Cotrimoxazole (đường uống) - Tác dụng thuốc và các thông tin khác đầy đủ nhất
Tra cứu thuốc chuẩn nhất

Cotrimoxazole (đường uống)

Thông tin cơ bản thuốc Cotrimoxazole (đường uống)

Điều kiện bảo quản

Giữ thuốc trong hộp kín, ngoài tầm với của trẻ em. Bảo quản ở nhiệt độ phòng, nơi khô ráo, tránh nguồn nhiệt và ánh sáng trực tiếp.

Chỉ định/Chống chỉ định

Chỉ định

Nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm với cotrimoxazol

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu:

  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới không biến chứng.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu mạn tính, tái phát ở nữ trưởng thành.
  • Viêm tuyến tiền liệt nhiễm khuẩn.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp:

  • Ðợt cấp viêm phế quản mạn.
  • Viêm phổi cấp ở trẻ em.
  • Viêm tai giữa cấp ở trẻ em.
  • Viêm xoang má cấp người lớn.

Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa:

  • Lỵ trực khuẩn (tuy nhiên, kháng thuốc phổ biến tăng).
  • Thuốc hàng hai trong điều trị thương hàn (ceftriaxon hoặc một fluoroquinolon thường được ưa dùng).

Nhiễm khuẩn do Pneumocystis carinii

Viêm phổi do Pneumocystis carinii.

Chống chỉ định

Suy thận nặng mà không giám sát được nồng độ thuốc trong huyết tương; người bệnh được xác định thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu acid folic; mẫn cảm với sulfonamid hoặc với trimethoprim; trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi.

Liều dùng và cách dùng

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới không biến chứng:

Người lớn: (800mg sulfamethoxazol + 160mg trimethoprim) x 2 lần, mỗi lần cách nhau 12 giờ, trong 10 ngày.

Hoặc liệu pháp 1 liều duy nhất: 320mg trimethoprim + 1600mg sulfamethoxazol, tuy nhiên điều trị tối thiểu trong 3 ngày hoặc 7 ngày có vẻ hiệu quả hơn.

Trẻ em: 8mg trimethoprim/ kg + 40mg sulfamethoxazol/ kg, chia làm 2 lần, mỗi lần cách nhau 12 giờ, trong 10 ngày.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu mạn tính tái phát (phụ nữ trưởng thành):

Liều thấp (200mg sulfamethoxazol + 40mg trimethoprim)/ ngày, hoặc một lượng gấp 2 - 4 lần liều đó, uống 1 - 2 lần/ tuần có hiệu quả làm giảm số lần tái phát.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp

Ðợt cấp viêm phế quản mạn: Người lớn: (800 - 1200mg sulfamethoxazol + 160 - 240mg trimethoprim) x 2 lần/ ngày, trong 10 ngày.

Viêm tai giữa cấp, viêm phổi cấp ở trẻ em: 8mg trimethoprim/ kg + 40mg sulfamethoxazol/ kg trong 24 giờ, chia làm 2 lần, cách nhau 12 giờ, trong 5 - 10 ngày.

Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa

Lỵ trực khuẩn:

Người lớn: (800mg sulfamethoxazol + 160mg trimethoprim) x 2 lần, mỗi lần cách nhau 12 giờ, trong 5 ngày.

Trẻ em: 8mg trimethoprim/ kg + 40mg sulfamethoxazol/ kg trong 24 giờ, chia làm 2 lần, mỗi lần cách nhau 12 giờ, trong 5 ngày.

Viêm phổi do Pneumocystis carinii

Trẻ em và người lớn: Liều khuyên dùng đối với người bệnh được xác định viêm phổi do Pneumocystis carinii là 20mg trimethoprim/ kg + 100mg sulfamethoxazol/ kg trong 24 giờ, chia làm 4 liều, cách nhau 6 giờ, trong 14 - 21 ngày.

Người bệnh có chức năng thận suy: Khi chức năng thận bị giảm, liều lượng được giảm theo bảng sau:

  • Độ thanh thải creatinin >30ml/ phút: Liều thông thường.
  • Độ thanh thải creatinin15-30ml/ phút: 1/2 liều thông thường.
  • Độ thanh thải creatinin<15ml/ phút: Không dùng.

Thận trọng

Thận trọng khi dùng cho người bệnh có chức năng thận suy giảm; dễ bị thiếu hụt a-xít folic khi dùng cotrimoxazole liều cao dài ngày; mất nước; suy dinh dưỡng.

Cotrimoxazole có thể gây thiếu máu tan huyết ở người thiếu hụt men G6PD.

Tương tác với các thuốc khác

Dùng đồng thời với các thuốc lợi tiểu, đặc biệt thiazid, làm tăng nguy cơ giảm tiểu cầu ở người già. Sulfonamid có thể ức chế gắn protein và bài tiết qua thận của methotrexat và vì vậy giảm đào thải, tăng tác dụng của methotrexat. Cotrimoxazole dùng đồng thời với pyrimethamin 25mg/ tuần làm tăng nguy cơ thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ.

Cotrimoxazole ức chế chuyển hóa phenytoin ở gan, có khả năng làm tăng quá mức tác dụng của phenytoin.

Cotrimoxazole có thể kéo dài thời gian prothrombin ở người bệnh đang dùng warfarin.

Tác dụng phụ

Đau dạ dày, nôn, ăn mất ngon, nổi mẩn da, ngứa, viêm họng, sốt hoặc ớn lạnh, lở loét miệng, bầm tím hoặc chảy máu bất thường, vàng da hoặc mắt, tái nhợt, đau khớp. Cần gặp bác sĩ nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng.

Dược động học/Dược lực

Dược động học

Sau khi uống, cả trimethoprim và sulfamethoxazol được hấp thu nhanh và có sinh khả dụng cao. Sau khi uống 2 giờ với liều 800 mg sulfamethoxazol và 160 mg trimethoprim, nồng độ huyết thanh trung bình của trimethoprim là 2,5 mg/lít và của sulfamethoxazol là 40 - 50 mg/lít. Nồng độ ổn định của trimethoprim là 4 - 5 mg/lít, của sulfamethoxazol là 100 mg/lít sau 2 - 3 ngày điều trị với 2 liều mỗi ngày. Thuốc tiêm truyền tĩnh mạch trung bình đạt các nồng độ xấp xỉ như trên.

Nửa đời của trimethoprim là 9 - 10 giờ, của sulfamethoxazol là 11 giờ. Vì vậy cho thuốc cách nhau 12 giờ là thích hợp. Tỷ lệ 1:5 giữa trimethoprim và sulfamethoxazol thích hợp nhất cho viên nén. Tuy nhiên trong huyết thanh, tỷ lệ này là 1:20 do trimethoprim khuếch tán tốt hơn ra ngoài mạch máu, đi vào trong các mô. Trimethoprim đi vào trong các mô và các dịch tiết tốt hơn sulfamethoxazol. Nồng độ thuốc trong nước tiểu cao hơn 150 lần nồng độ thuốc trong huyết thanh.

Dược lực

Cotrimoxazol là một hỗn hợp gồm sulfamethoxazol (5 phần) và trimethoprim (1 phần). Sulfamethoxazol là một sulfonamid, ức chế cạnh tranh sự tổng hợp acid folic của vi khuẩn. Trimethoprim là một dẫn chất của pyrimidin, ức chế đặc hiệu enzym dihydrofolat reductase của vi khuẩn. Phối hợp trimethoprim và sulfamethoxazol như vậy ức chế hai giai đoạn liên tiếp của sự chuyển hóa acid folic, do đó ức chế có hiệu quả việc tổng hợp purin, thymin và cuối cùng DNA của vi khuẩn. Sự ức chế nối tiếp này có tác dụng diệt khuẩn. Cơ chế hiệp đồng này cũng chống lại sự phát triển vi khuẩn kháng thuốc và làm cho thuốc có tác dụng ngay cả khi vi khuẩn kháng lại từng thành phần của thuốc.

Tác dụng tối ưu chống lại đa số vi sinh vật được thấy ở tỷ lệ 1 phần trimethoprim với 20 phần sulfamethoxazol. Chế phẩm cotrimoxazol (TMP/SMX) được phối hợp với tỷ lệ 1:5; do sự khác biệt về dược động học của 2 thuốc nên trong cơ thể tỷ lệ nồng độ đỉnh đạt xấp xỉ 1: 20. Tuy nhiên, chưa rõ thuốc có đạt được tỷ lệ tối ưu ở tất cả các vị trí không, và nếu cả 2 thuốc đạt được nồng độ điều trị thì sự đóng góp của tính hiệp đồng vào tác dụng của cotrimoxazol in vivo vẫn chưa rõ.

Các vi sinh vật sau đây thường nhạy cảm với thuốc:E. coli, Klebsiella sp., Enterobacter sp., Morganella morganii, Proteus mirabilis, Proteus indol dương tính, bao gồm cả P. vulgaris, H. influenzae (bao gồm cả các chủng kháng ampicilin), S. pneumoniae, Shigella flexneri và Shigella sonnei, Pneumocystis carinii.

Cotrimoxazol có một vài tác dụng đối với Plasmodium falciparum và Toxoplasma gondii.

Các vi sinh vật thường kháng thuốc là: Enterococcus, Pseudomonas, Campylobacter, vi khuẩn kỵ khí, não mô cầu, lậu cầu, Mycoplasma.

Kháng thuốc cotrimoxazol phát triển chậm trong ống nghiệm hơn so với từng thành phần đơn độc của thuốc. Tính kháng này tăng ở cả vi sinh vật Gram dương và Gram âm, nhưng chủ yếu ở Enterobacter.

Ở Việt Nam, theo báo cáo của Chương trình giám sát quốc gia về tính kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh (ASTS) thì sự kháng cotrimoxazol phát triển rất nhanh, nhiều vi khuẩn trong các năm 70 - 80 thường nhạy cảm với cotrimoxazol, nay đã kháng mạnh (Haemophilus influenzae, E. coli, Klebsiella, Proteus spp., Enterobacter, Salmonella typhi...).

Tính kháng cotrimoxazol của vi khuẩn khác nhau theo từng vùng (Bắc, Trung, Nam), nông thôn hay thành thị, nên đòi hỏi thầy thuốc có sự cân nhắc lựa chọn thuốc kỹ.

Quá liều và cách xử trí

Nếu nạn nhân hôn mê hoặc không thở được, cần gọi cấp cứu ngay lập tức.

Khác

NẾU QUÊN UỐNG THUỐC
Bổ sung liều ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian giãn cách với liều tiếp theo quá ngắn thì bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc. Không dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã bị bỏ lỡ.

CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG
Thuốc có thể gây đau bụng, nên uống thuốc cùng với thức ăn.