịch lọc nuôi cấy vi khuẩn, dao động từ 20 đến 80 Lf/ml (Lf = giới hạn độ lên bông) tùy thuộc điều kiện nuôi cấy. Ðộ tinh khiết các chế phẩm hiện hành dao động trong khoảng từ 1700 đến 3000 Lf/mg nitrogen - protein.
  • Các thành phần khác: Nhôm hydroxyd, nhôm phosphat hoặc calci phosphat, natri mercurothiolat (chất bảo quản) và dung dịch natri clorid.

Điều kiện bảo quản

Bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 8oC. Không được để đông băng. Tránh ánh sáng

Chỉ định/Chống chỉ định

Chỉ định

Ðược dùng để gây miễn dịch chủ động phòng bệnh uốn ván.

Chống chỉ định

  • Có tiền sử dị ứng với vaccin hay với bất cứ thành phần nào của chế phẩm. Tránh dùng cho những người đã từng xảy ra các dấu hiệu hay triệu chứng thần kinh sau lần tiêm trước.
  • Giảm tiểu cầu hoặc rối loạn chảy máu khác.
  • Cần hoãn tiêm vaccin khi đang xảy ra dịch bại liệt. Trong trường hợp đang sốt vừa hoặc nặng, đang có nhiễm trùng đường hô hấp hoặc các nhiễm trùng đang tiến triển khác thì có thể tạm đình chỉ tiêm vaccin lần đầu theo thường quy, nhưng vẫn phải dùng trong các trường hợp khẩn cấp.

Liều dùng và cách dùng

Tiêm bắp thịt hoặc sâu dưới da một liều 0,5 ml vaccin, sau 4 - 6 tuần lễ tiêm mũi thứ hai và tiếp sau 4 - 12 tháng tiêm mũi thứ 3.

Nhằm củng cố miễn dịch nên tiêm nhắc lại 10 năm một lần.

Ðối với người mang thai trước đây chưa tiêm phòng uốn ván thì tiến hành tiêm 2 mũi với khoảng cách 30 ngày. Mũi tiêm thứ 2 phải thực hiện trước khi sinh 1 tháng (đang được dùng đối với loại vaccin sản xuất tại Việt Nam).

Thận trọng

Không được tiêm vào mạch máu. Không dùng vaccin để điều trị nhiễm trùng uốn ván. Những người bị suy giảm miễn dịch thì đáp ứng sinh kháng thể sẽ bị giảm, tuy nhiên vẫn có thể tiêm vaccin cho người bị nhiễm HIV có hoặc không có các triệu chứng lâm sàng. Dùng epinephrin 1:1000 để xử lý các trường hợp bị dị ứng xảy ra. Ðối với trẻ nhỏ có tiền sử rối loạn hệ thần kinh trung ương nên hoãn dùng vaccin cho đến khi trẻ lớn hơn 1 tuổi; đối với người cao tuổi, hiệu giá kháng thể có thể không tăng cao sau khi tiêm vaccin.

Tương tác với các thuốc khác

Khi sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch hoặc liệu pháp tia xạ, cơ chế phòng vệ bình thường bị ức chế và đáp ứng tạo kháng thể của người bệnh với vaccin uốn ván có thể giảm. Nếu phải ngừng một thời gian ngắn liệu pháp ức chế miễn dịch, thì thường phải hoãn lại việc tiêm chủng vaccin uốn ván một tháng kể từ khi ngừng dùng các thuốc ức chế miễn dịch.

Tác dụng phụ

  • Ðã có một vài thông báo về các tác dụng phụ xảy ra, nhất là sau mũi tiêm thứ hai. Một vài phản ứng tại chỗ tiêm như nổi ban đỏ, sưng tấy, đau, ngứa, hoại tử và phù. Các phản ứng toàn thân hiếm gặp hơn như đau đầu, mày đay, mệt mỏi, khó thở và mạch nhanh đã được thông báo. Tại nơi tiêm loại vaccin hấp phụ có thể sờ thấy một cục nhỏ nổi lên và tồn tại trong một vài tuần. Cũng đã có trường hợp xảy ra áp xe tại nơi tiêm (6 - 10 phần triệu). Sốt nhẹ và vừa thường gặp hơn (khoảng 50% số trẻ em được tiêm). Tai biến chết người do sốc phản vệ cũng đã được nói tới.
  • Những tác dụng không mong muốn này chủ yếu là do các kháng nguyên lạ bị lẫn vào nhiều hơn là do bản thân giải độc tố uốn ván, vì thế tiêm phòng bằng loại vaccin tinh chế là cách đơn giản nhất để giảm thiểu tác dụng phụ.

Dược động học/Dược lực

Dược động học

Dược lực

Giải độc tố uốn ván cũng có loại không hấp phụ, nhưng loại hấp phụ thông dụng hơn.

Giải độc tố uốn ván được điều chế bằng cách dùng formaldehyd xử lý độc tố của vi khuẩn Clostridium tetani. Môi trường để sản xuất độc tố không được có các chất có nguồn gốc từ ngựa hoặc người hoặc bất cứ một thành phần nào có thể gây các phản ứng dị ứng cho người.

Vaccin uốn ván kích thích sản sinh kháng độc tố có tính chất bảo vệ. Khả năng đáp ứng miễn dịch thứ phát nhanh tiếp tục sản xuất kháng độc tố ít nhất trong 10 năm sau khi hoàn thành các lần tiêm chủng cơ bản. Tuy nhiên, người ta khuyên cứ 10 năm nên tiêm nhắc lại 1 lần để duy trì hàm lượng kháng độc tố trong cơ thể. Khi một cá nhân đã từng được tiêm phòng vaccin uốn ván đúng theo lịch tiêm chủng mà bị thương thì cần tiến hành tiêm nhắc lại nếu như lần tiêm gần nhất cách đó đã quá 5 năm.