Carbamide - Tác dụng thuốc và các thông tin khác đầy đủ nhất
Tra cứu thuốc chuẩn nhất

Carbamide

Thông tin cơ bản thuốc Carbamide

Dạng bào chế

Bột pha tiêm, kem, nước súc

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Bột pha tiêm 40 g;
  • Kem bôi tại chỗ 10%;
  • Nước súc, rửa 10%.

Điều kiện bảo quản

Nên pha chế urê ngay trước khi dùng, nếu dùng không hết thì phải loại bỏ. Không được tiệt trùng chế phẩm bằng nhiệt do tính không bền của urê. Dịch truyền cần đưa về nhiệt độ cơ thể. Nên bảo quản các chế phẩm kem ở dưới 25oC. Không được đựng trong các bình hợp kim.

Chỉ định/Chống chỉ định

Chỉ định

Tại chỗ: Ðiều trị da khô: Bệnh vảy cá, bệnh vảy nến, tăng dày sừng.

Lợi tiểu thẩm thấu, nhưng vì nhiều tác dụng phụ nên manitol thường được ưa dùng hơn.

Chẩn đoán in vivo nhiễm khuẩn Helicobacter pylori bằng 13C - urê.

Chống chỉ định

  • Những trường hợp quá mẫn với urê.
  • Người bệnh bị vô niệu do suy thận nặng hay không đáp ứng với liều thử thuốc qua đường tiêm tĩnh mạch; suy gan vì nếu tiêm thuốc thì có nguy cơ tăng amoniac huyết; xuất huyết nội sọ đang tiến triển.

Liều dùng và cách dùng

Trẻ em: Tiêm truyền tĩnh mạch chậm (dung dịch urê 30% trong glucose 5 - 10% hay đường đảo 10% với tốc độ không quá 4 ml/phút).

Trẻ dưới 2 tuổi: 0,1 - 0,5 g/kg thể trọng.        

Trẻ trên 2 tuổi: 0,5 - 1,5 g/kg thể trọng.        

Người lớn: Truyền tĩnh mạch chậm 1 - 1,5 g/kg thể trọng (trong 1 - 2,5 giờ); liều tối đa: 120 g/24 giờ. Áp lực nội sọ hoặc nhãn áp có thể tăng trở lại khoảng 12 giờ sau khi tiêm xong.

Kem bôi tại chỗ: 1 - 3 lần/ngày.

Ðặt âm đạo: 1 liều vào âm đạo trước khi đi ngủ, trong thời gian 2 - 4 tuần lễ.

Thận trọng

  • Không được tiêm truyền vào tĩnh mạch chi dưới của người cao tuổi. Tiêm tĩnh mạch nhanh có thể gây tan máu.
  • Không nên dùng urê ở những vùng gần mắt.
  • Thận trọng khi dùng thuốc ở mặt và những vùng da bị nứt nẻ hay bị viêm.
  • Thận trọng khi dùng thuốc đối với những người bệnh suy gan và suy thận nhẹ.

Tương tác với các thuốc khác

Urê có thể làm tăng bài tiết lithi qua thận. Có thể có tác dụng hiệp đồng với các thuốc lợi niệu khác kể cả các chất ức chế anhydrase carbonic. Arginin có thể làm tăng nitơ của urê trong máu và gây tăng kali huyết nặng ở những người bệnh bị suy thận.

Tác dụng phụ

Những tác dụng phụ phổ biến khi tiêm tĩnh mạch urê là: Ðau đầu, buồn nôn và nôn, nó có thể gây kích ứng mô, gây đau tại chỗ tiêm và có thể bị hoại tử nếu tiêm ra ngoài tĩnh mạch. Tiêm truyền tĩnh mạch chi dưới có thể gây huyết khối nông hay sâu.

Chế phẩm urê thường được pha trong dung dịch đường đảo có chứa fructose. Ðường đơn này có thể gây ra những phản ứng nghiêm trọng (hạ đường huyết, buồn nôn, nôn, run chân tay, ngất, mất phương hướng và thiểu niệu) ở những người bệnh không dung nạp fructose di truyền (thiếu hụt men aldolase).

Thuốc bôi có thể gây kích ứng da mẫn cảm.

Dược động học/Dược lực

Dược động học

Dược lực

Urê (carbamid) được dùng chủ yếu dưới dạng kem hay mỡ ở nồng độ thích hợp để làm mềm da và giúp cho da luôn giữ được độ ẩm nhất định. Cơ chế tác dụng của urê là làm gẫy các liên kết hydro bình thường của protein sừng, thông qua tác dụng hydrat hóa và tiêu keratin, thúc đẩy sự tróc vảy ở lớp sừng trong những trường hợp da bị sừng hóa và khô da (bệnh vẩy cá - ichthyosis, bệnh vẩy nến - psoriasis...). Urê cũng có tác dụng làm cho một số thuốc thấm qua da nhanh hơn - ví dụ, nó có thể làm tăng tốc độ hấp thu của hydrocortison lên gấp 2 lần so với bình thường. Chính vì vậy, người ta thường đưa thêm hydrocortison 1% vào trong thành phần của thuốc để làm tác nhân chống viêm da.

Urê (carbamid) đã từng được dùng dưới dạng dung dịch tiêm để làm thuốc lợi niệu theo cơ chế thẩm thấu, đầu tiên được sử dụng qua đường tĩnh mạch để làm giảm áp lực sọ não do phù não và giảm nhãn áp trong thiên đầu thống (glôcôm) cấp, song vì có nhiều tác dụng phụ nên cho tới nay không được dùng nữa mà thay thế bằng manitol. Dung dịch urê 40 - 50% cũng đã được dùng để tiêm vào buồng ối để kết thúc mang thai. Urê đánh dấu bằng Carbon - 13 được dùng để chẩn đoán in vivo nhiễm khuẩn Helicobacter pylori.

Trên thực tế, urê còn được dùng để chống nhiễm độc formaldehyd.

Urê được hấp thu rất nhanh qua ống tiêu hóa, nhưng đồng thời cũng gây kích ứng dạ dày - ruột. Nó bị thủy phân tạo amoniac và carbon dioxyd rồi lại được tái tổng hợp thành urê. Urê được phân bố vào các dịch ngoài và trong tế bào, bao gồm bạch huyết (lympho), mật, dịch não tủy và máu; urê có thể đi qua nhau thai và thấm được vào mắt. Urê được bài xuất nguyên dạng qua nước tiểu.

Quá liều và cách xử trí

Trong trường hợp bị đau rát tại chỗ bôi thuốc, cần phải rửa sạch kem thuốc và hỏi ý kiến thầy thuốc.

Khác

Tương kỵ

Không nên truyền urê cùng một lúc với máu toàn phần vì có thể gây tan huyết.