Ferrous Sulfate (Sắt II sulfat) - Tác dụng thuốc và các thông tin khác đầy đủ nhất
Tra cứu thuốc chuẩn nhất

Ferrous Sulfate (Sắt II sulfat)

Thông tin cơ bản thuốc Ferrous Sulfate (Sắt II sulfat)

Điều kiện bảo quản

Giữ thuốc trong hộp kín, ngoài tầm với của trẻ em. Bảo quản ở nhiệt độ phòng, nơi khô ráo, tránh nguồn nhiệt và ánh sáng trực tiếp.

Chỉ định/Chống chỉ định

Chỉ định

Phòng và điều trị bệnh thiếu máu do thiếu sắt như: Sau cắt dạ dày, hội chứng suy dinh dưỡng và mang thai.

Chống chỉ định

  • Mẫn cảm với sắt (II) sulfat.
  • Cơ thể thừa sắt: Bệnh mô nhiễm sắt, nhiễm hemosiderin và thiếu máu tan máu.
  • Hẹp thực quản, túi cùng đường tiêu hóa.
  • Viên sắt sulfat không được chỉ định cho trẻ dưới 12 tuổi và người cao tuổi.

Liều dùng và cách dùng

Thuốc được hấp thu tốt hơn nếu uống lúc đói, nhưng thuốc có khả năng gây kích ứng niêm mạc dạ dày, nên thường uống thuốc trước khi ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 2 giờ. Uống thuốc với ít nhất nửa cốc nước. Không nhai viên thuốc khi uống.

Bắt đầu dùng liều tối thiểu và tăng khi đáp ứng với thuốc.

Liều sau đây tính theo sắt nguyên tố (đường uống):

Người lớn

Bổ sung chế độ ăn: Nam: 10 mg sắt nguyên tố/ ngày; nữ (19 - 51 tuổi): 15mg sắt nguyên tố/ ngày.

Ðiều trị: 2 - 3mg sắt nguyên tố/ kg/ ngày, chia làm 2 - 3 lần. Sau khi lượng hemoglobin trở lại bình thường, tiếp tục điều trị trong 3 - 6 tháng.

Trẻ em

Bổ sung chế độ ăn: Trẻ em dưới 12 tháng tuổi: 6mg sắt nguyên tố/ ngày; 1 - 10 tuổi: 10mg sắt nguyên tố/ ngày; 11 - 18 tuổi: 15mg sắt nguyên tố/ ngày (nữ); 12mg sắt nguyên tố/ ngày (nam).

Ðiều trị: Trẻ nhỏ: 10 - 25mg, chia làm 3 - 4 lần/ ngày; 6 tháng - 2 tuổi: Uống tới 6mg/ kg/ ngày, chia làm 3 - 4 lần; 2 - 12 tuổi: 3mg/ kg/ ngày, chia làm 3 - 4 lần.

Người cao tuổi: Giống liều của người lớn, trừ nữ > 51 tuổi: 10mg sắt nguyên tố/ ngày.

Người mang thai: Nhu cầu sắt gấp đôi bình thường, cần bổ sung chế độ ăn để đạt 30mg sắt nguyên tố/ ngày.

Ðiều trị: 60 - 100mg sắt nguyên tố/ ngày, kèm theo 0,4mg a-xít folic, chia làm 3 - 4 lần/ ngày.

Thận trọng

Trước khi dùng sắt sulfate, cho bác sĩ và dược sĩ biết nếu bạn bị dị ứng với sắt sulfate, bất kỳ loại thuốc nào, tartrazine (chất nhuộm màu vàng thuốc) hoặc bất kỳ tá dược nào trong của thuốc và các thuốc bạn đang dùng hoặc dự định dùng. Nói với bác sĩ nếu bạn có hoặc đã từng có viêm loét đại tràng hoặc các bệnh đường ruột. Trao đổi với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích của việc dùng thuốc này và liều lượng thích hợp nếu bạn từ 65 tuổi trở lên. Viên nén bao phim giải phóng chậm trong cơ thể, gây độc cho người cao tuổi hoặc người có chuyển vận ruột chậm. Không uống thuốc khi nằm.

Tương tác với các thuốc khác

Tránh dùng phối hợp sắt với ofloxacin, ciprofloxacin, norfloxacin.

Uống đồng thời với các thuốc kháng a-xít như canxi carbonat, natri carbonat và magiê trisilicat hoặc với nước chè có thể làm giảm sự hấp thu sắt.

Sắt có thể chelat hóa với các tetracyclin và làm giảm hấp thu của cả hai loại thuốc. Sắt có thể làm giảm hấp thu của penicilamin, carbidopa/levodopa, methyldopa, các quinolon, các hormon tuyến giáp và các muối kẽm.

Tác dụng phụ

Phân tối màu, răng ố, táo bón, kích ứng dạ dày. Cần gặp bác sĩ nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng.

Quá liều và cách xử trí

Nếu nạn nhân hôn mê hoặc không thở được, cần gọi cấp cứu ngay lập tức.

Khác

NẾU QUÊN UỐNG THUỐC
Bổ sung liều ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian giãn cách với liều tiếp theo quá ngắn thì bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc. Không dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã bị bỏ lỡ.

CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG
Ăn nhiều cá, thịt (đặc biệt là gan), ngũ cốc và bánh mì để bổ sung chất sắt.