Thông tin cơ bản thuốc Dopamine
Dạng bào chế
Ống tiêm; Tá dược
Thành phần
Ống tiêm 200 mg/5 ml, 400 mg/10 ml, 400 mg/5 ml, 800 mg/5 ml.
Dạng thuốc và hàm lượng
- Ống tiêm 200 mg/5 ml, 400 mg/10 ml, 400 mg/5 ml, 800 mg/5 ml.
- Tá dược: Natri metabisulfit 1%.
- Chú ý natri bisulfit có thể gây ra hoặc làm nặng các phản ứng phản vệ.
Điều kiện bảo quản
Bảo quản ở nhiệt độ 15 - 30oC, tránh ánh sáng, tránh để đông lạnh. Chỉ pha loãng dung dịch tiêm ngay trước khi dùng.
Sau khi pha loãng trong dung môi thích hợp để tiêm truyền tĩnh mạch, dopamin có thể bền vững trong 24 giờ.
Không được dùng khi dung dịch dopamin có mầu sẫm hơn màu vàng nhạt hoặc bị biến màu.
Tác dụng thuốc Dopamine
Chỉ định/Chống chỉ định
Chỉ định
Chống sốc do nhồi máu cơ tim, chấn thương, nhiễm khuẩn huyết và phẫu thuật tim khi cần thuốc tăng co cơ tim. Dopamin đặc biệt hữu ích khi có giảm tưới máu thận hoặc đái ít. Tuy nhiên để dopamin có tác dụng, đầu tiên phải truyền dịch để bù giảm thể tích máu. Dopamin thường được coi là thuốc thông dụng trong liệu pháp hàng đầu điều trị suy tim sung huyết cấp và mạn mất bù.
Chống chỉ định
U tế bào ưa crôm, loạn nhịp nhanh, rung tâm thất. Tránh dùng cùng với thuốc gây mê halothan.
Liều dùng và cách dùng
Cách dùng:
Phải bù giảm thể tích tuần hoàn trước khi cho dopamin.
Giám sát chặt chẽ các thông số tim mạch (huyết áp, áp lực tĩnh mạch trung tâm hoặc áp lực mao mạch phổi, lượng nước tiểu từng giờ...).
Chỉ dùng tiêm truyền tĩnh mạch hoặc dùng 1 bơm tiêm có lưu lượng hằng định.
Dopamin có thể pha loãng vào dung dịch glucose 5%, 10% hoặc 20%, dung dịch natri clorid 0,9%, dung dịch Ringer lactat. Không được pha vào các dụng dịch kiềm. Dung dịch đã pha có thể bền vững trong 24 giờ.
Bảng hướng dẫn cách pha dopamin:
Liều lượng:
Liều lượng phụ thuộc vào tác dụng không mong muốn và thay đổi theo mỗi người bệnh. Lúc đầu, nên dùng liều thấp: 2 - 5 microgam/kg/phút truyền tĩnh mạch và tăng dần tùy theo tiến triển của các thông số giám sát cho tới khi đạt liều 10 hoặc 15 hoặc 20 microgam/kg/phút.
Cuối thời gian điều trị, liều phải giảm dần, cách nửa giờ giảm một lần với sự giám sát chặt chẽ các thông số tim mạch.
Trẻ em và người cao tuổi: Giống như liều người lớn.
Thận trọng
- Phải bù trước tình trạng giảm thể tích máu.
- Giám sát chặt chẽ các thông số tim mạch (huyết áp, áp lực tĩnh mạch trung tâm, lượng nước tiểu từng giờ ...).
- Trong trường hợp các bệnh tiểu động mạch như bệnh Raynaud, viêm nội mạc động mạch đái tháo đường, bệnh Buerger hoặc bệnh mạch máu khác, phải dùng dopamin liều thấp và sau tăng dần. Trong khi tiêm truyền, bệnh nhân có thể bị co mạch đặc biệt ở liều cao.
- Suy tim: Dopamin có lợi trong điều trị suy tim cấp do giảm co bóp cơ tim. Tuy nhiên khi dòng chảy ra bị nghẽn (trong hẹp lỗ động mạch chủ hoặc lỗ động mạch phổi, hoặc hẹp dưới chủ do phì đại) lưu lượng tim có thể giảm khi cho dopamin, vì do tăng hậu tải.
- Nhồi máu cơ tim: Vì nguy cơ co mạch có thể xảy ra ngay cả với liều thấp, cần đặc biệt theo dõi. Phải ngừng dopamin hoặc phải giảm liều khi thấy người bệnh đau, có nhịp nhanh xoang trên 120 chu kỳ/phút, ngoại tâm thu thất đa dạng từng nhóm hoặc thành chuỗi, hoặc nhịp nhanh thất, hoặc trên điện tâm đồ có dấu hiệu thiếu máu cục bộ hay tổn thương.
- Suy gan: Vì dopamin chuyển hóa ở gan, nên người bệnh suy gan có thể cần phải tiêm truyền tốc độ chậm.
Tương tác với các thuốc khác
- Vì dopamin được chuyển hóa bởi enzym monoaminoxydase (MAO), nên các thuốc ức chế enzym này sẽ làm tăng hiệu lực của dopamin. Cần bắt đầu liều dopamin bằng 1/10 liều thường dùng cho những người bệnh đang dùng thuốc ức chế MAO.
- Tránh kết hợp dopamin với phenytoin: có thể dẫn tới hạ huyết áp và chậm nhịp tim. Nếu cần điều trị chống co giật, nên dùng thuốc khác thay cho phenytoin.
- Cần điều chỉnh liều dopamin khi kết hợp với các thuốc chẹn alpha, chẹn beta, butyrophenon, thuốc lợi tiểu, phenothiazin, thuốc ức chế tái thu nhận MAO không chọn lọc, maprotilin, modobemid, oxytocin, vasopressin, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc co mạch, epinephrin.
- Tác dụng trên tim của dopamin bị các thuốc chẹn beta như propranolol và metoprolol đối kháng. Co mạch ngoại vi do dopamin liều cao bị các thuốc chẹn alpha đối kháng. Giãn mạch thận và mạc treo ruột do dopamin không bị ảnh hưởng bởi các thuốc chẹn alpha và beta.
- Butyrophenon (như haloperidol) và phenothiazin có thể làm mất tác dụng giãn mạch thận và mạc treo ruột (ở liều thấp của dopamin). Dùng đồng thời với thuốc vasopressin (hormon kháng lợi niệu), thuốc co mạch và oxytocin có thể gây tăng huyết áp nặng.
- Các thuốc mê hydrocarbon halogen có thể làm người bệnh dễ bị loạn nhịp nặng. Dopamin có thể kéo dài thời gian nửa đời của tolazolin.
Tác dụng phụ
Hầu hết các phản ứng có hại đều liên quan đến dược lý và liều của thuốc. Các phản ứng có hại bao gồm nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, cơn đau thắt ngực nặng lên, thở nông, buồn nôn, nôn,và đau đầu. Co mạch có thể dẫn đến hoại tử, suy thận. Có thể có ngoại tâm thu thất. Nếu tiêm dopamin ra ngoài tĩnh mạch hoặc tiêm vào dưới da thì da hoặc mô có thể bị hoại tử. Do đó, cần tiêm truyền dopamin vào tĩnh mạch lớn qua một ống thông cố định chắc chắn (catheter).
Thường gặp, ADR > 1/100
Toàn thân: Ðau đầu.
Tuần hoàn: Ðau thắt ngực, tăng huyết áp, co mạch, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, nhịp tim chậm.
Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn.
Hô hấp: Khó thở.
Cơ quan khác: Hoại tử khi tiêm để thuốc ra ngoài mạch.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Toàn thân: Phản ứng dị ứng.
Tuần hoàn: Dẫn truyền xung động lạc hướng, phức bộ QRS giãn rộng, loạn nhịp tim, hạ huyết áp.
Hiếm gặp, ADR < 1/1000
Tuần hoàn: Ngoại tâm thu.
Thần kinh: Lo hãi.
Da: Dựng chân lông.
Chuyển hóa: Tăng nitơ huyết.
Cơ quan khác: Xanh tím ngoại biên.
Dược động học/Dược lực
Dược động học
Tác dụng làm tăng huyết áp của dopamin có thể thấy rõ ngay 1 - 2 phút sau khi tiêm truyền tĩnh mạch. Tác dụng này kéo dài khi tiếp tục tiêm truyền và sẽ giảm trong vòng 10 phút sau khi ngừng truyền. Dopamin chuyển hóa ở gan thông qua cytochrom P450, monoaminoxydase (MAO) và catechol - O - methyl transferase (COMT). Nửa đời là 1,25 phút (xấp xỉ 2 phút). Dopamin không tác dụng khi uống. Trong thực tế, dopamin không dễ dàng qua hàng rào máu - não. Bài tiết chủ yếu qua thận. Rất ít dopamin đào thải ở dạng chưa chuyển hóa. Nửa đời pha alpha là 1 - 2 phút. Nửa đời pha beta là 6 - 9 phút.
Dược lực
Dopamin có tác dụng tăng co bóp cơ tim, nên làm lưu lượng và thể tích nhát bóp tăng. Dopamin dùng bình thường không gây loạn nhịp nhanh. Thuốc thường làm tăng huyết áp tâm thu và hiệu số huyết áp chênh lệch.
Với liều thấp từ 1 - 5 microgam/kg/phút, huyết áp tâm trương tăng nhẹ vì sức cản ngoại vi toàn thể thường không bị ảnh hưởng ở liều này. Dopamin liều thấp gây giãn mạch thận và mạc treo ruột. Do đó, dopamin làm tăng lưu lượng máu đến thận, tăng lọc cầu thận, nước tiểu và bài tiết natri. Tác dụng này thông qua kích thích trực tiếp đến các thụ thể dopamin ở hệ mạch thận và mạc treo ruột. Tăng lượng nước tiểu không gây bất cứ một sự giảm nào về áp lực thẩm thấu nước tiểu.
Với liều trung bình (5 - 20 microgam/kg/phút), dopamin có tác dụng kích thích thụ thể beta cùng với tác dụng dopamin. Thuốc làm tăng tính co bóp cơ tim và tần số tim tăng rất nhẹ. Dopamin có tác dụng co cơ dương tính và làm giảm sức cản ngoại vi toàn thể (giãn mao mạch).
Với liều cao (> 20 microgam/kg/phút), dopamin có tác dụng rõ ràng kích thích thụ thể alpha, làm co mạch, tăng cả hai huyết áp tâm thu và tâm trương và làm giảm bài niệu.
Quá liều và cách xử trí
Ðộc tính liên quan đến liều như nhịp tim nhanh và đau thắt ngực được điều trị bằng điều chỉnh tốc độ truyền hoặc ngừng thuốc. Nếu thuốc tiêm lọt ra ngoài tĩnh mạch, phải tiêm ngấm vùng xung quanh càng sớm càng tốt với 5 - 10 mg phentolamin pha loãng thành 10 - 15 ml với dung dịch natri clorid đẳng trương để hạn chế hoại tử.
Nếu dùng dopamin ở liều cao hoặc ở người bệnh bị nghẽn mạch ngoại vi cần giám sát màu da và nhiệt độ ở các đầu chi. Giám sát chặt chẽ lưu lượng nước tiểu, nhịp tim, huyết áp trong khi truyền dopamin. Trường hợp huyết áp tâm trương tăng cao, phải giảm tốc độ truyền và cần theo dõi người bệnh cẩn thận, kể cả hiện tượng co mạch có thể xảy ra.
Khác
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Vì nửa đời dopamin chỉ khoảng 2 phút, nên đa số các phản ứng không mong muốn có thể giải quyết bằng ngừng hoặc giảm tốc độ truyền.
Tương kỵ
Dopamin bị mất hoạt tính khi pha loãng trong dung dịch kiềm (dung dịch trở thành từ hồng đến tím). Vì vậy không được pha trong natri bicarbonat 5% hoặc các dung dịch kiềm khác. Dopamin cũng nhạy cảm với các tác nhân oxy hóa và muối sắt.