Novocain 3% (DP TW 5) - Tác dụng thuốc và các thông tin khác đầy đủ nhất
Tra cứu thuốc chuẩn nhất

Novocain 3% (DP TW 5)

Thông tin cơ bản thuốc Novocain 3% (DP TW 5)

Số đăng ký

VD-15011-11

Dạng bào chế

Dung dịch

Quy cách đóng gói

hộp 1 vỉ x 10 ống x 2 ml, hộp 100 ống x 2 ml dung dịch tiêm

Điều kiện bảo quản

Dung dịch procain hydroclorid có pKa 9,1 và pH 3 – 5,5 cần được bảo quản ở nhiệt độ dưới 40 độ C, tốt nhất ở nhiệt độ 15 – 30 độ C. Không được làm đông lạnh dung dịch thuốc.

Procain bị phân hủy trong các dung dịch làm liệt cơ tim có chứa magnesi, natri, kali và calci phụ thuộc vào điều kiện nhiệt độ. Ở nhiệt độ 6 độ C, nửa đời của dung dịch là 5 tuần, nhưng ở nhiệt độ -10 độ C thì nửa đời của dung dịch tăng lên đến 9 tuần.

Thuốc phải bảo quản tránh ánh sáng. Trước khi dùng phải kiểm tra dung dịch thuốc cẩn thận nếu có vẩn đục, đổi màu hoặc có các tinh thể, thuốc không được dùng.

Chỉ định/Chống chỉ định

Chỉ định

Thuốc hiện nay ít dùng có thể do thời gian tác dụng ngắn và dễ gây sốc phản vệ hơn các thuốc gây tê khác, tuy nhiên procain vẫn có thể dùng để: gây tê tiêm thấm và gây tê vùng, gây tê tủy sống, phong bế dây thần kinh giao cảm hoặc dây thần kinh ngoại biên để làm giảm đau trong một số trường hợp.

Chống chỉ định

  • Bloc nhĩ – thất độ II, III.
  • Trẻ em dưới 30 tháng tuổi.
  • Người thiếu hụt cholinesterase.
  • Mẫn cảm với thuốc gây tê typ ester, các thuốc có cấu trúc hóa học tương tự hoặc acid amino benzoic hoặc các dẫn chất, mẫn cảm với sulfit.
  • Dị ứng: Hen, mày đay…
  • Người bệnh có nhiễm khuẩn tại chỗ tê và không dùng thuốc để gây tê tủy sống ở người bệnh có nhiễm toàn thân như: viêm màng não, bệnh giang mai.
  • Người bệnh trong tình trạng hạ huyết áp, đang dùng thuốc nhóm sulfonamid, digitalis, thuốc kháng cholinesterase.

Liều dùng và cách dùng

Khi gây tê bằng procain cần phải sẵn các dụng cụ hồi sức, oxygen cũng như các thuốc cấp cứu khác. Liều dùng ở đây là liều trung bình cho một người nói chung, do vậy cần phải hiệu chỉnh liều theo sự dung nạp của từng cá thể, diện tích vùng gây tê, phân bố mạch máu vùng gây tê và kỹ thuật gây tê.

  • Gây tê tủy sống: khi gây tê tủy sống cần pha loãng procain 10% với nước muối sinh lí hoặc dung dịch glucose hoặc nước cất hoặc nước não tủy. Tùy thuộc vị trí gây tê tủy sống mà tỉ lệ procain/dung dịch pha loãng thay đổi từ 1/1 đến 2/1. Tốc độ tiêm: 1ml trong 5 giây.

Liều khuyến cáo dùng cho trẻ gây tê tủy sống

Mức độ gây tê

Thể tích dung dịch 10% (ml)

Thể tích dịch để pha loãng (ml)

Tổng liều (mg)

Vị trí tiêm (khoảng giữa đốt sống lưng)

Vùng đáy chậu

0,5 

0,5

50

Thứ 4

Vùng đáy chậu và chi dưới

1

100

Thứ 3 và thứ 4

Tới bờ sườn

2

2

200

Thứ 2, thứ 3, hoặc thứ 4

  • Gây tê tiêm thấm: Trường hợp dùng procain hydroclorid dung dịch 0,25 hoặc 0,5% để gây tê kiểu tiêm thấm có thể dùng liều 350 – 600mg.
  • Phong bế thần kinh: để phong bế thần kinh ngoại vi, liều thường dùng là 500mg procain hydroclorid với dung dịch 0,5% (100ml), 1% (50ml) hoặc 2% (25ml). Có thể dùng liều tối đa 1000mg. Để kéo dài tác dụng của procain trong những trường hợp  gây tê tiêm thấm hoặc bế thần kinh ngoại vi có thể pha trộn adrenalin và dung dịch procain để cho nồng độ cuối cùng của adrenalin là 1/200000 hoặc 1/100.000.

Thận trọng

  • Do có độc tính đối với tim, cần thận trọng khi dùng cho người rối loạn nhịp tim, bloc nhĩ – thất hoặc sốc.
  • Độ an toàn và hiệu quả gây tê tủy sống phụ thuộc vào liều lượng, kĩ thuật gây tê, thận trọng thỏa đáng và sẵn sàng cấp cứu cùng với tình trạng của từng bệnh nhân, do vậy cần phải chọn liều thấp nhất có tác dụng gây tê mà không gây tăng nồng độ thuốc quá cao trong máu và các tác dụng không mong muốn.
  • Ở người bệnh chuyển dạ đẻ hoặc tăng áp lực trong ổ bụng, người cao tuổi, suy nhược, suy gan cần phải giảm liều.
  • Trong một số bệnh như sốc, tăng huyết áp, thiếu máu, tổn thương thận, rối loạn chuyển hóa hoặc nội tiết, tắc ruột, viêm màng bụng… thầy thuốc cân nhắc cẩn thận giữa lợi ích và nguy cơ để ra quyết định có dùng procain để gây tê tủy sống hay không.
  • Trong dung dịch procain có chứa natri disulfit hoặc natri sulfit, do vậy có thể gây nên các phản ứng kiểu dị ứng, thậm chí có thể gây nên sốc phản vệ hoặc cơn hen phế quản ở một số người, đặc biệt ở người có tiền sử dị ứng hoặc hen phế quản.
  • Tiêm đúng vùng cần gây tê. Không tiêm vào mạch hoặc trực tiếp vào thần kinh.
  • Ngừng ngay thuốc nếu có bất kì một biểu hiện bất thường nào.

Tương tác với các thuốc khác

  • Các chất co mạch như adrenalin làm chậm hấp thu procain vào máu, kéo dài thời gian gây tê.
  • Các chất kháng cholinesterase như cyclophosphamid, thiotepa, thuốc trừ sâu, demecarium, isoflurophat có thể ức chế chuyển hóa procain, do đó có thể làm tăng nguy cơ nhiễm độc.
  • Sulfonamid và acid salisylic: dưới sự xúc tác của cholinesterase, procain chuyển hóa thành para - aminobazoic do đó làm giảm hoạt tính của sulfonamid và acid salicylic.
  • Thuốc lợi niệu: Acetazolamid kéo dài nửa đời của procain.
  • Suxamethonium: procain có thể làm tăng tác động ức chế thần kinh cơ của suxamethonium.

Tác dụng phụ

Các tác dụng không mong muốn trên thần kinh trung ương, tim mạch hay các cơ quan khác thường do sự tăng nồng độ procain trong máu cao do dùng quá liều, hoặc thuốc hấp thu quá nhanh do tiêm bất cẩn vào mạch máu. Kỹ thuật gây tê tủy sống không đúng, liều dùng không đúng gây ức chế tủy sống quá mạnh có thể làm hạ huyết áp và ngừng thở. Thuốc cũng có thể gây phản ứng mẫn cảm hoặc do hiện tượng đặc ứng hoặc do giảm khả năng dung nạp với liều bình thường.

  • Ít gặp hoặc hiếm gặp, ADR < 1/100
    • Thần kinh trung ương: kích thích, choáng váng, nhìn mờ, co giật. Tuy nhiên cũng có thể gặp người bệnh có dấu hiệu buồn ngủ hoặc co giật, hôn mê, ngừng hô hấp.
    • Tim mạch: ức chế cơ tim làm giảm co bóp, hạ huyết áp. Trong một số trường hợp có thể gặp tăng huyết áp, chậm nhịp tim, thậm chí ngừng tim.
    • Da: thường gặp tổn thương da kiểu phản ứng dị ứng chậm, mày đay, phù Quicke. Thực tế các test da để phát hiện dị ứng với procain ít có ý nghĩa.

Cũng giống như các thuốc gây tê tại chỗ khác, procain rất ít gặp phản ứng kiểu đặc ứng gây sốc phản vệ. Không thấy sự liên quan giữa liều lượng và phản ứng sốc phản vệ.

Khi gây tê tủy sống có thể gặp một số tác dụng không mong muốn như các thuốc gây tê khác trên thần kinh, tim mạch, hô hấp và tiêu hóa.

  • Thần kinh: đau đầu sau gây tê tủy sống, hội chứng màng não, mất định hướng, rung giật, viêm màng nhện, liệt.
  • Tim mạch: hạ huyết áp do liệt trung tâm vận mạch và tích tụ máu ở khoang tĩnh mạch.
  • Hô hấp: rối loạn hô hấp hoặc liệt hô hấp do nồng độ gây tê quá nhiều ở vùng tủy ngực và cổ.
  • Tiêu hóa: buồn nôn, nôn.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Không có biện pháp điều trị đặc hiệu mà chỉ là các điều trị triệu chứng ADR do procain gây ra.

Ngừng ngay thuốc khi có các triệu chứng ADR.

Duy trì thông khí bằng biện pháp hô hấp hỗ trợ hoặc thông khí nhân tạo.

Đối với suy tuần hoàn: truyền dịch tĩnh mạch, dùng thuốc co mạch, kích thích co bóp cơ tim như epinephrin.

Trường hợp co giật: cung cấp oxygen và truyền tĩnh mạch diazepam hoặc thuốc ngủ nhóm barbiturat có thời gian tác dụng rất ngắn như thiopental hoặc thuốc giãn cơ có tác dụng ngắn như suxamethonium. Cần hết sức lưu ý khi dùng các thuốc chống co giật, giãn cơ, có thể gây ức chế trực tiếp trung tâm hô hấp hoặc do giãn cơ gây suy hô hấp. Do vậy, chỉ dùng các thuốc chống co giật khi có sự đảm bảo thông khí tốt và duy trì oxygen đầy đủ.

Trong một số trường hợp khi gây tê tủy sống có thể gặp hạ huyết áp do thuốc gây giãn mạch ngoại vi. Cần phải theo dõi huyết áp trong quá trình gây tê. Nếu hạ huyết áp xuất hiện cần phải duy trì huyết áp bằng các chất co mạch như epinephrin đường tĩnh mạch hay tiêm bắp. Liều lượng và các thuốc co mạch phụ thuộc vào mức độ hạ huyết áp và đáp ứng của người bệnh với điều trị.

Dược động học/Dược lực

Dược động học

Procain không thấm qua niêm mạc do vậy chỉ dùng đường tiêm. Không làm giãn mạch, nên sau khi tiêm thuốc khuếch tán rất nhanh, bị thủy phân nhanh chóng và gần như hoàn toàn bởi pseudocholinesterase để thành acid para-aminobenzoic (làm giảm tác dụng của sulfonamid, bất lợi cho người đang dùng thuốc này) và diethyl aminethanol. Thuốc có tỉ lệ gắn vào protein huyết 8% và nửa đời khoảng vài phút. Trong gây tê dùng kèm thuốc co mạch sẽ làm chậm sự khuếch tán vào máu, kéo dài thời gian gây tê của procain. Khoảng 80% acid para-aminobenzoic ở dạng liên hợp và dạng chưa biến đổi được thải trừ qua nước tiểu, phần còn lại chuyển hóa ở gan.

Dược lực

Procain hydroclorid là một este của acid para-aminobenzoic có tác dụng gây tê thời gian ngắn. Thuốc gắn vào thụ thể trên kênh Na+ ở màng tế bào neuron thần kinh, làm ổn định thuận nghịch màng tế bào, không cho Na+ đi vào trong tế bào, vì vậy màng tế bào neuron không khử cực, làm điện thế hoạt động không lan truyền được và tiếp theo là dẫn truyền xung thần kinh bị chẹn. Ngoài ra, procain còn có thể  tác động đến hệ thần kinh trung ương (kích thích và/hoặc ức chế), hệ tim mạch (giảm dẫn truyền và tính kích thích của tim) làm giãn mạch ngoại biên. Thuốc làm giảm đau ít hơn vì thuốc không lan rộng qua các mô. Thuốc không gây tê bề mặt được vì không ngấm qua màng niêm mạc.

Procain có tác dụng gây tê kém lidocian 3 lần và cocain 4 lần, ít độc hơn  cocain 3 lần.

Thuốc bắt đầu tác dụng nhanh (2 – 5 phút) nhưng thời gian tác dụng tương đối ngắn, trung bình 1 đến 1,5 giờ. Tuy nhiên thời gian tác dụng gây tê phụ thuộc vào kỹ thuật gây tê, nồng độ thuốc và cá thể người bệnh. Trước đây, procain được dùng rộng rãi, nhưng hiện nay ít dùng vì thời gian bắt đầu tác dụng chậm và thời gian tác dụng ngắn.