Dùng kháng sinh thế nào để không ảnh hưởng đến dạ dày
Tra cứu thuốc chuẩn nhất
Trang chủ Sống Khỏe Sức Khỏe

Dùng kháng sinh thế nào để không ảnh hưởng đến dạ dày

Bạn phải nhớ rằng luôn uống đúng liệu trình của bác sĩ; đừng uống không đủ liều ví như uống hết 2/3 thuốc và cảm thấy khỏe rồi ngưng, hoặc nghĩ rằng uống gấp đôi liều sẽ nhanh hết bệnh là hoàn toàn sai

Những người đau dạ dày rất sợ phải uống thuốc thuốc, chưa kể đến kháng sinh, nhưng vẫn phải uống để điều trị bệnh, vậy uống như thế nào là khoa học nhất để không bị đau dạ dày cùng Tủ Thuốc 24h tìm hiểu nhé.

1. Hãy nói cho bác sĩ biết tình trạng dạ dày của bạn

  • Nếu có tiền sử đau dạ dày do uống thuốc kháng sinh, bạn nên trao đổi vấn đề này với bác sĩ. Bác sĩ có thể kê toa thuốc khác cho bạn.
  • Bác sĩ cũng có thể điều chỉnh liều lượng thuốc để giảm khả năng gây đau dạ dày hoặc kê toa thuốc chống nôn để giảm tình trạng rối loạn dạ dày như buồn nôn hoặc nôn.
  • Một số loại thuốc kháng sinh có thể gây phản ứng dị ứng. Nếu bắt đầu thấy phát ban hoặc ngứa khi uống một loại thuốc kháng sinh mới, bạn hãy gọi cho bác sĩ ngay.

2. Uống thuốc theo đúng liệu trình của bác sĩ

  • Bạn phải nhớ rằng luôn uống đúng liệu trình của bác sĩ; đừng uống không đủ liều ví như uống hết 2/3 thuốc và cảm thấy khỏe rồi ngưng, hoặc nghĩ rằng uống gấp đôi liều sẽ nhanh hết bệnh là hoàn toàn sai. Việc dùng thuốc không đủ liều sẽ giảm hiệu quả chống lại vi khuẩn mà cơ thể đang chống chọi. Ngược lại, việc dùng quá liều có thể tăng hoạt tính của thuốc, dẫn đến tăng nguy cơ đau dạ dày hoặc nặng hơn là sốc thuốc.
  • Nếu thấy khó nhớ mình đã uống thuốc hay chưa, bạn hãy treo một tờ lịch tại nơi để thuốc. Mỗi khi uống hết một ngày thuốc, bạn có thể gạch chéo vào ngày đó trên lịch. Như vậy bạn sẽ tránh vô tình uống gấp đôi liều thuốc.
  • Trên toa thuốc của bạn cũng sẽ ghi số ngày uống thuốc kháng sinh để đẩy lùi tình trạng nhiễm khuẩn. Nếu bạn không uống đủ liều chỉ định, có khả năng là vi khuẩn còn sót lại sẽ khiến tình trạng nhiễm khuẩn tái phát và thuốc kháng sinh đó sẽ mất hiệu quả nếu lần sau bạn cần sử dụng.

3. Nên đọc kỹ hướng dẫn, hoặc hỏi bác sĩ thời điểm uống thuốc

  • Lý do là vì thức ăn đóng vai trò như một chất trung hòa hoặc rào chắn thuốc kháng sinh, giúp tránh rối loạn dạ dày- ruột. Nếu trong hướng dẫn có ghi uống thuốc sau khi ăn, bạn cần thực hiện đúng mỗi lần uống thuốc; nếu không, có thể rốt cuộc bạn sẽ bị đau dạ dày. Hoặc thuốc có chỉ dẫn uống trước khi ăn nhưng bạn lại sử dụng sau khi ăn thì sẽ làm giảm tác dụng của thuốc.
  • Một số thuốc kháng sinh cần được uống khi dạ dày rỗng, trong đó gồm có ampicillin và tetracycline. Bạn không nên uống các loại thuốc này khi no, vì thức ăn sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tác dụng của thuốc đối với cơ thể.
  • Nếu cần phải uống thuốc kháng sinh khi dạ dày rỗng, tốt nhất là bạn nên uống trước khi ăn sáng. Bạn nên đặt chuông báo giờ nếu cần được nhắc nhở.
  • Một số loại thuốc kháng sinh sẽ gây đau dạ dày khi uống cùng với một số thức ăn nào đó. Ví dụ, thuốc tetracycline có thể gây đau dạ dày khi bạn uống cùng với các sản phẩm từ sữa. Để tránh đau dạ dày khi uống tetracycline (hoặc các loại thuốc tương tự như doxycycline và minocycline), bạn cần tránh các sản phẩm từ sữa trong thời gian uống thuốc.

4. Tuân theo chính xác các hướng dẫn của bác sĩ

  • Khi kê toa thuốc kháng sinh, bác sĩ sẽ chỉ dẫn cụ thể cách uống thuốc. Việc tuân theo chính xác hướng dẫn có thể giúp bạn tránh nguy cơ đau dạ dày, vì bác sĩ thường cho bạn lời khuyên làm sao để tránh tác dụng phụ khó chịu này.
  • Trong các hướng dẫn của bác sĩ thường bao gồm thời điểm cụ thể nên uống thuốc kháng sinh nhằm giảm tối đa tác động của thuốc lên dạ dày.
  • Trừ khi trên nhãn thuốc có hướng dẫn khác, bạn nên bảo quản thuốc kháng sinh ở nơi tối và khô ráo.
  • Một số thuốc kháng sinh có thể cần được bảo quản trong tủ lạnh. Trong trường hợp này, bạn hãy cất thuốc ở ngăn mát của tủ lạnh. Không bao giờ nên đông lạnh thuốc kháng sinh.

5. Tăng lợi khuẩn cho cơ thể

  • Ngoài tác dụng chống lại các vi khuẩn gây hại, thuốc kháng sinh còn có thể tấn công cả các lợi khuẩn trong cơ thể. Khi các vi khuẩn có lợi bị tấn công, bạn có thể bị đau dạ dày. Hãy thử khôi phục lại số lượng lợi khuẩn ở mức thích hợp để xử lý tình trạng đau dạ dày.
  • Sữa chua trắng không đường là một nguồn rất tốt cung cấp probiotics hoặc các vi khuẩn có lợi. Nếu bình thường chỉ ăn một khẩu phần sữa chua để tận dụng lợi ích của thực phẩm này, bạn hãy cân nhắc ăn 3-5 khẩu phần sữa chua mỗi ngày khi uống thuốc kháng sinh để bù lại lượng vi khuẩn có lợi. Tìm loại sữa chua có chứa men sống để có kết quả tốt nhất.
  • Tỏi là một nguồn giàu prebiotic. Prebiotic cung cấp chất dinh dưỡng cho các probiotic (có trong sữa chua hoặc dưa cải muối Đức chẳng hạn). Một khẩu phần khoảng 3 nhánh tỏi to mỗi ngày có thể giúp bảo toàn mức lợi khuẩn thích hợp trong cơ thể (lưu ý rằng tỏi có thể khiến hơi thở có mùi khó chịu).
  • Các nguồn cung cấp lợi khuẩn khác bao gồm tương miso, cải muối Đức, trà nấm thủy sâm và nấm sữa kefir.
  • Giảm ăn đường khi uống thuốc kháng sinh. Đường có thể khiến vi khuẩn sinh sôi.
  • Uống nước súp gà trong thời gian uống thuốc kháng sinh cũng là ý tốt.

Cũng không quá khó để bảo vệ dạ dày thân yêu của chính mình, tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, ăn uống  những món dễ tiêu hóa, bổ sung lợi khuẩn, luyện tập sức khỏe, sử dụng những thực phẩm tốt cho dạ dày.

Chúc các bạn vui khỏe an nhiên.

TuThuoc24h.net