Bong gân là gì? Triệu chứng bong gân? Bị bong gân phải làm sao?
Tra cứu thuốc chuẩn nhất
Trang chủ Bệnh 360° Bệnh Người Lớn

Bong gân là gì? Triệu chứng bong gân? Bị bong gân phải làm sao?

Bạn lo lắng vì bị bong gân cổ chân? Vậy làm cách làm để chữa trị một cách hiệu quả mà kịp thời nhất, hãy cùng tìm hiểu nội dung bài viết sau.

Bong gân khớp cổ chân là vị trí thường gặp, phổ biến trong các chấn thương trên cơ thể. Tùy theo mức độ nặng nhẹ sẽ có cách điều trị khác nhau. Vì thế, hãy cùng Tuthuoc24 tìm hiểu về loại chấn thương này và cách điều trị.

Thế nào là bong gân khớp cổ chân?

Đây là chấn thương xảy ra khi các dây chằng tại vị trí cổ chân bị giãn quá mức, gây ra các vết rách một phần hoặc toàn bộ dây chằng do tác động của lực chấn thương. Hiện tượng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, với các mức độ tổn thương khác nhau từ nhẹ đến nặng, phụ thuộc vào mức độ tổn thương dây chằng. Thông thường, bong gân khớp cổ chân sẽ xảy ra chủ yếu ở hệ thống dây chằng bên ngoài, nghĩa là nằm ngoài khớp.

Hình minh hoạ bong gân cổ chân
Hình minh hoạ bong gân cổ chân

Đối với các trường hợp bong gân khớp cổ chân ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể tự điều trị, tự chăm sóc tại nhà bằng các phương pháp như chườm đá, nghỉ ngơi, hạn chế đi lại. Tuy nhiên với trường hợp bong gân khớp cổ chân ở mức độ vừa và nặng, cần đến bệnh viện điều trị kịp thời, tránh tự ý áp dụng các phương pháp dân gian, vì có thể dẫn đến bong gân mãn tính cùng với hiện tượng sưng đau dai dẳng khớp cổ chân, khớp lỏng, dễ chấn thương tái phát. Khi các hiện tượng này lâu dài, người bệnh đối mặt những khó khăn trong việc lao động, sinh hoạt và cuộc sống hằng ngày.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bong gân khớp cổ chân

Bong gân khớp cổ chân có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân
Bong gân khớp cổ chân có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân

Một số nguyên nhân được cho dễ dẫn đến bong gân khớp cổ chân là:

  • Đi bộ hoặc tập thể dục trên nền đất có bề mặt mấp mô.
  • Ngã cao bàn chân tiếp đất. 
  • Chơi các môn thể thao đòi hỏi các động tác cắt hoặc lăn và xoắn chân như chạy bộ đường dài, bóng rổ, quần vợt, bóng đá…
  • Tai nạn giao thông.
  • Sụt chân xuống hố.
  • Phụ nữ thường xuyên đi giày cao gót, hoặc mang giày thể thao không vừa chân.
  • Đã từng bị bong gân trước đó.

Dấu hiệu nhận biết tình trạng bong gân cổ chân

Những dấu hiệu giúp bạn nhận biết khi bị bong gân gồm:

  • Nghe thấy tiếng trật chân hoặc cảm nhận được dây chằng bị rách vào lúc bị chấn thương. Với những người ở mức độ nặng, có thể nghe thấy tiếng “rắc” to và rõ ràng, sau đó chân mất cảm giác như bị gãy xương.
  • Xuất hiện cảm giác đau đớn kéo dài khi di chuyển hoặc chuyển động cổ chân.
  • Đặc biệt với những chấn thương nặng, cơn đau càng dữ dội hơn. 
  • Cổ chân phù nề, bầm tím, căng mọng và khó gập lại.
  • Cảm thấy bàn chân tê hoặc liệt nguyên nhân bắt nguồn từ tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu.

Tùy vào cơ địa và vết thương của từng người; bạn nên đến gặp bác sĩ để nhận tư vấn và điều trị trước khi tự chăm sóc tại nhà.

Các phương pháp điều trị bong gân cổ chân

Xác định mức độ bong gân

Đầu tiên, các bác sĩ cần chuẩn đoán mức độ bong gân của bạn dựa vào các biểu hiện sau:

Nhẹ - Mức độ 1 : Có biểu hiện sưng nề nhẹ quanh mắt cá chân. Nghĩa là các dây chằng bị kéo giãn nhẹ, tổn thương ở mức độ vi thể trên các sợi xơ. 

Có 3 mức độ bong gân
Có 3 mức độ bong gân

Trung bình - Mức độ 2 : Đây là mức độ người bệnh được xác định là đứt một phần dây chằng. Lúc xung quanh khớp cổ chân, xuất hiện tình trạng sưng nề mức độ vừa phải, có cảm giác mất vững khớp cổ chân khi thăm khám.

Nặng - Mức độ 3 : Trường hợp này người bệnh đã đứt hoàn toàn dây chằng. Lúc này toàn bộ khớp cổ chân trở nên sưng nề, bầm tím và cảm giác khớp cổ chân mất vững rõ ràng khi thăm khám.

Các kĩ thuật để chuẩn đoán mức độ bong gân

Bác sĩ sẽ trao đổi với người bệnh quá trình bị thương và kiểm tra cổ chân để xác định chấn thương dây chằng ở mức độ nào. Để kết luận chính xác, bác sĩ có thể sử dụng một trong hai phương pháp sau:

Chụp phim X-quang

Phương pháp này có thể thấy hình ảnh gián tiếp của tổn thương dây chằng như tổn thương dây chằng bên mác hoặc tổn thương dây chằng delta bên chầy. Không có sự thay đổi cấu trúc xương.

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Khi mức độ tổn thương nặng, có tổn thương sụn khớp hoặc lúc cổ chân hết giai đoạn sưng nề; bệnh nhân sẽ được chỉ định chụp MRI.

Điều trị bong gân như thế nào?

Hình ảnh minh hoạ điều trị bệnh
Hình ảnh minh hoạ điều trị bệnh

Đa phần các trường hợp bong gân không cần phẫu thuật cho dù là mức độ nhẹ cho đến nặng. Có 3 bước cơ bản cần tuân thủ khi điều trị bong gân:

  • Người bệnh cần nghỉ ngơi, không hoạt gì tại chỗ để giảm sưng nề. 
  • Tập luyện các bài tập bổ trợ phù hợp để sớm lấy lại biên độ vận động của khớp, tăng cường sức mạnh cho cơ.
  • Tiếp tục tập luyện, cho đến khi dây chằng thích nghi và trở về các hoạt động sinh hoạt bình thường hàng ngày.

Thời gian tiến hành quá trình này là 3 tuần đối với bong gân mức độ nhẹ, 6-12 tuần đối với bong gân mức độ vừa và nặng.

Khi bị bong gân, bạn có thể áp dụng các biện pháp cụ thể sau đây:

  • Chườm đá ngay lập tức tránh để chân sưng to ngay lập tức. Nhớ không chườm trực tiếp nên dùng túi đá hoặc bọc qua một lớp khăn. Trong 72 tiếng sau khi bị thương, không được chườm nóng vì sẽ khiến sưng nhiều hơn.

 

chườm nước đá để khắc phục tình trạng
Chườm nước đá để khắc phục tình trạng
  • Dùng băng chun để băng ép nhẹ xung quanh khớp cổ chân hoặc dùng thanh nẹp cổ chân lại.
  • Kê chân lên cao, đặc biệt trong 48 giờ đầu nên để chân cao hơn tim.
  • Sử dụng thuốc kháng viêm không kê toa (ibuprofen), hoặc thuốc giảm đau, giảm phù nề (alphachoay) để giúp giảm bớt sưng và cảm giác đau tấy.
  • Cổ chân cần được nghỉ ngơi, hạn chế không đi lại lúc bị thương, nếu bắt buộc phải hoạt động nên sử dụng nạng.
  • Kết hợp tập vật lý trị liệu để làm khỏe cơ, giúp hồi phục và tránh bị chấn thương lại.

Những thói quen trong sinh hoạt giảm nguy cơ bong gân khớp cổ chân

Duy trì thói quen tốt trong sinh hoạt sẽ giúp bảo vệ dây chằng, hạn chế nguy cơ bong gân:

  • Nhớ sử dụng miếng bảo vệ cổ chân khi chơi thể thao trong trường hợp thường xuyên bị bong gân.
  • Khởi động kỹ trước khi chơi thể thao hoặc hoạt động thể lực khác.
  • Đi giày thể thao theo đúng mục đích sử dụng. 
  • Chú ý cẩn thận khi bước, chạy, nhảy trên nền mấp mô. 
  • Giảm hoặc dừng chơi thể thao khi có tình trạng đau khớp cổ chân.

 

Cẩn trọng khi chơi thể thao
Cẩn trọng khi chơi thể thao
  • Duy trì vóc dáng vừa vặn, vì thừa cân có thể gây nên áp lực cho cổ chân. 
  • Uống thuốc và sử dụng nạng trong sinh hoạt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Nghỉ ngơi, tránh đi lại, chườm đá mỗi ngày 3-4 lần, kê cao chân và tập vật lý trị liệu.
  • Nếu bạn không thể đi lại bằng chân bị thương, vẫn không hết sưng sau 2 ngày hoặc cảm thấy sưng nhiều hơn, hay cổ chân trở nên đỏ và nóng, có hiện tượng sốt hoặc phát hiện mắt cá chân có vấn đề, hay có các biểu hiện sau bàn chân bị liệt, tê, có màu sậm, ngón chân lạnh (hiện tượng máu không tuần hoàn) hãy liên hệ với bác sĩ điều trị ngay lập tức.
  • Đến gặp bác sĩ nếu tình trạng bong gân không thấy có cải thiện trong 7-10 ngày sau chấn thương.

Những chú ý trong quá trình bị bong gân

1/ Đối với các trường hợp bong gân mức độ vừa và nặng, bên cạnh việc giảm đau, chườm đá hay kê cao chân, người bệnh còn phải bất động. Đó chính là bác sĩ sẽ cố định bằng bột từ 1/3 trên cẳng chân xuống bàn ngón chân trong khoảng thời gian tối thiểu 3 tuần. Sau khi tháo bột là giai đoạn tập luyện.

2/ Mặc dù bong gân không cần phẫu thuật, nhưng các trường hợp nặng, điều trị bảo tồn không hiệu quả, khớp cổ chân mất vững, có thể cần phẫu thuật nội soi. Bác sĩ sẽ sử dụng các lỗ vào mặt trước khớp cổ chân, đưa camera vào khớp, sau đó quan sát diện khớp, và lấy bỏ các mảnh bong sụn khớp (chuột khớp) nếu có. Cuối cùng khâu phục hồi dây chằng hoặc tạo hình lại dây chằng bằng các mảnh ghép từ gân cơ tự thân.

3/ Phần lớn khớp cổ chân sẽ trở lại cơ năng bình thường, nếu được điều trị đúng. Vì thế, tập luyện sau khi bó bột là quá trình quan trọng trong phục hồi chức năng khớp. Nếu tập luyện không tốt có thể dẫn đến cứng khớp và dễ tái phát chấn thương.

Tóm lại, khi bị bong gân cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra chấn thương cũng như nhận tư vấn về phương pháp chăm sóc, điều trị và bảo vệ vết thương giúp nhanh chóng hồi phục. Hi vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn kiến thức về việc chữa bong gân khớp cổ chân. Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh, hạn chế các chấn thương.

TuThuoc24h