Thiền và người văn minh
Tra cứu thuốc chuẩn nhất
Trang chủ Thuốc Từ Tâm Yoga - Thiền

Thiền và người văn minh

Bây giờ thì quốc gia nào sớm dạy thiền cho học sinh sinh viên sẽ là quốc gia xuất hiện được nhiều tiến bộ trong nhiều lĩnh vực.

Người đàn ông ngập ngừng bước vào căn phòng yên tĩnh, nhìn quanh. Ông Hải bước đến chào mời vào ghế ngồi.

- Anh đến học thiền à?

- Vâng, tôi tên Cảnh. Tôi là người Công giáo, từ lâu thích tập thiền cho tĩnh tâm, vì tôi cảm nhận rằng thời đại văn minh con người phải tĩnh tâm nhiều hơn. Nhưng khổ nỗi cứ nói đến tĩnh tâm thiền định là người ta cứ cho là đạo Phật, hàng rào vô hình ngăn cản, làm tôi cứ ngại không dám tìm học. Nay nghe ông mở thiền đường này không có tính tôn giáo, nên tôi mạnh dạn đến tìm hiểu để tập luyện.

- Anh nói đúng đó, cái hàng rào vô hình giữa các tôn giáo làm cản trở con người đến với thiền định tĩnh tâm. Lẽ ra ai là người văn minh đều phải có cơ hội được tu tập thiền định tĩnh tâm không phân biệt tôn giáo. Thiền định là tài sản chung của nhân loại, vượt qua mọi ranh giới của tôn giáo.

- Rất cám ơn ông. Ông cho tôi hỏi, ở đây ông dạy tĩnh tâm theo phương pháp nào ạ?

- À, phương pháp tĩnh tâm ở đây đặt trên nền tảng 6 nguyên tắc, nếu anh muốn học thì ghi chép cẩn thận, về suy tư chín chắn kỹ lưỡng rồi thực hành nhé. Hoặc anh có thể đến thiền đường đây ngồi cũng được.

  • Nguyên tắc thứ nhất là, Tâm và Hơi thở liên quan qua lại với nhau, cái này động thì cái kia động, cái này yên thì cái kia yên. Ta không thể trực tiếp giữ cho tâm yên thì sẽ bắt đầu bằng cách giữ cho hơi thở yên trước, và tâm sẽ yên sau. Giữ cho hơi thở yên nghĩa là ta sẽ thở nhẹ nhàng, êm êm, không cố thở nhiều, hơi thở vào ít, hơi thở ra dài.
  • Nguyên tắc thứ hai là, Tâm và Thân liên quan qua lại với nhau, cái này động thì cái kia động, cái này yên thì cái kia yên. Ta không thể trực tiếp giữ cho tâm yên thì sẽ bắt đầu bằng cách giữ thân bất động, không nhúc nhích, cũng không gồng cứng, mềm mại thôi, buông lỏng thôi, nhưng vẫn ngay thẳng đĩnh đạc. Sau này tâm rất tĩnh lặng rồi thì có thể làm việc bình thường mà vẫn tĩnh tâm được.
  • Nguyên tắc thứ ba là, Tâm, Thân, và Sự chú ý có liên quan với nhau, Tâm yên thì Cái chú ý trở về với Thân, Tâm động thì Cái chú ý phiêu lưu rời xa Thân. Ta không thể trực tiếp điều khiển tâm cho yên thì sẽ bắt đầu bằng cách giữ sự chú ý ở lại nơi thân, không cho phóng hướng ra ngoài. Ta để ý khắp thân, kiểm soát khắp thân, an trú khắp thân, cảm giác toàn thân, sát nơi da thịt.
  • Nguyên tắc thứ tư là, Sự tĩnh tâm có liên quan đến Tội Phúc. Ta gây tạo điều tội thì tâm bất an động loạn. Ta gây tạo điều phúc thì tâm tĩnh lặng an vui. Vì thế người tập phép tĩnh tâm phải siêng năng làm việc phúc thiện cả đời, phải tránh điều tội từng chút nhỏ.
  • Nguyên tắc thứ năm là, Sự tĩnh tâm có liên quan đến Các ý nghĩ đúng sai. Ta suy nghĩ điều sai trái bậy bạ thì tâm cứ sôi trào động loạn. Ta suy nghĩ điều đúng đắn chân chính thì tâm sẽ dễ yên tĩnh lại. Vì thế, người tập phép tĩnh tâm sẽ cố gắng giữ các ý nghĩ đúng đắn bên trong dù không ai biết.
  • Nguyên tắc thứ sáu là, người tập phép tĩnh tâm phải mở lòng rộng lớn, không bị bó hẹp nơi tín ngưỡng của mình, phải biết tôn kính bất cứ bậc thánh hiền nào có biểu hiện đạt được mức độ tĩnh tâm sâu xa.

- Sáu nguyên tác căn bản là vậy anh ạ. Anh về suy nghĩ xem có thích hợp thì thực hành nhé.

Khách gật gù nói:

- Nghe qua là đã thấy hợp lý rồi. Ông cho tôi hỏi, ông tiếp nhận phương pháp này từ đâu vậy?

- À, hồi xưa tôi kinh doanh nhà đất, bị stress quá nên bỏ đi về miền quê, vô tình gặp một người ở ẩn dật tu thiền truyền dạy. Sau này việc kinh doanh cũng ổn định, tôi giao lại các cháu duy trì, tôi mở cơ sở này để giúp ai có nhu cầu tu thiền thì đến tu miễn phí.

- Anh nói đúng, người văn minh phải biết tu tập thiền định tĩnh tâm. Mà tĩnh tâm được hạnh phúc lắm anh ạ.

- Thế người dạy thiền cho ông vẫn ở ẩn mãi à?

- Mấy năm đầu tôi hay về thăm ông, đến lần thứ 9 về thì không thấy ông đâu cả, căn nhà lá cũng biến mất. Tôi hỏi những người gần đấy thì họ không biết gì, chưa bao giờ thấy ông đó cả, chưa bao giờ thấy có căn nhà trên đồi đó cả. Tôi cũng chẳng hiểu sao nữa, thôi đành quay về.

Khi thế giới trở nên văn minh, con người buộc phải biết cách làm cho tâm hồn yên tĩnh để bảo vệ bộ não.

Có nhiều trường phái thiền ở các nơi, ở các tôn giáo, rất nhiều sắc thái, nhưng đa số lấy niềm tin là chính. Thầy dạy sao thì trò tu vậy, chưa có một chuẩn khoa học chung khắp thế giới. Nhưng đến thời đại văn minh này thì tất cả phải được lý luận dẫn đường, có chứng minh khoa học. Mỗi một cách thức thực tập đều phải có lý do tại sao.

Nhờ có lý luận khoa học dẫn đường mà thiền khắp nơi sẽ có đường đi chung. Sẽ không còn tình trạng mạnh ai nấy dạy thiền theo ý mình nữa. Thiền sẽ giống như Toán học, không phân chia ranh giới nào cả, ở đâu học cũng giống hệt như vậy.

Nhiều môn học sẽ dễ học nếu được học sớm từ bé như âm nhạc, ngôn ngữ, uốn dẻo, nhưng Thiền thì đòi hỏi phải đủ nhận thức mới học được. Có thể từ cuối tiểu học trở lên con người mới bắt đầu tập thiền được. Thậm chí với người hạn chế nhận thức thì phải đến tuổi trưởng thành mới có thể nghiên cứu tu thiền được.

Bây giờ thì quốc gia nào sớm dạy thiền cho học sinh sinh viên sẽ là quốc gia xuất hiện được nhiều tiến bộ trong nhiều lĩnh vực. Tĩnh tâm được con người sẽ thông minh hơn, đạo đức hơn, sống văn minh hơn, và hạnh phúc hơn.

Nguồn: Nền Đạo Đức - TuThuoc24h.net