Thông tin cơ bản thuốc Fluvoxamine
Điều kiện bảo quản
Giữ thuốc trong hộp kín, ngoài tầm với của trẻ em. Bảo quản ở nhiệt độ phòng, nơi khô ráo, tránh nguồn nhiệt và ánh sáng trực tiếp.
Tác dụng thuốc Fluvoxamine
Chỉ định/Chống chỉ định
Chỉ định
- Ðiều trị bệnh trầm cảm và các triệu chứng của rối loạn trầm cảm.
- Ðiều trị các triệu chứng của rối loạn xung lực cưỡng bức ám ảnh (OCD).
Chống chỉ định
Quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Chống chỉ định dùng kết hợp với các chất ức chế monoamine oxidase (MAOI).
Việc điều trị bằng Fluvoxamine chỉ được bắt đầu sau 2 tuần ngưng dùng chất ức chế MAO không thuận nghịch, hoặc vào ngày tiếp theo sau khi ngưng dùng chất ức chế MAO thuận nghịch (ví dụ moclobemide). Phải cách ít nhất một tuần giữa thời điểm ngưng dùng Fluvoxamine và thời điểm khởi đầu dùng bất kỳ chất ức chế MAO nào.
Liều dùng và cách dùng
Trầm cảm
Liều khởi đầu khuyến cáo là 50mg hoặc 100mg, dùng liều đơn vào buổi tối. Tăng liều dần dần cho đến khi đạt được liều có hiệu lực. Liều có hiệu lực thông thường là 100mg/ ngày và nên được điều chỉnh theo đáp ứng của từng bệnh nhân. Liều lên đến 300mg/ ngày đã được dùng. Liều trên 150mg nên được chia thành nhiều lần uống.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thuốc chống trầm cảm phải được dùng tiếp tục trong ít nhất là 6 tháng sau khi khỏi giai đoạn trầm cảm.
Fluvoxamine maleate ở liều đơn cố định hàng ngày 100mg là liều khuyến cáo để dự phòng trầm cảm tái phát.
Rối loạn xung lực cưỡng bức ám ảnh
Liều khởi đầu khuyến cáo là 50mg/ ngày, dùng trong 3-4 ngày. Liều có hiệu lực thường từ 100 - 300mg/ ngày. Tăng liều dần dần cho đến khi đạt được liều có hiệu lực, tối đa là 300mg/ ngày đối với người lớn và 200mg/ ngày đối với thiếu niên và trẻ em từ 8 tuổi trở lên. Liều lên đến 150mg/ ngày có thể dùng như là liều đơn, tốt nhất là uống vào buổi tối. Tổng liều hàng ngày trên 150mg nên được chia thành 2 hoặc 3 lần uống.
Nếu đã đạt được đáp ứng tốt thì có thể tiếp tục điều trị với liều dùng được điều chỉnh theo từng bệnh nhân. Nếu không có cải thiện gì trong vòng 10 tuần, việc điều trị bằng Fluvoxamine nên được xem xét lại. Trong khi chưa có các nghiên cứu có hệ thống để trả lời câu hỏi nên tiếp tục điều trị Fluvoxamine trong bao lâu, rối loạn xung lực cưỡng bức ám ảnh (OCD) là một tình trạng mãn tính và nên cân nhắc tiếp tục điều trị trên 10 tuần cho những bệnh nhân đáp ứng. Việc điều chỉnh liều nên thận trọng tùy theo từng bệnh nhân để duy trì cho bệnh nhân dùng liều thấp nhất có hiệu quả. Nên đánh giá lại nhu cầu điều trị theo định kỳ. Một số bác sĩ tán thành việc kết hợp đồng thời tâm lý trị liệu hành vi đối với những bệnh nhân đã có kết quả tốt khi dùng thuốc.
Bệnh nhân bị suy gan hoặc suy thận phải khởi đầu với liều thấp và phải được theo dõi cẩn thận.
Nuốt viên Fluvoxamine maleate cùng với nước và không được nhai.
Thận trọng
Bệnh nhân bị suy gan hoặc suy thận phải khởi đầu với liều thấp và phải được theo dõi cẩn thận. Hiếm khi điều trị bằng Fluvoxamine có liên quan với tăng enzym gan, phần lớn kèm theo các triệu chứng lâm sàng. Trong những trường hợp này phải ngưng điều trị.
Mặc dù fFluvoxamine không có đặc tính gây co giật trong các nghiên cứu ở động vật thí nghiệm, cần thận trọng khi dùng thuốc này cho những bệnh nhân có tiền sử bị co giật. Nếu có các cơn động kinh xảy ra thì phải ngưng điều trị bằng Fluvoxamine.
Ðã có báo cáo trong một số rất ít trường hợp, sự phát triển hội chứng serotonin liên quan với việc điều trị bằng Fluvoxamine, đặc biệt là khi dùng kết hợp với các thuốc gây tiết serotonin khác và hội chứng này biến mất tùy theo sự ngưng thuốc và/hoặc điều trị triệu chứng.
Các dữ liệu nghiên cứu trên người cao tuổi không cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa về lâm sàng so với người trẻ khi dùng liều thông thường hàng ngày. Tuy nhiên, ở người cao tuổi việc tăng liều nên chậm hơn và phải luôn luôn thận trọng khi chuẩn liều.
Fluvoxamine có thể làm chậm nhịp tim không đáng kể (2-6 nhịp/phút).
Do còn thiếu các dữ liệu lâm sàng nên không khuyến cáo dùng Fluvoxamine để điều trị trầm cảm cho trẻ em.
Ðã có các báo cáo về chảy máu dưới da bất thường như bầm máu và ban xuất huyết do các thuốc ức chế tái thu nhận serotonin chọn lọc (SSRI). Cần thận trọng ở những bệnh nhân đang dùng các thuốc SSRI, đặc biệt là khi dùng đồng thời với những thuốc ảnh hưởng đến chức năng tiểu cầu (ví dụ các thuốc chống loạn thần không điển hình, phenothiazine, phần lớn các thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA), aspirin, các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) cũng như ở những bệnh nhân có tiền sử rối loạn chảy máu.
Thuốc có thể gây buồn ngủ. Không lái xe, sử dụng máy móc hoặc làm bất cứ việc gì đòi hỏi sự tỉnh táo cho đến khi ảnh hưởng này của thuốc chấm dứt.
Tương tác với các thuốc khác
Không được dùng phối hợp Fluvoxamine với các thuốc ức chế MAO (MAOI).
Fluvoxamine có thể kéo dài sự thải trừ các thuốc được chuyển hóa qua sự oxy hóa ở gan. Tương tác có ý nghĩa lâm sàng có thể xảy ra khi phối hợp với những thuốc có chỉ số điều trị hẹp (ví dụ warfarin, phenytoin, theophylline, cyclosporin, tacrine, methadone, clozapine và carbamazepin).
Nồng độ trong huyết tương của benzodiazepine được chuyển hóa qua oxy hóa ở gan có thể tăng lên khi dùng phối hợp với Fluvoxamine.
Ðã có báo cáo về sự gia tăng nồng độ trong huyết tương trước đây ổn định của các thuốc chống trầm cảm 3 vòng và các thuốc an thần - những chất được chuyển hóa phần lớn qua cytochrome P450 1A2, khi dùng cùng với Fluvoxamine. Không khuyến cáo dùng phối hợp những thuốc này với fFluvoxamine.
Một số trường hợp riêng lẻ nhiễm độc tim đã được báo cáo khi dùng kết hợp Fluvoxamine với thioridazine.
Trong các nghiên cứu về tương tác thuốc, nhận thấy nồng độ propranolol trong huyết tương tăng lên khi dùng đồng thời với Fluvoxamine. Vì vậy nên giảm liều propranolol khi kê đơn cùng Fluvoxamine.
Khi dùng Fluvoxamine đồng thời với warfarin trong hai tuần, nồng độ warfarin trong huyết tương tăng lên đáng kể và thời gian prothrombin kéo dài. Do đó bệnh nhân dùng thuốc chống đông máu cùng với Fluvoxamine phải được theo dõi thời gian prothrombin và điều chỉnh liều thuốc chống đông cho phù hợp.
Không có tương tác nào được ghi nhận giữa Fluvoxamine với digoxin và atenolol. Fluvoxamine được dùng kết hợp với lithium để điều trị bệnh nặng và các bệnh nhân kháng thuốc. Tuy nhiên, lithium (và có thể cả tryptophan) làm tăng tác dụng gây tiết serotonin của Fluvoxamine, vì vậy cần thận trọng khi dùng phối hợp lithium với Fluvoxamine. Các tác dụng gây tiết serotonin cũng có thể tăng lên khi Fluvoxamine được dùng phối hợp với các thuốc gây tiết serotonin khác (kể cả sumatriptan và các thuốc ức chế tái thu nhận serotonin chọn lọc-SSRI). Trong một số rất ít trường hợp điều này có thể dẫn đến hội chứng serotonin.
Cũng như với các thuốc tâm thần khác, bệnh nhân nên tránh uống rượu trong khi dùng Fluvoxamine.
Tác dụng phụ
Buồn ngủ, khó tập trung, các vấn đề về trí nhớ, hay nhầm lẫn, khô miệng, đau đầu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, táo bón, chứng khó tiêu, đầy hơi, thay đổi vị giác, giảm sự thèm ăn, giảm cân, căng thẳng, yếu ớt, đứng không vững, thay đổi ham muốn hay khả năng tình dục, tức ngực, có vấn đề với sự phối hợp, hoa mắt, ảo giác, sốt, ra mồ hôi, rối loạn, nhịp tim nhanh hoặc không đều, cứng cơ nghiêm trọng, đau, rát, tê hoặc ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân, run lắc của không kiểm soát được một phần cơ thể, phát ban, nổi mề đay, thở chậm lại hoặc khó thở, co giật, mất ý thức, chảy máu bất thường hoặc bầm tím, chảy máu mũi, nôn ra máu hoặc chất nôn trông giống bã cà phê, có hồng cầu trong phân hoặc phân có màu đen. Fluvoxamine có thể gây ra các tác dụng phụ khác. Gọi cho bác sĩ nếu bạn có bất kỳ vấn đề bất thường nào khi dùng thuốc.
Quá liều và cách xử trí
Các triệu chứng của quá liều có thể bao gồm: giãn đồng tử, đứng không vững, hoa mắt, buồn ngủ, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, khó thở, thay đổi nhịp tim, run lắc không kiểm soát được một phần cơ thể, co giật, mất ý thức. Nếu nạn nhân hôn mê hoặc không thở được, cần gọi cấp cứu ngay lập tức.
Khác
NẾU QUÊN UỐNG THUỐC
Bổ sung liều ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian giãn cách với liều tiếp theo quá ngắn thì bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc. Không dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã bị bỏ lỡ.
CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG
Duy trì chế độ ăn uống bình thường, trừ khi có chỉ định khác của bác sĩ.