Euzimnat 500mg - Tác dụng thuốc và các thông tin khác đầy đủ nhất
Tra cứu thuốc chuẩn nhất

Euzimnat 500mg

Tra cứu thông tin về thuốc Euzimnat 500 500mg trên Tủ thuốc 24h, bao gồm: công dụng, liều lượng, tác dụng phụ, tương tác thuốc...

Thông tin cơ bản thuốc Euzimnat 500mg

Số đăng ký

VNA-3069-05

Dạng bào chế

Viên nén dài bao phim

Quy cách đóng gói

Hộp 2 vỉ x 5 viên, hộp 1chai 30 viên nén dài bao phim

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Cefuroxim axetil: Dạng thuốc uống, liều biểu thị theo số lượng tương đương của cefuroxim.
  • Hỗn dịch uống 125 mg/5 ml; 250 mg/5 ml; viên nén: 125 mg, 250 mg, 500 mg.
  • Cefuroxim natri: Dạng thuốc tiêm, liều biểu thị theo số lượng tương đương của cefuroxim.
  • Lọ 250 mg, 750 mg hoặc 1,5 g bột pha tiêm.
  • Dung môi pha tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch: Nước cất pha tiêm.
  • Dung môi pha truyền tĩnh mạch liên tục: Thuốc tiêm natri clorid 0,9%, thuốc tiêm dextrose 5%, thuốc tiêm dextrose 10%, thuốc tiêm dextrose 5% và natri clorid 0,9%, thuốc tiêm dextrose 5% và natri clorid 0,45% và thuốc tiêm natri lactat M/6.

Điều kiện bảo quản

Bảo quản thuốc viên trong lọ nút kín ở nhiệt độ phòng từ 15 - 30 độ C. Sau khi mở lọ thuốc phải đậy kín nắp lại, tránh ẩm.

Bảo quản bột khô trước khi pha thành hỗn dịch ở nhiệt độ từ 2 - 30 độ C. Sau khi pha thành hỗn dịch, bảo quản ở nhiệt độ dưới 25 độ C và thích hợp nhất là giữ trong tủ lạnh. Sau 10 ngày, phải loại bỏ hỗn dịch đã pha còn thừa.

Lọ bột thuốc tiêm bảo quản ở 15 - 30 độ C, tránh ánh sáng. Dung dịch tiêm sau khi pha sẽ ổn định trong 24 giờ ở nhiệt độ phòng và 48 giờ ở nhiệt độ tủ lạnh. Dung dịch tiêm truyền pha trong thuốc tiêm natri clorid 0,9% hoặc thuốc tiêm dextrose 5% sẽ ổn định trong 24 giờ ở nhiệt độ phòng hoặc 7 ngày ở tủ lạnh hoặc ổn định trong 26 tuần ở nhiệt độ đông lạnh. Sau khi để đông lạnh, dung dịch băng tan ổn định trong 24 giờ ở nhiệt độ phòng hoặc 7 ngày ở nhiệt độ tủ lạnh.

Chỉ định/Chống chỉ định

Chỉ định

Viêm tai giữa, viêm xoang, viêm amiđan, viêm thanh quản, viêm họng. Viêm phổi, viêm phế quản cấp, đợt cấp viêm phế quản mãn tính. Viêm bể thận, viêm bàng quang, viêm niệu đạo. Ðinh nhọt, viêm da mủ, chốc lở. Sốt thương hàn. Bệnh lậu, viêm niệu đạo cấp do lậu cấp, viêm cổ tử cung.

Chống chỉ định

Quá mẫn với cephalosporin.

Liều dùng và cách dùng

Dùng 5-10 ngày, uống sau khi ăn. ,– Người lớn: Hầu hết Nhiễm khuẩn 250 mg x 2 lần/ngày; Sốt thương hàn 500 mg x 2 lần/ngày; Nhiễm khuẩn niệu-sinh dục 125 mg x 2 lần/ngày; Nhiễm khuẩn hô hấp dưới nhẹ đến trung bình: 250 mg/lần x 2 lần/ngày; nặng, nghi viêm phổi: 500 mg/lần x 2 lần/ngày; Viêm bể thận 250 mg/lần x 2 lần/ngày; Lậu không biến chứng liều đơn 1 g. ,– Trẻ em: Hầu hết Nhiễm khuẩn 125 mg/lần x 2 lần/ngày, tối đa 250 mg/lần; Sốt thương hàn 250 mg/lần x 2 lần/ngày; Trẻ 2 tuổi trở lên bị viêm tai giữa hay các Nhiễm khuẩn nghiêm trọng 250 mg/lần x 2 lần/ngày.

Thận trọng

  • Trước khi bắt đầu điều trị bằng Cefuroxime, phải điều tra kỹ về tiền sử dị ứng của người bệnh với cephalosporin, penicilin hoặc thuốc khác.
  • Vì có phản ứng quá mẫn chéo (bao gồm phản ứng sốc phản vệ) xảy ra giữa các người bệnh dị ứng với các kháng sinh nhóm beta - lactam, nên phải thận trọng thích đáng, và sẵn sàng mọi thứ để điều trị sốc phản vệ khi dùng Cefuroxime cho người bệnh trước đây đã bị dị ứng với penicilin. Tuy nhiên, với Cefuroxime, phản ứng quá mẫn chéo với penicilin có tỷ lệ thấp.
  • Mặc dầu Cefuroxime hiếm khi gây biến đổi chức năng thận, vẫn nên kiểm tra thận khi điều trị bằng Cefuroxime, nhất là ở người bệnh ốm nặng đang dùng liều tối đa. Nên thận trọng khi cho người bệnh dùng đồng thời với các thuốc lợi tiểu mạnh, vì có thể có tác dụng bất lợi đến chức năng thận.
  • Nên giảm liều cefuroxim tiêm ở người suy thận tạm thời hoặc mạn tính, vì ở những người này với liều thường dùng, nồng độ kháng sinh trong huyết thanh cũng có thể cao và kéo dài.
  • Dùng Cefuroxime dài ngày có thể làm các chủng không nhạy cảm phát triển quá mức. Cần theo dõi người bệnh cẩn thận. Nếu bị bội nhiễm nghiêm trọng trong khi điều trị, phải ngừng sử dụng thuốc.
  • Ðã có báo cáo viêm đại tràng màng giả xảy ra khi sử dụng các kháng sinh phổ rộng, vì vậy cần quan tâm chẩn đoán bệnh này và điều trị bằng metronidazol cho người bệnh bị ỉa chảy nặng do dùng kháng sinh. Nên hết sức thận trọng khi kê đơn kháng sinh phổ rộng cho những người có bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là viêm đại tràng.
  • Ðã ghi nhận tăng nhiễm độc thận khi dùng đồng thời các kháng sinh aminoglycosid và Cefuroxime.

Tương tác với các thuốc khác

  • Giảm tác dụng: Ranitidin với natri bicarbonat làm giảm sinh khả dụng của cefuroxim axetil. Nên dùng cefuroxim axetil cách ít nhất 2 giờ sau thuốc kháng acid hoặc thuốc phong bế H2, vì những thuốc này có thể làm tăng pH dạ dày.
  • Tăng tác dụng: Probenecid liều cao làm giảm độ thanh thải cefuroxim ở thận, làm cho nồng độ cefuroxim trong huyết tương cao hơn và kéo dài hơn.
  • Tăng độc tính: Aminoglycosid làm tăng khả năng gây nhiễm độc thận.

Tác dụng phụ

ban đỏ đa dạng, hoại tử da do nhiễm độc, phát ban da, nổi mày đay, ngứa, sốt do thuốc, bệnh huyết thanh. Ðôi khi: tiêu chảy, buồn nôn, nôn, tăng bạch cầu ái toan, tăng men gan. Hiếm: viêm ruột giả mạc, giảm bạch cầu, tiểu cầu.

Dược động học/Dược lực

Dược động học

Sau khi uống, Cefuroxime axetil được hấp thu qua đường tiêu hóa và nhanh chóng bị thủy phân ở niêm mạc ruột và trong máu để phóng thích cefuroxim vào hệ tuần hoàn. Thuốc được hấp thu tốt nhất khi uống trong bữa ăn. Nồng độ đỉnh của Cefuroxime trong huyết tương thay đổi tùy theo dạng viên hay hỗn dịch.Thuốc đạt nồng độ tối đa 4 - 6mg/ lít vào khoảng 3 giờ sau khi uống 250mg hỗn dịch. Nồng độ đỉnh trong huyết tương của hỗn dịch uống đạt trung bình 75% nồng độ đỉnh trong huyết tương của thuốc viên. Do đó, thuốc viên và hỗn dịch uống cefuroxim axetil không thể thay thế nhau theo tương quan mg/ mg.

Muối natri được dùng theo đường tiêm bắp hoặc tĩnh mạch. Nống độ đỉnh trong huyết tương khoảng 27mcg/ ml đạt được vào khoảng 45 phút sau khi tiêm bắp 750mg, và nồng độ đỉnh trong huyết tương khoảng 50mcg/ ml đạt được vào khoảng 15 phút sau khi tiêm tĩnh mạch 750mg. Sau liều tiêm khoảng 8 giờ, vẫn đo được nồng độ điều trị trong huyết thanh.

Có tới 50% Cefuroxime trong hệ tuần hoàn liên kết với protein huyết tương. Nửa đời của thuốc trong huyết tương khoảng 70 phút và dài hơn ở người suy thận và ở trẻ sơ sinh.

Cefuroxime phân bố rộng khắp cơ thể, kể cả dịch màng phổi, đờm, xương, hoạt dịch và thủy dịch. Thể tích phân bố biểu kiến ở người lớn khỏe mạnh nằm trong khoảng từ 9,3 - 15,8 lít/ 1,73m2. Cefuroxim đi qua hàng rào máu não khi màng - não bị viêm. Thuốc qua nhau thai và có bài tiết qua sữa mẹ.

Cefuroxime không bị chuyển hóa và được thải trừ ở dạng không biến đổi, khoảng 50% qua lọc cầu thận và khoảng 50% qua bài tiết ở ống thận. Thuốc đạt nồng độ cao trong nước tiểu. Sau khi tiêm, hầu hết liều sử dụng thải trừ trong vòng 24 giờ, phần lớn thải trừ trong vòng 6 giờ. Probenecid ức chế thải trừ cefuroxime qua ống thận, làm cho nồng độ cefuroxime trong huyết tương tăng cao và kéo dài hơn. Cefuroxime chỉ thải trừ qua mật với lượng rất nhỏ.

Nồng độ cefuroxime trong huyết thanh bị giảm khi thẩm tách.

Dược lực

Cefuroxim là kháng sinh bán tổng hợp phổ rộng, thuộc nhóm cephalosporin; thuốc tiêm là dạng muối natri và thuốc uống là dạng axetil este. Cefuroxim axetil là tiền chất của cefuroxim, chất này có rất ít hoạt tính kháng khuẩn khi chưa bị thủy phân thành cefuroxim trong cơ thể sau khi được hấp thu.

Cefuroxim có hoạt tính kháng khuẩn do ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn bằng cách gắn vào các protein đích thiết yếu (các protein gắn penicilin). Nguyên nhân kháng thuốc có thể là do vi khuẩn tiết enzym cephalosporinase, hoặc do biến đổi các protein gắn penicilin.

Cefuroxim có hoạt tính kháng k huẩn hữu hiệu và rất đặc trưng chống nhiều tác nhân gây bệnh thông thường, kể cả các chủng tiết beta - lactamase/ cephalosporinase của cả vi khuẩn Gram dương và Gram âm. Cefuroxim đặc biệt rất bền với nhiều enzym beta - lactamase của vi khuẩn Gram âm.

Phổ kháng khuẩn:

Cefuroxim có hoạt tính kháng cầu khuẩn Gram dương và Gram âm ưa khí và kỵ khí, kể cả hầu hết các chủng Staphylococcus tiết penicilinase, và có hoạt tính kháng vi khuẩn đường ruột Gram âm. Cefuroxim có hoạt lực cao, vì vậy có nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) thấp đối với các chủng Streptococcus (nhóm A,B,C và G), các chủng Gonococcus và Meningococcus. Ban đầu, cefuroxim vốn cũng có MIC thấp đối với các chủng Gonococcus, Moraxella catarrhalis, Haemophilus influenzae và Klebsiella spp. tiết beta - lactamase. Nhưng hiện nay, ở Việt Nam nhiều vi khuẩn đã kháng cefuroxim, nên MIC của thuốc đối với các chủng này đã thay đổi. Các chủng Enterobacter, Bacteroides fragilis và Proteus indol dương tính đã giảm độ nhạy cảm với cefuroxim.

Các chủng Clostridium difficile, Pseudomonas spp., Campylobacter spp., Acinetobacter calcoaceticus, Legionella spp. đều không nhạy cảm với cefuroxim.

Các chủng Staphylococcus aureus, Staphylococcus epidermidis kháng methicilin đều kháng cả cefuroxim. Listeria monocytogenes và đa số chủng Enterococcus cũng kháng cefuroxim.

Các số liệu trong báo cáo của đơn vị giám sát độ nhạy cảm của kháng sinh ở Việt Nam (ASTS) 1997, 1999 cho thấy cefuroxim vẫn có hoạt tính hữu hiệu chống Salmonella với tỷ lệ nhạy cảm 100% trên các mẫu phân lập năm 1996 tại bệnh viện trung ương Huế.

Tình hình kháng cefuroxim hiện nay của các vi khuẩn gây bệnh đã tăng như sau: Shigella flexneri: 11% (1998), Proteus mirabilis: 28,6% (1997); Citrobacter freundii: 46,7% (1997); S.viridans: 31% (1996); S. aureus: 33% (1998); E. coli: 33,5% (1998); Klebsiella spp: 57% (1997); Enterobacter: 59% (1998).

Các nghiên cứu mới đây về tình hình kháng thuốc ở Việt nam cho thấy các chủng Haemophilus influenzae phân lập được ở trẻ em khỏe mạnh, kháng cefuroxim với tỷ lệ cao. Mức độ kháng cefuroxim của tất cả các chủng H.influenzae ở trẻ khỏe mạnh là 27% theo thông báo số 4 (1999) của ASTS. Tình hình này thật là nghiêm trọng và cho thấy phải hạn chế sử dụng các kháng sinh phổ rộng, chỉ dùng cho người bệnh bị nhiễm khuẩn nặng.

Quá liều và cách xử trí

Quá liều cấp: Phần lớn thuốc chỉ gây buồn nôn, nôn, và ỉa chảy. Tuy nhiên, có thể gây phản ứng tăng kích thích thần kinh cơ và cơn co giật, nhất là ở người suy thận.

Xử trí quá liều:

Cần quan tâm đến khả năng quá liều của nhiều loại thuốc, sự tương tác thuốc và dược động học bất thường ở người bệnh.

Bảo vệ đường hô hấp của người bệnh, hỗ trợ thông thoáng khí và truyền dịch. Nếu phát triển các cơn co giật, ngừng ngay sử dụng thuốc; có thể sử dụng liệu pháp chống co giật nếu có chỉ định về lâm sàng. Thẩm tách máu có thể loại bỏ thuốc khỏi máu, nhưng phần lớn việc điều trị là hỗ trợ hoặc giải quyết triệu chứng.