Bánh tiramisu là loại bánh nổi tiếng của Ý và đang ngày càng được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới. Loại bánh này không chỉ hấp dẫn bởi vẻ ngoài đẹp mắt mà mùi vị cũng thật tuyệt vời. Với miếng bánh mềm, vị ngọt thanh cùng với mùi thơm nhè nhẹ của hương rượu, Tiramisu đã trở thành một món tráng miệng vừa lạ vừa hấp dẫn.
Tiramisu là loại bánh gì?
Tiramisu là món bánh ngọt tráng miệng nổi tiếng có nguồn gốc từ Ý với vị bánh mềm ẩm, ngọt thanh nhẹ nhàng pha lẫn chút nồng nàn của hương rượu. Bánh Tiramisu được tạo nên từ sự kết hợp hài hòa giữa các lớp bánh quy Savoiardi đẫm hương cà phê xếp chồng lên nhau, xen giữa là hỗn hợp rượu cà phê (gồm Mascarpone, rượu Rum, trứng, đường) được đánh bông và bột cacao rắc bên trên.
Hình dạng ban đầu của Tiramisu là hình tròn, mặc dù bánh hình vuông dễ tạo hình với nguyên liệu bánh quy hơn. Tuy nhiên, Tiramisu cũng được trình bày trong các ly thủy tinh tròn hoặc ly Martini để có thể nhìn rõ các lớp bánh.
Nguồn gốc – ý nghĩa ẩn sau của loại bánh nổi tiếng này
Nói về nguồn gốc ra đời của chiếc bánh Tiramisu, có khá nhiều giả thuyết khác nhau được đặt ra, trong đó có 2 câu chuyện được “truyền tai” nhau đến tận bây giờ.
Trong cuốn sách “Nghệ thuật ẩm thực qua các thế kỷ ở Ý”, tác giả Anna Maria Volpi cho biết: món bánh này được sáng tạo bởi Francesca Valori, một thợ bánh làm việc tại nhà hàng Le Beccherie (vùng Treviso, Ý) và tên bánh được đặt theo tên thời niên thiếu của người làm bánh này.
Bên cạnh đó, cũng có một câu chuyện tình sâu đậm gắn liền với Tiramisu, khiến nhiều người tin rằng đó là nguồn gốc cho sự ra đời của món bánh này. Khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất diễn ra, ở Ý, một người vợ đã dành hết tâm ý sáng tạo nên chiếc bánh đặc biệt từ những nguyên liệu còn sót lại trong gian bếp để dành tặng cho người chồng sắp ra chiến trận. Khi thưởng thức món bánh kết hợp vị ngọt đắng này, người lính sẽ luôn nhớ về người vợ mòn mỏi đợi chờ nơi hậu phương. Đồng thời, chút rượu Rum và cà phê sẽ giúp người chồng luôn tỉnh táo, vững vàng trong cuộc chiến. Chiếc bánh Tiramisu còn gửi gắm tình yêu trọn vẹn và niềm hy vọng về một tương lai yên bình.
Trong tiếng Ý, Tiramisu có nghĩa là “Pick me up” (Hãy nhớ đến em, hãy mang em đi, đừng quên em) – cộng với câu chuyện về sự ra đời này mà Tiramisu được xem là món bánh tượng trưng cho tình yêu và được cả thế giới truyền tai và công nhận. Do vậy, khi nhắc đến Tiramisu người ta chắc chắn sẽ nghĩ đến ngay chiếc bánh tình yêu. Cho nên, nếu muốn tỏ tình với chàng hoặc nàng bạn hãy nhớ đến chiếc bánh Tiramisu này nha.
Dù bánh tiramisu có nguồn gốc từ đâu thì nó vẫn là một món ăn nổi tiếng và hấp dẫn. Món bánh tiramisu đã làm tan chảy rung động trái tim của thực khách khi thưởng thức nó.
Các biến thể của bánh Tiramisu
Ngày nay, để Tiramisu có độ bông xốp và giữ dáng bánh lâu hơn, các đầu bếp thường cho thêm kem sữa tươi đánh bông hay trứng đánh bông hoặc cả hai vào đánh chung với phô mai Mascarpone. Với loại rượu mùi cho vào bánh, rượu Marsala cũng được nhiều đầu bếp sử dụng, bên cạnh rượu Rum.
Hơn thế nữa, trong nhiều công thức làm Tiramisu, cà phê cũng được thay thế bằng những nguyên liệu khác để tạo nên các biến thể khác như: Tiramisu sô cô la, Tiramisu sữa chua, Tiramisu dâu, Tiramisu phúc bồn tử, Tiramisu bia… Một số loại bánh ngọt, bánh mì khác cũng được sử dụng để thay thế cho bánh quy Savoiardi. Ngoài ra, có loại thì có kem và trứng được đun nóng để tiệt trùng, nhưng không để cho trứng quá chín.
Hướng dẫn cách làm bánh Tiramisu
Trong bài viết này, chúng mình sẽ giới thiệu cho mọi người 2 công thức làm bánh Tiramisu, gồm: bánh Tiramisu truyền thống và bánh Tiramisu biến thể (vị trà xanh).
Cách làm Tiramisu truyền thống
Nguyên liệu
- 2 lòng đỏ trứng
- 50g đường
- 200ml kem tươi
- 30ml sữa tươi không đường
- 10g bột sữa béo
- 2 gói cafe hòa tan
- 20ml rượu Rum
- 200g cream cheese
- Vani dạng lỏng
- Bột cacao
- 1 túi bánh Samba (Savoiardi/ladyfingers)
Cách thực hiện
Bước 1: Tạo hỗn hợp kem trứng
Đánh 2 lòng đỏ trứng với 2 thìa canh đường tới khi lòng đỏ bông mịn và có màu vàng nhạt
Cho vào hỗn hợp trên ¼ chén kem tươi và 2 thìa sữa tươi, quấy đều. Sau đó, thêm tiếp 1 thìa bột sữa béo và quấy đều.
Lọc hỗn hợp qua rây, cho vào nồi. Nấu trên lửa vừa và quấy liên tục cho đến khi hỗn hợp trở nen sánh và sệt thì tắt bếp, để nguội. Để biết hỗn hợp đã đạt hay chưa, kiểm tra bằng cách nhấc thìa lên, nếu kem trứng đọng lại tạo thành một lớp mỏng trên mặt thìa, quẹt tay thấy đường rãnh rõ ràng là đạt.
Bước 2: Tạo siro rượu cà phê để nhúng bánh
Trong khi đợi kem trứng nguội, hòa tan 2 gói cà phế với 80ml nước sôi. Cho thêm ½ đến 1 thìa cà phê đường để cà phê bớt đắng và thêm 2 thìa cà phê rượu, rồi quấy đều. Luôn giữ ấm để khi nhúng bánh nhanh hơn.
Bước 3: Làm kem Tiramisu
Cho 200g cream cheese vào tô. Dùng thìa hoặc máy đánh trứng đánh cho kem mềm nhuyễn thì cho lần lượt từng thìa kem trứng (đã nguội hoàn toàn) vào và trộn đều cho tới khi hòa quyện rồi tiếp tục cho thìa kem trứng tiếp theo. Lặp lại như vậy cho đến khi cho hết kem trứng vào thì thôi. Sau đó, cho thêm 2 thìa cà phê rượu Rum.
Bước 4: Hoàn thiện bánh Tiramisu
Chuẩn bị hộp đựng bánh quy Samba, hỗn hợp rượu cà phê và kem Tiramisu.
Nhúng nhanh từng mặt bánh quy Samba vào hỗn hợp rượu cà phê rồi xếp thành một lớp kín đáy khuôn, đổ ½ lượng kem tiramisu vào, dàn phẳng mặt. Lặp lại các bước này để tạo thêm một lớp nữa và đổ nốt phần kem còn lại vào. Để bánh vào tủ lạnh.
Cho 140ml kem tươi vào tô, đánh tới khi bông cứng. Cho kem vào túi bắt kem và trang trí phần mặt bánh với kem tươi này.
Giữ bánh trong tủ lạnh tối thiểu 8 tiếng mới dùng. Trước khi ăn, rắc lên mặt bánh một lớp bột mỏng cacao. Bánh dùng được trong 2 ngày.
Cách làm bánh Tiramisu trà xanh cốt sponge
Nguyên liệu
Phần bạt ga tô trà xanh
- 2 lòng đỏ trứng gà
- 2 lòng trắng trứng gà
- 50 gram đường cát trắng
- 30 gram dầu thực vật
- 45 gram sữa tươi không đường
- 45 gram bột mì đa dụng
- 10 gram bột ngô
- 5 gram bột trà xanh
- 1 nhúm muối rất nhỏ
- ¼ thìa cà phê cream of tartar (hoặc thay bằng dấm/ nước cốt chanh)
Phần làm Tiramisu trà xanh
- 250 gram phô mai Mascarpone
- ½ thìa cà phê tinh chất vani (tùy thích)
- 10 gram bột trà xanh
- 45 gram đường cát trắng
- 200 ml kem tươi
Phần lớp phủ mặt bánh
- 25 – 30 ml sữa tươi không đường
- 1 thìa mật ong
- 2 – 3 gram bột trà xanh rắc mặt bánh
Cách thực hiện
1- Làm bạt ga tô trà xanh
Bước 1:
Cho lòng đỏ trứng gà và đường cát trắng vào âu sạch. Dùng phới đánh trứng nhẹ nhàng khuấy đều để trứng và đường hòa quyện vào nhau. Tiếp tục cho dầu ăn và sữa tươi vào bát và khuấy đều.
Rây mịn bột mì, bột ngô và bột trà xanh. Dùng phới đánh trứng khuấy theo một chiều để các nguyên liệu hòa trộn vào nhau.
Dùng máy đánh trứng đánh bông hỗn hợp gồm: lòng trắng trứng, muối, cream of tartar và đường cát trắng cho đến khi lòng trắng trứng bông cứng, bóng dẻo và tạo thành chóp.
Bước 2:
Múc 1/3 hỗn hợp lòng trắng trứng vào bát đựng hỗn hợp lòng đỏ và hỗn hợp bột. Dùng phới khuấy đều cho các nguyên liệu hòa quyện. Chia phần lòng trắng còn lại làm hai phần, cho từng phần vào âu đựng lòng đỏ rồi trộn đều. Hỗn hợp lúc này sẽ bông mịn, hầu như không có bọt khi lớn.
Lót giấy nướng vào đáy khuôn để chống dính, không cần chống dính thành khuôn. Đổ bột vào khay nướng, sau đó lắc nhẹ khay để bột dàn đều.
Bước 3:
Nướng ở nhiệt độ 175C trong 12 – 15 phút đến khi rìa bánh hơi có màu vàng nâu. Kiểm tra bánh chín bằng cách ấn nhẹ tay lên mặt bánh thấy vết lõm lập tức phồng trở lại là được.
Lấy bánh ra khỏi lò, dùng dao mỏng rạch quanh thành khuôn, úp ngược khuôn lại trên giá đỡ để lấy bánh ra. Bóc bỏ phần giấy lót ở đáy bánh rồi để bánh nguội hoàn toàn trên giá.
2- Làm Tiramisu trà xanh
Bước 1: Dùng máy đánh trứng trộn đều hỗn hợp gồm: phô mai Mascarpone, tinh chất vani (tùy thích) và bột trà xanh cho đến khi hỗn hợp mịn mượt.
Bước 2: Cho đường và kem tươi vào bát tô sạch rồi khuấy đều để làm tan bớt đường. Đổ hỗn hợp này vào bát đựng hỗn hợp Mascarpone trà xanh, sau đó đánh ở tốc độ vừa đến khi kem bông đặc để dùng làm kem trang trí bánh là được.
Bước 3: Cho cả âu đựng kem vào tủ lạnh để khoảng 20 – 30 phút. Điều này giúp kem đặc hơn đặc biệt là trong những ngày trời nóng.
3- Làm lớp phủ
Đun sữa tươi đến khi sữa ấm, cho mật ong vào và khuấy đều đến khi mật ong tan hết.
4- Hoàn thiện bánh
Bước 1:
Khi bánh đã nguội hoàn toàn, cắt bánh thành 3 phần theo chiều ngang.
Dùng chổi quét một lớp sữa mật ong lên toàn bộ mặt bánh. Tiếp theo phết 1/3 số kem tiramisu trà xanh lên. Lặp lai bước trên, đặt lớp bánh thứ 2 lên, tiếp tục phết sữa mật ong và kem trà xanh. Tiếp tục đặt lớp bánh thứ 3 lên trên, phết nốt sữa mật ong và phần kem còn lại lên bề mặt bánh.
Để bánh vào tủ lạnh khoảng 4 – 6 giờ hoặc tốt nhất là qua đêm để bánh hoàn thiện hơn.
Bước 2:
Chuẩn bị một chiếc dao lưỡi mỏng thật sắc để cắt bánh và một chiếc khăn ẩm. Khi cắt bánh phải dứt khoát, kết hợp dùng khăn lau sạch dao sau mỗi lần cắt.
Rắc bột trà xanh lên mặt bánh ngay trước khi dùng. Nếu không bột trà hút ẩm sẽ bị bết gây mất thẩm mĩ.
Bánh Tiramisu có thể để được trong bao lâu?
Bánh Tiramisu sau khi chế biến có thể để vào tủ mát trong vòng 8 tiếng sau đó dùng trong 2 ngày. Nếu muốn bảo quản lâu hơn, Tiramisu cần được cho vào tủ đá, trước khi dùng lấy để ra ngoài cho mềm. Ở nhiệt độ này, bánh có thể bảo quản được trong khoảng 1 tuần.
Để làm ra một chiếc bánh Tiramisu chuẩn Ý ngon ngất ngây không hề dễ dàng phải không các bạn. Tuy nhiên, không có nghĩa các bạn sẽ không thể thành công. Mình tin với ý chí quyết tâm và niềm yêu thích Tiramisu chắc chắn sẽ giúp bạn làm ra những chiếc bánh ngon thật ngon. Còn gì tuyệt hơn khi trời lạnh thế này vừa thưởng thức chiếc bánh Tiramisu mềm thơm vừa nhâm nhi tách cà phê nghi ngút khói chứ!
TuThuoc24h.net