Bệnh mù màu và các phương pháp kiểm tra bệnh mù màu
Tra cứu thuốc chuẩn nhất
Trang chủ Bệnh 360° Bệnh Người Lớn

Bệnh mù màu và các phương pháp kiểm tra bệnh mù màu

Bệnh mù màu là căn bệnh hiếm gặp, người mắc bệnh sẽ gặp khó khăn khi phân biệt màu. Vậy bệnh mù màu là gì? Đâu là triệu chứng của bệnh mù màu?

Bệnh mù màu là một bệnh lý về mắt tuy người bệnh có thể nhìn rõ mọi vật nhưng lại không thể phân biệt được một số màu sắc nhất định. Căn bệnh này không nguy hiểm gì đến tính mạng nhưng vẫn có một vài ảnh hưởng trong cuộc sống sinh hoạt của người mắc bệnh này như tham gia giao thông hay các công việc liên quan đến màu sắc.

Bệnh mù màu là gì?

Bệnh mù màu là một tật bẩm sinh, còn gọi là bệnh rối loạn sắc giác hoặc loạn sắc giác. Đây là tình trạng mắt không có khả năng phân biệt được một số màu sắc của vật như màu đỏ, màu xanh lá, xanh biển hoặc có sự pha trộn giữa các màu này với nhau. Nguyên nhân có thể các tế bào nón (tế bào đảm nhận nhiệm vụ phân tích màu sắc, tập trung ở hố trung tâm võng mạc) mất khả năng phân biệt màu sắc, gây ra tình trạng rối loạn sắc giác hay bệnh mù màu.

Bệnh mù màu là căn bệnh khó phân biệt màu hiếm gặp
Bệnh mù màu là căn bệnh khó phân biệt màu

Người mắc bệnh mù màu vẫn có thể nhìn rõ mọi vật bình thường; song khả năng nhận biết màu sắc của họ bị giảm, chứ chưa có trường hợp nào là không thể nhìn thấy bất kì màu nào. Bệnh không ảnh hưởng nghiêm trọng gì đến việc duy trì sự sống cũng như sinh sản của người mắc bệnh; tuy nhiên gen bệnh có thể di truyền cho thế hệ sau.

Theo thống kê, người phương Đông ít bị mù màu hơn phương Tây; chỉ khoảng 4-5% đàn ông phương Đông bị mù màu, còn người phương Tây thì lên tới 8-9%. Hơn nữa, nam giới cũng là đối tượng dễ mắc bệnh mù màu hơn nữ giới.

Triệu chứng thường gặp ở người mù màu

Rối loạn sắc giác có thể chia thành hai mức độ:

  • Khuyết sắc (ở mức độ nhẹ, người bệnh không phân biệt được giữa màu lục và màu đỏ, màu xanh da trời và màu vàng.)
  • Mù màu (trường hợp hoàn toàn không phân biệt được giữa các màu).
Một trong những biểu hiện của bệnh mù màu
Một trong những biểu hiện của bệnh mù màu

Ngoài ra, còn có một số dấu hiệu khác như:

  • Không thể phân biệt được một số màu sắc nhất định, nhưng những màu khác vẫn có thể nhận biết được, trong khi người bình thường có thể nhận biết được rất nhiều loại sắc thái khác nhau.
  • Người bệnh có vấn đề về thị lực nhưng không phát hiện ra.
  • Trường hợp hiếm gặp khi chỉ thấy được màu trắng, đen, xanh.

Khi bạn thấy bản thân không thể phân biệt được một số màu sắc nhất định, nghi ngờ đây là dấu hiệu của bệnh mù màu, hãy đến bệnh viện kiểm tra và tư vấn nhận điều trị từ y bác sĩ. Đối với lứa tuổi trẻ em, cần có một cuộc kiểm tra toàn diện về mắt bao gồm thị lực và khả năng phân biệt màu sắc trước khi cho con đi học.

Nguyên nhân mắc bệnh mù màu

Rối loạn di truyền

Bệnh xuất hiện có thể do rối loạn di truyền
Rối loạn di truyền có thể là nguyên nhân của bệnh

Bệnh mù màu là một bệnh lý liên quan đến di truyền do cặp nhiễm sắc thể giới tính (XX ở nữ và YY ở nam) đảm nhận. Bệnh phát sinh do đột biến hoặc thiếu một gen trên nhiễm sắc thể X; gây rối loạn tế bào cảm thụ ánh sáng ở mắt giúp phân biệt màu sắc. Gen này là “gen lặn” do đó nam giới nếu nhận được từ mẹ. Loại gen này sẽ không thể phân biệt được màu sắc, do nhiễm sắc thể Y không có chứa gen màu sắc trội đủ mạnh để lấn át gen mù màu.

Còn nữ giới chỉ có thể mắc bệnh này nếu nhận 2 gen mù màu: một ở mẹ và một ở bố mắc bệnh truyền cho. Nếu nữ giới chỉ chứa một gen bệnh thì không ảnh hưởng, vì gen màu sắc ở nhiễm sắc thể còn lại đủ át gen bệnh. Điều này lí giải vì sao tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn nhiều so với nữ giới.

Bệnh có khả năng xuất hiện ở nam giới cao hơn nữ giới
Bệnh có khả năng xuất hiện ở nam giới cao hơn nữ giới

 

Biến chứng của một số bệnh khác

Một số bệnh có thể gây ảnh hưởng đến thị giác gây mù màu như: tiểu đường, bệnh tăng nhãn áp, thoái hóa điểm vàng, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, những người nghiện rượu mãn tính hay thậm chí cả các bệnh bạch cầu và thiếu máu hồng cầu hình liềm.

Các bệnh này có thể ảnh hưởng đến một bên mắt, thậm chí cả hai. Song tình trạng này có thể thuyên giảm hoặc khỏi hẳn khi bệnh được chữa trị hoàn toàn.

Do biến chứng của một số thuốc

Một số loại thuốc có khả năng làm thay đổi khả năng phân biệt màu sắc của mắt như thuốc tim mạch, huyết áp, rối loạn cương dương, nhiễm trùng, rối loạn thần kinh…

Tình trạng lão hóa 

Lão hoá có thể là một trong những nguyên nhân của bệnh
Lão hoá có thể là một trong những nguyên nhân của bệnh

Khi tuổi càng cao, thị và khả năng phân biệt màu sắc cũng giảm dần.

Tiếp xúc thường xuyên với hóa chất

Việc tiếp xúc nhiều với một số hóa chất mạnh ở nơi làm việc, như disulfua cacbon, phân bón và styrene có thể gây mất màu sắc ở thị giác. 

Các phương pháp xác định bệnh mù màu

Kiểm tra màu Ishihara

Đây là phương pháp kiểm tra mù màu đỏ - xanh. Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh nhìn vào một loạt các vòng tròn có các chấm tô màu sắc và kích cỡ khác nhau. Một số dấu chấm tạo thành hình dạng hoặc số (một hoặc hai chữ số). Nếu người bệnh gặp vấn đề khi nhìn màu đỏ và màu xanh lá cây, những hình dạng đó sẽ khó được nhìn thấy, hoặc không thể nhìn thấy chúng.

Phương pháp kiểm tra mù màu Ishihara
Phương pháp kiểm tra mù màu Ishihara

Kiểm tra màu Cambridge

Bài kiểm tra này rất giống với bài kiểm tra Ishihara, ngoại trừ việc phải nhìn vào màn hình máy tính. Người bệnh sẽ phải cố gắng tìm hình dạng "C" - hình dạng này là một màu khác với nền, được bật lên ngẫu nhiên. Khi nhìn thấy hình dạng, bạn sẽ nhấn một trong bốn phím.

Nội soi dị thường

Phương pháp này cho phép người bệnh nhìn qua một thị kính và thấy một vòng tròn. Nửa trên của vòng tròn là đèn vàng. Nửa dưới được tạo thành từ đèn đỏ và xanh lá cây. Người thực hiện xoay núm cho đến khi cả hai nửa cùng màu và có độ sáng giống nhau. Các bác sĩ sử dụng xét nghiệm này để kiểm tra đối với những người mù màu đỏ và màu xanh lá cây.

Thử nghiệm màu 100 Farnsworth-Munsell 

Minh hoạ phương pháp thử nghiệm màu 100 Farnsworth - Munsell
Minh hoạ phương pháp thử nghiệm màu 100 Farnsworth - Munsell

Đây là phương pháp sử dụng các khối hoặc chốt là các sắc thái khác nhau của cùng một màu. Nhiệm vụ của người thực hiện là sắp xếp chúng sao cho theo một trật tự nhất định. Thử nghiệm này kiểm tra mức độ nhận ranhững thay đổi màu sắc nhẹ hay không. Phương pháp này cũng được dùng cho các công ty cần kiểm tra màu chính xác.

Thử nghiệm đèn rọi Farnsworth

Phương pháp này được quân đội Hoa Kỳ áp dụng để xem các tân binh bị mù màu nhẹ hay nặng. Trường hợp mắc bệnh mù màu nhẹ, tân binh đó có thể phục vụ lực lượng vũ trang trong quân đội.

Điều trị bệnh mù màu

Đối với bệnh nhân mù màu do di truyền không thể chữa trị được, nhưng đối với bệnh nhân bị mù màu do thuốc hoặc biến chứng từ bệnh khác có thể điều trị khỏi được. Khi tìm được căn nguyên của bệnh, điều trị dứt điểm căn bệnh đó, chứng mù màu tự dưng cũng sẽ thuyên giảm theo.

Có thể dùng kính phân biệt màu để khắc phục tình trạng bệnh
Có thể dùng kính phân biệt màu để khắc phục tình trạng bệnh

Bên cạnh đó, nhằm giúp cải thiện cuộc sống sinh hoạt của người bị mù màu, các nhà khoa học đã phát minh ra kính lọc màu sắc. Thông qua loại kính này, người mắc này có thể cải thiện khả năng phân biệt màu sắc, làm giảm độ chói sáng giúp phân biệt màu sắc dễ dàng hơn cho dù không thể chữa dứt điểm được bệnh.

Đeo kính áp tròng có màu sắc cũng là biện pháp có thể giúp phân biệt được màu, nhược điểm màu sắc không tự nhiên và có thể làm méo mó hình ảnh nhìn thấy.

Ngoài ra, người nhà có thể giúp bệnh nhân khắc phục tình trạng mù màu bằng cách ghi nhớ vị trí quy ước giữa các màu như đèn tín hiệu. Từ đó, người bị mù màu có thể thuận tiện khi tham gia giao thông trên đường. 

Một số cách phòng tránh bệnh mù màu

Có nhiều cách áp dụng để phòng tránh bệnh mù màu
Có nhiều cách áp dụng để phòng tránh bệnh mù màu
  • Điều trị các bệnh nội khoa có thể dẫn đến mù màu như tiểu đường, tim mạch, tăng nhãn áp…
  • Kiểm tra sức khỏe, bộ nhiễm sắc thể trước khi lập gia đình; sàng lọc trước khi sinh để tránh thế hệ sau mắc bệnh này.
  • Khi tiếp xúc hóa chất cần phải đeo đồ bảo hộ cho mắt.
  • Tránh các chấn thương vùng mắt và vùng đầu - những nơi dễ gây tổn thương thị giác.
  • Không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có sự chỉ định từ bác sĩ điều trị.
  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu gặp những vấn đề bất thường về thị lực.

 

Bệnh mù màu di truyền là bệnh không thuốc nào có thể chữa khỏi. Song nó cũng không ảnh hưởng đến tính mạng hay các vấn đề khác cho người bệnh; chỉ là đôi lúc sẽ gặp khó khăn trong sinh hoạt. Vì thế, người nhà nên có biện pháp hỗ trợ giúp người bệnh có thể ghi nhớ vị trí hoặc đặc điểm của các màu. Trường hợp có gì bất thường về thị giác hãy đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

TuThuoc24h