Tết là cả một bầu trời tuổi thơ, chúng ta thường nói càng lớn tết càng “nhạt”, nhưng nó lại “mặn” với những đứa trẻ, và ai ai trong chúng ta cũng đều đã trải qua, nhớ mùi giày dép mới, mùi quần áo mới, mũ nón mới,... tất cả mọi thứ đều mới mẻ chỉ mong tết tới thật nhanh để mặc đi khoe với mọi người rằng của mình là đẹp nhất, nhưng có một người rất cũ bên cạnh mà khi còn nhỏ chúng ta chưa biết quan tâm, đó là mẹ rất nhiều lo toan, những tính toán nhỏ nhất cũng đủ để vầng trán mẹ thêm nếp nhăn, rồi tuổi càng nhiều mẹ lại càng dễ quên trước quên sau, cùng Tủ Thuốc 24h đọc để thấy rằng ai cũng có một người mẹ của ngày tết như vậy nhé.
Cách đây vài năm, khi tôi còn bé, tôi thường mong Tết đến thật nhanh. Tết đến, tôi được mặc quần áo mới, được ăn những món ăn ngon mà ngày thường tôi ít được ăn, được lì xì nữa, thật nhiều, thật nhiều. Trước Tết vài tuần, tôi sẽ cùng mẹ đi mua đồ Tết. Tôi háo hức đòi mua hết cái này đến cái khác. Trong mắt trẻ con, chỉ cần màu sắc nhiều một chút thì đều là đồ đẹp rồi. Mẹ tôi không đồng ý. Tôi giận dỗi, khóc lóc bù lu bù loa lên. Một đứa trẻ con đâu biết được hành động của mình sẽ khiến mẹ xấu hổ như thế nào chứ? Và một đứa trẻ cũng không biết rằng món đồ hào nhoáng ấy không cần thiết và quá đắt so với những gì mẹ mình có.
Mùng Một, mùng Hai, mùng Ba, tôi thường cùng các anh chị họ so sánh ai được nhiều tiền mừng tuổi hơn. Cứ chốc chốc, tôi lại ngồi một góc kín, đếm "gia tài" của mình một cách nâng niu. Một, hai,... 5000, 10.000,... Khi mẹ bảo mẹ giữ tiền cho, tôi luôn kì kèo:" Mẹ cầm ít thôi!", "Mẹ cho con cầm thêm chút nữa đi.", "Mẹ không được tiêu mất của con đâu.",...
Bây giờ, lớn hơn một chút, tôi đã có những giây phút nhận ra nỗi lo trong mắt của mẹ. Tết lại đến.
Thu nhập những ngày cuối năm của bố mẹ tôi không nhiều. Bố tôi làm xe ôm, còn mẹ tôi bán hàng, đủ để sống và nuôi con ăn học. Chắc vậy... Thỉnh thoảng, mẹ lại thở dài:" Nếu như ngày xưa ăn học tử tế, chắc bây giờ con mình đỡ khổ." Mẹ nói chỉ để mẹ nghe thôi. Rồi đến Tết, mẹ lại dồn hết tất cả số tiền tích cóp được để mua sắm thêm ít đồ Tết.
Năm nay, hoa đào ít lắm. Giá cao quá, mẹ không mua được. Đến ngày 30 âm, mẹ mua một cây quất nhỏ nhỏ về. Mẹ bảo: "Cố gắng thôi, không có đào thì phải có quất mới ra không khí ngày Tết." Trên mạng xã hội, bạn bè tôi khoe những cây đào to, nhiều hoa, rồi phòng khách được trang hoàng lộng lẫy. Nhìn thì thích thật, nhưng tôi cũng không mơ đến. Nó phù phiếm, xa hoa quá. Hiện tại, tôi không cần những thứ như thế.
Tôi đang ở cái tuổi không còn bé nữa mà cũng chưa thực sự trưởng thành, dở dở dang dang. Ở cái tuổi này, tôi vẫn được người lớn lì xì. Đến bây giờ, tôi cũng không còn niềm háo hức như ngày xưa. Ngày trước, lì xì đầu năm là một số tiền nhỏ được đặt trong những bao nhỏ màu đỏ với mục đích chúc những cô, cậu bé năm mới mạnh khỏe, may mắn. Đến bây giờ, tiền mừng tuổi cũng chẳng mấy khi được đặt trong bao lì xì đỏ thắm nữa,mà được người lớn trao tận tay người nhỏ. Số tiền ấy mệnh giá cũng ngày càng lớn.
Người Việt ta thường có nét văn hóa "đáp lễ". Đó là một truyền thống văn hóa đẹp. Vào những ngày đầu năm mới, không ai nói ra nhưng có thể hiểu ngầm rằng anh mừng tuổi con tôi bao nhiêu thì tôi sẽ mừng lại con anh như vậy. Từ trước tới bây giờ vẫn như vậy. Khi tôi được lì xì cho một số tiền lớn một chút, tôi biết, mẹ tôi sẽ bối rối. Có những lúc, trong ví của mẹ tôi không có tờ tiền to như vậy để mừng tuổi lại con người ta. Khi khách đi rồi, tôi sẽ lại gần rồi đưa tiền cho mẹ, rồi nói đùa:" Con chỉ cho mẹ giữ hộ thôi đấy." Mẹ tôi cười xòa, những lúc ấy tôi thực sự thấy vui, một niềm vui không nói thành lời.
Mùng hai Tết. Hai mẹ con tôi về quê ngoại. Đến tối, trên đường về nhà, mẹ ngồi phía sau tôi, giọng buồn lắm: "Năm nay, không có tiền mừng tuổi ông bà. Ông bà cho mẹ nhiều, mà mẹ đã trả lại ông bà được cái gì đâu. Đến mừng tuổi đầu năm mẹ cũng không làm được." Cổ họng tôi nghẹn đắng lại, tay lái cũng run run. Nước mắt của tôi lăn xuống, rồi nhanh chóng tan theo gió đông. Mẹ tôi không biết.
Tôi chỉ muốn mình thực sự trưởng thành, có thể đi làm, có thể kiếm ra tiền. Việc báo hiếu không nhất thiết phải dùng đến tiền bạc. Nhưng những khi Tết đến xuân về, tôi muốn giúp bố mẹ tôi có một cái Tết nhẹ nhàng hơn. Rồi mỗi sáng mùng Một Tết, tôi sẽ trao lại cho bố mẹ tôi những bao lì xì đỏ thắm với lời chúc bố mẹ mạnh khỏe, an khang.
Cảm ơn ông bà đã sinh ra cho con một người mẹ tuyệt vời như vậy. Con và mẹ sẽ cùng nhau báo hiếu ông bà, mẹ nhé!
Bài chia sẻ của độc giả Huyền Nguyễn.