Dấu hiệu có thai ngoài tử cung và cách nhận biết sớm nhất
Tra cứu thuốc chuẩn nhất
Trang chủ Cha Mẹ @ Mẹ Bầu

Dấu hiệu có thai ngoài tử cung và cách nhận biết sớm nhất

Có thai ngoài tử cung là gì? Nguy hiểm như thế nào đến cơ thể người phụ nữ? Làm cách nào để nhận biết sớm nhất các dấu hiệu khi có thai ngoài tử cung?

Để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của thai nhi trong bụng và sức khỏe sinh sản của người mẹ, việc có những hiểu biết về mang thai ngoài tử cung và cách nhận biết sớm nhất các dấu hiệu mang thai ngoài tử cung là vô cùng cần thiết và quan trọng.

hiểu rõ mang thai ngoài tử cung để mẹ khoẻ bé sinh
hiểu rõ mang thai ngoài tử cung để mẹ khoẻ bé sinh

Thai ngoài tử cung là gì?

Thai ngoài tử cung là khi trứng thụ tinh làm tổ và phát triển ở một vị trí khác ngoài nội mạc tử cung. Hơn 95% trường hợp thai ngoài tử cung xảy ra ở ống dẫn trứng (loa vòi, đoạn bóng, đoạn eo hoặc đoạn kẽ). 5% trường hợp còn lại xảy ra ở các vị trí khác như buồng trứng, ổ bụng, cổ tử cung hoặc sẹo mổ trước đó. Đôi khi có những trường hợp, ta có thể gặp thai ngoài tử cung ở 2 bên, chiếm tỉ lệ khoảng 1/200.000 thai kỳ. Ở những trường hợp hiếm hơn, có thể có đa thai với một thai làm tổ trong buồng tử cung bình thường và thai còn lại ở vị trí lạc chỗ (tỉ lệ 1/30.000 thai kỳ).



mang thai ngoài tử cung
mang thai ngoài tử cung

Nguyên nhân dẫn đến mang thai ngoài tử cung?

Trên thực tế, nguyên nhân khiến phôi thai không về được tử cung là do trong quá trình di chuyển, thai nhi bị cản trở bởi các yếu tố ngăn cản. Sở dĩ trong cơ quan sinh sản của mẹ tồn tại những yếu tố ngăn cản này là do mẹ bầu có những bất thường về vòi trứng, tử cung, bao gồm:



1. Viêm nhiễm vòi trứng

Viêm nhiễm vòi trứng là một căn bệnh nguy hiểm, nó dễ để lại di chứng vô sinh và các bất thường về thai nhi, trong đó có chửa ngoài tử cung. Khi bị bệnh này, vòi trứng sẽ bị hẹp lại cản trở đường đi của phôi thai khiến thai nhi không di chuyển được về tử cung mà phải làm tổ trên vòi trứng. Viêm nhiễm vòi trứng thường gặp do lây truyền trực khuẩn lậu, chlamydia trachomatis qua đường tình dục hoặc tình trạng viêm nhiễm các cơ quan khác lan sang.



2. Các bệnh phụ khoa

Trong quá trình mang thai nếu mẹ bầu mắc các bệnh phụ khoa như u xơ tử cung, u nang buồng trứng,… các khối u chèn ép có thể khiến vòi trứng bị tắc, hẹp lại gây ra tình trạng có thai ngoài tử cung. Những mẹ bầu bị viêm nhiễm phụ khoa có nguy cơ bị thai ngoài tử cung cao. Ngoài ra, viêm nhiễm phần phụ cũng khiến nguy cơ bị thai lạc chỗ cao hơn. Tuy rằng đây là một căn bệnh phổ biến, dễ điều trị nhưng nhiều người vẫn có tâm lý “ngại” nên thường không để ý đến nó. Điều này kéo dài gây ảnh hưởng tới buồng trứng và vòi trứng, dẫn đến thai ngoài tử cung.

3. Đã từng bị thai ngoài tử cung trong lần mang thai trước: Những mẹ bầu từng chửa ngoài dạ con có nguy cơ tái phát cao hơn hẳn so với những người khác. Để ngăn ngừa khả năng này, mẹ nên đi khám cẩn thận trước khi có thai để nhận tư vấn từ bác sĩ nhé.

4. Dị dạng vòi trứng

Dị dạng vòi trứng có thể do bẩm sinh hoặc do mẹ đã từng thực hiện các phẫu thuật ở vòi trứng như: triệt sản, nối vòi trứng,.. hay ở trên vùng bụng gây ảnh hưởng tới vòi trứng làm vòi trứng bị kéo giãn, dập,… Tất cả những tác động này đều là yếu tố ngăn cản đường đi của phôi thai về tử cung làm tổ.

5. Thai phụ lớn tuổi

sản phụ lớn tuổi cũng là một trong những nguyên nhân
sản phụ lớn tuổi cũng là một trong những nguyên nhân

Mẹ bầu mang thai trên 35 tuổi có khả năng cao mang thai ngoài tử cung do ở độ tuổi này, các cơ quan sinh sản bắt đầu có những dấu hiệu lão hóa, chức năng suy giảm nên dễ xảy ra các biến chứng thai kỳ.

6. Mẹ bầu tiếp xúc với khói thuốc lá

Trong thuốc là có hơn 4000 chất độc, trong đó nguy hiểm nhất là Nicotine. Khi mẹ bầu hút thuốc lá hoặc ngửi phải khói thuốc trước và trong thai kỳ các chất độc này xâm nhập vào cơ thể mẹ bầu, gây hại tới vòi trứng. Nicotine làm hỏng các lông mao phủ trên thành ống và làm giảm sự cử động của vòi trứng khiến thai nhi di chuyển khó khăn. Chính vì vậy, mẹ bầu cần tránh xa khói thuốc ngay từ giai đoạn chuẩn bị mang thai nhé.

7. Nạo phá thai nhiều

Nạo phá thai có thể gây ra các biến chứng như: buồng tử cung bị ứ máu, nhiễm trùng, thủng cổ tử cung, băng huyết,… Đây được coi là nguyên nhân chính dẫn đến việc có thai ngoài tử cung. Vì vậy, nếu chưa có ý định mang thai thì hãy sử dụng các biện pháp tránh thai khi quan hệ như: bao cao su, thuốc tránh thai, đặt vòng,…

8. Quan hệ tình dục bừa bãi

Việc quan hệ tình dục với nhiều bạn tình mà không sử dụng biện pháp bảo vệ là nguyên nhân mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục bao gồm các bệnh viêm nhiễm. Hậu quả là dẫn đến viêm nhiễm vòi trứng, gây ra thai ngoài tử cung.

Có thai ngoài tử cung ảnh hưởng thế nào với cơ thể sản phụ?

Mang thai ngoài tử cung sẽ dẫn đến nhiều biến chứng đe dọa đến tính mạng thai phụ. Khi phụ nữ mang thai ngoài tử cung, luôn có khả năng thai bị vỡ bất cứ lúc nào. Nếu thai ngoài tử cung bị vỡ, máu ồ ạt vào trong ổ bụng, bệnh nhân biểu hiện đau bụng đột ngột dữ dội, có thể bị ngất xỉu và nhiều nguy cơ bị sốc mất máu. Da xanh, niêm nhạt, mạch nhanh, nhẹ và huyết áp khó bắt. Nếu không đưa đến cấp cứu bệnh viện kịp thời, tình trạng xuất huyết không được bù máu, bù dịch hay duy trì thể tích tuần hoàn hiệu quả, người bệnh dễ trụy mạch và tử vong do vỡ thai ngoài tử cung.

Ngoài ra, một khi đã mất máu nhiều, người bệnh buộc phải được truyền máu để bù lại cho đủ. Do đó, thời gian và chi phí điều trị sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn phải đối diện với các nguy cơ khi truyền máu gây ra, như lây nhiễm, dị ứng, sốc phản vệ…

Bên cạnh đó, tỷ lệ bị vô sinh sau mang thai ngoài tử cung khá cao, có thể lên đến 50% sau mổ thai ngoài tử cung. Trong các trường hợp thai ngoài tử cung phát hiện trễ, đôi khi phát hiện là lúc thai đã vỡ, cấu trúc cơ quan sinh dục khó được bảo tồn. Nếu thai ngoài tử cung nằm trong ống dẫn trứng thì người bệnh cần phải nhanh chóng được xử trí bằng cách phẫu thuật cắt bỏ ống dẫn trứng một bên tại sát góc tử cung.

Nếu thai ngoài tử cung bị chết lưu không được phát hiện để xử trí, mặc dù có thể không có biểu hiện gì đặc trưng, chỉ gây ra huyết âm đạo kéo dài, làm thiếu máu dai dẳng không rõ nguyên nhân, thì người bệnh vẫn phải đối diện với những nguy cơ lớn do thai chết lưu. Hai nguy cơ lớn nhất của thai chết lưu gây ra cho người mẹ là rối loạn đông máu đi kèm đông máu nội mạch lan tỏa và nhiễm trùng trong ổ bụng do sự tấn công của các chủng vi khuẩn. Tình trạng nhiễm trùng lan nhanh nếu vi trùng phát triển mạnh, làm thối rữa thai và cả bộ phận cơ quan của mẹ hay lan toàn thân, dễ sốc nhiễm trùng và nguy cơ cao đe dọa tính mạng. Bên cạnh đó, thai chết lưu còn làm ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý, tình cảm và cảm xúc của người mẹ, nhất là các trường hợp hiếm muộn con, mẹ lớn tuổi. Chính những stress tâm lý này kèm với các biện pháp thụ thai nhân tạo lại làm tăng nguy cơ bị vô sinh hay lặp lại thai ngoài tử cung.

Dấu hiệu khi mang thai ngoài tử cung?

Với những nguy hiểm khôn lường như thế, việc phát hiện sớm khi có thai ngoài tử cung là vô cùng cần thiết với các chị em sản phụ. Vậy làm cách nào để nhận biết sớm nhất liệu mình có mang thai ngoài tử cung hay không? 

Triệu chứng ban đầu của thai ngoài tử cung có thể giống như một thai kỳ điển hình một số dấu hiệu như trễ kinh, ngực căng hoặc đau bụng.

đau bụng cũng có thể là dấu hiệu của mang thai ngoài tử cung
đau bụng cũng có thể là dấu hiệu của mang thai ngoài tử cung

Các dấu hiệu khác bao gồm: Ra huyết âm đạo bất thường và đau bụng. Đau bụng ở giai đoạn này, có thể khó biết nếu bạn đang mang thai điển hình hoặc mang thai ngoài tử cung. Khi thai ngoài tử cung phát triển, các triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện, đặc biệt nếu khối thai ngoài vỡ, bạn có thể đột ngột đau dữ dội ở vùng bụng hoặc vai, chóng mặt hoặc ngất xỉu.

Khi phát hiện mình có những triệu chứng này, hãy đến ngay các phòng khám phụ sản để được bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn thông qua việc thăm khám vùng chậu, siêu âm và xét nghiệm máu đo nồng độ βhCG.
Các biện pháp điều trị?

Một thai ngoài tử cung không thể di chuyển hoặc được di chuyển đến tử cung, vì vậy thai ngoài tử cung LUÔN CẦN ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ. Hiện nay có ba phương pháp thông dụng và phổ biến nhất được bác sĩ dùng để điều trị mang thai ngoài tử cung: Thuốc, phẫu thuật, theo dõi sự thoái triển tự nhiên của thai ngoài tử cung. Việc chọn lựa phương pháp điều trị nào tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể (cơ địa của sản phụ, độ lớn của thai,...).

Nếu bạn có thắc mắc hay nghi ngờ nào, hãy đến ngay các bệnh viện để khám và hỏi ý kiến các bác sĩ, đồng thời được tư vấn phương pháp điều trị mang thai ngoài tử cung tốt nhất.

Tuthuoc24h.net