Xôi gấc và chè trôi nước ngũ sắc cúng ngày tháng giêng
Tra cứu thuốc chuẩn nhất
Trang chủ Thuốc Từ Tâm Thực Dưỡng

Xôi gấc và chè trôi nước ngũ sắc cúng ngày tháng giêng

tháng khởi đầu một năm, thì màu sắc phải vui tươi như sắc xuân của nó. Sau đây Tủ Thuốc 24h giới thiệu đến các bạn xôi gấc và chè trôi nước ngũ sắc, ý nghĩa đẹp mắt hấp dẫn và tươi vui.

Tháng giêng mọi người thường chú ý đến ăn chay, tùy vào mỗi nhà thì đầu tháng hoặc rằm tháng giêng cúng mâm cơm có cả chè và xôi hay chỉ cúng gồm chè và xôi, quan trọng là ở tấm lòng thành kính cầu mong một năm thuận lợi, điều tốt đem đến và điều xấu xua đi. Nhưng đã là tháng khởi đầu một năm, thì màu sắc phải vui tươi như sắc xuân của nó. Sau đây Tủ Thuốc 24h giới thiệu đến các bạn xôi gấc và chè trôi nước ngũ sắc, ý nghĩa đẹp mắt hấp dẫn và tươi vui.

Xôi gấc

Nguyên liệu cần chuẩn bị

+ 1 quả gấc chín. Nên chọn gấc thật chín đỏ, chín vừa không nên chín quá.

+ 2 bát gạo nếp. Chọn loại nếp thơm dẻo, và hơi ráo.

+ Nước cốt dừa

+ Rượu trắng

+ Đường, muối và các loại gia vị

Các bước thực hiện chế biến xôi gấc

Bước 1: Với gạo nếp, bạn cần vo sạch, rồi ngâm với nước dừa qua đêm. Thời gian ngâm khoảng 9 – 12 tiếng. (Để xôi được thơm hơn).

Với gấc, bạn cắt đôi, lấy thịt gấc, bóp thịt gấc với rượu trắng để lên màu đẹp hơn.

Bước 2: Tiếp theo bạn trộn thịt gấc với gạo nếp. Nhớ là gạo nếp sau khi đã ngâm đủ thời gian thì bạn vớt ra, để gạo ráo nước rồi mới trộn với gấc nhé. Khi trộn, bạn nên dùng tay để bóp thật đều cho thịt gấc trộn đều với gạo nếp.

Cuối cùng, bạn cho nước cốt dừa vào hỗn hợp gạo nếp và thịt gấc. Tùy khẩu vị mà cho nhiều hay ít nhé.

Bước 3: Công đoạn cuối cùng, cũng là công đoạn quan trọng nhất là đồ xôi. Có rất nhiều cách để nấu món xôi gấc. Đơn giản nhất là bạn cho xôi gấc vào xửng và hấp cách thủy trong khoảng 30 – 45 phút là được. Xôi sẽ chín mềm và rất ngon.

Nếu nhà bạn không có đồ hấp xôi thì bạn có thể sử dụng nồi cơm điện để đồ xôi cũng được. Trong trường hợp này bạn nên giảm ít lượng nước cốt dừa pha vào gạo nếp, và sử dụng nước dừa tươi để nấu xôi. Khi xôi chín, nếu muốn trưng bày đẹp hơn thì bạn có thể cho một chút dầu ăn để xôi có vẻ bóng bẩy. Nếu muốn ăn ngọt thì bạn có thể rắc thêm một chút đường để tạo vị ngọt nhẹ. Để đẹp thì bạn có thể dùng khuôn để ép xôi tạo thành hình đẹp hơn.

Thành phẩm xôi gấc

 

Màu đỏ của xôi gấc chính là màu đỏ của may mắn và hạnh phúc. Hãy vào bếp và nấu những đĩa xôi thật ngon để dâng cúng và cầu mong cả gia đình cùng gặp may mắn trong năm mới nhé. Có thể trang trí đãi xôi và ăn kèm với chả lụa chay.

Chè trôi nước ngũ sắc

Nguyên liệu cần chuẩn bị

- Phần nhân

+ Đậu xanh không vỏ 200 gr

+ Dừa nạo 50 gr

+ Sữa đặc 100 gr

+ Dầu ăn 30 ml

- Phần vỏ

+ Bột nếp 700 gr

+ Khoai lang 100 gr(Tím)

+ Gấc 65 gr

+ Bột trà xanh 30 gr

+ Sữa tươi không đường 100 ml

+ Sữa đặc 75 gr

+ Đường trắng 75 gr

-  Phần nước đường

+ Đường thốt nốt 300 gr

+ Gừng 2 củ

+ Nước cốt dừa 150 ml

+ Bột năng 1/2 muỗng cà phê

+ Mè trắng 20 gr(Rang sẵn)

Các bước thực hiện nấu món chè trôi nước ngũ sắc

Bước 1: Làm nhân trôi nước

Đậu xanh vo sạch, ngâm với nước 30 phút cho mềm. Vớt đậu ra cho vào nồi, đổ nước săm sắp mặt rồi đem luộc khoảng 12-15 phút đến khi đậu chín là được.

Dùng muỗng tán nhuyễn đậu xanh rồi trộn đều với dừa nạo và sữa đặc.

Cho lên chảo 30ml dầu ăn, đổ đậu xanh vào xào với lửa vừa đến khi thấy nhân khô hơn, không còn dính chảo thì nhắc xuống.

Chờ đậu nguội bớt thì đem vo thành những viên tròn nhỏ. Bọc lại để nhân qua 1 bên.

Bước 2: Trộn bột làm vỏ trôi nước

Cho 600gr bột nếp vào thố, để riêng 100gr bột khô phòng trường hợp khi bột nhão sẽ thêm vào.

Chuẩn bị sẵn 450ml nước ấm, đổ từ từ nước ấm vào bột, dùng tay nhào sao cho bột tạo thành một khối dẻo mịn. Nếu như khối bột quá ướt thì thêm bột khô vào nhồi thêm.

Thêm vào 75gr sữa đặc cùng với 75gr đường trắng, nhào mịn.

Bước 3: Trộn màu riêng từng phần bột và vo viên

Tạo màu cho vỏ chè trôi nước: màu đỏ lấy từ 50gr ruột gấc, màu cam lấy từ 15gr ruột gấc pha với 50ml sữa tươi không đường, màu xanh lấy từ 30gr bột trà xanh pha với 50ml sữa tươi không đường, màu tím lấy từ 100gr khoai lang tím luộc chín, và màu trắng tự nhiên. Chia khối bột ra thành 5 tô có các cục nhỏ bằng nhau, thêm màu vào từng tô rồi nhào cho màu lên đều.

Những màu tạo ra từ nước như màu xanh và cam có thể sẽ hơi nhão nên bạn cứ cho thêm bột khô vào nhàu đến khi cục bột mịn, không còn nhão và dính tay là được.

Vo tròn từng cục bột, ấn dẹt mỏng rồi cho nhân đậu xanh vào chính giữa gói lại. Làm lần lượt từng màu cho đến hết.

Bước 4: Luộc từng loại viên trôi nước

Thấm vào tay một lớp mỏng dầu ăn rồi vo từng viên chè, làm như vậy để tạo cho viên chè trôi nước độ bóng đẹp sau khi luộc và hạn chế các viên chè dính vào nhau.

Bắc nồi nước sôi rồi cho riêng từng màu vào luộc đến khi chín, nổi lên thì vớt ra, cho ngay vào tô nước lạnh.

Bước 5: Nấu chè trôi nước

Nấu nước đường: cho vào nồi 1.2 lít nước cùng với 400gr đường thốt nốt, nấu đến khi đường tan nước sôi thì cho vào 2 củ gừng xắt sợi.

Cho tiếp những viên chè trôi nước vào nấu khoảng 10 phút để chè thấm đường. Món chè sẽ ngon hơn khi bạn làm nước cốt dừa ăn kèm bằng cách cho 150ml nước cốt dừa cùng với 1 ít muối vào nồi, chờ đến khi sôi thì cho thêm 1/2 muỗng cà phê bột năng pha với một ít nước vào, khuấy đều để tạo độ sệt.

Thành phẩm chè trôi nước ngũ sắc

Khi ăn bạn múc chè ra chén cùng với nước đường, rưới thêm nước cốt dừa và một ít mè rang là có thể dùng được rồi.

Vậy là bạn đã vừa thực hiện xong 2 món nhất định có vào ngày tháng giêng, trổ tài nấu ăn với món vừa ý nghĩa vừa đẹp mắt, ngập tràn sắc xuân trong từng món ăn thì còn gì bằng.

Chúc các bạn đón tết vui vẻ bên gia đình người thân.

TuThuoc24h.net