Mách bạn những điều cần lưu ý khi khám sức khỏe định kỳ cho trẻ 6 tháng tuổi
Tra cứu thuốc chuẩn nhất
Trang chủ Cha Mẹ @ Chăm Con Khéo

Mách bạn những điều cần lưu ý khi khám sức khỏe định kỳ cho trẻ 6 tháng tuổi

Bạn đang có con vào giai đoạn 6 tháng tuổi? Bạn quan tâm đến vấn đề sức khỏe của bé trong giai đoạn này? Có nên cho trẻ khám sức khỏe định kỳ hay không? Vậy nếu khám thì cần lưu ý những vấn đề gì?

Không cần lo lắng đâu, bài viết này chúng tôi sẽ chia sẻ cho bạn tất cả những điều cần lưu ý khi khám sức khỏe định kỳ cho trẻ giai đoạn 6 tháng tuổi.

1.    Những điều cần lưu ý khi đi khám sức khỏe định kỳ cho trẻ:

Thông thường, đối với trẻ giai đoạn 6 tháng tuổi thì bác sĩ thường kiểm tra các vấn đề dưới đây:
-       Cân nặng và chiều cao của bé
-       Kiểm tra tai, mũi, họng
-       Kiểm tra số đo kích cỡ đầu của trẻ
-       Kiểm tra nhịp tim và hô hấp cho bé
-       Cần chích ngừa các loại miễn dịch phù hợp với giai đoạn tuổi của bé như: vắc – xin ngừa bệnh bạch cầu, bệnh viêm màng não, viêm phổi,…
-       Tư vấn với bác sĩ về các vấn đề tâm sinh lý của trẻ, tính cách và bạn có thể hỏi bác sĩ về các cách để có thể xử lý cảm lạnh hoặc tiêu chảy trường hợp nhẹ cho bé.

2.    Những câu hỏi của bác sĩ thường hay gặp:

-       Giấc ngủ của bé như thế nào?

Ở giai đoạn này, thời gian trung bình mà trẻ hay ngủ là khoảng từ 14 đến 15 tiếng mỗi ngày.

-       Bé đã ăn dặm được chưa?
Thông thường, giai đoạn tốt nhất nên tập cho trẻ bắt đầu biết ăn dặm là khoảng từ 4 đến 6 tháng. Bạn có thể nhờ bác sĩ tư vấn về cách cho bé tập ăn dặm, có thể tập cho bé ăn ngũ cốc mềm. Nếu bé có những biểu hiện không chịu ăn hoặc nôn thức ăn ra ngoài thì nên đến trao đổi với bác sĩ để đưa ra hướng giải quyết.

-       Vấn đề tiêu hóa của bé có tốt không?
Hệ tiêu hóa của trẻ khi bắt đầu biết ăn dặm rồi thì thường phải hoạt động nhiều hơn nên phân sẽ có mùi nặng hơn. Nếu bạn thấy trường hợp trẻ hay đi phân khô hay vón thành cục thì có thể trao đổi với bác sĩ vì đó là dấu hiệu của hiện tượng mất nước hay táo bón.

-       Bé đã biết mọc răng chưa?
Việc mọc răng này thì tùy thuộc vào từng bé, có một số bé sẽ bắt đầu mọc cái răng đầu tiên sớm vào tháng thứ 6 hoặc có thể sớm hơn hoặc muộn hơn. Việc đau hoặc sốt do sưng nướu là hiện tượng hay gặp khi răng bắt đầu nhú lên. Lúc này bạn nên cho bé uống nước có chứa fluor để bảo vệ răng hoặc nhờ bác sĩ tư vấn cách làm dịu nướu cho bé.

-       Bé đã lật hoặc ngồi vững được chưa?

Thông thường vào lúc 6 tháng tuổi thì trẻ đã có thể lật được cả hai chiều (lật ngửa và sấp). Nếu những bé nào cứng cáp hơn có thể chuyển sang giai đoạn tự ngồi vững mà không cần ai giữ. Tuy nhiên, nếu bạn thấy con bạn ngay cả lật cũng chưa thì nên nói ngay với bác sĩ.

-       Con bạn có tò mò, hứng thú với thế giới xung quanh không?
Các hoạt động như đưa vật vào miệng ngậm, tháo rời, đập tay xuống sàn hoặc ném vật lung tung là các hoạt động chứng tỏ con bạn đang rất tò mò, hứng thú với thế giới xung quanh và đang phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, nếu bé nhà bạn không mấy hứng thú với các hoạt động trên thì bạn nên quan sát, lưu tâm vấn đề này với bác sĩ.

-       Các kỹ năng vận động của bé phát triển như thế nào?

  • Kỹ năng vận động thô: là việc phát triển và phối hợp của các cơ lớn trên cơ thể bé như lăn, bò, trườn, đi, chạy, ném,… Thường thì kỹ năng vận động thô sẽ phát triển trước kỹ năng vận động tinh.
  • Kỹ năng vận động tinh: là việc con bạn điều khiển bàn tay các ngón tay của bé như việc cầm, nắm đồ vật, vặn, siết,…

-       Thính giác của bé có tốt không?
Con bạn có phản ứng nhanh với các âm thanh không, ví dụ khi bạn gọi thì bé có phản ứng hướng về phía bạn không? Nếu không có thì nên báo sớm với bác sĩ vì nếu không chữa trị kịp thời thì có thể ảnh hưởng đến việc nghe sau này của trẻ.

Những vấn đề trên có thể bạn thấy rất quen thuộc nhưng nếu bạn không có sự chuẩn bị trước thì rất khó trong việc chăm sóc tốt cho bé, đặc biệt vào giai đoạn trẻ còn nhỏ như vậy. Hãy trở thành bố mẹ có hiểu biết chính xác để linh hoạt trong mọi tình huống, giúp con trẻ phát triển tốt nhé!

TuThuoc24h.net