Deltasolone Tablet 5mg - Tác dụng thuốc và các thông tin khác đầy đủ nhất
Tra cứu thuốc chuẩn nhất

Deltasolone Tablet 5mg

Tra cứu thông tin về thuốc Deltasolone Tablet 5mg trên Tủ thuốc 24h, bao gồm: công dụng, liều lượng, tác dụng phụ, tương tác thuốc...

Thông tin cơ bản thuốc Deltasolone Tablet 5mg

Số đăng ký

VN-12659-11

Nhà sản xuất

Sunward Pharmaceutical Pte., Ltd.

Dạng bào chế

Viên nén không bao

Quy cách đóng gói

Chai 1000 viên

Thành phần

Prednisolon

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Viên nén hoặc viên nén bao tan trong ruột 2,5; 5; 10; 20; 50mg prednisolon.
  • Dung dịch tiêm: Prednisolon natri phosphat 20mg/ml.
  • Hỗn dịch trong nước để tiêm: Prednisolon acetat 25mg/ml.
  • Viên đặt trực tràng: 5; 20mg prednisolon (dạng muối natri phosphat).
  • Dịch treo để thụt: Prednisolon 20 mg/100 ml (dạng prednisolon natri metasulfobenzoat).
  • Dung dịch nhỏ mắt prednisolon natri phosphat 0,5%.
  • Siro prednisolon 15 mg/5 ml.

Chỉ định/Chống chỉ định

Chỉ định

Prednisolon được chỉ định khi cần đến tác dụng chống viêm và ức chế miễn dịch:

  • Viêm khớp dạng thấp, lupút ban đỏ toàn thân, một số thể viêm mạch; viêm động mạch thái dương và viêm quanh động mạch nút, bệnh sarcoid, hen phế quản, viêm loét đại tràng, thiếu máu tan huyết, giảm bạch cầu hạt  và những bệnh dị ứng nặng gồm cả phản vệ.
  • Ung thư, như bệnh bạch cầu cấp, u lympho, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn cuối.

Chống chỉ định

  • Nhiễm khuẩn nặng, trừ sốc nhiễm khuẩn và lao màng não.
  • Ðã biết quá mẫn với prednisolon.
  • Nhiễm trùng da do virus, nấm hoặc lao.
  • Ðang dùng vaccin virus sống.

Liều dùng và cách dùng

Liều lượng và cách dùng

Ðường dùng và liều lượng prednisolon và các dẫn chất phụ thuộc vào bệnh cần điều trị và đáp ứng của người bệnh. Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch thường dành cho người bệnh không thể uống được thuốc hoặc dành cho các tình trạng cấp cứu. Sau thời kỳ cấp cứu ban đầu, cần xem xét chuyển sang dạng corticosteroid tiêm tác dụng kéo dài hoặc dạng uống. Liều lượng đối với trẻ nhỏ và trẻ em phải dựa vào tình trạng nặng nhẹ của bệnh và đáp ứng của người bệnh hơn là dựa một cách chính xác vào liều lượng chỉ dẫn theo tuổi, cân nặng hoặc diện tích cơ thể. Sau khi đã đạt được đáp ứng mong muốn, cần phải giảm liều dần dần tới mức vẫn duy trì được đáp ứng lâm sàng thích hợp. Phải liên tục theo dõi người bệnh để điều chỉnh liều khi cần thiết, thí dụ bệnh thuyên giảm hoặc tăng lên hoặc stress (phẫu thuật, nhiễm khuẩn, chấn thương). Khi cần phải điều trị prednisolon uống thời gian dài, nên xem xét phác đồ dùng thuốc cách nhật, một lần duy nhất vào buổi sáng theo nhịp tiết tự nhiên trong 24 giờ của corticosteroid; như vậy sẽ ít ADR hơn vì có thời gian phục hồi giữa 2 liều. Sau khi điều trị dài ngày phải ngừng prednisolon dần từng bước.

  • Prednisolon:

    Prednisolon dùng uống. Liều dùng khởi đầu cho người lớn có thể từ 5 đến 60 mg/ngày, tùy thuộc vào bệnh cần điều trị và thường chia làm 2 - 4 lần mỗi ngày. Liều cho trẻ em có thể từ 0,14 - 2 mg/kg/ngày hoặc 4 - 60 mg/m2/ngày, chia làm 4 lần.

  • Prednisolon acetat:

    Prednisolon acetat có thể dùng tiêm bắp, tiêm trong khớp hoặc mô mềm. Liều tiêm bắp khởi đầu cho người lớn có thể từ 4 - 60 mg/ngày, tùy thuộc vào bệnh cần điều trị. Thông thường, thuốc được tiêm bắp cứ 12 giờ 1 lần. Trẻ em có thể dùng 0,04 - 0,25 mg/kg hoặc 1,5 - 7,5 mg/m2tiêm bắp, 1 hoặc 2 lần mỗi ngày. Trong trường hợp đe dọa tính mạng, có thể dùng liều tiêm bắp rất cao, gấp nhiều lần liều uống thường dùng. Tuy nhiên trong các tình trạng nguy kịch nhất, thường dùng một este hòa tan của prednisolon tiêm tĩnh mạch.

  • Prednisolon natri phosphat:
    • Prednisolon natri phosphat có thể dùng uống, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, tiêm trong khớp, trong các thương tổn, hoặc mô mềm hoặc truyền tĩnh mạch. Khi truyền tĩnh mạch, prednosolon natri phosphat có thể pha với các dung dịch glucose hoặc natri clorid tiêm. Liều của prednisolon natri phosphat được biểu thị theo prednisolon phosphat. Liều khởi đầu cho người lớn khi uống hoặc tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch có thể từ 4 - 60mg/ngày, tùy thuộc vào bệnh cần điều trị. Liều tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch prednisolon phosphat thường từ 10 - 400 mg/ngày. Trẻ em có thể dùng prednisolon phosphat với liều 0,04 - 0,25 mg/kg hoặc 1,5 - 7,5 mg/m2tiêm bắp hoặc tĩnh mạch, 1 hoặc 2 lần mỗi ngày.
    • Ðể tiêm trong khớp, trong thương tổn hoặc mô mềm, liều và số lần dùng prednisolon phosphat tùy thuộc vào mức độ viêm, kích thước và nơi khu trú của vùng tổn thương. Liều thường dùng từ 2 - 30mg, lặp lại từ 3 ngày đến 3 tuần một lần. Cần nhớ rằng tiêm trong khớp nhiều lần có thể gây tổn hại mô khớp. Với những khớp lớn như khớp gối, có thể dùng 10 - 20mg prednisolon natri phosphat. Với những khớp nhỏ hơn, 4 - 5mg có thể thích hợp. Liều dùng cho bao hoạt dịch là 10 - 15mg, cho hạch là 5 - 10mg. Ðể tiêm vào mô mềm, liều thay đổi từ 10 - 30mg.

Thận trọng

  • Sử dụng thận trọng ở những người bệnh loãng xương, người mới nối thông (ruột, mạch máu), rối loạn tâm thần, loét dạ dày, loét tá tràng, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim và trẻ đang lớn.
  • Do nguy cơ có những tác dụng không mong muốn nên phải sử dụng thận trọng corticosteroid toàn thân cho người cao tuổi, với liều thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể.
  • Suy tuyến thượng thận cấp có thể xảy ra khi ngừng thuốc đột ngột sau thời gian dài điều trị hoặc khi có stress.
  • Khi tiêm trong khớp cần đảm bảo vô trùng tuyệt đối.
  • Khi dùng liều cao, có thể ảnh hưởng đến tác dụng của tiêm chủng vaccin.
  • Trẻ em có thể nhạy cảm hơn với sự ức chế tuyến thượng thận khi điều trị thuốc bôi tại chỗ.

Tác dụng phụ

Những tác dụng không mong muốn thường xảy ra nhiều nhất khi dùng prednisolon liều cao và dài ngày. Prednisolon ức chế tổng hợp prostaglandin và như vậy làm mất tác dụng của prostaglandin trên đường tiêu hóa, tức là làm mất tác dụng ức chế tiết acid dạ dày và bảo vệ niêm mạc dạ dày. Nhiều ADR có liên quan đến tác dụng này của glucocorticoid.

  • Thường gặp, ADR >1/100
    • Thần kinh trung ương: Mất ngủ, thần kinh dễ bị kích động.
    • Tiêu hóa: Tăng ngon miệng, khó tiêu.
    • Da: Rậm lông.
    • Nội tiết và chuyển hóa: Ðái tháo đường.
    • Thần kinh - cơ và xương: Ðau khớp.
    • Mắt: Ðục thủy tinh thể, glôcôm.
    • Hô hấp: Chảy máu cam.
  • Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
    • Thần kinh trung ương: Chóng mặt, cơn co giật, loạn tâm thần, giả u não, nhức đầu, thay đổi tâm trạng, mê sảng, ảo giác, sảng khoái.
    • Tim mạch: Phù, tăng huyết áp.
    • Da: Trứng cá, teo da, thâm tím, tăng sắc tố da.
    • Nội tiết và chuyển hóa: Hội chứng dạng Cushing, ức chế trục tuyến yên - thượng thận, chậm lớn, không dung nạp glucose, giảm kali - huyết, nhiễm kiềm, vô kinh, giữ natri và nước, tăng glucose huyết.
    • Tiêu hóa: Loét dạ dày - tá tràng, buồn nôn, nôn, chướng bụng, viêm loét thực quản, viêm tụy.
    • Thần kinh - cơ và xương: Yếu cơ, loãng xương, gẫy xương.
    • Khác: Phản ứng quá mẫn.

Dược động học/Dược lực

Dược động học

Khả dụng sinh học theo đường uống của prednisolon xấp xỉ 82%. Nồng độ đỉnh huyết tương đạt từ 1 - 2 giờ sau khi dùng thuốc. Prednisolon liên kết với protein khoảng 90 - 95%. Ðộ thanh thải của prednisolon là 8,7 + 1,6 ml/phút/kg. Thể tích phân bố của thuốc là 1,5+ 0,2 lít/kg.

Prednisolon được chuyển hóa ở gan và những chất chuyển hóa là dạng este sulfat và glucuronid được bài tiết vào nước tiểu. Nửa đời của prednisolon xấp xỉ 1,7 - 2,7 giờ.

Dược lực

Prednisolon là một glucocorticoid có tác dụng rõ rệt chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch.

Prednisolon chỉ có tác dụng mineralocorticoid yếu, vì vậy nếu dùng thuốc trong thời gian ngắn có rất ít nguy cơ giữ Na+ và phù. Tác dụng chống viêm của prednisolon so với các glucocorticoid khác: 5 mg prednisolon có hiệu lực bằng 4 mg methylprednisolon và bằng 20 mg hydrocortison.

Chứng viêm, bất kỳ thuộc bệnh căn nào, đều đặc trưng bởi bạch cầu thoát mạch và xâm nhiễm vào mô bị viêm. Các glucocorticoid ức chế các hiện tượng này. Glucocorticoid dùng đường toàn thân làm giảm số lượng các tế bào lymphô, bạch cầu ưa eosin, bạch cầu đơn nhân trong máu ngoại biên và giảm sự di chuyển của chúng vào vùng bị viêm. Glucocorticoid còn ức chế chức năng của các tế bào lymphô và của các đại thực bào của mô. Khả năng đáp ứng của chúng với các kháng nguyên và các chất gây gián phân bị giảm. Tác dụng của glucocorticoid đặc biệt rõ rệt lên các đại thực bào, làm hạn chế khả năng thực bào của chúng, hạn chế khả năng diệt vi sinh vật và hạn chế việc sản sinh interferon - gama, interleukin - 1, chất gây sốt, các enzym colagenase và elastase, yếu tố gây phá hủy khớp và chất hoạt hóa plasminogen. Glucocorticoid tác dụng lên tế bào lympho làm giảm sản sinh interleukin - 2.

Ngoài tác dụng trên chức năng của bạch cầu, glucocorticoid còn ảnh hưởng đến đáp ứng viêm bằng cách làm giảm tổng hợp prostaglandin do ức chế phospholipase A2. Corticosteroid cũng làm tăng nồng độ lipocortin, ức chế phospholipase A2. Cuối cùng, glucocorticoid làm giảm sự xuất hiện cyclooxygenase ở những tế bào viêm, do đó làm giảm lượng enzym để sản sinh prostaglandin.

Glucocorticoid làm giảm tính thấm mao mạch do ức chế hoạt tính của kinin và các nội độc tố vi khuẩn và do làm giảm lượng histamin giải phóng bởi bạch cầu ưa base.

Tác dụng ức chế miễn dịch của glucocorticoid phần lớn do những tác dụng nêu trên. Với liều thấp, glucocorticoid có tác dụng chống viêm; với liều cao, glucocorticoid có tác dụng ức chế miễn dịch. Những liều lớn thuốc có thể làm giảm sản sinh kháng thể, còn liều trung bình không có tác dụng này (ví dụ, prednisolon 20 mg/ngày).

Trong một số trường hợp, glucocorticoid làm chết các tế bào lympho - T. Những tế bào - T bình thường trong máu ngoại biên có tính đề kháng cao đối với tác dụng gây chết tế bào của glucocorticoid. Tuy nhiên, những tế bào lympho không bình thường, gồm cả một số tế bào ung thư, có thể nhạy cảm hơn nhiều. Glucocorticoid liều cao có thể gây chết tế bào theo chương trình (apoptosis). Những tác dụng kháng lympho bào này được sử dụng trong hóa trị liệu bệnh bạch cầu cấp thể lympho cấp tính và bệnh u lympho.

Corticosteroid có hiệu lực trong hen phế quản nặng, chứng tỏ vai trò của viêm trong sinh bệnh học miễn dịch của bệnh này. Bao giờ cũng phải bắt đầu điều trị bằng thuốc kích thích bêta vì corticosteroid không có tác dụng chống lại bệnh hen cấp tính. Trong những cơn hen nặng phải nằm viện, điều trị tấn công bằng tiêm glucocorticoid là cơ bản. Tuy nhiên những người bệnh hen này vẫn cần tiếp tục dùng corticosteroid hít hoặc uống. Những cơn hen cấp tính ít nặng hơn thường được điều trị bằng uống glucocorticoid đợt ngắn. Mọi ức chế chức năng tuyến thượng thận thường hết trong vòng 1 đến 2 tuần.

Trong điều trị bệnh hen phế quản mạn tính, luôn luôn phải sử dụng glucocorticoid dài ngày với những liều khác nhau theo thời gian tùy theo bệnh biến chuyển nặng nhẹ khác nhau.

Glucocorticoid được dùng trong điều trị nhiều chứng bệnh thấp và trong bệnh tự miễn như luput ban đỏ toàn thân và nhiều bệnh viêm mạch như viêm quanh động mạch nút, bệnh u hạt Wegener, viêm động mạch tế bào khổng lồ. Ðối với những rối loạn nặng này, liều glucocorticoid bắt đầu phải đủ (cao hơn nhiều so với liều có tác dụng chống viêm) để làm giảm bệnh nhanh chóng và để giảm thiểu các thương tổn mô, sau đó là giai đoạn củng cố, với một liều duy nhất mỗi ngày được giảm dần tới liều tối thiểu có tác dụng.

Trong bệnh viêm khớp dạng thấp, dùng liều bắt đầu tương đối thấp. Trong đợt cấp tính, có thể dùng liều cao hơn, sau đó giảm dần, nhanh. Có thể điều trị người có triệu chứng chính của bệnh khu trú ở một hoặc một số ít khớp bằng cách tiêm corticosteroid trong khớp.

Ở trẻ em bị viêm khớp mạn tính với những biến chứng đe dọa tính mạng thì prednisolon là thuốc hàng đầu và đôi khi còn dùng methylprednisolon theo liệu pháp tấn công. Có thể tiêm corticosteroid trong khớp như trong bệnh của người lớn, nhưng ở trẻ em những dấu hiệu đặc trưng của hội chứng dạng Cushing, chứng loãng xương có xẹp đốt sống và chậm lớn sẽ phát triển nhanh.

Glucocorticoid có tác dụng tốt ở một số người mắc bệnh viêm loét đại tràng mạn tính và bệnh Crohn. Có thể dùng prednisolon dưới dạng thụt giữ trong bệnh viêm loét đại tràng nhẹ và dùng dạng uống trong những đợt cấp tính nặng hơn.

Có thể điều trị những biểu hiện của các bệnh dị ứng ngắn ngày như sốt cỏ khô, bệnh huyết thanh, mày đay, viêm da tiếp xúc, phản ứng thuốc, ong đốt và phù thần kinh - mạch bằng glucocorticoid bổ sung cho liệu pháp chính.

Dùng corticosteroid một mình hoặc phối hợp với những thuốc ức chế miễn dịch khác để ngăn ngừa sự thải ghép và để điều trị những bệnh tự miễn khác. Glucocorticoid thường được dùng nhất trong những chỉ định này là prednisolon và prednison. Ðể chống thải ghép cấp, đòi hỏi phải dùng liều cao corticosteroid trong nhiều ngày, và để ngăn ngừa mảnh ghép chống lại chủ thể cấp, phải dùng liều corticosteroid hơi thấp hơn, điều đó có thể xảy ra sau khi ghép tủy xương. Sử dụng corticosteroid dài ngày để ngăn ngừa thải ghép thường gây ra nhiều tác dụng không mong muốn, bao gồm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, loét đường tiêu hóa, tăng glucose huyết và loãng xương.

Trong trường hợp viêm màng não, cần phải dùng glucocorticoid trước khi dùng kháng sinh để giảm thiểu tác hại của viêm do đáp ứng diệt khuẩn ở hệ thần kinh trung ương.

Glucocorticoid là liệu pháp hàng đầu điều trị hội chứng thận hư. Trong bệnh viêm cầu thận màng có thể dùng liệu pháp glucocorticoid cách nhật, trong 8 đến 10 tuần, sau đó giảm dần liều trong thời gian 1 - 2 tháng.

Glucocorticoid rất có tác dụng trong điều trị bệnh tự miễn như viêm gan mạn tính, hoạt động. 80% người bệnh điều trị với prednisolon liều cao cho thấy có sự thuyên giảm về mô học. Những người có bệnh gan nặng được chỉ định prednisolon thay prednison, vì prednison cần phải chuyển hóa ở gan để thành dạng có tác dụng dược lý.

Trong thiếu máu tan huyết tự miễn, nếu không chữa được nguyên nhân chính hoặc nếu cần can thiệp khẩn cấp thì glucocorticoid là thuốc điều trị có hiệu quả. Ít khi chỉ định truyền máu vì có thể gây biến chứng tăng tan huyết. Nếu tình trạng bệnh nguy hiểm đến tính mạng, cần tiêm tĩnh mạch liều cao prednisolon trước khi truyền máu và theo dõi chặt chẽ người bệnh.

Bệnh sarcoid được điều trị bằng corticosteroid. Do nguy cơ mắc bệnh lao thứ phát tăng nên người bệnh có biểu hiện mắc lao phải được điều trị dự phòng chống lao.

Khác

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Trong những chỉ định cấp, trừ bệnh bạch cầu và choáng phản vệ, nên sử dụng glucocorticoid với liều thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có hiệu lực lâm sàng.

Sau điều trị dài ngày với glucocorticoid, có khả năng xảy ra ức chế trục hạ đồi - tuyến yên - thượng thận, do đó bắt buộc phải giảm liều glucocorticoid từng bước một, thay vì ngừng đột ngột. Có thể áp dụng quy trình giảm liều của prednisolon là: cứ 3 đến 7 ngày giảm 2,5 - 5mg cho đến khi đạt liều sinh lý prednisolon xấp xỉ 5mg. Nếu bệnh xấu đi khi giảm thuốc, tăng liều prednisolon và sau đó giảm liều prednisolon từ từ hơn.

Áp dụng cách điều trị trách  tiếp xúc liên tục với những liều thuốc có tác dụng dược lý. Dùng một liều duy nhất trong ngày gây ít ADR hơn dùng những liều chia nhỏ trong ngày, và liệu pháp cách nhật là biện pháp tốt để giảm thiểu sự ức chế tuyến thượng thận và giảm thiểu những ADR khác. Trong liệu pháp cách nhật, cứ hai ngày một lần dùng một liều duy nhất, vào buổi sáng.

Theo dõi và đánh giá định kỳ những thông số về loãng xương, tạo huyết, dung nạp glucose, những tác dụng trên mắt và huyết áp.

Dự phòng loét dạ dày và tá tràng bằng các thuốc kháng histamin hoặc các thuốc ức chế bơm proton khi dùng liều cao corticosteroid toàn thân.

Tất cả người bệnh điều trị dài hạn với glucocorticoid đều cần dùng thêm calcitonin, calcitriol và bổ sung calci để dự phòng loãng xương.

Những người có khả năng bị ức chế miễn dịch do glucocorticoid cần được cảnh báo về khả năng dễ bị nhiễm khuẩn.

Những người bệnh sắp được phẫu thuật có thể phải dùng bổ sung glucocorticoid vì đáp ứng bình thường với stress đã bị giảm sút do sự ức chế trục hạ đồi - tuyến yên - thượng thận.