Natto là gì?
Natto là món ăn truyền thống chỉ có ở Nhật Bản và nằm trong danh sách những món ăn kinh dị và "khó nuốt" nhất xứ anh đào. Nhưng vẫn nó rất được nhiều người đón nhận, vì nó rất tốt cho sức khỏe, và nếu bạn đã quen với mùi hương thì sẽ thích ăn.
Natto được làm từ đậu tương nguyên hạt chế biến bằng cách lên men ở điều kiện thích hợp giúp chuyển hóa các enzyme, bổ sung vi khuẩn có lợi cho đường tiêu hóa. Sau quá trình ủ lên men, natto trở nên nhớt nháp, kết dính với nhau bằng những sợi tơ giống như tơ nhện và có mùi rất mạnh, màu nâu, vị bùi. Mùi của natto rất khó chịu với người không quen.
Tác dụng của Natto
Dựa vào những nghiên cứu về mặt y khoa, những người tăng huyết áp, đái tháo đường, vữa xơ động mạch, có cơn đau thắt ngực, suy tĩnh mạch, tiền sử nhồi máu não, nhồi máu cơ tim… Ăn Natto thường xuyên giúp dự phòng các biến chứng và dự phòng tái phát một cách hữu hiệu.
Trong đó, enzym Nattokinase là một hoạt chất sản sinh trong quá trình lên men tự nhiên được xem là hoạt chất “vàng” đặc biệt tốt cho những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Bởi trong Natto có Pyrazin là một enzym tạo cho natto có một mùi vị đặc trưng riêng biệt. Enzym này giúp ngăn chặn hiện tượng máu bị đông vón cục gây tắc nghẽn là nguyên nhân chính gây ra các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Natto không chỉ hỗ trợ cho hệ tim mạch mà còn làm giảm huyết áp. Những năm gần đây hiệu quả này đã được kiểm chứng trên lâm sàng.
Cách làm natto Nhật Bản
1. Nguyên liệu chuẩn bị
- Đậu nành sạch, hạt chắc
- Rơm được làm sạch (nếu không thể kiếm ra rơm bạn có thể mua Natto bán sẵn dùng làm cái để lên men đậu nành)
2. Cách làm món natto đơn giản
Bước 1: Ngâm đậu nành trong nước đến khi trương nở, sau đó đem hấp cho chín mềm, có thể dùng nồi áp suất để nhanh quá trình, hấp khoảng 20 phút, sau đó để nguội.
Bước 2:
- Nếu bạn có rơm sạch thì gói đậu hấp để nguội ở trên vào rơm cuộn lại để đậu nằm ở giữa.
- Nếu không có rơm bạn mua gói Natto có sẵn, lấy 1 ít trộn với muối và 1 ít nước nghiền nát để phân bố đều khi trộn với đậu hấp để nguội. Cho vào tô đậy vải mỏng.
Bước 3: Mang đi ủ ấm ở nhiệt độ 40-50 độ trong khoảng 15 giờ, đến khi bạn thấy có "mùi" thì lấy ra kiểm tra có nhiều sợi như tơ nhện thì thành công.
Bước 4: Chia phần đậu lên men ra những phần nhỏ đặt vào ngăn mát để ra nhớt thêm, sau đó cất lên ngăn đông để bảo quản, khi ăn thì lấy ít ăn dần.
Thành công với món ăn này thì càng nhớt càng ngon.
Khi ăn thì lấy 1 phần vừa đủ dùng đũa khuấy từ 10 đến 20 lần, sau đó cho 1 ít nước tương để có vị dễ ăn, có thể cho thêm chút mù tạt, hành lá, ớt khô….theo ý thích.
Chúc các bạn thực hiện thành công.