Glipizid 5mg - Tác dụng thuốc và các thông tin khác đầy đủ nhất
Tra cứu thuốc chuẩn nhất

Glipizid 5mg

Tra cứu thông tin về thuốc Glipizid 5mg trên Tủ thuốc 24h, bao gồm: công dụng, liều lượng, tác dụng phụ, tương tác thuốc...

Thông tin cơ bản thuốc Glipizid 5mg

Số đăng ký

VD-17408-12

Dạng bào chế

Viên nén

Quy cách đóng gói

hộp 10 vỉ x 10 viên nén

Điều kiện bảo quản

Giữ thuốc trong hộp kín, ngoài tầm với của trẻ em. Bảo quản ở nhiệt độ phòng, nơi khô ráo, tránh nguồn nhiệt và ánh sáng trực tiếp.

Chỉ định/Chống chỉ định

Chỉ định

Người bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin (loại 2), mà không kiểm soát được bằng điều chỉnh chế độ ăn đơn độc.

Chống chỉ định

  • Tất cả các sulfonylurê đều có chống chỉ định đối với người đái tháo đường nhiễm toan thể ceton hôn mê hoặc không hôn mê hoặc bị bệnh nặng, suy gan, phẫu thuật, mang thai, cho con bú, khi đó phải dùng insulin thay thế.
  • Người bệnh được biết đã có mẫn cảm với glipizid hoặc đái tháo đường phụ thuộc insulin (đái tháo đường thiếu niên).
  • Phải rất thận trọng khi dùng glipizid ở người suy thận.

Liều dùng và cách dùng

Cách dùng

Glipizid thường được cho uống một lần vào buổi sáng khoảng 30 phút trước bữa điểm tâm để giảm tối đa nồng độ glucose trong máu sau khi ăn. Uống glipizid mỗi ngày một lần với liều 15 - 20 mg có thể kiểm soát thỏa đáng nồng độ glucose trong máu suốt ngày ở phần lớn người bệnh ăn theo lối thông thường. Khi liều hàng ngày vượt quá 15 - 20 mg, phải chia làm nhiều liều nhỏ trước các bữa ăn . Liều uống tối đa mỗi ngày 1 lần được khuyến cáo là 15 mg. Liều hàng ngày cao hơn 30 mg, chia làm 2 lần dùng trong thời gian dài đã được sử dụng an toàn.

Liều lượng

Xác định liều glipizid phải dựa vào kết quả kiểm tra glucose trong máu và nước tiểu và phải tùy theo từng người bệnh để đạt được hiệu quả tối ưu. Người bệnh phải được giám sát chặt chẽ để xác định được liều tối thiểu glipizid có hiệu quả và để phát hiện thất bại tiên phát hay thứ phát của thuốc. Nếu liều lượng thích hợp không được thực hiện đúng, hạ glucose huyết có thể xảy ra.

Liều khởi đầu ở người bệnh chưa được điều trị

Liều khởi đầu ở người lớn là 5 mg mỗi ngày; ở người cao tuổi hoặc người có bệnh gan là 2,5 mg mỗi ngày. Liều khởi đầu phải thấp để đảm bảo an toàn cho người suy yếu, suy dinh dưỡng hoặc cao tuổi, hoặc chức năng thận, gan kém, vì nhiều khả năng có nguy cơ hạ glucose huyết. Liều lượng tiếp theo phải được điều chỉnh theo tính dung nạp thuốc và đáp ứng điều trị của người bệnh; liều lượng điều chỉnh thường tăng mỗi ngày 2,5 đến 5 mg cách từng đợt ít nhất vài ngày (thường 3 đến 7 ngày).

Liều duy trì

Một số trường hợp có thể được điều trị kết quả với chế độ uống thuốc 1 lần mỗi ngày, trong khi một số khác lại đáp ứng tốt hơn với chế độ điều trị chia làm nhiều lần. Tổng liều hàng ngày trên 15 mg thường phải chia làm nhiều lần.

Người bệnh đang dùng insulin

Như với các thuốc hạ glucose huyết loại sulfonylurê khác, nhiều người bị bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin ổn định đang điều trị insulin có thể chuyển an toàn sang điều trị bằng glipizid. Khi chuyển từ insulin sang glipizid, có thể theo hướng dẫn chung sau đây:

Ðối với người có nhu cầu insulin hàng ngày 20 đơn vị hoặc ít hơn, có thể ngừng insulin và bắt đầu điều trị glipizid với liều thông thường. Cần vài ngày để điều chỉnh liều glipizid.

Ðối với người có nhu cầu insulin hàng ngày lớn hơn 20 đơn vị, phải giảm 50% liều insulin và có thể bắt đầu điều trị glipizid với liều thông thường. Liều insulin giảm tiếp theo phụ thuộc vào đáp ứng của từng người bệnh. Cần vài ngày để điều chỉnh liều glipizid.

Trong thời gian giảm insulin, người bệnh phải thử nước tiểu tìm đường và ceton ít nhất 3 lần hàng ngày. Người bệnh phải được hướng dẫn tìm thầy thuốc ngay nếu thấy các kết quả xét nghiệm bất thường. Trong vài trường hợp, đặc biệt khi phải điều trị trên 40 đơn vị insulin hàng ngày, nên khuyên người bệnh vào điều trị nội trú trong thời gian chuyển thuốc.

Cũng như với các sulfonylurea khác, một số người bệnh điều trị đơn độc bằng glipizid không đạt được hiệu quả tốt, có thể phối hợp với biguanid. Trong trường hợp này, liều glipizid được giữ như trước, liều biguanid nên được bắt đầu thấp, rồi tăng dần tới mức đạt hoặc phục hồi hiệu quả.

Thận trọng

Chung

Hạ glucose huyết: Tất cả các sulfonylurê đều có thể gây hạ đường huyết trầm trọng. Vì vậy, chọn đúng người bệnh, tìm liều thích hợp và hướng dẫn sử dụng thuốc là các điều quan trọng để tránh hiện tượng hạ đường huyết. Suy gan hoặc thận có thể làm tăng nồng độ glipizid trong máu và suy gan có thể làm giảm khả năng tạo glycogen, cả 2 yếu tố này làm tăng nguy cơ gây hạ đường huyết trầm trọng. Người cao tuổi, người suy yếu hoặc suy dinh dưỡng, người suy tuyến thượng thận hoặc tuyến yên đều rất nhạy cảm với các thuốc gây hạ glucose huyết. Hạ glucose huyết rất khó nhận ra ở người cao tuổi, người đang dùng thuốc chẹn beta. Hạ glucose huyết cũng có nhiều khả năng xảy ra ở người được nuôi dưỡng không đủ calo, người lao động nặng và kéo dài, người uống rượu hoặc khi dùng nhiều thuốc gây hạ glucose huyết.

Mất kiểm soát glucose huyết

Khi người bệnh đã có lượng đường máu ổn định nhưng bị các stress như sốt, chấn thương, nhiễm khuẩn, phẫu thuật phải ngừng ngay glipizid và thay bằng insulin.

Hiệu quả điều trị của bất kì một thuốc uống hạ đường huyết nào kể cả glipizid làm giảm glucose huyết đến mức độ mong muốn, đều bị giảm sau một thời gian điều trị, có thể do bệnh nặng lên hoặc do giảm đáp ứng với thuốc. Hiện tượng này được gọi là thất bại điều trị thứ phát để phân biệt với thất bại điều trị tiên phát ở người bệnh mà thuốc không có tác dụng ngay từ đầu.

Tương tác với các thuốc khác

  • Tác nhân làm giảm tác dụng: Các thuốc chẹn bêta, cholestyramin, hydantoin, rifamicin, lợi tiểu thiazid, tác nhân kiềm hóa nước tiểu, than.
  • Tác nhân làm tăng tác dụng: Ðối kháng thụ thể H2, thuốc chống đông máu uống, androgen, fluconazol, salicylat, gemfibrozil, sulfonamid, các thuốc chống trầm cảm 3 vòng, probenecid, ức chế MAO, methyldopa, digitalis glycozid, các tác nhân acid hóa nước tiểu, thuốc chống viêm không steroid.
  • Tác nhân làm tăng độc tính: Cimetidin làm tăng tác dụng hạ đường huyết.
  • Alcol: Tác dụng như disulfiram gây đỏ bừng, đau đầu, buồn nôn, nôn, ra mồ hôi, nhịp tim nhanh.

Tác dụng phụ

Tiêu chảy, đầy hơi, cảm giác bồn chồn, hoa mắt, lắc không kiểm soát được một phần cơ thể, da đỏ hoặc ngứa, phát ban, nổi mề đay, rộp da, vàng da hoặc mắt, phân có màu nhạt, nước tiểu đậm màu, đau ở phần trên bên phải dạ dày, bầm tím hoặc chảy máu bất thường, sốt, viêm họng. Glipizide có thể gây ra các tác dụng phụ khác. Gọi cho bác sĩ nếu bạn có bất kỳ vấn đề bất thường nào khi dùng thuốc.

Dược động học/Dược lực

Dược động học

Glipizid hấp thu nhanh và hầu như hoàn toàn từ đường tiêu hóa. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được 1 - 3 giờ sau khi uống. Nửa đời thải trừ trong khoảng 2 - 4 giờ cả đường uống và tiêm tĩnh mạch. Cách chuyển hóa và thải trừ tương đương khi dùng đường uống và tiêm, chứng tỏ chuyển hóa lần đầu không đáng kể. Glipizid không tích lũy trong huyết tương khi dùng liều nhắc lại. Tổng lượng hấp thu và phân hủy của thuốc không bị ảnh hưởng khi uống cùng thức ăn, nhưng thức ăn sẽ làm hấp thu chậm lại khoảng 40 phút, vì vậy glipizid có hiệu quả hơn nếu uống trước bữa ăn 30 phút. Liên kết với protein - huyết tương cả đường uống và tiêm 1 giờ sau khi dùng thuốc là 98 - 99%. Thể tích phân bố là 11 lít sau khi tiêm tĩnh mạch. Glipizid chuyển hóa mạnh chủ yếu ở gan. Các chất chuyển hóa ban đầu là các chất hydroxyl hóa không hoạt tính và các chất liên hợp phân cực và thải trừ chủ yếu qua nước tiểu. Khoảng < 10% thải trừ qua nước tiểu dưới dạng không đổi.

Dược lực

Glipizid là sulfonylurê dùng đường uống, có tác dụng làm giảm glucose huyết tới mức bình thường ở người đái tháo đường không phụ thuộc insulin.

Cơ chế tác dụng của glipizid là kích thích tiết insulin từ tế bào beta của tuyến tụy, làm giảm lưu lượng glucose từ gan ra huyết thanh, thuốc làm tăng tác dụng của insulin ở tế bào đích ngoại biên.

Glipizid là thuốc chống đái tháo đường thế hệ thứ hai loại sulfonylurea. Cùng 1 trọng lượng, glipizid là một trong những thuốc chống đái tháo đường mạnh nhất, có nửa đời ngắn hơn so với các sulfonylurea khác nên giảm nguy cơ gây hạ đường huyết trầm trọng. Tính theo trọng lượng, glipizid là một trong các thuốc có tác dụng mạnh nhất của sulfonylurea. Thuốc giảm nồng độ glucose huyết ở người bị và không bị đái tháo đường, ví dụ: Liều một ngày glipizid 5mg tương đương với liều một ngày acetohexamid 500mg, clopropamid hoặc tolazamid 250mg, glyburid 2,5 - 5mg hoặc tolbutamid 500 - 1000mg.

Cũng như các sulfonylurea khác, glipizid đơn độc không có tác dụng, nếu không có tế bào beta hoạt động.

Quá liều và cách xử trí

Các triệu chứng của quá liều có thể bao gồm các triệu chứng hạ đường huyết và co giật, mất ý thức. Nếu nạn nhân hôn mê hoặc không thở được, cần gọi cấp cứu ngay lập tức.