A-xít Valproic - Tác dụng thuốc và các thông tin khác đầy đủ nhất
Tra cứu thuốc chuẩn nhất

A-xít Valproic

Thông tin cơ bản thuốc A-xít Valproic

Điều kiện bảo quản

Giữ thuốc trong hộp kín, ngoài tầm với của trẻ em. Bảo quản ở nhiệt độ phòng, nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp.

Chỉ định/Chống chỉ định

Chỉ định

Điều trị các cơn động kinh, rối loạn lưỡng cực và phòng ngừa chứng đau nửa đầu.

Chống chỉ định

Viêm gan cấp, viêm gan mạn, có tiền sử bản thân hoặc gia đình bị viêm gan nặng, loạn chuyển hóa porphyrin, quá mẫn với valproat.

Liều dùng và cách dùng

Cách dùng

A-xít valproic được uống, viên nang cần được nuốt, không nhai để tránh kích ứng tại chỗ ở miệng, họng. Nếu bị kích ứng đường tiêu hóa, thuốc có thể uống cùng thức ăn.

Liều lượng

  • Ðộng kinh (co giật): Phạm vi điều trị (định lượng huyết thanh): 50 - 100 microgam/ml. Ðộng kinh cục bộ phức hợp, liều ban đầu thông thường trong đơn trị liệu hoặc trong đa trị liệu như thuốc phụ trợ trong phác đồ điều trị hiện có, đối với người lớn và trẻ em 10 tuổi là 10 - 15 mg/kg/ngày.
  • Cơn vắng ý thức đơn giản hoặc phức hợp: Liều ban đầu thông thường 15 mg/kg/ngày. Liều lượng có thể tăng 5 - 10 mg/kg/ngày cách nhau 1 tuần cho tới khi kiểm soát được cơn giật hoặc các tác dụng phụ ngăn cản tăng liều thêm.Liều tối đa khuyến cáo: 60 mg/kg/ngày.Thuốc phải uống làm 2 lần hoặc hơn khi liều vượt quá 250mg mỗi ngày. Ðiều trị trạng thái động kinh trơ với điều trị bằng diazepam tĩnh mạch: 400 - 600mg a-xít valproic thụt hậu môn hoặc thuốc đạn, 6 giờ/ lần.
  • Liều thông thường chống co giật ở trẻ em từ 1 đến 12 tuổi: đơn trị liệu: ban đầu uống: 15 - 45 mg/kg/ngày, liều tăng cách nhau 1 tuần từ 5 - 10 mg/kg một ngày khi cần và dung nạp được thuốc; đa trị liệu: uống 30 - 100 mg/kg/ngày. Ðiều chỉnh liều dựa theo đáp ứng lâm sàng và nồng độ chống co giật trong huyết thanh.
  • Ðiều trị cơn hưng cảm: Uống semisodium valproat, ngày đầu 750 mg/ngày, chia làm 2 lần, nếu có thể, nhanh chóng tăng liều dần đến mức tối đa là 60 mg/kg/ngày.
  • Dự phòng cơn đau nhức nửa đầu: Uống semisodium valproat mỗi lần 250mg, ngày uống 2 lần, mức tối đa là 1g/ngày. Liều thông thường ở người cao tuổi: Cần dùng liều thấp hơn so với liều người lớn. Người đang dùng các thuốc gây cảm ứng enzym ở gan có thể phải dùng liều cao hơn phụ thuộc vào nồng độ huyết thanh của liều thuốc trước.

Thận trọng

Thận trọng khi dùng thuốc ở người bệnh có tiền sử mắc bệnh gan, người bệnh dùng nhiều thuốc chống co giật, trẻ em bị rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, bị các cơn động kinh nặng kèm chậm phát triển trí tuệ và bị bệnh não thực thể. Cần ngừng thuốc ngay khi có thay đổi chức năng gan dù nghi ngờ hoặc có biểu hiện rõ. Trong một số trường hợp, rối loạn chức năng gan vẫn tiến triển mặc dù đã ngừng thuốc.

A-xít Valproic thải trừ một phần trong nước tiểu dưới dạng chất chuyển hóa cetonic, nên khi xét nghiệm chất ceton trong nước tiểu, có thể nhận định sai.

A-xít Valproic có thể gây ức chế hệ thần kinh trung ương, đặc biệt khi phối hợp với các thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương khác (như rượu), vì vậy người bệnh không nên tham gia các hoạt động nguy hiểm như lái xe hoặc vận hành máy.

Tương tác với các thuốc khác

A-xít Valproic có thể tăng cường tác dụng của các chất ức chế hệ thần kinh trung ương (như rượu, benzodiazepin, các thuốc chống động kinh khác). Trong đợt đầu điều trị, cần xác định nồng độ trong huyết tương của các thuốc chống động kinh dùng đồng thời.

Dùng đồng thời a-xít Valproic với các thuốc liên kết mạnh với protein (như aspirin, carbamazepin, dicoumarol, phenytoin...) có thể làm thay đổi nồng độ a-xít Valproic trong huyết thanh. Các salicylat ức chế chuyển hóa không được dùng cho người bệnh đang dùng a-xít Valproic.

A-xít Valproic có thể làm tăng nồng độ phenobarbital trong huyết thanh. Primidon bị chuyển hóa thành barbiturat, do đó cũng gây ra tương tác như vậy. A-xít Valproic có thể làm thay đổi nồng độ phenytoin trong huyết thanh: Làm giảm nồng độ phenytoin toàn phần trong huyết thanh và làm tăng nồng độ phenytoin tự do so với phenytoin liên kết với protein.

Dùng đồng thời a-xít Valproic và clonazepam có thể gây trạng thái vắng ý thức liên tục ở người bệnh có tiền sử động kinh kiểu cơn vắng ý thức. A-xít Valproic có thể ảnh hưởng đến nồng độ ethosuximid trong huyết thanh. Khi dùng a-xít Valproic và ethosuximid, đặc biệt khi dùng cùng với thuốc chống co giật khác, người bệnh cần được theo dõi sự thay đổi nồng độ của cả hai thuốc trong huyết thanh.

Khi dùng a-xít Valproic với các thuốc có ảnh hưởng đến sự đông máu (như aspirin, warfarin...), các triệu chứng chảy máu có thể xảy ra.

A-xít Valproic (và một số thuốc chống động kinh khác) làm mất tác dụng của thuốc uống tránh thai.

Tác dụng phụ

  • Buồn ngủ, chóng mặt, đau đầu, tiêu chảy, táo bón, thay đổi sự thèm ăn, thay đổi trọng lượng, đau lưng, lo lắng, tâm trạng lâng lâng, rối loạn tư duy, lắc không kiểm soát được ở một phần cơ thể, mất phối hợp, chuyển động mắt không kiểm soát được, mờ mắt hoặc nhìn đôi, ù tai, rụng tóc. Bầm tím hoặc chảy máu bất thường, xuất hiện nốt màu tím hoặc đỏ trên da, sốt, rộp da hoặc phát ban, nổi mề đay, khó thở hoặc khó nuốt, nhầm lẫn, mệt mỏi, nôn, hạ nhiệt độ cơ thể, yếu ở các khớp xương. A-xít Valproic có thể gây ra các tác dụng phụ khác. Cần gặp bác sĩ nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng.
  • Thuốc có thể gây suy gan, viêm tụy dẫn đến tử vong, gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng cho thai nhi, đặc biệt là các khuyết tật ống thần kinh (ví dụ, nứt đốt sống). Ngoài ra, thuốc có thể gây giảm chỉ số IQ.

Dược động học/Dược lực

Dược động học

Acid valproic (hoặc natri valproat) hấp thu nhanh sau khi uống. Nồng độ đỉnh ion valproat trong huyết tương đạt vào 1 - 4 giờ sau khi uống liều duy nhất acid valproic. Khi dùng cùng với thức ăn, thuốc được hấp thu chậm hơn, nhưng không ảnh hưởng đến tổng lượng hấp thu.

Nửa đời của valproat trong huyết tương nằm trong phạm vi 6 - 16 giờ. Thuốc thường có nửa đời nằm trong phạm vi thấp ở người bệnh dùng thêm thuốc chống động kinh khác có khả năng gây cảm ứng enzym.

Valproat liên kết nhiều (90%) với protein huyết tương ở liều điều trị, tuy nhiên sự liên kết phụ thuộc vào nồng độ và giảm khi nồng độ valproat cao. Sự liên kết này thay đổi tùy theo người bệnh và có thể bị ảnh hưởng bởi các acid béo hoặc các thuốc liên kết mạnh như salicylat. Một số thầy thuốc ưa theo dõi nồng độ valproat tự do vì là yếu tố có thể phản ánh đúng hơn sự thâm nhập valproat vào hệ thần kinh trung ương.

Valproat chuyển hóa chủ yếu ở gan. Các đường chuyển hóa chính là glucuronid hóa, beta oxy hóa ở ty lạp thể và oxy hóa ở microsom. Các chất chuyển hóa chính được tạo thành là chất liên hợp glucuronid, acid 2 - propyl - 3 - ceto - pentanoic và các acid 2 - propyl - hydroxypentanoic. Ðường thải trừ chính của các chất chuyển hóa này qua nước tiểu.

Với cùng một liều, nếu người bệnh dùng valproat đơn độc, nói chung thuốc có nửa đời dài hơn và nồng độ cao hơn so với người bệnh dùng đa liệu pháp. Ðó chủ yếu là do thuốc chống động kinh khác gây cảm ứng enzym làm tăng thanh thải valproat bằng cách glucuronid hóa và oxy hóa ở microsom. Vì những thay đổi trong thanh thải valproat này, cần tăng cường theo dõi nồng độ thuốc chống động kinh, khi dùng thêm hoặc rút bớt thuốc chống động kinh nào đó.

Chưa xác định được mối tương quan rõ rệt giữa liều dùng hàng ngày, nồng độ thuốc trong huyết thanh và tác dụng điều trị. Tuy nhiên thường coi phạm vi điều trị ở khoảng nồng độ 50 - 100 mg/lít valproat toàn phần trong huyết tương, mặc dù một số người bệnh thấy có tác dụng ở nồng độ trong huyết tương thấp hơn hoặc cao hơn.

Dược lực

Acid valproic hoặc natri valproat là thuốc chống động kinh, bị phân ly thành ion valproat ở đường tiêu hóa. Tác dụng chống động kinh của valproat có lẽ thông qua chất ức chế dẫn truyền thần kinh là acid gama - aminobutyric (GABA). Valproat có thể làm tăng nồng độ GABA do ức chế chuyển hóa GABA hoặc tăng hoạt tính của GABA ở sau sináp. Do vậy, valproat có thể dùng trong nhiều loại cơn động kinh (xem phần chỉ định).

Quá liều và cách xử trí

Các triệu chứng của quá liều có thể bao gồm: buồn ngủ, nhịp tim không đều, hôn mê. Nếu nạn nhân hôn mê hoặc không thở được, cần gọi cấp cứu ngay lập tức.

Khác

NẾU QUÊN UỐNG THUỐC

Bổ sung liều ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian giãn cách với liều tiếp theo quá ngắn thì bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc. Không dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã bị bỏ lỡ.

CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG

Duy trì chế độ ăn uống bình thường, trừ khi có chỉ định khác của bác sĩ.