Lycoplan 200mg - Tác dụng thuốc và các thông tin khác đầy đủ nhất
Tra cứu thuốc chuẩn nhất

Lycoplan 200mg

Tra cứu thông tin về thuốc Lycoplan 200mg trên Tủ thuốc 24h, bao gồm: công dụng, liều lượng, tác dụng phụ, tương tác thuốc...

Thông tin cơ bản thuốc Lycoplan 200mg

Số đăng ký

VN-12159-11

Dạng bào chế

Bột đông khô pha tiêm

Quy cách đóng gói

Hộp 1 lọ + 1 ống nước cất pha tiêm 5ml

Dạng thuốc và hàm lượng

Lọ chứa 200mg hoặc 400mg teicoplanin đông khô và không chứa chất bảo quản. Mỗi lọ kèm theo một ống dung môi (nước cất pha tiêm).

Điều kiện bảo quản

Cần bảo quản những lọ teicoplanin đông khô ở nhiệt độ dưới 25 độ C, tránh nóng và ánh sáng. Thuốc đã pha nên dùng ngay và loại bỏ phần còn thừa.

Chỉ định/Chống chỉ định

Chỉ định

  • Teicoplanin phải được dùng hạn chế như một kháng sinh dự trữ, chỉ dành cho những trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng đã bị kháng nhiều thuốc.
  • Teicoplanin được chỉ định trong các trường hợp nhiễm khuẩn Gram dương trầm trọng bao gồm viêm tủy xương và viêm màng trong tim gây nên bởi Staphylococcus aureus nhạy cảm và kháng methicilin, Streptococcus, cầu khuẩn đường ruột (Enterococcus), viêm màng bụng liên quan đến thẩm tách phúc mạc và nhiễm khuẩn nặng do Staph.aureus; trong dự phòng viêm màng trong tim và phẫu thuật chỉnh hình có nguy cơ nhiễm các vi khuẩn Gram dương; trong trường hợp nghi ngờ nhiễm khuẩn ở những người bệnh có giảm bạch cầu trung tính hoặc bị bệnh suy giảm miễn dịch. Có thể dùng teicoplanin thay thế cho vancomycin trong điều trị nhiễm khuẩn Gram dương nặng.

Chống chỉ định

Quá mẫn với teicoplanin

Liều dùng và cách dùng

Teicoplanin được tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch chậm trên 30 phút hoặc tiêm bắp.

  • Liều thường dùng là 400mg, hoặc 6mg/kg thể trọng tiêm tĩnh mạch trong ngày đầu, những ngày điều trị sau đó dùng 200mg, hoặc 3mg/kg, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Trong nhiễm khuẩn nặng hơn, tiêm tĩnh mạch 400mg/12 giờ cho 3 liều đầu, sau đó dùng liều duy trì 400mg/ngày. Ðôi khi dùng liều cao tới 12mg/kg/ngày.
  • Trẻ em trên 2 tháng tuổi: Tiêm truyền tĩnh mạch, 10mg/kg/12 giờ cho 3 liều đầu tiên, sau đó dùng 6mg/kg/ngày (những trẻ em nhiễm khuẩn nặng hoặc giảm bạch cầu trung tính dùng liều 10mg/kg/ngày), những liều sau có thể dùng theo đường tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp một lần mỗi ngày (nhưng tiêm tĩnh mạch thích hợp với trẻ em hơn).
  • Trẻ sơ sinh: Truyền tĩnh mạch trong 30 phút, liều ban đầu 16mg/kg, sau đó 8mg/kg, một lần mỗi ngày.
  • Trường hợp dự phòng trong phẫu thuật chỉnh hình: Tiêm tĩnh mạch 400mg vào lúc gây cảm ứng trước gây mê.
  • Người bệnh suy thận: Liều dùng cần được điều chỉnh. Chế độ điều trị như bình thường trong 3 ngày đầu, sau đó dùng 1/2 liều bình thường, ở người bệnh suy thận nhẹ (độ thanh thải creatinin giữa 40 - 60ml/phút) và 1/3 liều bình thường ở người bệnh có dấu hiệu nặng hơn (độ thanh thải creatinin dưới 40ml/phút). Có thể lựa chọn cách dùng sau: Ðiều chỉnh bằng cách sử dụng liều bình thường nhưng cách 2 hoặc 3 ngày mới dùng một lần.
  • Bệnh viêm màng trong tim: Nhìn chung có tác dụng tốt, nhưng có những kết quả hơi khác nhau khi dùng teicoplanin để điều trị viêm màng trong tim do nhiễm vi khuẩn Gram dương: liều dùng lên tới 14mg/kg/ngày, hoặc cao hơn. Một nghiên cứu đã kết luận rằng để có kết quả điều trị, cần đạt được nhanh chóng nồng độ đỉnh trong huyết tương tới 40 - 50microgam/ml. Liều độc nhất 400mg, tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch, có thể đủ để dự phòng viêm màng trong tim ở người bệnh chữa răng, nhưng không có tác dụng dự phòng ở người bệnh phẫu thuật tim.

Thận trọng

  • Nên dùng thận trọng teicoplanin với người bệnh quá mẫn với vancomycin vì quá mẫn chéo có thể xảy ra. Ðã gặp giảm tiểu cầu khi dùng teicoplanin, đặc biệt với liều cao hơn liều thường dùng. Nên định kỳ kiểm tra huyết học, gan, thận trong quá trình điều trị.
  • Cần kiểm tra chức năng tai, thận khi điều trị lâu dài cho người bệnh suy thận và chỉnh liều nếu cần.

Tương tác với các thuốc khác

Teicoplanin khi phối hợp với các kháng sinh nhóm aminoglycosid không làm tăng độc với thính giác hoặc thận. Vì vậy, teicoplanin phối hợp với gentamicin được dùng thay thế vancomycin và gentamicin trong dự phòng bệnh viêm màng trong tim.

Tác dụng phụ

Tác dụng không mong muốn chủ yếu đã được biết khi sử dụng teicoplanin là ban da, gặp nhiều hơn khi dùng liều cao. Phản ứng quá mẫn, sốt do thuốc và giảm bạch cầu trung tính cũng đã được ghi nhận; cũng có khi gây điếc nhưng hiếm.

Thường gặp, ADR > 1/100

Toàn thân: Sốt.

Da: Ban da.

Khác: Ðau ở nơi tiêm.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

Máu: Tăng bạch cầu ưa acid, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, tăng tiểu cầu.

Tuần hoàn: Viêm tĩnh mạch huyết khối.

Hô hấp: Co thắt phế quản.

Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, ỉa chảy.

Thần kinh trung ương: Ðau đầu, chóng mặt.

Da: Ngứa, mày đay.

Gan: Tăng transaminase và phosphatase kiềm.

Niệu - sinh dục: Tăng creatinin huyết thanh.

Cơ quan khác: Mất khả năng nghe.

Hiếm gặp, ADR < 1/1000

Toàn thân: Phản ứng phản vệ.

Máu: Giảm bạch cầu trung tính.

Da: Hội chứng Lyell, tróc vảy.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Ở những trường hợp vừa và nặng, cần bổ sung dịch, chất điện giải và protein.

Dược động học/Dược lực

Dược động học

Teicoplanin được hấp thu nhanh và nhiều từ các cơ và khoang phúc mạc nhưng lại ít được hấp thu từ đường tiêu hóa. Phần lớn thuốc được thải trừ ở dạng không đổi qua lọc cầu thận. Ở người chức năng thận bình thường, nửa đời của pha đầu, thứ hai và cuối cùng tương ứng là 35 phút, 10 giờ và 87 giờ. Nửa đời của thuốc dài, nên cho phép dùng 1 liều/ngày. Thể tích phân bố ở giai đoạn ổn định là 0,86 lít/kg. Ðộ thanh thải là 0,0114 lít/giờ/kg và độ thanh thải thận là 0,0083 lít/giờ/kg. Teicoplanin liên kết cao với albumin trong huyết tương (tỷ lệ không kết hợp = 0,1) và trong các mô. Ðộ thanh thải thận giảm ở những người bệnh có suy thận. Teicoplanin vào trong dịch não tủy chậm và ít, nhưng vào hoạt dịch, dịch phổi và mô mềm tương đối nhanh và hiệu quả.

Dược lực

Teicoplanin là kháng sinh glycopeptid dùng để điều trị các nhiễm khuẩn Gram dương hiếu khí và yếm khí nặng. Thuốc là hỗn hợp của 5 thành phần có cấu trúc tương tự nhau do Actinoplanes teicomyceticus sản sinh ra. Teicoplanin có cấu trúc hóa học, cơ chế tác dụng, phổ tác dụng và đường thải trừ (thải trừ chủ yếu qua thận) tương tự vancomycin.

Teicoplanin ức chế tổng hợp vỏ tế bào và chỉ có tác dụng chống vi khuẩn Gram dương; teicoplanin là một kháng sinh dự trữ nên phải được dùng hạn chế. Thuốc chỉ được dùng để chữa những bệnh nhiễm khuẩn nặng và tại bệnh viện chuyên khoa. Teicoplanin là thuốc diệt khuẩn mạnh đối với các chủng nhạy cảm, trừ cầu khuẩn đường ruột. Thuốc có tác dụng đối với tụ cầu nhạy cảm và kháng methicilin với nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) < 4 microgam/ml. MIC đối với Listeria monocytogenes, Corynebacterium spp., Clostridium spp., và cầu khuẩn kỵ khí Gram dương là từ 0,25 đến 2 microgam/ml. Streptococcus non - viridans (không viridans) và viridans, Strep. pneumoniae, cầu khuẩn đường ruột bị ức chế bởi teicoplanin ở khoảng nồng độ từ 0,01 đến 1 microgam/ml. Tuy nhiên, không nên dùng teicoplanin để điều trị nhiễm khuẩn do các vi khuẩn đó gây ra, trừ những trường hợp vi khuẩn đã kháng nhiều thuốc và gây bệnh toàn thân trầm trọng. Cần đặc biệt chú ý, một số chủng loại Streptococcus cả loại coagulase âm tính và dương tính cũng như cầu khuẩn đường ruột và một số vi khuẩn khác tự thân đã kháng vancomycin (ví dụ: Lactobacillus spp. và Leuconostoc spp.) thì cũng hoàn toàn kháng với teicoplanin.

Cơ chế kháng teicoplanin của các chủng Streptococcus chưa rõ, nhưng kháng thuốc có thể xảy ra ở các chủng đã nhạy cảm trong quá trình điều trị trước đó. Cầu khuẩn đường ruột kháng vancomycin theo kiểu van A thì cũng kháng teicoplanin, vì hai thuốc có cơ chế kháng thuốc giống nhau: Làm biến đổi đích tác dụng trên vỏ tế bào để các glycopeptid không liên kết được. Những chủng cầu khuẩn đường ruột kháng thuốc kiểu van B thường nhạy cảm với teicoplanin vì teicoplanin là một chất cảm ứng kém với các enzym chịu trách nhiệm biến đổi thành tế bào. Chủng van C của cầu khuẩn đường ruột nhạy cảm với teicoplanin nhưng thường lại không gây bệnh cho người.

Hiệu lực của teicoplanin chống lại S. aureus được tăng cường bằng cách phối hợp với một aminoglycosid có tác dụng hiệp đồng (ví dụ: gentamicin 1mg/kg, cách 8 giờ dùng 1 lần với những người bệnh có chức năng thận bình thường).

Quá liều và cách xử trí

Teicoplanin không loại được bằng lọc máu. Ðiều trị triệu chứng khi quá liều. Không thấy có các triệu chứng hay xét nghiệm bất thường nào, mặc dù nồng độ cao của teicoplanin trong huyết tương lên tới 300mg/lít.