Antaspan 0.5 - Tác dụng thuốc và các thông tin khác đầy đủ nhất
Tra cứu thuốc chuẩn nhất

Antaspan 0.5

Tra cứu thông tin về thuốc Antaspan 0.5 trên Tủ thuốc 24h, bao gồm: công dụng, liều lượng, tác dụng phụ, tương tác thuốc...

Thông tin cơ bản thuốc Antaspan 0.5

Số đăng ký

VN-6708-08

Dạng bào chế

Viên nén

Quy cách đóng gói

Hộp 3 vỉ x 10 viên

Thành phần

Clonazepam

Điều kiện bảo quản

Giữ thuốc trong hộp kín, ngoài tầm với của trẻ em. Bảo quản ở nhiệt độ phòng, nơi khô ráo, tránh nguồn nhiệt và ánh sáng trực tiếp.

Chỉ định/Chống chỉ định

Chỉ định

Bệnh động kinh: Clonazepam dùng điều trị mọi trạng thái động kinh và co giật nhất là đối với động kinh cơn nhỏ điển hình hoặc không điển hình và đặc biệt tình trạng động kinh liên tục.

Chứng hoảng sợ: Clonazepam cũng dùng điều trị các chứng hoảng sợ có hoặc không kèm theo chứng sợ khoảng rộng.

Chống chỉ định

Clonazepam chống chỉ định đối với người bệnh có bệnh gan, bệnh glôcôm góc đóng cấp và người bệnh có tiền sử mẫn cảm với các chất benzodiazepin.

Liều dùng và cách dùng

Bệnh động kinh

Người lớn: liều khởi đầu không được dùng quá 1,5 mg/ngày, chia làm 3 lần. Liều có thể được tăng thêm từ 0,5 đến 1 mg, cứ 3 ngày một lần tăng, cho đến khi cơn động kinh đã được kiểm soát hoặc khi tác dụng không mong muốn xuất hiện ngăn cản không cho phép tăng liều nữa.

Liều duy trì vào khoảng 4 - 8 mg/ngày, chia làm 3 lần, tùy theo đáp ứng của từng người bệnh. Liều tối đa hàng ngày là 20 mg.

Trẻ còn bú và trẻ em (dưới 10 tuổi hoặc 30 kg cân nặng). Liều khởi đầu: 0,01 - 0,03mg/ kg/ ngày, chia làm 3 lần. Từng 3 ngày một, có thể tăng thêm không quá 0,25 - 0,5mg/ 24 giờ, chia 3 lần cho tới liều duy trì: 0,1 - 0,2mg/ kg/ 24 giờ, chia làm 3 lần. Liều tối đa: 0,2mg/ kg/ 24 giờ.

Clonazepam đôi khi cũng được dùng để thay thế các thuốc benzodiazepin khác trong xử trí cấp cứu trạng thái động kinh liên tục; liều thường dùng là 1 mg tiêm tĩnh mạch chậm trong vòng 30 giây; với trẻ em dùng liều 500mg. Ðã dùng tới 3mg hòa trong 250ml dung môi thích hợp để tiêm truyền tĩnh mạch chậm.

Chứng hoảng sợ

Người lớn: Liều khởi đầu là 0,25mg x 2 lần/ ngày. Ðối với phần lớn người bệnh, liều có thể tăng đến 1mg/ ngày, sau 3 ngày.

Trẻ còn bú và trẻ em: Chưa có kinh nghiệm sử dụng lâm sàng clonazepam trong điều trị chứng hoảng sợ với người bệnh dưới 18 tuổi.

Khi ngừng điều trị phải giảm từ từ, cứ 3 ngày giảm 0,125mg, cho tới khi dừng hẳn.

Thận trọng

Ðối với glôcôm góc mở đang được điều trị.

Ðối với người bệnh có rối loạn chức năng thận (để tránh tích tụ các chất chuyển hóa của clonazepam) hoặc có bệnh hô hấp (vì thuốc gây tăng tiết nước bọt và có khả năng ức chế hô hấp).

Thận trọng khi ngừng điều trị clonazepam ở người bệnh động kinh. Ngừng clonazepam đột ngột ở người bệnh đang điều trị clonazepam dài hạn liều cao có thể gây trạng thái động kinh, do đó việc ngừng clonazepam phải được tiến hành từng bước và đồng thời có thể chỉ định một thuốc chống co giật khác thay thế.

Do clonazepam có khả năng làm suy giảm khả năng phán đoán tư duy hoặc vận động nên người bệnh dùng thuốc cần thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc.

Khi dùng thuốc cho những người bệnh có động kinh phức hợp thì clonazepam có thể làm gia tăng tỷ lệ xuất hiện hoặc thúc đẩy xuất hiện nhanh các cơn động kinh co giật toàn bộ. Trong trường hợp này, cần sử dụng thêm các thuốc chống co giật khác hoặc tăng liều lượng thuốc. Sử dụng đồng thời cả 2 thuốc acid valproic và clonazepam có thể làm xuất hiện động kinh liên tục cơn vắng.

Tương tác với các thuốc khác

Sử dụng clonazepam đồng thời với những thuốc gây cảm ứng cytochrom gan P450 như phenytoin và phenobarbital có thể làm tăng chuyển hóa của clonazepam và làm giảm nồng độ thuốc trong huyết tương. Tác dụng ức chế thần kinh trung ương của clonazepam cũng như của các thuốc benzodiazepin khác tăng lên khi sử dụng rượu, thuốc gây mê, thuốc ngủ, thuốc giải lo, thuốc chống loạn thần, thuốc ức chế monoamin oxydase (IMAO) và các thuốc chống co giật khác. Tuy chưa có nghiên cứu lâm sàng, nhưng dựa trên mối liên quan của cytochrom P450 3A với chuyển hóa clonazepam, các chất ức chế hệ thống enzym này, đặc biệt các thuốc chống nấm loại uống, phải được dùng thận trọng cho người bệnh đang dùng clonazepam.

Clonazepam không làm thay đổi dược động học của các thuốc phenytoin, carbamazepin, hoặc phenobarbital.

Tác dụng phụ

Buồn ngủ, hoa mắt, đứng không vững, có vấn đề về phối hợp, khó suy nghĩ, giảm trí nhớ, tăng tiết nước bọt, đau cơ hoặc đau khớp, đi tiểu thường xuyên, mờ mắt, thay đổi ham muốn hoặc khả năng tình dục, phát ban, nổi mề đay, sưng mắt, mặt, môi, lưỡi hoặc họng, khó thở hoặc khó nuốt, khàn tiếng, khó thở. Cần gặp bác sĩ nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng.

Dược động học/Dược lực

Dược động học

Dùng đường uống, clonazepam được hấp thụ nhanh và hoàn toàn. Khả dụng sinh học tuyệt đối của clonazepam khoảng 90%. Sau khi uống thuốc 1 đến 4 giờ, nồng độ clonazepam trong huyết tương đạt mức tối đa. Có 86 ± 0,5% thuốc ở dạng kết hợp với protein huyết tương. Thuốc được chuyển hóa nhiều trong cơ thể, bài tiết qua nước tiểu và không quá 1 - 2% ở dạng chưa chuyển hóa. Chất chuyển hóa chính của thuốc là 7 - aminoclonazepam, không có hoạt tính. Nửa đời thải trừ của clonazepam là 30 - 40 giờ.

Dược lực

Clonazepam là một benzodiazepin có cấu trúc hóa học tương tự diazepam, có tác dụng mạnh chống co giật. Trên động vật thực nghiệm, clonazepam có tác dụng phòng ngừa cơn động kinh do tiêm pentylentetrazol gây nên. Giống như những chất benzodiazepin khác, clonazepam ngăn chặn sự lan rộng của các cơn động kinh đã được khơi dậy và các cơn động kinh toàn bộ do kích thích vùng hạnh nhân của não, nhưng không thể xoá bỏ được sự phóng lực bất thường ở vị trí kích thích. Phù hợp với những nhận xét trên động vật thí nghiệm, clonazepam có tác dụng chống động kinh trên người bệnh với nhiều thể loại khác nhau. Cũng như các chất benzodiazepin khác, tác dụng chống động kinh của clonazepam chủ yếu do khả năng tăng cường tác dụng của acid gamma aminobutyric (GABA) là chất dẫn truyền thần kinh ức chế chủ yếu của hệ thần kinh trung ương.

Quá liều và cách xử trí

Buồn ngủ, nhầm lẫn, hôn mê. Nếu nạn nhân hôn mê hoặc không thở được, cần gọi cấp cứu ngay lập tức.

Khác

NẾU QUÊN UỐNG THUỐC
Bổ sung liều ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian giãn cách với liều tiếp theo quá ngắn thì bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc. Không dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã bị bỏ lỡ.

CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG
Không ăn bưởi và uống nước ép bưởi khi dùng thuốc này.