Thông tin cơ bản thuốc Phenytoin 100mg
Số đăng ký
VNA-1744-04
Dạng bào chế
Viên nén
Quy cách đóng gói
Lọ 100 viên nén
Điều kiện bảo quản
Giữ thuốc trong hộp kín, ngoài tầm với của trẻ em. Bảo quản ở nhiệt độ phòng, nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp. Không đông đá dung dịch thuốc trong tủ lạnh.
Tác dụng thuốc Phenytoin 100mg
Chỉ định/Chống chỉ định
Chỉ định
Ðộng kinh cơn lớn, cơn động kinh cục bộ khác. Ðộng kinh tâm thần - vận động.
Chống chỉ định
Rối loạn chuyển hóa porphyrin. Quá mẫn với các dẫn chất hydantoin.
Liều dùng và cách dùng
Cách dùng
Liều phenytoin phải được điều chỉnh theo nhu cầu của từng người bệnh để khống chế cơn động kinh, cần giám sát nồng độ thuốc trong huyết tương (10-20mcg/ ml). Các tên thương mại khác nhau của phenytoin cũng như các dạng bào chế khác nhau của cùng một nhà sản xuất cũng có sinh khả dụng và tốc độ hòa tan khác nhau, do đó người bệnh cần tiếp tục dùng loại thuốc đã dùng ban đầu để ổn định bệnh, và nếu cần thay thuốc khác thì cần thiết phải ổn định lại. Ðể giảm bớt kích ứng dạ dày, phenytoin phải uống cùng hoặc sau bữa ăn. Nếu người bệnh đang dùng thuốc chống động kinh khác mà chuyển sang phenytoin thì phải thực hiện dần dần, liều dùng có thể chồng lên nhau. Khi tiêm tĩnh mạch, phải chọn một tĩnh mạch lớn, dùng kim to hoặc một ống thông tĩnh mạch để tiêm với tốc độ không được vượt quá 50mg/ phút. Tiêm nhanh có thể gây hạ huyết áp, trụy tim mạch hoặc ức chế hệ thần kinh trung ương, do thuốc tiêm có chất propylen glycol. Không khuyến khích tiêm bắp vì hấp thu chậm và gây kích ứng tại chỗ. Lắc hỗn dịch trước khi dùng. Chú ý khi sử dụng nang thuốc tác dụng kéo dài hoặc nang tác dụng nhanh. Chỉ nang thuốc tác dụng kéo dài mới được sử dụng 1 lần/ ngày. Không nên dùng nang thuốc tác dụng nhanh 1 lần/ ngày.
Liều lượng
Thuốc uống
- Người lớn và thiếu niên: Liều ban đầu là: 100 - 125mg/ lần x 3 lần/ ngày. Cần điều chỉnh liều theo khoảng cách 7 - 10 ngày. Liều duy trì: 300 - 400mg/ ngày.
- Trẻ em: Liều ban đầu là 5mg/ kg/ ngày, chia 2 - 3 lần. Ðiều chỉnh liều khi cần nhưng không được vượt 300mg/ ngày. Liều duy trì: 4 - 8mg/ kg/ ngày, chia 2-3 lần.
Thuốc tiêm
Ðể điều trị trạng thái động kinh, thường bắt đầu tiêm tĩnh mạch benzodiazepin (như diazepam), tiếp theo là tiêm tĩnh mạch phenytoin.
- Người lớn và thiếu niên: 15 - 20mg/ kg, tiêm tĩnh mạch trực tiếp, tốc độ không vượt quá 50mg/ phút. Liều duy trì: Tiêm tĩnh mạch trực tiếp 100mg/ lần, 6 - 8 giờ/ lần, tốc độ không vượt quá 50mg/ phút.
- Trẻ em: Tiêm tĩnh mạch trực tiếp 15 - 20mg/ kg, tốc độ không vượt quá 50mg/ phút (tốc độ 1 - 3mg/ kg thể trọng/ phút).
Lưu ý: Người cao tuổi, người bệnh nặng hoặc người suy gan phải giảm liều bởi có sự chuyển hóa chậm của phenytoin hoặc giảm liên kết với protein huyết tương. Ðối với người béo phì, toàn bộ liều phải được tính toán dựa trên trọng lượng lý tưởng cộng với 1,33 lần phần vượt quá cân nặng lý tưởng, vì phenytoin được phân bố nhiều trong mỡ.
Thận trọng
Thận trọng khi dùng thuốc cho người suy gan, suy thận, đái tháo đường. Ngừng điều trị nhanh có thể gây nguy cơ tăng số cơn động kinh, thậm chí nguy cơ trạng thái động kinh. Nguy cơ tăng sản lợi, do đó cần vệ sinh miệng tốt.
Tương tác với các thuốc khác
- Coumarin hoặc dẫn chất indandion, cloramphenicol, cimetidin, isoniazid, phenylbutazon, ranitidin, salicylat, sulfonamid gây tăng nồng độ phenytoin trong huyết thanh do giảm chuyển hóa.
- Sử dụng đồng thời amiodaron với phenytoin làm tăng nồng độ phenytoin trong huyết thanh.
- Carbamazepin, estrogen, corticosteroid (glucocorticoid, mineralocorticoid), ciclosporin, glycosid của digitalis, doxycyclin, furosemid, levodopa bị giảm tác dụng khi dùng đồng thời với phenytoin, do tăng chuyển hóa.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng, haloperidol, chất ức chế monoaminoxidase, phenothiazin có thể hạ thấp ngưỡng gây co giật và làm giảm tác dụng chống co giật của phenytoin.
- Dùng đồng thời phenytoin với các muối calci làm giảm sinh khả dụng của cả hai thuốc.
- Dùng đồng thời fluconazol hoặc ketoconazol hoặc miconazol với phenytoin làm giảm chuyển hóa phenytoin, dẫn đến tăng nồng độ phenytoin trong máu.
- Verapamil, nifedipin dùng đồng thời với phenytoin có thể làm thay đổi nồng độ phenytoin tự do trong huyết thanh.
- Omeprazol làm giảm chuyển hóa phenytoin ở gan do ức chế cytochrom P450.
- Rifampicin kích thích chuyển hóa phenytoin.
- Acid valproic đẩy phenytoin ra khỏi liên kết với protein huyết tương và ức chế chuyển hóa phenytoin.
- Dùng đồng thời xanthin (aminophylin, cafein, theophylin) với phenytoin sẽ ức chế hấp thu phenytoin và kích thích chuyển hóa các xanthin ở gan.
Tác dụng phụ
Khó ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ, cử động mắt không kiểm soát, chuyển động cơ thể bất thường, mất phối hợp cơ thể, nhầm lẫn, tư duy chậm, nói lắp, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn, táo bón, rậm lông, thay đổi đặc điểm khuôn mặt, dầy môi, nướu phát triển quá mức, dương vật đau hoặc cong, sưng hạch bạch huyết, sốt, rộp da, phát ban, đau khớp, vàng da hoặc mắt, đau phần trên bên phải dạ dày, mệt mỏi quá mức, bầm tím hoặc chảy máu bất thường, ăn mất ngon, triệu chứng giống cúm. Phenytoin có thể gây ra các tác dụng phụ khác. Gọi cho bác sĩ nếu bạn có bất kỳ vấn đề bất thường nào khi dùng thuốc.
Dược động học/Dược lực
Dược động học
Phenytoin uống thường có sinh khả dụng cao, khoảng 80 - 95%. Thức ăn làm tăng hấp thu thuốc. Nửa đời sinh học phụ thuộc vào liều dùng, trung bình khoảng 13 giờ khi nồng độ thấp trong huyết thanh, nhưng tăng lên xấp xỉ 46 giờ khi nồng độ ổn định khoảng 80 micromol/lít (20 microgam/ml). Mức cân bằng ổn định ở người lớn đạt được sau 2 tuần điều trị hoặc lâu hơn. Trẻ em trước tuổi dậy thì thải trừ thuốc nhanh hơn, vì vậy liều dùng theo cân nặng cần cao hơn để đạt nồng độ điều trị trong huyết tương. Phenytoin liên kết với protein huyết tương ở mức độ rất cao (90% hoặc hơn), nhưng có thể giảm hơn ở trẻ sơ sinh (84%), ở người mang thai, ở người bệnh tăng urê huyết hoặc giảm albumin huyết. Thuốc chuyển hóa chủ yếu ở gan và đào thải ra nước tiểu dưới dạng không còn hoạt tính. Dạng không chuyển hóa bài tiết qua thận chỉ chiếm dưới 5% liều dùng. Tác dụng điều trị tốt đạt được ở nồng độ huyết thanh 40 - 80 micromol/lít (10 - 20 microgam/ml), nhưng phải xem xét toàn bộ tình trạng lâm sàng của người bệnh để vừa kiểm soát được cơn động kinh, vừa kiểm soát các phản ứng có hại. Nồng độ trong huyết thanh từ 80 - 159 micromol/lít (20 - 40 microgam/ml) thường gây triệu chứng ngộ độc; trên 159 micromol/lít (40 microgam/ml) gây ngộ độc nặng.
Dược lực
Phenytoin là dẫn chất hydantoin có tác dụng chống co giật và gây ngủ nên được dùng chống động kinh cơn lớn và động kinh cục bộ khác và cả động kinh tâm thần vận động. Thuốc không được dùng chống động kinh cơn nhỏ. Phenytoin rút ngắn cơn phóng điện và có tác dụng ổn định màng, làm hạn chế sự lan truyền phóng điện trong ổ động kinh. Phối hợp với các thuốc chống động kinh khác rất phức tạp, nên tránh.
Quá liều và cách xử trí
Các triệu chứng của quá liều có thể bao gồm: cử động mắt không kiểm soát được, mất phối hợp cơ thể, nói chậm hoặc nói lắp, lắc không kiểm soát được một phần cơ thể, buồn nôn, nôn, khó hiểu các vấn đề, hôn mê. Nếu nạn nhân hôn mê hoặc không thở được, cần gọi cấp cứu ngay lập tức.