Thông tin cơ bản thuốc Ovestin tablet-1mg
Số đăng ký
VN-0964-06
Dạng bào chế
Viên nén
Quy cách đóng gói
Hộp 1 vỉ x 30 viên
Thành phần
Estriol
Dạng thuốc và hàm lượng
- Viên nén: 0,25 mg, 1 mg, 2 mg.
- Kem bôi âm đạo: 0,01%, 0,1%.
Điều kiện bảo quản
Bảo quản trong lọ kín, ở nhiệt độ 15 - 30 độ C
Tác dụng thuốc Ovestin tablet-1mg
Chỉ định/Chống chỉ định
Chỉ định
- Các triệu chứng tiết niệu - sinh dục do thiếu estrogen: Teo âm đạo, khô và ngứa, giao hợp đau, phòng ngừa nhiễm khuẩn tái diễn ở âm đạo và đường tiết niệu dưới, đái rắt và đái khó.
- Phòng loãng xương ở thời kỳ mãn kinh.
- Suy buồng trứng tiên phát hoặc cắt bỏ buồng trứng và giảm năng tuyến sinh dục nữ.
- Chảy máu tử cung bất thường (do mất cân bằng nội tiết).
Chống chỉ định
- Quá mẫn với estrogen.
- Người bệnh nghi ngờ hoặc rõ ràng mang thai.
- Người bệnh nghi ngờ hoặc rõ ràng bị ung thư phụ thuộc estrogen.
- Người bệnh có tiền sử viêm tắc tĩnh mạch, huyết khối hoặc bệnh huyết khối nghẽn mạch liên quan đến dùng estrogen trước đó.
- Người bệnh nghi ngờ hoặc rõ ràng bị carcinom vú.
- Chảy máu âm đạo bất thường và chưa rõ nguyên nhân.
Liều dùng và cách dùng
- Uống: Ðiều trị ngắn ngày: 500 microgam đến 3 mg uống/1 lần trong ngày, trong 1 tháng, tiếp theo là 500 microgam đến 1 mg/hàng ngày cho tới khi khôi phục biểu mô toàn vẹn.
- Ðiều trị lâu dài, liều uống thường từ 250 microgam đến 2 mg hàng ngày, thường cho theo chu kỳ và đôi khi cùng với progestogen (xem estradiol và estron).
- Tại chỗ: Kem 0,01%: Bơm 1 lượng đong đầy (khoảng 2 g) vào trong âm đạo hàng ngày, nên bơm vào buổi tối, giảm xuống 1 lượng đong đầy, 2 lần mỗi tuần; thử giảm xuống hoặc ngừng thuốc sau 3 đến 6 tháng và kiểm tra lại.
- Kem 0,1%: Bơm 1 lượng đong đầy hàng ngày trong 2 - 3 tuần, sau đó giảm xuống 2 lần mỗi tuần (cách 2 - 3 tháng lại ngừng thuốc trong 4 tuần để đánh giá xem có cần điều trị thêm không).
Thận trọng
- Trước khi bắt đầu liệu pháp estrogen, người bệnh phải được thăm khám và hỏi tiền sử gia đình kỹ lưỡng và sau đó định kỳ khám lại.
- Thông thường estrogen không được dùng quá một năm nếu không được thày thuốc khám lại. Khám thực thể phải đặc biệt chú ý đến huyết áp, vú, các cơ quan ở bụng và tiểu khung và làm phiến đồ Papanicolaou.
- Vì biến chứng huyết khối nghẽn mạch có nguy cơ gia tăng ở thời kỳ hậu phẫu trong thời gian dùng liệu pháp estrogen, nên ngừng estrogen mỗi khi có thể, ít nhất 4 tuần trước một phẫu thuật có nguy cơ gia tăng huyết khối nghẽn mạch hoặc phải nằm bất động lâu.
- Estrogen phải dùng thận trọng ở người có tổn thương thận hoặc gan hoặc bệnh xương chuyển hóa kết hợp tăng calci máu.
- Estrogen phải dùng thận trọng ở người bệnh có thể nặng lên do giữ dịch lại trong cơ thể (ví dụ đau nửa đầu, suy tim, suy thận hoặc suy gan).
- Người có tiền sử trầm cảm phải được theo dõi cẩn thận trong thời gian dùng liệu pháp estrogen.
Tương tác với các thuốc khác
- Rifampicin làm giảm hoạt tính estrogen khi dùng đồng thời với estrogen do cảm ứng enzym microsom của gan. Tác dụng tương tự có thể xảy ra với các thuốc cảm ứng enzym microsom gan khác (barbiturat, carbamazepin, phenylbutazon, phenytoin và primidon).
- Estrogen có thể tăng cường tác dụng chống viêm của hydrocortison và có thể làm giảm chuyển hóa corticosteroid ở gan và/hoặc làm thay đổi protein gắn corticosteroid huyết thanh. Phải điều chỉnh liều corticosteroid khi bắt đầu dùng estrogen hoặc phải ngừng corticossteroid.
- Estrogen có thể làm giảm tác dụng thuốc uống chống đông máu và có thể cần tăng liều thuốc chống đông máu.
Tác dụng phụ
Tác dụng không mong muốn của estrogen phụ thuộc vào liều dùng. Ða số các ADR nghiêm trọng của liệu pháp estrogen xuất hiện đầu tiên từ các nghiên cứu trước đây với các thuốc uống tránh thai chứa estrogen liều lượng cao hơn các loại hiện đang dùng hoặc thuốc điều trị thay thế hormon cho phụ nữ mãn kinh.
- Thường gặp, ADR > 1/100
- Tiêu hóa: Buồn nôn , nôn, trướng bụng, co cơ bụng, ỉa chảy.
- Da: Rám da.
- Toàn thân: Tăng cân quá mức hoặc giữ dịch lại trong cơ thể.
- Tiết niệu sinh dục: Thay đổi kinh nguyệt, mất kinh (trong khi dùng) hoặc vô kinh (sau khi dùng), thống kinh, hội chứng giống tiền kinh, viêm âm đạo do nấm Candida.
- Thần kinh: Ðau đầu, đau nửa đầu, thay đổi tình dục.
- Mắt: Không dung nạp kính sát tròng. Rối loạn thị lực.
- Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
- Da: Rậm lông hoặc rụng tóc.
- Thần kinh: Trầm cảm, chóng mặt, múa giật.
- Nội tiết chuyển hóa: Giảm dung nạp glucose, tăng nồng độ triglycerid huyết thanh, thiếu hụt folat.
- Hiếm gặp, ADR < 1/1000
- Tim mạch: Tăng huyết áp, bệnh huyết khối nghẽn mạch, tăng đông máu.
- Vàng da ứ mật, u gan, test chức năng gan thay đổi.
Dược động học/Dược lực
Dược động học
Sau khi uống, estriol được hấp thu nhanh và hầu như hoàn toàn qua đường tiêu hóa. Nồng độ đỉnh estriol không liên hợp đạt được trong huyết tương trong vòng 1 giờ sau khi uống. Hầu như tất cả (90%) estriol gắn với albumin huyết tương và không giống các estrogen khác, rất ít gắn với globulin gắn hormon sinh dục (SHBG). Chuyển hóa estriol chủ yếu gồm có liên hợp và khử liên hợp trong quá trình tuần hoàn ruột - gan. Estriol, một sản phẩm chuyển hóa cuối cùng, chủ yếu bài tiết dưới dạng liên hợp. Chỉ một lượng nhỏ (2%) bài tiết qua phân chủ yếu dưới dạng estriol không liên hợp. Bôi estriol trong âm đạo đủ để có tác dụng tại chỗ. Estriol cũng được hấp thu vào đại tuần hoàn. Nồng độ đỉnh đạt được trong huyết tương 1 - 2 giờ sau khi bôi.
Dược lực
Estriol là một trong 3 estrogen tự nhiên chính ở nữ. Estriol là một sản phẩm của quá trình khử của estradiol và estron và được phát hiện với nồng độ cao trong nước tiểu, đặc biệt ở nước tiểu người mang thai. Estriol có hoạt tính estrogen tương đối yếu. Giống như các estrogen khác, estriol có tác dụng sinh lý và chuyển hóa tương tự. Estriol kích thích tăng sinh tế bào ở nội mạc tử cung, như vậy có thể là một yếu tố nguy cơ nếu có tế bào ung thư. Estriol ngăn cản tiêu xương, duy trì khối xương và giảm nguy cơ tim mạch bằng cách tăng nồng độ lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) và giảm nồng độ lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) ở nữ mãn kinh. Tác dụng của estriol đối với đông máu còn chưa rõ, nhưng có một tác dụng estrogen chọn lọc đến biểu mô tiết niệu - sinh dục và tương đối ít có tác dụng đến nội mạc tử cung. Estriol đặc biệt có tác dụng trong điều trị các triệu chứng trong thời kỳ mãn kinh chống lại teo âm đạo và các biểu hiện rối loạn vận mạch (bốc hỏa) không ổn định. Estriol cũng được dùng để phòng ngừa loãng xương mãn kinh. Teo âm đạo và biểu mô đường tiết niệu đáp ứng với 1 liệu trình ngắn estriol bôi vào âm đạo trong 1 vài tuần. Estriol làm biểu mô âm đạo trở lại bình thường và như vậy giúp phục hồi vi khuẩn chí bình thường và pH sinh lý ở âm đạo, do đó làm tăng sức đề kháng đường tiết niệu sinh dục chống lại nhiễm khuẩn và viêm. Không giống các estrogen khác, estriol tác dụng ngắn vì chỉ bị giữ lại một thời gian ngắn ở nhân các tế bào nội mạc tử cung, do đó ít có khả năng tăng sinh nội mạc tử cung khi dùng tổng liều khuyến cáo hàng ngày. Liệu pháp toàn thân cần thiết để điều trị các triệu chứng vận mạch và phải dùng ít nhất 1 năm. Ở nữ còn tử cung, phải cho thêm progestogen để giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Nếu dùng estrogen tại chỗ lâu dài, cần phải cho uống progestogen trong 10 - 14 ngày mỗi tháng để chống nguy cơ tăng sản nội mạc tử cung.
Quá liều và cách xử trí
Quá liều cấp tính với một lượng lớn estrogen đã được thông báo ở trẻ em nhưng hầu như không gây độc, trừ buồn nôn và nôn. Quá liều estrogen có thể gây buồn nôn và ở phụ nữ có thể gặp chảy máu khi ngừng thuốc.
Khác
Hướng dẫn cách xử trí ADR:
Buồn nôn và nôn là phản ứng đầu tiên của liệu pháp estrogen ở một số người, nhưng tác dụng này có thể hết với thời gian và có thể giảm thiểu bằng cách uống estrogen cùng thức ăn hoặc ngay trước khi đi ngủ.
Vú có thể căng đau và phù, nhưng đôi khi triệu chứng này giảm khi giảm liều.
Nếu tăng huyết áp hoặc có bất cứ một triệu chứng nào của bệnh huyết khối nghẽn mạch, vàng da ứ mật, trầm cảm nặng hoặc đau nửa đầu dai dẳng nghiêm trọng hoặc tái phát, phải ngừng estrogen.
Có thể cần bổ sung acid folic nếu có thiếu hụt folat.