Nguyên nhân trẻ em tại Việt Nam có chiều cao thấp, dễ mắc bệnh hơn trẻ em quốc gia khác
Tra cứu thuốc chuẩn nhất
Trang chủ Sống Khỏe Dinh Dưỡng

Nguyên nhân trẻ em tại Việt Nam có chiều cao thấp, dễ mắc bệnh hơn trẻ em quốc gia khác

Ở Việt Nam, cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ thấp còi, chậm lớn hay còn gọi là bệnh suy dinh dưỡng. Những đứa trẻ này khi lớn lên cũng sẽ có chiều cao thấp và so với người bình thường thì sẽ có khả năng lao động kém, nguy cơ tử vong cao và dễ mắc các bệnh khác.

Cơ thể nếu thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn khiến trí tuệ chậm phát triển. Theo báo cáo gần đây nhất của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, trẻ em và phụ nữ Việt Nam đang thiếu vi chất dinh dưỡng trầm trọng. Để cải thiện điều đó việc đơn giản nhất là thay đổi bữa ăn hàng ngày, đưa vi chất dinh dưỡng vào các thực phẩm thiết yếu. 

Trẻ chậm phát triển, suy dinh dưỡng

Ở Việt Nam, cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ thấp còi, chậm lớn hay còn gọi là bệnh suy dinh dưỡng. Những đứa trẻ này khi lớn lên cũng sẽ có chiều cao thấp và so với người bình thường thì sẽ có khả năng lao động kém, nguy cơ tử vong cao và dễ mắc các bệnh khác. Chính vì cơ thể không cảm nhận được điều này nên thiếu vi chất dinh dưỡng được gọi là “ nạn đói tiềm ẩn”.
Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia ( Bộ Y tế) cho biết thiếu vi chất dinh dưỡng gây ra những ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe như có thể gây mù do thiếu vitamin A, dễ mắc các bệnh như thiếu máu, bướu cổ, đần độn do thiếu sắt và iot. Việt Nam nằm trong danh sách những nước có tình trạng thiếu vitamin A ở mức độ nặng theo như thống kê của Tổ chức Y tế thế giới với 14,2 % trẻ dưới 5 tuổi thiếu vitamin A tiền lâm sàng. Theo thống kê trên toàn quốc mới nhất cho thấy có đến 29% trẻ dưới 5 tuổi và 36% phụ nữ có thai bị thiếu máu. Mặc dù ở các thành phố lớn và khu vực Đồng bằng sông Hồng có chất lượng cuộc sống tốt hơn nhưng tỉ lệ này vẫn trên 20%. PGS.TS cũng cảnh báo “Thiếu máu do thiếu sắt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực, trí tuệ; sức khỏe kém, giảm khả năng lao động và học tập. Phụ nữ có thai bị thiếu máu dễ dẫn đến sẩy thai, đẻ non” .
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm ( Viện dinh dưỡng quốc gia) cho hay nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ biếng ăn và hay mắc bệnh phần lớn là do thiếu vi chất kẽm. Một kết quả điều tra dinh dưỡng ở 6 tỉnh, thành phố cho thấy tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ dưới 5 tuổi là 81% và ở phụ nữ có thai lên đến 90%. Trong khi đó kẽm là vi chất không thể thiếu trong quá trình phát triển của trẻ, thúc đẩy quá trình tăng trưởng, hạn chế mắc các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, viêm đường hô hấp, giảm các biến chứng trong thời kỳ thai nghén.

PGS.TS cũng cho biết thêm trong 30 năm qua chiều cao của người Việt tuy có cải thiện nhưng rất chậm. Trong vòng 10 năm chỉ thêm từ 1-1,5 cm. Chiều cao trung bình ở nam giới chỉ vào khoảng 1,64m và nữ giới là 1,53m, thấp hơn khá nhiều so với chuẩn quốc tế( 1,94m đối với nam và 1,63m đối với nữ).

Bổ sung các vi chất cho thực phẩm

Trong những năm vừa qua, Viện dinh dưỡng quốc gia đã tổ chức các chương trình phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ. Gồm có: tiến hành bổ sung vitamin A cho trẻ dưới 36 tuổi (ở các khu vực khó khăn bổ sung và cho trẻ uống thuốc tẩy giun đối với các bé dưới 60 tháng tuổi), bổ sung viên sắt cho phụ nữ có thai. Đối với 18 tỉnh thuộc diện khó khăn có chương trình tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần cho trẻ. Nước ta cũng đã đề ra những quy định chặt chẽ để phòng ngừa nguy cơ thiếu vi chất dinh dưỡng như: bổ sung vitamin A,D vào một số loại bánh; thêm iốt vào muối và bột canh; thêm sắt vào nước mắm;… Tuy nhiên, những sự thay đổi này chưa thật sự hiệu quả.

Ông Nguyễn Đức Vĩnh, Vụ phó Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em cho biết Bộ Y tế đang xây dựng nghị định tăng cường các vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm. Chủ yếu là đưa nhóm vi chất dinh dưỡng thiết yếu gồm vitamin A, sắt, kẽm, iốt vào các thực phẩm sử dụng hàng ngày. Cách làm này đem lại hiệu quả cao vì người dân thường không được chú trọng đến lượng vi chất được đưa vào cơ thể mỗi bữa ăn. Cụ thể là bổ sung vitamin A vào dầu ăn, sắt vào xì dầu, riêng nước mắm và bột mì có cả sắt và kẽm. Theo đề xuất này, tất cả các thực phẩm dù trong nước hay nhập khẩu đều phải đảm bảo các yêu cầu về vi chất nói trên mới được phép lưu hành. 

Để có một cơ thể khỏe mạnh và trí tuệ, hãy cung cấp cho cơ thể đầy đủ các vi chất dinh dưỡng. Nước ta đang trong giai đoạn phòng chống và đẩy lùi “nạn đói tiềm tàng” này. Hãy chung tay vì một sức khỏe cộng đồng.

TuThuoc24h.net