Tâm sự của vợ “sợ” ngày tết
Tra cứu thuốc chuẩn nhất
Trang chủ Bạn Kể Tôi Nghe Duyên Phận

Tâm sự của vợ “sợ” ngày tết

Cảm giác bố mẹ mình bị coi thường luôn khiến chị cảm thấy không được thoải mái và ấm ức nhưng lấy chồng đành theo chồng, bố mẹ chị luôn động viên chị như thế, nên chị đành ngậm ngùi “ngậm bồ hòn làm ngọt” cho yên chuyện.

Ở thời buổi này nói đến làm dâu có vẻ ít dần nhưng không phải không có, nhất là với những cô gái đã quen cuộc sống chỉ có 2 vợ chồng ở phố thị chưa một ngày làm dâu nhưng tết phải về quê và chỉ vài ngày thôi chịu khó, nhưng cứ thấy đến tết là sợ. Ai cũng có lý do riêng để sợ nhưng lý do đó là gì cùng đọc tâm sự của một vài chị em chia sẻ nhé.

Tủi thân vì cảm giác gia đình mình không được tôn trọng

Đây là lý do và cảm nhận của rất nhiều chị em, bởi cảm giác cứ ngày lễ tết, chồng chỉ muốn về nhà mình mà không đoái hoài gì nhà vợ, khiến các bà vợ bị tổn thương vì nghĩ gia đình, bố mẹ mình bị chồng coi thường.

Chị Bích Liên (chuyên viên của Ngân hàng VPBank) tâm sự nhà chị chỉ có 2 chị em gái, cả hai chị em đều lấy chồng xa, nên cứ dịp tết nghĩ cảnh bố mẹ mình lủi thủi đón tết một mình, chị lại cảm thấy tủi thân và thương bố mẹ thật nhiều. Anh Tiến, chồng chị, là một người rất coi trọng lễ nghĩa nhưng chỉ với gia đình mình, còn với gia đình vợ, anh thường dùng tiền để  khỏa lấp. Trước tết, chồng chị luôn xúi vợ về nhà biếu bố mẹ ruột một khoản tiền khá lớn để ăn tết, anh đưa ra lý do vì không về được nên “đền bù” cho bố mẹ chi bằng tiền. Nhiều lần chị góp ý, thậm chị nổi điên với chồng vì lý do anh đưa ra bao biện nhưng vì muốn gia đình được yên ổn ba ngày tết nên chị đành nhịn anh. Cảm giác bố mẹ mình bị coi thường luôn khiến chị cảm thấy không được thoải mái và ấm ức nhưng lấy chồng đành theo chồng, bố mẹ chị luôn động viên chị như thế, nên chị đành ngậm ngùi “ngậm bồ hòn làm ngọt” cho yên chuyện.

Chồng sĩ diện thích thể hiện

Chị Thu Hà (nhân viên của một tập đoàn truyền thông lớn, sống tại TP.HCM) chia sẻ, cứ mỗi dịp tết là chỉ sợ… hết hồn. Trước tết khoảng nửa tháng nhà chị lúc nào cũng rơi vào trạng thái chiến tranh lạnh chỉ bởi hai vợ chồng thường xuyên tranh cãi nhau về việc về quê “anh xa” hay ở lại thành phố ăn tết. Hơn 10 năm lấy chồng, năm nào cũng như năm nào, tình hình chưa khi nào được cải thiện, chị dù quyết liệt tranh cãi với chồng nhưng cuối cùng vẫn phải chiều anh vì suy nghĩ cho cùng lý do anh đưa ra cũng chẳng sai. Bởi cả năm, thường xuyên qua lại nhà vợ rồi, mỗi năm chỉ có 3 ngày tết, anh nhất định cả nhà phải về nội để thăm viếng, sum họp với ông bà, tổ tiên.

Tuy nhiên, chị Hà “ghét” mấy ngày tết là bởi bình thường chồng chị rất ga lăng, sẵn sàng chiều chuộng và chăm sóc vợ con, thậm chí không ngại thay tã, rửa chén để chia sẻ công việc với vợ nhưng cứ hễ dịp tết cả gia đình về quê, anh lại ra oai trước bố mẹ và các em, nhất định không giúp đỡ chị việc gì, thậm chí chẳng thèm hỏi han, chỉ đút tay túi quần, không động tay động chân bất kể việc gì; thêm chuyện bình thưởng anh không nhậu nhưng cứ tết là anh say, vì nhậu liên miên hết cùng bạn bè lại đến cô dì chú bác. Và trong lúc say, anh hay mượn rượu chê trách chị vụng về trước mặt mọi người, như thế bao ẩn ức những ngày sống ở thành phố chỉ chờ được dịp tuôn trào. Bị chê bai thậm tệ trước mặt người thân của anh, chị nhiều khi xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu.

Nhà chồng luôn muốn thử tài con dâu

Còn Mỹ Trang mới làm dâu được 2 năm nhưng mỗi khi nghĩ về tết cô cũng không khỏi rùng mình. Sinh ra và lớn lên ở đô thị nhưng Trang đem lòng yêu và lấy anh bạn cùng học quê ở xa tít. Lúc yêu Trang nghĩ, quê xa năm về đôi ba ngày nên khoảng cách, thiếu thốn, lạc hậu ở quê chồng không phải vấn đề lớn. Cho tới tết năm đầu tiên, cô dâu mới về nhà chồng đã tá hỏa, thậm chị phải gọi mẹ cầu cứu vì những “tai nạn” mà cô không thể ngờ. Năm có ba ngày tết, nhà chồng phải đông anh chị em nên tết đến, mọi người sum họp rất đông.

Ai cũng muốn thử tài đảm đang của dâu mới, nên các anh chị cứ “dể dành” việc nấu nướng cho cô với hy vọng dâu phố sẽ biết nấu nhiều món ngon, bày biện đẹp. Các chị dâu chỉ phụ họa vòng ngoài, còn Trang nghiễm nhiên trở thành đầu bếp chính trong ba ngày tết, lúc này cô mới khóc dở mếu dở, vì bếp quê đâu như bếp phố nhà mình. Trang ngồi nấu nướng mà mồ hôi, nước mắt giàn giụa vì nóng, vì khói, xoong chảo nồi niêu thì mỡ mòng dính bết, cô quẹt cả lên mặt lên trán, được phen cho anh chị và các cháu cười ngả nghiêng. Vừa bực vừa tủi thân, Trang tấm tức khóc với chồng, cô thậm chí còn gọi cho mẹ để kể tội “tết quê”. Với Trang, mấy ngày tết chồng sung sướng vì được sum họp bao nhiêu, thì những ngày đó cô lại bị ám ảnh bấy nhiêu. Nghĩ đến cái tết trước mắt đang đến gần, Trang ngậm ngùi vì chưa biết tết này, cô sẽ tiếp tục đối phó ra sao.

Tết là lúc được nghỉ ngơi sum họp nhưng cũng là lúc có nhiều việc để làm, là lúc những đứa con xa nhớ về bố mẹ, phận lấy chồng xa sẽ rất nhớ nhà những ngày tết hoặc sẽ không nhớ gì vì công việc bù đầu, vợ chồng hãy nói chuyện và tìm ra phương án tốt nhất để được lòng cả 2 bên. Đừng để ngày tết trở nên nặng nề và mệt mỏi, buồn tủi.
Bạn có sợ tết làm dâu không và nghĩ gì về các cô gái trong bài này, hãy chia sẻ với Tủ Thuốc 24h nhé.

Chúc các bạn có một cái tết vui vẻ đầm ấm.

TuThuoc24h.net