Thông tin cơ bản thuốc Nicardipin
Dạng bào chế
Viên nang, viên nén, dạng tiêm
Dạng thuốc và hàm lượng
- Dạng uống: Nang 20 mg, 30 mg; nang tác dụng kéo dài 30 mg, 40 mg, 45 mg, 60 mg; viên nén 20 mg nicardipin hydroclorid.
- Dạng tiêm: 2,5 mg/ml nicardipin hydroclorid.
Điều kiện bảo quản
Nicardipin phải được bảo quản ở nhiệt độ dưới 400C, tốt nhất là khoảng 15 - 25oC.
Tác dụng thuốc Nicardipin
Chỉ định/Chống chỉ định
Chỉ định
Cơn đau thắt ngực ổn định. Tăng huyết áp trung bình.
Chống chỉ định
- Có tiền sử mẫn cảm với nicardipin.
- Cơn đau thắt ngực không ổn định hoặc cấp tính.
- Sốc tim.
- Hẹp van động mạch chủ giai đoạn muộn.
Liều dùng và cách dùng
Liều uống nicardipin cho cả bệnh tăng huyết áp và đau thắt ngực:
Uống lúc đầu 10 - 20 mg, ngày 3 lần. Liều có thể tăng sau ít nhất 3 ngày cho tới hiệu quả mong muốn.
Liều thông thường 30 mg, ngày 3 lần (phạm vi trung bình: 60 120 mg mỗi ngày)
Ở người tăng huyết áp, có thể duy trì bằng liều 30 mg hoặc 40 mg, ngày uống 2 lần.
Ðối với người cao tuổi, không cần điều chỉnh liều, trừ khi có tổn thương thận.
Giảm liều và uống liều cách xa nhau hơn có thể cần đối với người có tổn thương gan.
Nicardipin có thể tiêm truyền tĩnh mạch chậm với dung dịch 0,1 mg/ml để điều trị ngắn tăng huyết áp. Truyền ban đầu với tốc độ 5 mg/giờ, khi cần có thể tới liều tối đa 15 mg/giờ và sau đó giảm tới 3 mg/giờ.
Thận trọng
Phải dùng thận trọng nicardipin trong các trường hợp sau:
Người nhồi máu não hoặc xuất huyết não (cần tránh làm hạ huyết áp).
Suy tim sung huyết, đặc biệt ở người đang dùng đồng thời thuốc chẹn beta.
Suy thận.
Phải giảm liều trong trường hợp suy gan hoặc giảm lưu lượng máu tới gan.
Tránh dùng nicardipin trong vòng 1 tháng sau khi bị nhồi máu cơ tim.
Tương tác với các thuốc khác
Thuốc chẹn beta: Không có tương tác nào quan trọng giữa nicardipin với các thuốc chẹn beta như atenolol hoặc propranolol ở người khỏe mạnh, nhưng đáp ứng của người bệnh cần phải được kiểm tra.
Thuốc kháng histamin H2: Ranitidin chỉ tương tác tối thiểu với nicardipin, nhưng famotidin có thể làm giảm các phản ứng không có lợi cho hoạt động của tim. Cimetidin làm tăng nồng độ nicardipin trong huyết tương.
Cyclosporin: Nicardipin làm tăng nồng độ cyclosporin trong máu.
Các thuốc chống co giật như carbamazepin, phenytoin, và các barbiturat làm giảm tác dụng của nicardipin.
Rifampicin làm tăng chuyển hóa của nicardipin.
Tác dụng phụ
Phản ứng có hại thường gặp nhất và thường dẫn tới phải ngừng thuốc là tác dụng trên tim mạch và thần kinh liên quan đến tác dụng giãn mạch của thuốc. Ðau thắt ngực nghịch lý có thể xảy ra khi bắt đầu điều trị và ở 1 số ít người bệnh, huyết áp giảm mạnh đã dẫn đến thiếu máu cục bộ ở não hoặc cơ tim hoặc mù nhất thời.
Thường gặp, ADR >1/100
Thần kinh trung ương: Nhức đầu, choáng váng, đỏ bừng mặt, ngủ gà.
Tuần hoàn: Tụt huyết áp, hạ huyết áp.
Tim mạch: Mạch nhanh, đau thắt ngực tăng thêm.
Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn.
Da: Nổi ban, tăng tiết mồ hôi.
Các phản ứng phụ khác: Ðái nhiều, phù bàn chân.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Thần kinh: Ngất, khó chịu, bồn chồn, mất ngủ, mộng lạ, giảm cảm giác.
Tim mạch: Nhồi máu cơ tim.
Tiêu hóa: Nôn, khó tiêu, ỉa chảy, táo bón, khô miệng, đau bụng.
Da: Ðau cục bộ.
Khác: Khó thở, đái nhiều, đái ra máu và đau.
Hiếm gặp, ADR < 1/1000
Thần kinh trung ương: Chóng mặt, hoa mắt, lú lẫn, hồi hộp, lo âu.
Tim mạch: Tai biến mạch máu não, thiếu máu não cục bộ, rối loạn chức năng nút xoang.
Tiêu hóa: Rối loạn vị giác, viêm túi mật.
Da: Ngứa.
Khác: Viêm họng, viêm tuyến mang tai.
Dược động học/Dược lực
Dược động học
Sau khi uống, nicardipin được hấp thu gần như hoàn toàn, sinh khả dụng 35% do chuyển hóa qua gan lần đầu. Liên kết với protein rất cao (trên 95%). Nửa đời theo 2 pha: Sớm từ 1,5 đến 4 giờ, cuối là 9,6 giờ. Thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương: Từ 30 phút đến 2 giờ (trung bình là 1 giờ). Thời gian đạt đỉnh tác dụng liều đơn là 1 - 2 giờ. Thời gian tác dụng kéo dài 8 giờ. Thuốc được đào thải qua thận 60% (dạng không biến đổi dưới 1%), qua mật và phân 35%.
Dược lực
Nicardipin là thuốc chẹn kênh calci với cơ chế tác dụng và cách dùng tương tự các dẫn chất dihydropy-
ridin khác (ví dụ nifedipin, amlodipin...).
Các đối kháng calci ngăn chặn sự xâm nhập của ion calci vào tế bào trong pha khử cực của điện thế hoạt động, hậu quả là làm giảm lượng ion calci sẵn sàng đáp ứng cho kích thích co cơ. Cơ trơn thành động mạch nhạy cảm nhất với sự ức chế đó. Nicardipin có tác dụng chọn lọc đối với mạch vành hơn mạch ngoại biên và ít làm giảm lực co cơ tim hơn so với nifedipin. Nicardipin ít gây tác dụng phụ hơn nifedipin, ví dụ như hoa mắt, chóng mặt nhưng có hiệu quả tương đương chống đau thắt ngực. Khi tiêm tĩnh mạch hoặc uống nicardipin, huyết áp tâm thu và tâm trương giảm, đồng thời cung lượng tim tăng do giảm hậu gánh và tăng tần số tim, tăng phân số tống máu. Nicardipin cũng làm giảm loạn năng tâm trương của thất trái.
Quá liều và cách xử trí
Nicardipin là một dẫn chất dihydropyridin, có thể gây phù nghiêm trọng. Khi quá liều, có thể gây giãn mạch ngoại biên làm giảm huyết áp kèm theo mạch nhanh phản xạ. Có thể có nhịp tim chậm, hệ thống dẫn truyền tim chậm và suy tim sung huyết.
Xử trí:
Nếu giảm huyết áp triệu chứng: Truyền dịch tĩnh mạch, tiêm tĩnh mạch dopamin hoặc dobutamin, calci clorid, isoproterenol, metaraminol hoặc noradrenalin.
Nếu nhịp tim nhanh, tần số thất nhanh ở người bệnh có dẫn truyền xuôi trong rung - cuồng động nhĩ, và có đường dẫn truyền phụ với hội chứng Wolff - Parkinson - White hoặc Lown - Ganong - Levine: Sốc điện tim trực tiếp, lidocain tĩnh mạch hoặc procainamid tĩnh mạch.
Nếu nhịp tim chậm, ít có blốc nhĩ thất độ 2 hoặc 3, ở một số ít người bệnh tiến dần đến suy tim: Tiêm tĩnh mạch atropin, isoproterenol, noradrenalin, hoặc calci clorid hoặc dùng máy tạo nhịp tim điện tử.
Khác
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Vì nicardipin làm giảm sức cản của mạch ngoại biên và đôi khi gây giảm huyết áp quá mức, làm người bệnh khó chịu đựng, nên cần theo dõi huyết áp cẩn thận, đặc biệt là khi khởi đầu điều trị và khi xác định hoặc điều chỉnh tăng liều.
Với người suy tim sung huyết, việc xác định liều phải thận trọng, đặc biệt là trong trường hợp dùng cùng với thuốc chẹn beta - adrenergic.