Thông tin cơ bản thuốc Levonorgestrel (đặt trong tử cung)
Dạng thuốc và hàm lượng
Ðặt trong tử cung: Giải phóng 20 microgam levonorgestrel/24 giờ.
Điều kiện bảo quản
Bảo quản ở nhiệt độ trong phòng 20 - 250C.
Tác dụng thuốc Levonorgestrel (đặt trong tử cung)
Chỉ định/Chống chỉ định
Chỉ định
Dùng để tránh thai và dùng điều trị chứng rong kinh vô căn.
Chống chỉ định
Levonorgestrel (đặt trong tử cung) chống chỉ định với người có nhiễm khuẩn đường sinh dục, có u ác tính tử cung hoặc nghi có rối loạn chảy máu tử cung chưa rõ nguyên nhân, tử cung có khuyết tật, bệnh gan cấp tính, u gan, viêm tĩnh mạch huyết khối hoặc bệnh huyết khối tắc mạch thể hoạt động.
Liều dùng và cách dùng
Ðặt dụng cụ sau khi kinh nguyệt xuất hiện 7 ngày. Khi muốn thay đổi từ một phương pháp tránh thai an toàn khác sang sử dụng đặt levonorgestrel trong tử cung thì việc đặt đó có thể thực hiện ở bất cứ thời điểm nào của chu kỳ kinh nguyệt. Sau 5 năm, dụng cụ đặt trong tử cung phải được thay cái mới.
Thận trọng
Levonorgestrel phải dùng thận trọng ở người có bệnh gan, động kinh, bệnh van tim và ở người có tăng nguy cơ chửa ngoài tử cung và bệnh đái tháo đường.
Tương tác với các thuốc khác
Những thuốc cảm ứng enzym gan như barbiturat, primidon, phenobarbiton, phenytoin, phenylbutazon, rifampicin, carbamazepin và griseofulvin có thể làm tổn hại đến hiệu lực tránh thai của levonorgestrel. Ðối với những phụ nữ đang dùng thuốc cảm ứng enzym gan điều trị dài ngày phải dùng một phương pháp ngừa thai khác.
Tác dụng phụ
Rối loạn kinh nguyệt xuất hiện ở gần 30% phụ nữ dùng dụng cụ đặt levonorgestrel trong tử cung.
Thường gặp, ADR > 1/100
Toàn thân: Thay đổi thân trọng, đau lưng và đau xuất phát từ tử cung.
Nội tiết: Phù, vú căng.
Thần kinh trung ương: Nhức đầu, trầm cảm.
Tiêu hóa: Buồn nôn.
Tiết niệu - sinh dục: Chảy máu âm đạo (chảy máu kéo dài, hoặc thường xuyên chảy máu thấm giọt), nang buồng trứng có hồi phục.
Da: Trứng cá.
Hiếm gặp, ADR < 1/1000
Thần kinh trung ương: Giảm tình dục.
Nội tiết: Rậm lông, ra mồ hôi, rụng tóc, tóc nhày.
Dược động học/Dược lực
Dược động học
Dược lực
Levonorgestrel là chất progestogen tổng hợp. Thuốc tác dụng và được dùng giống progesteron. Thuốc không có hoạt tính estrogen đáng kể và có hoạt tính cao giống progesteron.
Thuốc được sử dụng trong những dạng thuốc tránh thai có hormon, một trong những dạng được dùng là đặt trong tử cung, dạng này giải phóng hormon trực tiếp vào tử cung. Dạng thuốc này cho phép sử dụng một liều thuốc thấp hơn so với các dạng thuốc tránh thai khác cũng chứa levonorgestrel. Dụng cụ cấy trong tử cung được làm bằng polyethylen, gồm có một ống hình trụ đựng levonorgestrel. Ống hình trụ này được phủ một màng polydimethyl - siloxan để kiểm soát sự giải phóng levonorgestrel. Còn cái khung có hình chữ T được tẩm bari sulphat để có thể hiện hình dễ dàng dưới tia X.
Tác dụng dược lý tránh thai của levonorgestrel là do ức chế tăng sinh nội mạc tử cung và làm thay đổi tiết dịch ở cổ tử cung làm cho tinh trùng khó xâm nhập. ở một số phụ nữ hiện tượng rụng trứng cũng bị ảnh hưởng.
Dụng cụ đặt trong tử cung hàng ngày giải phóng 20 microgam levonorgestrel trong vòng 5 năm. Trong một vài tuần đầu sau khi đặt dụng cụ, nồng độ thuốc trong huyết thanh ổn định ở mức 0,3 - 0,6 nmol/lít. Nồng độ ở từng cá nhân cũng rất ổn định.
Những thử nghiệm lâm sàng cho thấy trong năm đầu dùng thuốc, tác dụng ngừa thai cao với tỷ lệ 0 - 0,2 trường hợp có thai trong 100 phụ nữ dùng thuốc. Tần số xuất hiện chửa ngoài tử cung trong 5 năm ở 100 phụ nữ là 0,02. Do có tác dụng kiểu gestagen đối với nội mạc tử cung nên chảy máu kinh có chiều hướng giảm.
Sau khi lấy dụng cụ cấy ra thì trong vòng 24 - 36 giờ, levonorgestrel không còn thấy trong huyết tương và khả năng có thai lại sớm xuất hiện.
Khác
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Rối loạn kinh nguyệt thường xuất hiện dưới dạng hay chảy máu ít một, nhưng các dạng khác cũng có thể xuất hiện. Sau vài tháng dùng thuốc (3 - 6 tháng) rối loạn kinh nguyệt thường giảm. 10 - 20 % bệnh nhân dùng thuốc bị vô kinh.
Thuốc với liều thấp không đủ để ức chế hoàn toàn sự phát triển của buồng trứng nên có nguy cơ phát triển nang buồng trứng. Những nang này thường biến đi một cách tự nhiên.
Trước khi đặt dụng cụ vào tử cung cần tiến hành kiểm tra phụ khoa và hỏi tiền sử người bệnh để loại trừ nhiễm khuẩn đường sinh dục, u ác tính và có thai. Rối loạn kinh nguyệt như ít kinh, vô kinh cần phải được khảo sát. Thỉnh thoảng có trường hợp dụng cụ bị tuột khỏi tử cung mà người phụ nữ không biết.
Triệu chứng của sự tuột hoàn toàn hoặc một phần dụng cụ đặt là tăng kinh nguyệt, điều này làm giảm tác dụng tránh thai của thuốc.
Cần tránh tai biến thủng tử cung bằng cách chọn những nhân viên y tế đã được đào tạo tốt về nghiệp vụ để tiến hành đặt dụng cụ. Nguy cơ khi đi qua cổ tử cung cũng cần phải tính đến. Trường hợp tử cung bị thủng, phải lấy dụng cụ ra ngay, xử lý lỗ thủng và biến chứng kèm theo.
Levonorgestrel liều thấp có thể ảnh hưởng đến sự dung nạp glucose, cho nên ở những người đái tháo đường phải theo dõi một cách chặt chẽ nồng độ glucose huyết.
Sau khoảng thời gian 3 - 6 tháng đầu mà chảy máu âm đạo vẫn hay xảy ra, phải dùng một biện pháp tránh thai khác. Người bệnh cần được kiểm tra đầy đủ về phụ khoa.
Trong vòng 60 ngày hoặc hơn, mà không có kinh xuất hiện thì điều quan trọng là phải kiểm tra khả năng có thai và kiểm tra vị trí dụng cụ đặt trong tử cung.
Sau nhiều lần xét nghiệm xác định không có thai mà vẫn không thấy kinh thì điều trị đã đạt kết quả ức chế nội mạc tử cung.