Liothyronin - Tác dụng thuốc và các thông tin khác đầy đủ nhất
Tra cứu thuốc chuẩn nhất

Liothyronin

Thông tin cơ bản thuốc Liothyronin

Dạng bào chế

Viên nén natri liothyronin để uống; Thuốc tiêm natri liothyronin (chỉ để tiêm tĩnh mạch)

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Viên nén natri liothyronin để uống: 5 microgam; 25 microgam; 50 microgam (liothyronin base).
  • Thuốc tiêm natri liothyronin (chỉ để tiêm tĩnh mạch): 10 microgam (liothyronin base) trong 1 ml.

Điều kiện bảo quản

Bảo quản viên nén liothyronin natri trong lọ kín, ở nhiệt độ dưới 40oC, tốt nhất là ở 15 - 30oC. Bảo quản thuốc tiêm liothyronin natri ở 2 - 8oC.

Chỉ định/Chống chỉ định

Chỉ định

  • Liothyronin được chỉ định khi cần có tác dụng nhanh như trong:
  • Hôn mê do giảm năng tuyến giáp.
  • Chuẩn bị người bệnh để dùng liệu pháp 131I để điều trị ung thư tuyến giáp.
  • Ðược dùng làm test ức chế triiodothyronin để chẩn đoán người nghi tăng hoạt động do tuyến giáp và để quyết định điều trị tăng năng giáp. Giảm năng tuyến giáp tốt nhất là được điều trị thay thế bằng levothyroxin mà không dùng liothyronin.

Chống chỉ định

Suy vỏ tuyến thượng thận chưa điều trị, suy tuyến yên chưa điều trị, nhiễm độc do tuyến giáp chưa điều trị.

Liều dùng và cách dùng

20 - 25 microgam natri liothyronin tương đương xấp xỉ 100 microgam natri thyroxin (levothyroxin).

Phải hiệu chỉnh liều theo từng người bệnh dựa trên đáp ứng lâm sàng, test sinh hóa và phải giám sát đều đặn.

Người lớn giảm năng tuyến giáp:

Liều uống ban đầu thông thường: 10 - 20 microgam mỗi ngày, đối với người cân nặng 70 kg. Liều này thường phải tăng tới 80 - 100 microgam/24 giờ để đạt được kết quả mong muốn. Liều được chia làm 2 - 3 lần/ngày.

Liều duy trì thông thường: 25 - 50 microgam/ngày.

Người cao tuổi giảm năng tuyến giáp:

Ðối với người cao tuổi, người bị bệnh tim mạch hoặc với người bị giảm năng tuyến giáp nặng lâu ngày, điều trị phải từ từ hơn, dùng liều ban đầu thấp hơn (2,5 - 5 microgam/ 24 giờ), liều tăng nhỏ hơn và khoảng cách giữa các lần tăng thuốc cũng dài hơn khi cần.

Trẻ nhỏ và trẻ em:

Levothyroxin là thuốc thường được chọn để dùng. Nhưng liothyronin cũng đã được dùng trong giảm năng tuyến giáp bẩm sinh với liều: 5 microgam, ngày 1 lần. Cách 3 - 4 ngày tăng một lần, mỗi lần tăng 5 microgam/ngày, cho tới khi đạt kết quả mong muốn.

Hôn mê phù niêm:

Người lớn tiêm tĩnh mạch chậm liều ban đầu 5 - 20 microgam, lặp lại nếu cần, thường cách nhau 12 giờ. Nếu người bệnh đã biết hoặc nghi ngờ mắc bệnh tim: 
5 - 20 microgam. Liều bổ sung phải cho ít nhất 4 giờ sau liều đầu tiên nhưng không quá 12 giờ giữa các liều để tránh giao động nồng độ thuốc. Cũng cần cho cả corticosteroid.

Dùng liệu pháp uống ngay khi tình trạng người bệnh đã ổn định và có thể uống được thuốc. Bắt đầu bằng uống liều thấp, sau khi ngừng tiêm tĩnh mạch.

Bướu giáp đơn thuần ở người lớn:

Liều thông thường ban đầu: 5 microgam/ngày. Cách 1 - 2 tuần, tăng thêm 5 - 10 microgam/ngày, cho tới khi đạt liều 25 microgam/ngày. Sau đó tăng thêm 12,5 hoặc 25 microgam/ngày, cách 1 - 2 tuần, cho tới khi đạt kết quả mong muốn.

Liều duy trì: Uống: 50 - 100 microgam/ngày.

Thử nghiệm ức chế bằng triiodothyronin:

Cho uống 75 - 100 microgam liothyronin mỗi ngày, trong 5 - 7 ngày. Xác định lượng iod phóng xạ I131 hấp thu trước và sau đợt uống liothyronin nói trên. Với người bệnh tăng năng tuyến giáp, lượng iod phóng xạ hấp thu sẽ không thay đổi đáng kể, trái lại với người có chức năng tuyến giáp bình thường, lượng iod phóng xạ hấp thu sẽ bị giảm.

Thận trọng

Ở người giảm năng tuyến giáp có suy vỏ tuyến thượng thận hoặc suy tuyến yên, phải dùng corticosteroid trước liệu pháp thay thế bằng nội tiết tố tuyến giáp, vì sự chuyển hóa nhanh chóng trở lại bình thường từ một trạng thái giảm năng tuyến giáp nặng, có thể dẫn đến suy vỏ tuyến thượng thận cấp tính và sốc. Với cùng lý do đó cũng cần dùng bổ sung corticosteroid cho người giảm năng tuyến giáp kéo dài hoặc nặng, gồm cả phù niêm.

Ở người nhồi máu cơ tim và bệnh cơ tim, dùng nội tiết tố tuyến giáp cần phải kết hợp với việc theo dõi tim cẩn thận, vì T3 cùng với angiotensin II là những yếu tố tăng trưởng rất mạnh đối với cơ tim. Sau nhồi máu cơ tim, có nguy cơ lớn phát triển suy tim. Do đó, thường dùng, ví dụ, captopril trong 1 - 2 tháng sau nhồi máu cơ tim. Tác dụng cộng hợp của liều cao T3 và angio- 
tensin II sau nhồi máu cơ tim làm tăng nguy cơ phát triển suy tim. Do đó việc sử dụng thuốc ức chế men chuyển angiotensin là rất quan trọng. Tăng năng tuyến giáp tự nó có thể gây phì đại cơ tim.

Tương tác với các thuốc khác

Dùng đồng thời cholestyramin hoặc colestipol có thể làm giảm tác dụng của liothyronin do liên kết và vì vậy làm chậm hoặc ngăn cản sự hấp thu. Phải dùng hai thuốc này cách nhau 4 - 5 giờ và theo dõi đều đặn những xét nghiệm về chức năng tuyến giáp.

Khi dùng đồng thời, liothyronin có thể làm tăng nhu cầu thuốc trị đái tháo đường; cần cẩn thận theo dõi kiểm soát đái tháo đường, đặc biệt khi bắt đầu, thay đổi hoặc ngừng điều trị với nội tiết tố tuyến giáp.

Việc sử dụng đồng thời với estrogen có thể làm tăng nhu cầu về liothyronin do tăng nồng độ globulin gắn thyroxin trong huyết thanh.

Liothyronin có thể làm tăng tác dụng của thuốc uống chống đông; cần hiệu chỉnh liều lượng thuốc uống chống đông dựa vào thời gian prothrombin.

Nội tiết tố tuyến giáp có thể làm tăng tốc độ chuyển hóa của digitalis, do đó cần tăng liều digitalis.

Tác dụng phụ

Khi quá liều hoặc tăng liều quá nhanh, có nguy cơ xảy ra những triệu chứng như khi tăng năng tuyến giáp, gồm đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim, đau thắt ngực. Những triệu chứng này liên quan trực tiếp với sự tăng nồng độ T3. Khi đó, ngừng thuốc trong 2 - 3 ngày, rồi lại tiếp tục với liều hàng ngày thấp hơn.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

Tim mạch: Ðánh trống ngực, nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim, đau ngực.

Hệ thần kinh trung ương: Tình trạng kích động, mất ngủ, sốt, nhức đầu, mất điều hòa.

Da: Rụng tóc lông.

Nội tiết và chuyển hóa: Thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt.

Tiêu hóa: Sút cân, tăng ngon miệng, ỉa chảy, co cứng cơ bụng.

Thần kinh - cơ và xương:         Ðau cơ, run bàn tay, run.

Hô hấp: Hơi thở ngắn.

Khác: Toát mồ hôi.

Dược động học/Dược lực

Dược động học

Sau khi uống, liothyronin natri hấp thu gần hoàn toàn qua đường tiêu hóa (khoảng 95%). Liothyronin có thời gian tiềm tàng rất ngắn, tác dụng xuất hiện trong vòng vài giờ. Liothyronin được chuyển vận trong máu, chỉ gắn với globulin gắn thyroxin và albumin. Chỉ có 0,5% dưới dạng tự do, không gắn với protein. Thể tích phân bố lớn hơn nhiều so với thyroxin. Liothyronin không có tác dụng tích lũy, và khi ngừng điều trị, người bệnh trở về trạng thái chuyển hóa trước điều trị trong vòng 2 - 3 ngày. Triiodothyronin được tạo thành một phần ở tuyến giáp và một phần ở gan. Vai trò của gan là chuyển đổi tetraiodothyronin thành triiodothyronin với mức độ cần thiết. Sau đó, gan cũng chuyển đổi triiodothyronin thành nhiều chất chuyển hóa không có hoạt tính, được thải trừ qua thận và phân. Bệnh thận và gan ít ảnh hưởng đến sự chuyển hóa này.

Tác dụng của liothyronin xuất hiện nhanh hơn và thời gian tác dụng ngắn hơn so với levothyroxin. Nửa đời huyết tương của liothyronin là khoảng 1 - 2 ngày và của levothyroxin là 6 - 7 ngày. Nửa đời huyết tương của liothyronin và levothyroxin giảm ở người tăng năng tuyến giáp và tăng ở người giảm năng tuyến giáp.

Sau khi tiêm tĩnh mạch một liều liothyronin natri, đáp ứng chuyển hóa có thể phát hiện được trong vòng 2 - 4 giờ và tác dụng điều trị tối đa trong vòng 2 ngày. Sau khi ngừng đợt điều trị dài ngày, tác dụng tồn tại lâu hơn sự có mặt của lượng nội tiết tố có thể phát hiện được (tới 72 giờ với liothyronin, và 1 - 3 tuần với levothyroxin).

Liothyronin có thể được ưa dùng hơn levothyroxin khi muốn có tác dụng điều trị nhanh hoặc tác dụng hết (phục hồi) nhanh, hoặc khi quá trình hấp thu ở đường tiêu hóa hoặc sự biến đổi ngoại biên từ thyroxin sang triiodothyronin bị suy giảm. Trong điều trị dài ngày, sử dụng liothyronin không thuận tiện bằng levothyroxin, vì levothyroxin có tác dụng kéo dài hơn, tạo điều kiện chuyển hóa ổn định hơn và cung cấp liên tục cho gan cơ chất T4 để sản xuất T3.

Giảm năng tuyến giáp được điều trị suốt đời bằng liệu pháp thay thế với thyroxin. Tuy nhiên, do liothyronin có tác dụng nhanh nên có thể dùng khởi đầu trong những trạng thái giảm năng tuyến giáp nặng, thí dụ hôn mê của phù niêm.

Dược lực

Các thuốc nột tiết tố tuyến giáp là những chế phẩm thiên nhiên hoặc tổng hợp chứa natri tetraiodothyronin (T4, levothyroxin) hoặc natri triiodothyronin (T3, liothyronin) hoặc cả hai. Những nội tiết tố này làm tăng tiêu thụ oxy ở phần lớn các mô của cơ thể, làm tăng tốc độ chuyển hóa cơ bản và chuyển hóa carbohydrat, lipid và protein vì thế có ảnh hưởng đến mọi cơ quan và đặc biệt quan trọng đến sự phát triển hệ thần kinh trung ương của trẻ nhỏ.

Liothyronin là T3 (triiodothyronin) có hoạt tính, gắn trực tiếp với thụ thể thyroxin trong tế bào và tác động đến nhân tế bào. Liothyronin có cùng tác dụng dược lý như thyroxin natri và các chế phẩm từ tuyến giáp, nhưng cũng có nhiều khác biệt quan trọng (xem Dược động học). Liothyronin đôi khi được dùng khi cần phải có tác dụng nhanh chẳng hạn như trong hôn mê do giảm năng giáp hoặc chuẩn bị người bệnh để dùng liệu pháp 131I để điều trị ung thư tuyến giáp. Liệu pháp thay thế dùng liothyronin lâu dài ít được dùng vì phải dùng thuốc nhiều lần, giá cao và tăng tạm thời nồng độ triiodothyronin trong huyết thanh trên mức bình thường.

Quá liều và cách xử trí

Khi dùng quá liều dài ngày, nếu xảy ra các triệu chứng tăng năng tuyến giáp, phải ngừng liothyronin trong 1 - 2 ngày, sau đó dùng lại với liều thấp hơn.

Khi quá liều cấp tính với liều lớn, nếu có thể được, làm giảm hấp thu qua đường tiêu hóa bằng cách gây nôn và sau đó điều trị triệu chứng và hỗ trợ, gồm: làm sạch dạ dày; cho thở oxy; dùng glycosid trợ tim nếu xảy ra suy tim sung huyết; điều trị các chứng sốt, giảm đường huyết hoặc mất dịch; dùng thuốc kháng adrenergic như propranolol để điều trị chứng tăng hoạt tính thần kinh giao cảm, ví dụ nhịp tim nhanh.

Khác

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Có thể giảm tỷ lệ ADR bằng cách tăng chậm liều ban đầu tới liều tối thiểu có hiệu lực. Trẻ em có thể bị rụng tóc ở những tháng đầu điều trị, nhưng không cần ngừng thuốc, tóc thường mọc lại, ngay cả khi tiếp tục dùng thuốc. Có thể giảm bớt ADR như tăng hoạt động ở trẻ em bằng dùng liều bắt đầu tương đương một phần tư liều thay thế đầy đủ, rồi mỗi tuần tăng thêm một phần tư cho tới khi đạt liều thay thế đầy đủ. Nếu xảy ra triệu chứng tăng năng tuyến giáp, ngừng thuốc trong 2 - 3 ngày trước khi dùng lại với liều thấp hơn. Nếu xảy ra ADR tim mạch, phải giảm liều liothyronin.