Thông tin cơ bản thuốc Triamcinolone
Dạng bào chế
Thuốc tiêm, thuốc uống, thuốc để hít
Dạng thuốc và hàm lượng
- Kem bôi, mỡ, bột nhão: 0,1%;
- Lọ tiêm: 5 mg/ml, 25 mg/ml, 40 mg/ml;
- Nhũ dịch: 10 mg/ml;
- Ống tiêm: 3 mg/ml (5 ml), 10 mg/ml (5 ml), 40 mg/ml (1,5 và 10 ml);
- Siro: 2 mg/5 ml, 4 mg/ml (120 ml);
- Viên nén: 1, 2, 4, 8 mg.
- Bình xịt mũi định lượng 55 microgam triamcinolon acetat/1 xịt.
- Bình xịt qua miệng có định lượng liều: 100 microgam triamcinolon acetat/1 xịt và 200 microgam triamcinolon acetat/1 xịt.
Điều kiện bảo quản
Bảo quản ở nhiệt độ phòng (từ 15 – 30oC).
Tác dụng thuốc Triamcinolone
Chỉ định/Chống chỉ định
Chỉ định
- Dạng hít: Dùng trong hen phế quản và các tình trạng co thắt phế quản.
- Toàn thân: Dạng uống và tiêm dùng trong bệnh suy thượng thận cùng với một mineralocorticoid khác, nhưng thường ưa dùng hydrocortison cùng với fludrocortison hơn, thấp khớp (viêm đa khớp mạn tính tiến triển), dị ứng, các bệnh về đường hô hấp có yêu cầu dùng corticosteroid (hen) Tiêm tại chỗ (trong khớp, sẹo lồi).
- Dùng ngoài: Các bệnh ngoài da đáp ứng với steroid.
Chống chỉ định
Quá mẫn với thuốc; nhiễm nấm toàn thân; nhiễm khuẩn nặng cấp tính chưa khống chế được bằng kháng sinh thích hợp; điều trị ngay từ đầu trạng thái hen, bệnh zona, thuỷ đậu, loét dạ dày tá tràng.
Liều dùng và cách dùng
Đường dùng thuốc và liều dùng tùy thuộc vào tình trạng bệnh và đáp ứng của người bệnh. Tiêm bắp dành cho người bệnh không uống được. Với trẻ em, liều không phụ thuộc vào tuổi, trọng lượng cơ thể mà vào mức độ bệnh và đáp ứng với thuốc. Sau khi kết quả mong muốn đạt được, nên giảm liều dần dần đến mức thấp nhất và ngừng thuốc càng sớm càng tốt. Người bệnh cần được kiểm tra thường xuyên các dấu hiệu để điều chỉnh liều khi cần thiết như bệnh tăng lên hoặc nhẹ đi, các stress như chấn thương, phẫu thuật nhiễm trùng. Nếu liệu pháp triamcinolon dài ngày là cần thiết, có thể dùng thuốc cách 1 ngày. Sau khi dùng thời gian dài nên ngừng thuốc từ từ.
Nhìn chung, liều tiêm bắp 1 lần gấp 4 - 7 lần liều uống sẽ khống chế được bệnh từ 4 - 7 ngày lên tới 3 - 4 tuần.
Liều uống:
Người lớn: Liều từ 4 - 48 mg/ngày, tùy theo từng loại bệnh, nhưng liều trên 32 mg/ngày rất ít khi được chỉ định. Thí dụ:
Do dị ứng: 8 - 16 mg/ngày có thể kiểm soát được bệnh trong vòng 24 - 48 giờ.
Viêm khớp dạng thấp: Liều ban đầu: 8 - 16 mg/ngày trong 2 - 7 ngày. Liều duy trì: 2 - 16 mg/ngày.
Viêm mũi dị ứng nặng theo mùa: Liều ban đầu: 8 - 12 mg/ngày. Liều duy trì: 2 - 6 mg/ngày.
Luput ban đỏ rải rác: Liều ban đầu: 20 - 30 mg/ngày. Liều duy trì: 3 - 30 mg/ngày.
Trẻ em: Liều uống: 0,12 mg/kg (hoặc 3,3 mg/m2 diện tích da) uống làm 1 lần hoặc chia thành liều nhỏ. Trong ung thư (thí dụ như trong bệnh bạch cầu cấp) liều uống ban đầu: 1 - 2 mg/kg/ngày; sau đó dựa vào đáp ứng của người bệnh để điều chỉnh liều.
Liều tiêm:
Người lớn:
Tiêm bắp: Triamcinolon acetonid hoặc diacetat được dùng dưới dạng hỗn dịch để cho tác dụng toàn thân kéo dài.
Triamcinolon acetonid: 40 mg tiêm bắp sâu, vào cơ mông. Có thể lặp lại nếu triệu chứng trở lại. Liều tối đa 1 lần 100 mg.
Triamcinolon diacetat: 40 mg tiêm cách nhau 1 tuần.
Trẻ em 6 - 12 tuổi: Tiêm bắp (triamcinolon acetonid hoặc hexacetonid): 0,03 - 0,2 mg/kg cách 1 ngày hoặc 7 ngày/1 lần.
Tiêm trong khớp: Tùy theo khớp to hay nhỏ, liều sẽ thay đổi:
Người lớn: Triamcinolon acetonid: 2,5 - 40 mg.
Triamcinolon diacetat: 3 - 48 mg
Triamcinolon hexacetonid: 2 - 30 mg.
Trẻ em 6 - 12 tuổi: 2,5 - 15 mg
Tiêm trong vùng tổn thương, trong da (sẹo lồi): Dạng diacetat hoặc acetonid nồng độ 10 mg/ml. Tiêm từ 1 đến 3 mg cho mỗi vị trí, không được vượt quá 5 mg cho mỗi vị trí. Nếu tiêm nhiều vị trí, các vị trí tiêm phải cách nhau trên 1 cm. Tổng liều tối đa không được vượt quá 30 mg.
Dùng tại chỗ: Bôi 1 lớp mỏng, ngày 2 - 3 lần (dùng kem, lotio, thuốc mỡ chứa 0,1% tùy nồng độ có thể từ 0,025 đến 0,5%).
Dùng để hít:
Hít qua miệng (trong hen): Liều thông thường 200 microgam đã định trước: 1 - 2 lần xịt, ngày 3 - 4 lần; liều không được vượt quá 1600 microgam/ngày.
Trẻ em 6 - 12 tuổi: 100 - 200 microgam (1 hoặc 2 xịt đã định lượng) 3 – 4 lần/ngày hoặc 200 - 400 microgam (2 - 4 lần xịt định lượng) 2 lần/ngày, không quá 12 lần xịt/ngày.
Hít qua mũi (trong viêm mũi dị ứng): Liều thông thường 2 xịt (110 microgam) vào mỗi bên mũi, ngày 1 lần (triamcinolon acetonid).
Trẻ em 6 - 12 tuổi: 55 microgam (1 xịt) vào mỗi bên mũi, ngày 1 lần.
Thận trọng
- Đã có những người bệnh hen khi chuyển dùng thuốc toàn thân sang dạng hít đã bị suy thượng thận và bị tử vong. Phải cần vài tháng mới hết hội chứng suy thượng thận. Trong thời kỳ này, corticoid dùng dạng hít không cung cấp đủ nhu cầu toàn thân để điều trị cho người bệnh bị chấn thương, nhiễm trùng, phẫu thuật.
- Tránh dùng liều cao hơn liều quy định. Phải tuyệt đối vô trùng vì dễ có tai biến nhiễm khuẩn.
- Phải dùng thuốc thận trọng ở người bệnh thiểu năng tuyến giáp, xơ gan, viêm loét đại tràng không đặc hiệu, người có nguy cơ loét dạ dày. Không băng kín vết thương chảy dịch đang dùng thuốc. Ngừng thuốc nếu có kích ứng da hoặc viêm da tiếp xúc. Không dùng cho những người bệnh có tuần hoàn da suy giảm.
- Tránh dùng trên mặt.
- Cần thận trọng dùng thuốc dạng toàn thân cho người cao tuổi: Vì nguy cơ xảy ra tác dụng không mong muốn cao, nên dùng liều thấp nhất với thời gian ngắn nhất có thể. Triamcinolon dạng hít có liều định lượng, kèm theo một buồng hít có thể phù hợp hơn với người cao tuổi.
Tương tác với các thuốc khác
- Barbiturat, phenytoin, rifampicin, rifabutin, carbamazepin, primidon và amino- glutethimid làm tăng chuyển hóa, thanh thải corticoid, gây giảm tác dụng điều trị.
- Corticoid đối kháng tác dụng của các thuốc hạ đường huyết (gồm cả insulin), thuốc hạ huyết áp và lợi tiểu. Tác dụng giảm kali huyết của các thuốc sau đây tăng lên: Acetazolamid, lợi tiểu thiazid, carbenoxolon.
- Dùng đồng thời với các thuốc chống đông máu cumarin làm tăng tác dụng của thuốc chống đông máu. Cần kiểm tra thời gian đông máu hoặc thời gian prothrombin để tránh chảy máu tự phát.
- Corticoid làm tăng sự thanh thải salicylat, ngừng corticoid có thể gây nhiễm độc salicylat.
Tác dụng phụ
Hầu hết ADR là do tác dụng ức chế trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận, bao gồm tăng huyết áp, phù, tim to, suy tim sung huyết, thiếu hụt K+, nhiễm kiềm, giảm kali huyết.
Khi dùng ngoài trên diện rộng, nhất là khi da tổn thương, có thể gây tác dụng toàn thân.
Thường gặp, ADR > 1/100
Chuyển hóa: Giảm K+ huyết, giữ Na+, phù, tăng huyết áp.
Cơ xương: Yếu cơ, teo cơ.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Máu: Huyết khối.
Thần kinh: Rối loạn tâm thần kèm theo các triệu chứng cảm xúc.
Nội tiết: Suy vỏ thượng thận, triệu chứng giả Cushing, cân bằng protein giảm, trẻ chậm lớn, đái tháo đường, khả năng đề kháng giảm, bộc phát các bệnh tiềm tàng như bệnh lao, đái tháo đường.
Cơ xương: Loãng xương, teo da và cơ, khó liền vết thương.
Mắt: Glôcôm, đục nhân mắt dưới bao phía sau (nếu dùng kéo dài).
Hiếm gặp, ADR < 1/1000
Thần kinh: Tăng áp lực nội sọ.
Các ADR khác: Viêm mạch hoại tử, viêm tắc tĩnh mạch, tình trạng nhiễm trùng nặng thêm, mất ngủ, ngất, choáng phản vệ.
Dùng thuốc ở liều điều trị gây ức chế bài tiết hormon hướng vỏ thượng thận ở tuyến yên gây teo tuyến thượng thận. Ngừng hoặc giảm liều đột ngột, hoặc tăng nhu cầu corticosteroid do stress, nhiễm trùng, chấn thương, phẫu thuật có thể thúc đẩy suy thượng thận cấp. Triệu chứng suy thượng thận là: Khó chịu, yếu cơ, thay đổi tâm thần, đau cơ, khớp, tróc da, khó thở, chán ăn, buồn nôn, nôn, sốt, hạ đường huyết, hạ huyết áp, mất nước, dẫn đến chết nếu ngừng thuốc đột ngột.
Một số trường hợp, ngừng thuốc lại kích thích bệnh cũ tái phát. Một số tác dụng khác như: Tăng áp lực nội sọ lành tính kèm theo nôn, đau đầu, phù gai thị do phù não. Viêm mũi hoặc eczema tiềm tàng có thể bộc phát.
Thời gian và liều dùng thuốc là các yếu tố quan trọng trong ức chế đáp ứng tuyến yên - thượng thận đối với stress do ngừng thuốc. Cơ địa của từng cá thể cũng rất quan trọng. Do vậy luôn phải ngừng thuốc từ từ tùy thuộc vào đáp ứng của từng cá thể.
Dược động học/Dược lực
Dược động học
– Hấp thu: ,Triamcinolone, được hấp thu tốt qua đường tiêu hoá. Cũng được hấp thụ tốt khi tiêm tại chỗ hoặc dùng ngoài, đặc biệt khi băng kín hay da bị tổng thương, hoặc xông, phun, sương qua mũi miệng, thuốc có thể được hấp thu tốt, gây tác dụng toàn thân. Dạng tan trong nước của triamcinolon để tiêm tĩnh mạch có tác dụng nhanh, dạng tan trong dầu để tiêm bắp có tác dụng kéo dài hơn. ,– Phân bố: Triamcinolon được phân bố vào tất cả các mô trong cơ thể (cơ, gan, da, ruột, thận…). Thuốc qua được hàng rào nhau thai và tiết vào sữa mẹ một lượng nhỏ. Thuốc liên kết chủ yếu với albumin huyết tương. ,– Chuyển hoá: Triamcinolon chuyển hoá chủ yếu ở gan, một phần ở thận. ,– Thải trừ: Thuốc được đào thải qua đường nước tiểu, thời gian bán thải của thuốc là 2-5 giờ.
Dược lực
Triamcinolone, là glucocorticoid tổng hợp có fluor.
Khác
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Sốt, đau cơ, đau khớp, viêm mũi, viêm kết mạc, đau ngứa ngoài da, sút cân.
Ngừng hoặc giảm liều quá nhanh sau điều trị dài ngày có thể gây suy thượng thận cấp, hạ huyết áp và chết.
Nếu có các dấu hiệu này cần dùng ngay 1 liều corticosteroid tác dụng nhanh (đưa vào đường tĩnh mạch), sau đó giảm liều dần.