Holoxan - Tác dụng thuốc và các thông tin khác đầy đủ nhất
Tra cứu thuốc chuẩn nhất

Holoxan

Tra cứu thông tin về thuốc Holoxan trên Tủ thuốc 24h, bao gồm: công dụng, liều lượng, tác dụng phụ, tương tác thuốc...

Thông tin cơ bản thuốc Holoxan

Số đăng ký

VN-9945-10

Dạng bào chế

Thuốc bột pha tiêm

Quy cách đóng gói

Hộp 1 lọ

Dạng thuốc và hàm lượng

Ifosfamid tiêm được đóng từng liều trong các lọ để pha dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch, mỗi lọ chứa 1 gam hoặc 3 gam bột ifosfamid vô khuẩn.

Thuốc được cung cấp trong một kiện đóng gói phối hợp với thuốc bảo vệ đường tiết niệu mesna tiêm.

Điều kiện bảo quản

Bảo quản ifosfamid ở nhiệt độ phòng từ 20 đến 25 độ C. Tránh nhiệt độ trên 30 độ C.

Những dung dịch đã pha phải được bảo quản trong tủ lạnh và dùng trong vòng 24 giờ.

Chỉ định/Chống chỉ định

Chỉ định

Ifosfamid, dùng phối hợp với một số thuốc chống ung thư khác đã được chấp thuận, được chỉ định trong liệu pháp hóa học hàng thứ ba đối với những bệnh sau:

  • Bệnh bạch cầu thể lympho cấp tính và mạn tính.
  • Bệnh Hodgkin và các u lympho không Hodgkin.
  • Ða u tủy.
  • U nguyên bào thần kinh.
  • Các khối u vú, buồng trứng, phổi, u Wilms.
  • Các sarcom cổ tử cung, tinh hoàn và mô mềm.
  • Bao giờ cũng dùng ifosfamid phối hợp với một thuốc dự phòng viêm bàng quang chảy máu, như mesna.

Chống chỉ định

  • Ðã có mẫn cảm với ifosfamid.
  • Dùng liên tục ifosfamid cho người suy chức năng tủy xương nặng (bạch cầu dưới 2000/mm3 và/hoặc tiểu cầu dưới 50.000/mm3).

Liều dùng và cách dùng

Người lớn: Nên dùng ifosfamid bằng cách tiêm truyền tĩnh mạch chậm trong tối thiểu 30 phút, với liều 1,2 g/m2 mỗi ngày hoặc 50 mg/kg/ngày, trong 5 ngày liền. Chu kỳ điều trị thường được nhắc lại cứ 3 - 4 tuần một đợt hoặc sau khi hồi phục khỏi độc tính về huyết học (tiểu cầu 100.000 microlít, bạch cầu 4.000 microlít). Ðể dự phòng tác dụng độc với bàng quang, phải dùng ifosfamid kèm với bồi phụ nhiều nước, tối thiểu 2 lít dịch uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch mỗi ngày. Dùng một thuốc bảo vệ như mesna, để phòng viêm bàng quang chảy máu. Tiêm tĩnh mạch mesna đồng thời với ifosfamid với liều bằng 20% liều ifosfamid và tiêm lại liều đó sau 4 và 8 giờ, để có tổng liều mesna bằng 60% liều ifosfamid.

Người cao tuổi: Liều cho người cao tuổi cũng giống như cho người lớn, nhưng điều chỉnh cho phù hợp với chức năng thận bị suy giảm do tuổi.

Trẻ em: 1,2 g/m2/ngày, tiêm truyền tĩnh mạch chậm trong 30 phút, trong 3 - 5 ngày, cứ 3 - 4 tuần một đợt, cùng với thuốc bảo vệ mesna.

Người có tổn thương thận:

  • Creatinin huyết thanh trên 3,0 mg/decilit: Không dùng thuốc.
  • Creatinin huyết thanh 2,1 - 3 mg/decilit: Giảm liều 25% - 50%.

Người có tổn thương gan: Chưa có hướng dẫn đặc biệt.

Pha thuốc tiêm truyền tĩnh mạch:

Pha thuốc để tiêm bằng cách cho thêm nước cất vô khuẩn vào lọ đựng ifosfamid và lắc để hòa tan. Dùng lượng chất pha loãng trình bày dưới đây để pha thuốc.

Liều thuốc

Lượng chất pha loãng 

Nồng độ cuối cùng 

1 gam

20 ml 

50 mg/ml

3 gam

60 ml

50 mg/ml

Có thể pha loãng tiếp những dung dịch ifosfamid để đạt nồng độ từ 0,6 đến 20 mg/ml trong dịch: Dextrose 5% loại tiêm; hoặc natri clorid 0,9% loại tiêm; hoặc Ringer lactat loại tiêm; nước cất vô khuẩn để tiêm.

Cần kiểm tra bằng mắt thường xem có chất vẩn và biến màu trong các chế phẩm thuốc trước khi dùng.

Thận trọng

  • Hệ tiết niệu: Những tác dụng độc hại ở đường tiết niệu, đặc biệt viêm bàng quang chảy máu, thường gặp khi sử dụng ifosfamid. Nên xét nghiệm nước tiểu trước mỗi lần dùng ifosfamid. Nếu thấy có huyết - niệu vi thể, thì ngừng dùng thuốc cho tới khi khỏi hoàn toàn. Sau đó, dùng tiếp ifosfamid đồng thời uống nhiều nước hoặc truyền dịch. Thận trọng với người có chức năng thận giảm.
  • Hệ tạo máu: Khi dùng ifosfamid phối hợp với những thuốc hóa trị liệu khác, thường thấy suy tủy nghiêm trọng. Cần theo dõi chặt chẽ về huyết học. Xét nghiệm bạch cầu, tiểu cầu và hemoglobin trước mỗi lần dùng thuốc và ở những khoảng cách thời gian thích hợp. Trừ khi cần thiết về mặt lâm sàng, không nên dùng ifosfamid cho người có số lượng bạch cầu dưới 2.000/mm3 và/hoặc số lượng tiểu cầu dưới 50.000/mm3.

Tương tác với các thuốc khác

  • Vì các enzym của microsom (cytochrom P450 2B6, cytochrom P450 2C, và cytochrom P450 3A) gây hoạt hóa ifosfamid ở gan, sự cảm ứng các enzym này có thể xảy ra khi người bệnh được điều trị trước với những thuốc gây cảm ứng enzym như phenobarbital, phenytoin và cloral hydrat.
  • Sử dụng cùng với cisplatin có thể làm tăng độc tính với thận và mất kali, magnesi, đặc biệt ở trẻ em. Ðộc tính với thận cũng tăng lên khi dùng phối hợp ifosfamid với các thuốc khác cũng độc hại với thận.

Tác dụng phụ

Tác dụng không mong muốn (ADR):

Ifosfamid ức chế tủy xương và độc với đường tiết niệu. Thuốc có tính chất độc hại thần kinh nhiều nhất trong số các thuốc alkyl hóa, và có khả năng gây ung thư thứ phát.

Thường gặp, ADR > 1/100

Thần kinh trung ương: Ngủ gà, lú lẫn, ảo giác (thường hồi phục và thường xảy ra với liều cao hoặc ở người có suy giảm chức năng thận); loạn thần, trầm cảm.

Tiêu hóa: Buồn nôn và nôn (ở 58% số người bệnh, thường gặp hơn với liều cao, có thể kéo dài đến 3 ngày sau điều trị).

Sinh dục - tiết niệu: Viêm bàng quang chảy máu.

Chuyển hóa: Nhiễm toan chuyển hóa (tới 31%)

Da: Rụng tóc (ở 50% đến 80%), viêm tĩnh mạch, viêm da, tăng sắc tố da, chậm lành vết thương.

Huyết học: Suy tủy.

Gan: Tăng các enzym gan.

Hô hấp: Sung huyết mũi, xơ hóa phổi.

Khác: Suy giảm miễn dịch, vô sinh, có thể bị phản ứng dị ứng, ung thư thứ phát.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

Thần kinh trung ương: Bệnh đa dây thần kinh.

Tim mạch: Tác dụng độc hại tim.

Da: Viêm da.

Tiêu hóa: Chán ăn, táo bón, ỉa chảy, tiết nước bọt, viêm miệng.

Hô hấp: Những triệu chứng về phổi (ho hoặc thở ngắn hơi).

Huyết học: Bệnh do rối loạn đông máu.

Khác: Mệt mỏi, khó chịu.

Hướng dẫn cách xử trí ADR:

Ifosfamid luôn được dùng với mesna để dự phòng tác dụng độc ở đường tiết niệu.

Phải dùng ifosfamid thận trọng ở người bệnh bị suy giảm chức năng thận và ở người có tủy xương bị tổn hại, như giảm bạch cầu, giảm bạch cầu hạt, những di căn rộng ở tủy xương, trước đó đã điều trị chiếu tia xạ hoặc đã dùng những thuốc độc hại tế bào khác.

Khi xảy ra những triệu chứng thần kinh, phải ngừng dùng ifosfamid và điều trị hỗ trợ cho đến khi khỏi hoàn toàn các triệu chứng này.

Việc chia thuốc thành những liều nhỏ, tiếp nhiều nước và dùng thuốc bảo vệ như mesna có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ đái ra máu, đặc biệt đái ra máu nặng, kết hợp với viêm bàng quang chảy máu.

Khi dùng ifosfamid kết hợp với những thuốc suy giảm tủy khác, cần điều chỉnh liều.

Có thể điều trị buồn nôn và nôn bằng thuốc chống nôn.

Dược động học/Dược lực

Dược động học

Ifosfamid có nửa đời trong huyết tương xấp xỉ 15 giờ sau khi dùng những liều từ 3,8 đến 5,0 g/m2 và nửa đời hơi ngắn hơn với những liều thấp hơn. Dược động học phụ thuộc vào liều.

Ifosfamid và các chất chuyển hóa được phân bố khắp cơ thể, kể cả não và dịch não tủy. Ifosfamid được chuyển hóa thành chất alkyl hóa có hoạt tính, mù tạc ifosforamid do enzym cytochrom P450 2B6, đã biến đổi ifosfamid thành 4 - hydroxy ifosfamid (có tác dụng là dạng chuyển vận của phân tử). Sau đó chất chuyển hóa 4 - hydroxy được chuyển thành những chất chuyển hóa có hoạt tính và không có hoạt tính, do phản ứng hóa học hoặc enzym. Những chất chuyển hóa không có hoạt tính gồm 4 - carboxy ifosfamid và nhiều chất decloroethyl hóa như acid thiodiacetic. Khoảng 60 - 80% các liều thuốc được bài tiết vào nước tiểu trong 72 giờ, trong đó có tới 50% là thuốc không biến đổi. Cùng với 4 - hydroxy ifosfamid, chất acrolein gây kích ứng bàng quang cũng được bài tiết qua thận và có thể tích lũy tới nồng độ cao trong bàng quang.

Dược lực

Ifosfamid là một dẫn chất oxazaphosphorin tương tự của cyclophosphamid, và giống như cyclophosphamid, ifosfamid được các enzym ở microsom gan xúc tác để chuyển hóa tạo thành những chất có hoạt tính sinh học. Những chất chuyển hóa của ifosfamid tương tác và liên kết đồng hóa trị với các base của DNA. Tốc độ chuyển hóa ifosfamid ở gan thành chất chuyển hóa có hoạt tính 4 - hydroxy ifosfamid hơi chậm hơn so với cyclophosphamid, mặc dù sự tạo thành acrolein, độc với bàng quang, không giảm. Sự khác nhau về chuyển hóa có thể giải thích ifosfamid phải cho liều cao hơn cyclophosphamid để có một tác dụng độc tế bào bằng nhau và giải thích sự khác nhau có thể có về phổ tác dụng của chúng đối với các u. Chất chuyển hóa cuối cùng của ifosfamid liên kết chéo với DNA và làm suy giảm sự phân chia tế bào, bằng cách liên kết với acid nucleic và với những cấu trúc khác trong tế bào.

Do tạo nên acrolein và những chất chuyển hóa gây phản ứng khác, ifosfamid luôn được dùng với mesna, để dự phòng tác dụng độc tại đường tiết niệu. Hiện nay, ifosfamid được dùng phối hợp với những thuốc khác để điều trị ung thư tế bào mầm tinh hoàn và được dùng rộng rãi để điều trị sarcom ở trẻ em và người lớn. Những thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh ifosfamid có tác dụng đối với ung thư biểu mô cổ tử cung, phổi, và đối với u lympho. Nó là một thành phần thường dùng trong những phác đồ hóa trị liệu liều cao.

Quá liều và cách xử trí

Các triệu chứng quá liều gồm suy tủy, buồn nôn, nôn, ỉa chảy, rụng tóc. Không có thuốc giải độc đặc hiệu đối với ifosfamid. Xử trí quá liều gồm các biện pháp hỗ trợ chung để giúp người bệnh chống đỡ lại các tác dụng độc hại có thể xảy ra.